You are here

Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam (Bài 1: Tổng quan)

Ảnh của nguyenvubinh

     Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam là quá trình vận động của nhân dân nhằm chuyển hóa đất nước từ chế độ độc tài toàn trị cộng sản sang chế độ dân chủ tự do, ở đó người dân được tự do, hạnh phúc, đất nước có dân chủ. Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam có hai giai đoạn, giai đoạn đấu tranh dân chủ, nhằm xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị cộng sản và giai đoạn xây dựng thể chế dân chủ cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang ở cuối giai đoạn thứ nhất, chế độ độc tài toàn trị cộng sản sắp tiêu vong.

     Công cuộc (giai đoạn) đấu tranh dân chủ nhằm xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam có thể xảy ra theo hai xu hướng. Xu hướng nhân dân đứng dậy lật đổ chế độ độc tài và xu hướng tự sụp đổ của chế độ. Muốn lật đổ được chế độ độc tài toàn trị thì cần có một hay nhiều tổ chức chính trị, đảng phái được tổ chức chặt chẽ, được nhân dân tham gia và ủng hộ đông đảo. Ví dụ, đảng cộng sản Việt Nam thành lập từ năm 1930, sau 15 năm gây dựng, có khoảng 5000 đảng viên, được dân chúng ủng hộ. Nhưng cũng phải chờ đến khi Nhật đảo chính Pháp, xuất hiện khoảng trống quyền lực, mới sử dụng thủ đoạn để lừa người dân, cướp chính quyền. Hiện nay Việt Nam chưa có đảng phái nào chính thức hoạt động (ngoài đảng cộng sản), các tổ chức xã hội dân sự với số lượng người tham gia ít ỏi, tổ chức lỏng lẻo và hầu như chưa có quần chúng ủng hộ. Đồng thời, nhà cầm quyền Việt Nam lại có lực lượng trấn áp đồ sộ, với khoảng 10 triệu công an và bộ đội, ngoài ra còn khoảng 15 triệu người thuộc bộ máy đảng, nhà nước và các tổ chức ngoại vi của đảng...chính vì vậy, xu hướng lật đổ chế độ không thể xảy ra. Những người nói tới việc lật đổ chế độ, cũng như những tội danh lật đổ, hay âm mưu lật đổ chế độ mà nhà cầm quyền vu khống, gán ghép cho một số người chỉ là trò cười cho thiên hạ. Một trong những lý do quan trọng mà rất nhiều người bi quan về phong trào dân chủ Việt Nam, về khả năng thay đổi chế độ trong tương lai gần, là họ không nhìn thấy một lực lượng nào khả dĩ có thể vận động nhân dân lật đổ chế độ. Đối với những người này, việc chế độ sụp đổ hầu như mặc định phải có một tổ chức, một lực lượng đủ mạnh để vận động dân chúng lật đổ chế độ. Họ không biết rằng, tuyệt đại đa số các chế độ cộng sản đều là tự sụp đổ.

     Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ của các chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng chính là nguyên nhân về kinh tế, là sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ. Các chế độ cộng sản được xây dựng bằng một cơ chế khép kín để triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân, thiết lập sự thống trị cho đảng cộng sản. Với các chính sách nhằm gieo rắc sự sợ hãi, tạo lập sự lệ thuộc của người dân vào nhà nước và kiểm soát tư tưởng của người dân (xin mời tham khảo bài viết “Phác họa lại chân dung một chế độ” http://www.rfavietnam.com/node/2753), các chế độ cộng sản đã thành công trong việc thống trị và triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân. Tuy nhiên, để xây dựng được một cơ chế như vậy, các chế độ cộng sản đã không thể tạo ra được một nền kinh tế đúng nghĩa sản xuất ra của cải vật chất. Trong khi guồng máy của chế độ cộng sản hoạt động lại đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ để duy trì nó. Chính vì vậy, các chế độ cộng sản phần lớn đều tự sụp đổ dưới sức nặng của chính nó. Xem xét trường hợp của Việt Nam, nền kinh tế hiện nay phá sản toàn diện và triệt để trên tất cả các phương diện. Giá trị sản phẩm của cả nền kinh tế không đủ để nuôi được bộ máy và người dân trong thời điểm hiện tại, làm không đủ ăn, nhưng lại phải gánh một khoản nợ gấp đôi GDP mà hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Mới đây nhất, chúng ta vừa được nghe, báo cáo của Thủ tướng về việc trả nợ 12 tỷ $ và vay thêm 20 tỷ $ chi tiêu và trả nợ trong năm tài chính 2016. Như vậy, sự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam là tất yếu do cạn kiệt nguồn lực, vấn đề còn lại là thời điểm và cách thức sự sụp đổ xảy ra.

     Phong trào dân chủ Việt Nam, chủ thể vận động nhân dân giai đoạn đấu tranh dân chủ đã có lịch sử phát triển bền bỉ và kiên cường trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, dưới chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Từ những người đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí (nhóm Nhân Văn Giai Phẩm), tới những người, những nhóm lập hội, lập đảng thập kỷ 60 thế kỷ trước...tới những cán bộ cao và trung cấp muốn đi theo con đường xét lại của Liên Xô...đó là giai đoạn sơ khởi đầy cay đắng và nhọc nhằn. Giai đoạn sau năm 1975, khi Việt Nam Cộng Hòa đã bị Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm thành công, một thời kỳ đấu tranh bạo động nhằm phục dựng lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa, tuy không thành công nhưng để lại tinh thần và khí phách cho các thế hệ dấn thân tiếp theo. Các giai đoạn tiếp theo của phong trào dân chủ đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cho người dân Việt Nam trong những năm gần đây (mời tham khảo bài viết “Phong trào dân chủ Việt Nam qua các thời kỳ” http://www.rfavietnam.com/node/2868).

     Bắt đầu từ cuối năm 2007, với vai trò dẫn dắt, phong trào dân chủ Việt Nam đã động viên người dân tham gia vào việc xuống đường, biểu tình chống Trung Quốc, khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân. Phong trào yêu nước sau một thời gian hoạt động, trực diện đối đầu với sự đàn áp, trấn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đã dần dần hòa nhập cùng phong trào dân chủ. Cũng từ năm 2007 tới nay, đã xuất hiện nhiều hoạt động của người dân, hướng về người dân, các hoạt động xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự ra đời hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả. Như vậy, phong trào dân chủ Việt Nam từ chỗ đơn lẻ, rời rạc và âm thầm qua quá trình bền bỉ, kiên cường đã hoàn thành nhiệm vụ nhóm lửa để nhân dân thức tỉnh và đứng lên đấu tranh cho quyền tự do, quyền con người của mình. Ngày nay, cùng với mạng xã hội, hệ thống Internet, người dân ngày càng hiểu rõ bản chất của chế độ cộng sản, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những người đấu tranh dân chủ, cất lên tiếng nói và yêu cầu chính đáng về quyền con người của mình. Quá trình này đang ngày càng phát triển và không thể đảo ngược./.

Hà Nội, ngày 08/6/2016

N.V.B