You are here

Tôi từ chối làm việc! - Phần IV

Ảnh của nguyenhuuvinh

– Tôi từ chối làm việc! – Phần I

– Tôi từ chối làm việc! – Phần II

– Tôi từ chối làm việc! – Phần III

 

Đã quá giờ trưa, cậu cảnh sát nói:

– Giờ để em gọi cơm về đây anh em cùng ăn nhé.

Tôi nói ngay:

– Tôi không có nhu cầu ăn cơm của công an. Thôi, muộn rồi tôi về, khi nào cần gì, chú cứ đưa giấy mời, nếu bố trí được thời gian, tôi lên làm việc với chú sau.

– Không được anh ạ. Nếu anh đồng ý làm việc thì xong từ lâu, nhưng anh không làm việc.

– Tôi đã nói rõ từ đầu, là tôi không làm việc gì hết. Mà có làm việc, thì chẳng có luật pháp nào bắt tôi phải làm việc qua buổi trưa. Còn nếu chú cứ ép tôi làm việc, thì tôi sử dụng quyền im lặng của tôi hoặc tôi sẽ mời luật sư.

Khi tôi nhất định về, cậu cảnh sát và mấy cậu an ninh đứng chắn ngang cửa. Tôi nói rõ:

– Tôi phản đối cách làm việc của các chú. Giờ thì kể cả chú chặt chân tôi ngay, hay đánh chết tôi tại chỗ, tôi vẫn về.

– Thôi, anh chờ em chút.Nói rồi, chú cảnh sát mặc cảnh phục ra ngoài.

Tôi lại ngồi xuống ghế, bên cạnh là một chú an ninh vẫn ngồi từ đầu đến giờ, khổ thân chú là vẫn chưa được ăn uống gì. Một lúc sau chú cảnh sát mặc cảnh phục quay lại. Bỗng nhiên, anh đội phó an ninh lại vào:

– Anh Vinh đi từ hôm qua à?

– Anh hỏi làm gì? Sao không hỏi luôn là tôi ngủ với vợ khi nào? Tôi đi khi nào thì có tội gì không? Hay lại muốn đi đâu, muốn ngủ với vợ phải xin phép cơ quan chức năng? Tôi ở nhà, chẳng  việc gì phải đi đâu hết.

– Tối qua anh không có ở nhà. Cảnh sát khu vực vào nhà anh không có anh ở nhà.

– Tôi chẳng quan tâm có thằng nào vào khi nào. Nhưng tôi nói thật, các anh cứ chơi trò cho mấy cháu an ninh vây xung quanh nhà tôi, theo dõi, đi theo, dọa nạt tôi là các anh đang vi phạm pháp luật đấy.

Ngoài chuyện phá hoại tiền của của nhân dân, thì các anh đang làm khổ mấy cháu này, đứng ngoài đó không chỉ muỗi cắn, hít bụi mà còn bị dân họ chửi cho như chửi chó vì đái thối ngõ nhà họ. Anh có biết họ nói với CA Phường như thế nào không: “Ông Vinh có tội gì? Buôn gian bán lậu à? Ông ấy ở nhà sao không vào mà bắt lại rình như chó rình bụi gai thế”. Anh thấy có tác dụng gì không? Ngoài việc chỉ làm người dân thêm ghét vì đã rình rập là thể hiện sự bất chính và bất minh. Đất nước này bại hoại, yếu kém, nhu nhược đi là vì chính những cách làm này đấy.

Còn tôi, đã làm việc gì, là công khai, minh bạch vì tôi biết việc mình làm không vi phạm luật pháp và đúng với lương tâm, thanh thản nên chẳng có gì phải giấu giếm.

Chỉ có các anh, là thi hành pháp luật tùy tiện và bất minh thôi, thích thì tội bằng trời cũng bỏ qua, không thích thì không có tội cũng vào tù.

Cậu cảnh sát mặc trang phục vẻ ngạc nhiên:

– Sao anh nói thế, làm gì có tội lại bỏ qua?

– Thì chính Công an Quận Hoàng Mai này chứ đâu xa. Tôi bị người khác tổ chức xông vào nhà chém, công an đến thu dao, lập biên bản hẳn hoi, tôi yêu cầu khởi tố vụ án “Xâm phạm chỗ ở trái phép và tổ chức giết người”. Nhưng Công an Quận Hoàng Mai vẫn “Quyết định không khởi tố vụ án” đấy thôi.

– Chắc vì họ không xác định được thủ phạm thôi chứ ai lại thế.

– Chú hỏi lại Công an Quận này đi, thằng Mai Xuân Toàn, mà bố nó nuôi đám an ninh rình rập nhà tôi bao năm đấy. Chính nó tổ chức chứ ai. Công an lập biên bản và giữ dao, mũ… nhưng coi như không. Đó là sự chà đạp luật pháp. Đây, mấy chú an ninh này thừa biết vì sao. Hàng ngày rình rập nhà tôi, tôi lạ gì.

– Đấy, thì biết các em nó vất vả thế thì đến hôm mời các em vào nhà kẻo đứng ngoài như vậy cũng khổ.

– À, tớ mời ngay, nhưng vấn đề là các chú có dám vào nhà tôi hay không? Nhiệm vụ của các chú ấy là rình mò và chịu dân chửi thôi.

Cậu cảnh sát quay lại:

– Nếu anh không làm việc, thì có lẽ chúng ta lập cái biên bản về việc không làm việc anh nhé.

– Tại sao lại có chuyện buồn cười thế? Không làm việc cũng có tội hay vi phạm hay sao mà lại phải lập biên bản? Lẽ ra, tôi yêu cầu lập biên bản về việc bắt giữ người trái pháp luật của công an hôm nay. Để sau đó, tôi sẽ có đơn tố cáo và khiếu nại về việc làm phi pháp này của công an. Nhưng, tôi không lập thì thôi chứ các chú lập cái gì với tôi?

– Thì anh cứ trình bày những ý  kiến của anh về việc hôm nay, anh muốn kiến nghị hay khiếu nại điều gì thì em sẽ ghi vào đây.

– Không, tôi không cần. Khi nào tôi cảm thấy cần thiết khiếu nại, tôi sẽ làm chứ không phải làm ở đây.

Một lúc sau, điện thoại của cậu cảnh sát reo, cậu trả lời trong máy: “Nhưng anh Vinh anh ấy nhất định không làm việc thì làm sao lập biên bản được”. Thế rồi chú đi ra, một lúc sau quay lại:

– Thôi, anh không làm việc, thì em làm việc một mình vậy.

Chú ấy lấy bút và định ghi chép điều gì đó vào “Biên bản ghi lời khai”. Lập tức tôi đứng dậy:

– Nếu chú làm việc một mình, thì tôi về ngay lập tức để chú làm việc. Tôi không lạ gì kiểu công an ép người khác không được thì cứ ghi biên bản xong gọi người làm chứng đểu. Tôi rõ cách đó lắm và tôi sẽ ra khỏi đây cho chú muốn viết gì thì viết.

– Thế thì thôi vậy, ta cứ ngồi nói chuyện, mà em cũng chán làm việc với anh rồi.

Tôi nói:

– Chú cứ bảo với lãnh đạo, là có chết thì tôi cũng không làm việc gì hôm nay, chỉ đến khi nào cơ quan công an chứng minh được việc bắt giữ tôi hôm nay là đúng luật pháp thì khi đó mới nói chuyện. Còn bây giờ, chú nói với ông Thái, là chú phải để tôi về.

– Thôi anh chờ chút nữa, mấy phút nữa thôi.

Nhưng, cái mấy phút ấy là cho đến tận hơn 18h trong đồn Công an Quận Hoàng Mai.

Cái điện thoại của tôi hết pin, tôi mượn một chú an ninh cái sạc pin cho điện thoại, điều tôi không chú ý là mỗi lần có điện thoại, tôi nghe xong quay mặt điện thoại vào tường, thì chú ấy lại lật cái mặt ra ngoài. Sau hai lần như vậy, tôi hiểu rằng chú sợ tôi ghi hình.

Chợt nhớ lại khi vào đây, chú cảnh sát mặc cảnh phục nói:

– Đề nghị anh không ghi âm buổi hôm nay.

– Tôi hôm nay không ghi âm, mà thường làm việc với công an, tôi ít khi ghi âm. Đặc biệt hôm nay, tôi không ghi gì hết.

Thế nhưng đang ngồi, một chú an ninh mà tôi khá quen mặt cầm điện thoại vào quay phim tôi. Tôi lên tiếng:

– Tôi yêu cầu chú bỏ ngay điện thoại xuống, vấn đề là không phải tôi ngại hình ảnh. Hình ảnh tôi thì công an Hà Nội và Bộ CA cũng như CA Quận này không thiếu gì. Nhưng tôi không thích cách làm này và tôi không đồng ý chú quay phim tôi.

Anh ta vẫn cứ tiếp tục quay phim. Tôi nói:

– Tôi đã yêu cầu, mà chú không nghe, nghĩa là chú thích quay phim thì chúng ta cùng quay.

Ngay lập tức tôi đưa điện thoại lên quay phim. Chú cảnh sát mặc quân phục nói:

– Thôi, anh đừng quay nữa.

Tôi nói ngay:

– Về nguyên tắc luật pháp, tôi có quyền quay phim buổi hôm nay ở đây. Lý do là vì chú đang mặc quần cáo cảnh sát, tôi là công dân có quyền giám sát chú và chẳng có luật lệ nào cấm tôi quay phim chú khi chú làm việc. Quốc hội cũng vừa bàn đến việc là ngay cả tội phạm khi hỏi cung vẫn phải có máy ghi hình mới phù hợp luật pháp, nhằm chống bức cung, nhục hình. Nhưng, chú kia quay tôi là không được, chú ấy là ai tôi không cần biết, tôi chỉ biết hiện nay, chú là công dân bình thường như tôi. Chú ấy quay, sao tôi lại không?

Cậu cảnh sát mặc cảnh phục đàng bảo cậu kia bỏ máy xuống.

Thế rồi lại những câu chuyện trên trời dưới biển cho hết buổi chiều. Một chú an ninh vào ngồi bên cạnh:

– Chào anh Vinh, biết nhau cũng lâu rồi nhỉ, phải đến 5 năm rồi.

Đây là một trong những chú thuộc đội rình mò, mà dân chỗ tôi cứ mỗi lần thấy các chú này có mặt, lại gọi điện hỏi: “Hôm nay có chuyện gì mà cú cáo về đây nhiều thế”. Tôi đáp:

– Lâu rồi chứ, 7 năm.

– Vâng, từ 2009 đến giờ là 7 năm. Anh không sinh hoạt tôn giáo ở Làng Tám à? Anh hay đi lễ ở Thái Hà.

– Chú có vẻ nắm chắc đối tượng nhỉ. Đi lễ thì chỗ nào mà chẳng được, miễn có lễ là đi.

Một chú an ninh khác nghe nói đến tôn giáo, hỏi tôi:

– Anh có xem bộ phim Tiếng chim hót trong bụi mận gai không?

Tôi vẫn thường được các bạn ngoài công giáo những người bị nhiễm độc tuyên truyền cộng sản về Công giáo theo cách hiểu qua những tác phẩm như Bão Biển, Giáp Mặt (Chu Văn), Cuộc đời bên ngoài (Vũ Huy Anh), Xung đột, Cha và Con và (Nguyễn Khải), Mặt trời quê hương (Xuân Sách), Phim Ngày lễ Thánh (Đạo diễn Bạch Diệp)… hỏi chuyện theo cách nghĩ của họ không mấy thân thiện với công giáo. Và tôi cũng đã mất khá nhiều thời gian để giải thích cho họ về vấn đề này. Tôi trả lời:

– Mình xem rồi, cả phim và tiểu thuyết.

– Anh thấy câu chuyện đó thế nào?

– Đó là một câu chuyện rất hay, rất nhân văn, có hậu của nữ nhà văn Colleen McCullough ở Úc.

– Em tưởng ở Anh chứ.

– Không, đó là một nữ nhà văn mà khi viết cuốn tiểu thuyết đó bà ấy là một nữ y tá trong bệnh viện thôi. Nhiều người không hiểu hết ý nghĩa của tác phẩm này, họ chỉ nhăm nhăm vào chi tiết một ông cha Ralph lại có mối tình với cô gái Meggie mà khi ông đến vùng đó, thì cô bé này mới 5 tuổi. Cô bé được ông chăm sóc rồi yêu thương và lớn lên thì tình cảm nảy nở. Nhưng, dù yêu cô bé, thì ông vẫn xác định: “Ta yêu em, nhưng ta còn yêu Chúa của ta hơn“. Cô ấy lấy chồng để quên mối tình này và có một đứa con gái. Trong một lần gặp lại tình cảm nảy sinh thì hai người có một người con và cô ấy đặt tên là Đane nhưng ông ta không biết.

Khi lớn lên, cậu bé này lại rất đạo đức và đi tu trở thành một linh mục. Cho đến khi đó cô ta nói rằng: “Ta đã cướp mất của Chúa cha Ralph, thì ta phải trả lại cha Dane cho Chúa”. Câu chuyện rất hiện thực và lãng mạn. Chỉ có điều một số người không chú ý đến toàn bộ tác phẩm mà chỉ chú ý những chi tiết cá nhân để khai thác. Có lẽ cũng vì thế, mà thường cứ đến mùa Chay, mùa Thương khó, thì Đài THVN lại khai thác bộ phim này.

Còn chuyện đời sống cá nhân, tôi đang nhớ năm 1986, khi Lê Duẩn chết, con út ông ta mang khăn tang mới có mấy tuổi. Đơn giản thế thôi, chẳng ai là Thánh khi đang sống cả.

Những câu chuyện như Tiếng chim hót trong bụi mận gai hoặc Ruồi Trâu… là những tác phẩm văn học hay của thế giới cần đọc và hiểu. Giáo hội Công giáo chấp nhận những tác phẩm như vậy để canh tân, sửa mình. Có điều, nó không như mấy cuốn tiểu thuyết của Cộng sản về tôn giáo, mục đích chỉ vu cáo, thóa mạ và chỉ là rác rưởi sẽ biến mất theo thời gian.

Những câu chuyện vô bổ ấy cứ kéo dài thời gian của tôi tại đồn Công an Quận.

Đến chiều, cô bạn biểu tình gọi điện: “Anh ơi, em gửi đồ ăn cho anh mà họ không cho đưa vào”. Tôi bảo cậu an ninh ngồi bên cạnh:

– Cháu ra lấy đồ ăn vào cho chú.

Cậu ấy ra mang vào cho tôi mấy cái bánh và giò. Tôi chia một nửa cho anh bạn đi cùng đang ở phòng bên.

Ăn xong, tôi đi rửa tay, cậu an ninh vẫn đi kèm đứng bên ngoài nhà vệ sinh. Khi trở lại, gặp cậu cảnh sát sắc phục, tôi nói luôn:

– Tôi về đây, giờ thì không lý do gì để tôi phải ở lại đây nữa.

Cậu cảnh sát mang sắc phục khẩn khoản:

– Anh ơi sắp xong rồi, anh “chờ mấy phút” nữa, đã có đề xuất, sếp ký xong là xong.

Tôi thấy hơi kỳ lạ và cũng khá tội nghiệp những sỹ quan dưới quyền của những ông lãnh đạo mà chừng đó thời gian qua cũng không xác định được cái gì đúng, cái gì sai để xử lý theo pháp luật.

Tôi đoan chắc rằng, họ chỉ muốn tìm cách ghép tôi vào một tội trạng nào đó, chẳng hạn như: gây rối trật tự công cộng. Thế nhưng, có mọc thêm hai cái đầu, họ cũng không thể có bất cứ một bằng chứng nào để có thể ghép tôi vào một tội nào hết.

Ngược lại, tôi có đủ bằng chứng để chứng minh rằng cơ quan pháp luật đã vi phạm pháp luật trắng trợn đối với tôi hôm đó.

Đang đứng, tôi chợt thấy một cô gái từ phòng cuối cùng chạy ra và hét thất thanh như có người sắp chết, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch nhốn nháo. Tôi định ghé lại xem chuyện gì, thì một người bảo:

– Thôi mấy thằng hình sự đấy mà. Kệ nó.

Rồi họ đưa tôi trở lại phòng.

Tôi im lặng suy nghĩ. Vậy là ngay trong những ngày này, khi mà đài báo,quốc hội ra rả về chuyện án oan, bức cung, nhục hình… thường xuyên xảy ra, thì vẫn rất có thể lại có nguồn gốc từ những tiếng hét thất thanh đó trong đồn công an.

Tận hơn 18 giờ, cậu cảnh sát mặc sắc phục sau khi đi hội ý gì đó về bảo tôi:

– Thôi anh ơi, anh về đi.

– Tôi nói thật với các chú, việc bắt bớ những người biểu tình vì môi trường hôm nay, hoàn toàn phản tác dụng. Dân biết rõ bộ mặt đảng, nhà nước và thủ phạm là ai, dân họ cũng có óc cả đấy chứ họ không ngu như đảng nghĩ đâu.

Và tôi đứng dậy.

Tôi chán nản với “Nhà nước pháp quyền XHCN” qua những cách làm này.

Họ đang nợ tôi, ít nhất là một lời xin lỗi qua những việc làm phi pháp của họ hôm nay.

Bước ra cửa, thấy Trưởng Công an Phường đã đứng đó:

– Mời anh lên xe ta về.

Khá ngạc nhiên tôi bảo:

– Thôi, chú về trước đi, anh chờ cậu kia bị bắt vào cùng về luôn, để nó đây một mình nhỡ nó chết.

Cậu cảnh sát mặc trang phục giục tôi:

– Không, anh cứ về đi, thì đã đề xuất về là về cả đấy mà anh, anh cứ về đi.

– Không, chú về trước, anh ra đây có bà con, bạn bè chờ anh ngoài đó rồi về luôn.

– Thôi anh ơi, em được lệnh sếp là đưa anh về tận nhà. Anh cứ về đi rồi muốn ra thì ra sau cũng được. Giờ ta về đã.

Tôi lên xe, về phường rồi Trưởng Công an Phường chở tôi về nhà.

Có lẽ tôi được sự ưu ái nào đó chăng? Khi về, sạc cái điện thoại lại, tôi mới biết còn vài người mới ra khỏi đồn Long Biên, Hà Đông và Thanh trì và người ta vẫn tập trung đòi người ở đó.

Một ngày qua đi, với nhiều tình tiết và trải nghiệm, nó cho tôi thêm một lần hiểu hơn về những gì người Cộng sản nói, và những gì người Cộng sản làm.

Đó là hai thứ: Nước và Lửa.

Hà Nội, Ngày 12/5/2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh