You are here

Lấy ý kiến cử tri người tự ứng cử: Màn kịch vụng vẫn diễn lại

Ảnh của nguyenhuuvinh

Cách đây 5 năm, tôi đã đi dự một cuộc họp "lấy ý kiến cử tri" đối với người tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam. Qua đó, tôi đã chứng kiến những màn kịch vụng về, thô bạo, sượng sùng và bất chấp luật pháp ra sao.  

Canh gác trước hội nghị "Lấy ý kiến cử tri" ứng cử viên tự do 2011. Ảnh: J.B Nguyễn Hữu Vinh Ở đó, người ta lấy ý kiến của những "cử tri nơi sinh sống" nhưng từ nơi khác đến và chưa bao giờ biết mặt người tự ứng cử là ai, những người quen biết, thân thuộc gần gũi với người tự ứng cử, hẳn nhiên bị loại ra khỏi phòng họp bằng công an, dân phòng và thậm chí cả... côn đồ.

Cử tri, dù chưa biết người tự ứng cử là ai, nhưng vào đấu tố  thì rất rành rẽ rằng thì là không hòa mình với quần chúng, không quét ngõ, không chào hỏi bà con làng xóm... thậm chí là còn không gương mẫu trong cuộc sống gia đình.

Dù phê phán người tự ứng cử đủ mọi tội, nhưng khi được hỏi có gặp người đó bao giờ chưa, thì câu trả lời là "chưa gặp".

Và kết quả cuối cùng, là bỏ phiếu tín nhiệm bằng giơ tay, nếu tất cả mọi người tham dự đều là người lạ với ứng cử viên. Còn nếu là người quen với ứng cử viên, thì bỏ phiểu giấy rồi kiểm phiếu kín bởi những người do ban tổ chức lựa chọn.

Kết quả là ứng cử viên tự do không được "đảng cử" sẽ không được tín nhiệm ngay tại khu dân cư của mình.

Đơn giản thế thôi, nhưng rất "đúng quy trình".

Thực chất của những cuộc họp "lấy tín nhiệm của cử tri" nơi  sinh sống cách này, là tái diễn những cuộc đấu tố có lịch sử lâu đời từ những ngày đảng đang non nớt phát động cuộc Cải cách ruộng đất. Ở đó, đảng đã làm được những điều phi thường: Dạy con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, con gái vu cáo cha đẻ hãm hiếp... tất cả chỉ để lên án chế độ địa chủ bóc lột và đưa xã hội vào cuộc cướp và giết tập thể.

Hậu quả của những cuộc đấu tố đó là sau hơn 60 năm, xã hội vẫn bị đảo điên bởi nền văn hiến ngàn năm bị phá hoại đến tận gốc không vực dậy được. Một xã hội mà mối quan hệ truyền thống, nền văn hóa quý báu được đúc kết xây dựng từ ngàn năm, đã nhanh chóng bị phá bỏ để thay vào đó những thói ích kỷ, vô cảm và tôn thờ vật chất, bạo lực... đã dẫn đất nước đến điểm sâu nhất của hình sin phát triển.

Kết quả của những "lấy tín nhiệm của cử tri" nơi sinh sống để loại bỏ những ứng cử viên không được đảng cử bằng những việc đấu tố, nhằm chọn những con người  "Có tài, có đức vào Quốc hội" như khẩu hiệu đảng nhan nhản khắp nơi trên đất nước này là đã  chọn được những "ông nghị" mà người dân không biết họ vào quốc hội để làm gì?

Có những cô gái vào Quốc hội để coi "Quốc hội là trường học lớn" - nghĩa là cô ta vào đó để học chứ không phải thực hiện nhiệm vụ của người cử tri giao phó. Có những người vào Quốc hội để ngủ gật. Có những nhà sư vào Quốc hội để kêu gọi "xây dựng quân đội ta như quân đội Bắc Hàn", một quân đội chuyên đe dọa vũ lực khi thiếu viện trợ. Hoặc nhà sư quốc hội này còn bao che cho việc để người dân phải chịu những bản án oan khuất bằng ví dụ về "nhà Phật chúng tôi" cũng thế. Có những đại biểu Quốc hội phát biểu mà không hiểu  mình phát biểu điều gì  như ông "Nghị rau muống".

Thậm chí, có những người vào làm đại biểu quốc hội để chửi nhau

Điển hình, là Nguyễn Sinh Hùng, người đã từng làm Phó Thủ tướng đã xúi dại dân khi chứng khoán đang bên bờ vực như sau: "nếu là nhà đầu tư, tôi sẽ mua cổ phiếu ở thời điểm này”  và kết quả là các nhà đầu tư âm thầm chịu đau đớn, còn ông ta thì dông thẳng sang làm Chủ tịch Quốc hội.

Còn đất nước thì vẫn cứ tan hoang, giặc chiếm Biển Đông thì vẫn coi là bạn vàng, và lãnh thổ dưới chây giày đinh của giặc thì Quốc hội vẫn không mở miệng, vẫn là "lãnh thổ được toàn vẹn".

Đó là kết quả của những ứng cử viên "đảng cử dân bầu" hoặc quân xanh, quân đỏ trong vở kịch bầu cử trên đất nước "Dân chủ đến thế là cùng".

Nghiến răng, trừng mắt, cau mày... cực chưa [1]

Tưởng rằng, mọi câu chuyện đấu tố xa xưa của thế kỷ trước chỉ lặp lại một lần nữa ở các kỳ bầu cử trước đây. Nào ngờ khi nhân loại vào thế kỷ thứ 21 đã hơn chục năm nay, nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục giở lại mà hài kịch hơn mấy thế kỷ trước.

Gần đây, nhiều người dân ý thức được "Quyền" của mình được ghi rõ ràng trong Hiến pháp, được quy định trong luật lệ... đã cùng nhau tự ứng cử vào Quốc hội. Hiện tượng này cũng không lạ, đã từng có nhiều cuộc bầu cử, có những người tự ứng cử vào Quốc hội. Duy có điều những người "tự ứng cử" đó nếu không là quân xanh, không được  đảng yêu mến thì cầm chắc là "chạy mất dép" sau khi An ninh cứ theo từng bước chân, sục tìm mọi thân nhân, ngõ ngách cá nhân và gia đình.

Lần này, hàng chục người tự ứng cử, mà họ ứng cử với tinh thần và nhận thức rõ rệt. Trước hết, đó là họ khẳng định quyền của mình được tự ứng cử và bầu cử công bằng,  minh bạch. Thứ đến, họ muốn dần dần biến quyền "hão" chỉ có trên giấy tờ, văn bản nhà nước thành các quyền thực trên thực tế.

Tuy nhiên, điều đó quả là không dễ dàng.

Không dễ dàng, khi cả bộ máy Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất - ngồi soạn thảo ra cái luật nào, thì cũng chỉ nhăm nhăm mục đích trước mắt là bảo vệ vị trí độc tài, độc tôn của "cơ quan quyền lực cao hơn" là Đảng cộng sản, còn người dân, những "con cừu' chỉ biết lao động nặng nhọc nộp tô thuế nuôi cả bộ máy đồ sộ ấy, chẳng là gì đáng lưu tâm.

Sau khi hàng loạt người đăng ký tự ứng cử vào Quốc hội, dàn báo chí nhà nước bắt đầu vào cuộc tấn công, tờ Petrotimes dẫn đầu việc đánh phá các ứng cử viên tự do bằng loạt bài bới móc đời tư và nhiều cú "đánh dưới thắt lưng".

Nhưng, chừng như thấy trò đánh dưới thắt lưng với những người sử dụng quyền minh nhiên được công nhận là một trò lố bịch và tiểu nhân, hệ thống tuyên truyền bẩn đã tắc nghẹn và chờ thời.

Thế rồi những cuộc đấu tố đã diễn ra "đúng quy trình" và kịch bản.

Vẫn là trò sắp xếp vị trí đấu tố người tự ứng cử, vẫn là trò công an, an inh quây kín vòng trong, vòng ngoài ngăn chặn tất cả những ai có ý định ủng hộ ứng cử viên. Thậm chí, kỳ này mức độ kịch liệt còn cao hơn cả cách đây 5, 10 năm về trước. Ở một cuộc "lấy ý kiến cử tri" với Hoàng Dùng - Một người tự ứng cử ở Sài Gòn - những người ủng hộ còn được lực lượng ngầm tặng cho hàng bịch mắm tôm, những vật dơ bẩn vào người khi đến tham dự.

Những điều đó, chỉ chứng minh một điều mà Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng CSSVN đã nói về đất nước này: "Dân chủ đến thế là cùng".

 Ở những cuộc "lấy ý kiến cử tri" mà nhà nước đang diễn với các ứng cử viên tự do, nhất là những người không được đảng cử, không nằm trong diện quân xanh, quân đỏ trong ván cờ bầu cử, người ta nhận thấy nhà cầm quyền CSVN đang tổ chức một phường chèo.

Ở đó các nhân vật đóng vai lệch để lên án vai chín khá nhiều, họ thuộc kịch bản nhưng diễn thì không chuẩn, nên có nhiều chuyện cười ra nước mắt mà chúng tôi sẽ kể hầu quý vị độc giả sau.

Tuy nhiên, những vai chèo và đạo diễn dù được nuôi nấng và chuẩn bị cẩn thận, vẫn không thể chuyên nghiệp.

Do vậy, đó không chỉ là một phường chèo, mà còn là một sân khấu hài.

Và rất nhiều những người tự ứng cử đã bất đắc dĩ phải tẩy chay những vở kịch đó.

Bởi quyền dân sự, quyền chính trị của họ đã bị ngang nhiên cưỡng hiếp bất chấp luật pháp bằng những trò hề.

Hà Nội, ngày 11/4/2016

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

[1] Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính

Đọc thêm: Không chỉ là phường chèo, mà còn là sân khấu hài