You are here

HỘI NGHỊ CỬ TRI VÀ NHỮNG THỦ ĐOẠN GÂY BẤT LỢI CHO ỨNG CỬ VIÊN ĐỘC LẬP

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 của Hà Nội đã thông qua danh sách 87 ứng cử viên, trong đó có 48 người tự ứng cử. Trong số những người tự ứng cử có khoảng hơn 10 ứng cử viên độc lập. Vì khái niệm ứng cử viên độc lập chỉ là tương đối nên không thể đưa ra con số cụ thể. Con số tự ứng cử ở Sài Gòn cũng bằng Hà Nội nhưng số ứng cử viên độc lập ít hơn.

Hiện nay có một số ứng cử viên độc lập đã đưa ra Hội nghị cử tri để lấy ý kiến. Qua các Hội nghị cử tri này cho thấy Ban tổ chức đã dùng những thủ đoạn gây bất lợi cho ứng cử viên bằng những việc làm trái luật.

Vì vậy, với các ứng cử viên độc lập chưa đưa ra Hội nghị cử tri cần hết sức lưu tâm.

Buổi lấy ý kiến cử tri đối với ứng cử viên Hoàng Dũng ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn nổi tiếng với màn ném mắm tôm vào những người đến ủng hộ anh và được công an làm nhiệm vụ ở đấy làm ngơ. Những người ủng hộ anh không được vào đã đành mà ban đầu họ còn định ngăn cản cả vợ anh, mặc dù cô cùng có hộ khẩu tại tổ dân phố. Hoàng Dũng cho biết có người ở hội phụ nữ chồm lên hai bàn trước chỉ vào mục không tín nhiệm để hướng dẫn người khác gạch chéo vào đấy. Kết quả anh được 7% số phiếu.

Về Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại cơ quan Đỗ Anh Tuấn (Vĩnh Phúc), anh cho biết Công ty anh có 104 người nhưng chỉ mời 15 người còn mời các công ty khác 103 người. Thành phần mời chủ yếu là các đảng viên. Đa số những người đến dự anh không biết họ và họ cũng chẳng biết anh là ai. Anh chỉ được 8,6% số phiếu, chủ yếu là của người ở cơ quan anh. Sau màn lấy ý kiến cử tri ở cơ quan, Đỗ Anh Tuấn còn phải trải qua Hội nghị cử tri ở nơi cư trú. Ngày hôm qua, lúc 6 giờ chiều, anh mới nhận được giấy mời đến Hội nghị lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú vào lúc 1 giờ 30’ trưa hôm nay 1/4/2016, tức là anh chỉ được báo trước chưa đầy 1 ngày.

Trường hợp Phan Vân Bách còn quái dị hơn. Phường Trung Tự, Quận Đống Đa Hà Nội tổ chức Hội nghị cử tri mà anh không hề hay biết trong khi anh là ứng cử viên Đại biểu quốc hội. Hay “tin dữ” anh vội chạy đến xin dự nhưng họ không cho anh vào. Tôi hỏi anh sao không hỏi những người đi dự xem như thế nào, cử tri “tín nhiệm” anh mấy phần trăm nhưng anh cho biết, anh có hỏi nhưng họ bí mật lắm, không ai dám nói. Anh đã gửi đơn tố cáo về việc này.

Ở Sài Gòn, ca sĩ Ngân Mai Lâm được 3 phiếu trên 82 cử tri, trong đó có 2 phiếu của cô và mẹ cô, còn 1 phiếu không biết của ai, cô gọi là “ánh sáng duy nhất trong tăm tối”. 

Tuy vậy, cô không buồn. Cô cho rằng “bằng trò dàn cảnh sắp xếp, họ chặn được Mai vào lần này, nhưng sẽ thế nào sau 5 năm nữa? Mai tin rằng niềm tin của mình đại diện cho tương lai, còn họ chỉ đại diện cho một quá khứ đang lụi tàn dần. Cuối cùng để xem cái gì sẽ thắng”

Với Nguyễn Thúy Hạnh, tuy chị đã trải qua Hội nghị cử tri ở cơ quan với con số 100% ủng hộ nhưng vẫn còn một lần được "góp ý kiến" ở cơi cư trú nữa. Thông thường, màn ở tổ dân phố là cửa ải khó qua nhất vì những thủ đoạn ở đấy dễ thực hiện như truyên truyền, bôi nhọ trước, bố trí, sắp xếp thế nào để bất lợi cho ứng cử viên. Thúy Hạnh cho biết, em sẽ "chết" ở chỗ ấy anh ạ.

*

* *

Qua những trường hợp người ứng cử độc lập đã đưa ra Hội nghị cử tri cho thấy những phát biểu không ủng hộ cử tri là họ cố nói lấy được hoặc không không hiểu luật. Theo họ là cứ phải là “người của tổ chức”, phải “ủng hộ chủ trương chính sách của đảng và nhà nước”, phải "hòa mình với quần chúng". Đây là hệ ý thức quá lỗi thời, lạc hậu. 

Qua các trường hợp nêu trên có thể thấy, cách thức tổ chức hội nghị sẽ có tác động rất lớn đến kết quả lấy ý kiến. Vì vậy, những anh chị em ứng cử viên độc lập chưa đưa ra Hội nghị cử tri cần chú ý một số qui định của pháp luật để có ý kiến nếu địa phương cố tình làm trái:

- Về địa điểm tổ chức ở tổ dân phố: Điều 45 Luật bầu cử khoản 1 qui định “Hội nghị cử tri ở xã, phường, thị trấn được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú thường xuyên…”

Điều này nhằm tạo điều kiện cho cử tri thuận tiện trong việc tham gia. Như vậy nếu tổ chức ở thôn xóm khác là trái luật. Việc đưa đi nơi khác họp khiến nhiều cử tri không có điều kiện tham gia, nhưng những cử tri được bố trí thì họ sẽ không vắng mặt.

- Về thành phần tham dự: Cũng điều 45 qui định “Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị này”

Điều này có thể hiểu là ngoài đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu ứng cử viên, không được mời các cơ quan, đoàn thể hay các thành phần khác. Đề phòng trường hợp đưa cử tri ở nơi khác đến để tăng số người không ủng hộ ứng cử viên.

Ban tổ chức không thể chỉ mời một số cử tri vì làm như thế là tước quyền công dân của họ. Nếu cho rằng đó là mời đại biểu cử tri thì chưa thấy có qui định nào nói về mời đại biểu cử tri. Đại biểu cử tri nếu có, phải do dân bầu ra. Việc chỉ định là trái luật. Vì vậy phải mời hết cử tri trong tổ.

- Một số trường hợp ứng cử viên độc lập đã đưa ra Hội nghị cử tri không trường hợp nào đạt được 50% số phiếu. Tuy vậy, chưa có qui định nào nói rằng nếu không đạt được 50% thì sẽ bị loại. Kết quả của hội nghị cử tri là một trong những căn cứ để lựa chọn, lập danh sách ở Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 (khoản 2 điều 49 Luật bầu cử).

- Việc ứng cử viên đang công tác phải lấy ý kiến cử tri ở cả hai nơi chưa rõ thuộc quy định nào và áp dụng với thành phần nào. Nếu không có quy định này thì phải xem lại tính pháp lý của nó. Nhiều khi ý kiến cử tri ở nơi cư trú và nơi công tác rất khác nhau.

Những thủ đoạn nhằm gạt ứng cử viên độc lập có rất nhiều, tôi đã đề cập ở các bài viết trước. Ở đây chỉ nêu mấy vấn đề xung quanh Hội nghị cử tri.

1/4/2016

NTT