You are here

Một thủ đoạn gạt ứng cử viên độc lập?

Nguyễn Tường Thụy

Trong số mấy trăm người đến phiên tòa xử anh Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) và chị Nguyễn Thị Minh Thúy, có một số người bị bắt giữ, ra quyết định cảnh cáo và sau đó có một số nhận được giấy mời đến công an phường “để làm rõ việc tập trung đông người”.

Điều đáng chú ý là trong số này, hầu hết là những người ứng cử độc lập vào quốc hội khóa 14 tới đây. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, anh Nguyễn Đình Hà, chị Đặng Bích Phượng, chị Nguyễn Thúy Hạnh. Các ứng cử viên độc lập còn lại hôm đó không có ai có mặt tại khu vực tòa án. 

Nguyễn Đình Hà bị bắt cóc khi anh tách khỏi đám đông đi rồi họ đưa về công an phường Vĩnh Tuy quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đó, họ ra quyết cảnh cáo đối với anh rồi mời Mặt trận tổ quốc, Hội Cựu chiến binh và bí thư chi bộ phường để chứng kiến việc đọc quyết định, ghi hình cẩn thận. 

Cũng như Nguyễn Đình Hà, Ts Nguyễn Quang A cũng bị bắt khi đi uống nước. Ông bị 6 tên khiêng rồi tống lên xe. Chúng lục soát người, tước điện thoại của ông đưa ông về đồn công an phường Gia Thụy để thẩm vấn. Mặc cho ông phản đối, không ký bất kể văn bản nào, họ vẫn ra quyết định cảnh cáo đối với ông.

Đặng Bích Phượng và Nguyễn Thúy Hạnh, tuy không bị bắt (có lẽ tại các chị không tách khỏi đám đông như Ts Nguyễn Quang A, Nguyễn Đình Hà) nhưng được an ninh chăm sóc, quay phim khá kỹ lưỡng. Sau phiên tòa thì cả hai đều nhận được giấy mời lên phường làm việc về “tội” tập trung đông người. Như vậy, có 4 ứng cử viên độc lập có mặt tại tòa thì cả 4, người thì bị bắt và ra quyết định cảnh cáo, người thì bị mời lên làm việc. Dù Đặng Phương Bích và Nguyễn Thúy Hạnh không đi theo yêu cầu của giấy mời nhưng rất có thể họ cũng ra cảnh cáo rồi bí mật gửi về địa phương.

Bản thân tôi hôm xử vụ án Ba Sàm được canh chặn ráo riết. Riêng số ập vào nhà tôi là 5 công an, một nhóm công an phục sẵn tại nhà trưởng xóm, 3 cảnh sát giao thông cùng xe chuyên dụng sẵn sàng bên đường, ngoài ra còn các nhóm canh ở những điểm khác. Nếu hôm ấy tôi không bị chặn, chắc chắn cũng bị bắt ở khu vực tòa án hoặc gửi giấy mời lên làm việc để ra quyết định cảnh cáo cho kịp thời gian tôi đang ứng cử. Dù vậy, tôi vẫn muốn ra phiên tòa hơn, dù ở đấy họ có giở thủ đoạn thế nào đi nữa.

Trong mẫu đơn ứng cử đại biểu quốc hội, mục kỷ luật hướng dẫn chỉ ghi kỷ luật từ 1 năm trở lại đây. Thế nhưng một số ứng cử viên bị kỷ luật công khai hay lén lút trước đây đều trên 1 năm cả (chung qui cũng là đi biểu tình chống Trung Cộng) nên khó có thể dựa vào đó để loại họ. Phải chăng, chuyện nhằm vào các ứng cử viên độc lập để bắt và ra quyết định cảnh cáo nhằm “thời sự hóa” kỷ luật của họ để tạo cớ, dễ bề mang ra làm căn cứ đấu tố trong buổi lấy ý kiến cử tri ở tổ dân phố và loại họ ra trong vòng hiệp thương lần thứ 3.

 

NTT