You are here

Tưởng niệm Gạc Ma: Không thể để những người ngã xuống vì Tổ Quốc bị lãng quên

Ảnh của nguyenhuuvinh

Gạc Ma là cái gì hả chú?

Sáng nay, tôi đến khu tượng đài Lý Thái Tổ để cùng anh chị em, những người yêu nước tưởng niệm những người con của Tổ Quốc đã hy sinh trong ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma, một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Cộng xâm lược từ đó.

Những năm trước, cũng ngày này, từ sáng sớm xung quanh ngõ nhà đã có một đám an ninh quanh quẩn canh gác và nhòm ngó nhà tôi, họ đứng ngồi, nhấp nhổm chờ đợi và theo dõi. Khi thì họ thầm thì, lén lút, khi họ công khai.

An ninh vây quanh ngõ vào nhàMấy bà hàng xóm bảo: Cái đám ấy, cứ rỗi việc đến đứng rình rồi đái thối ngõ, chúng tôi đuổi thì nó bảo: Canh nhà ông Vinh. Nhiều lần bực quá, tôi phải quát vào mặt: Nếu người ta buôn gian, bán lậu, cờ bạc đĩ bợm, ma túy thì vào nhà mà bắt chứ việc gì phải rình rập như kẻ trộm thế. Sau chúng tôi mới biết là anh đi biểu tình chống Trung Cộng hoặc tưởng niệm liệt sỹ giữ nước chống Tàu là nó canh. Khốn nạn thật, anh nhỉ, tưởng nhớ đến những người đã chết vì đất nước giờ là phản động. 

Tôi chỉ cười. Thì ra, không phải người dân đều ngu dốt như người ta vẫn tưởng.

Năm nay có khác hơn, vài cuộc tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc như ngày 19/1 kỷ niệm Hoàng Sa rơi vào tay giặc, ngày mở đầu cuộc chiến xâm lược 17/2 trên biên giới, đám người này không thấy xuất hiện. Việc tưởng niệm cũng đơn giản và yên bình hơn. Và hôm nay, ngõ đường cũng vắng vẻ hơn, tôi thầm nghĩ: Vậy là rồi cũng phải tiến bộ ra  chứ.

Qua chỗ Bưu điện Hà Nội, một cô bạn quen mặt bảo: Ở đây, bảo vệ không nhận trông xe cho những người đi tưởng niệm anh ạ. Tôi nghĩ, chẳng lẽ lại cứ tiếp tục những trò bẩn như trước chăng.

Tiếp tục rảo bước về phía tượng đài, chợt gặp một người quen quen, tôi chợt nhớ ra người này và hỏi:

- Em chú ra sao rồi?

-Em nào?

- Đứa em mà lần trước, chú gặp anh và mấy người chú cứ gây sự là "mày đánh em tao ấy mà".

- À...

Chả là chú này không rõ làm gì ở đâu, nhưng là một trong những người thưởng xuyên bảo kê cho đám phá rối các cuộc tưởng niệm và tìm cách gây sự với những người kêu oan. Lần trước, khi đến chỗ mấy người kêu oan vì án tử hình của Lê Văn Mạnh, thì chú này xông đến và gây sự với mọi người với bài: Mày đánh em tao.

Và chú cười ngượng. Tôi nói:

- Này chú, làm công an hay cán bộ, thì cũng nên đàng hoàng một chút cho nó thành con người. Những trò đó xưa lắm rồi, không nên sử dụng nữa. Muốn làm nô lệ thì cũng nên biết làm con người đôi chút, chứ diễn thế thì nhạt lắm.

Mấy người xung quanh nghe cười ầm lên, chú ngượng và giơ tay ra:

- Thì cũng cho bắt tay anh một cái, bắt tay nhau một cái có sao đâu.

- Ừ, bắt thì bắt. Xong ra tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma đi.

Tôi giơ tay bắt và đi ra tượng đài.

Mấy cô gái chừng là sinh viên một trường nào đó, nghe tôi nói đến Gạc Ma và thấy tôi đi qua mang chiếc áo  tưởng niệm 64 chiến sỹ Gạc Ma 1988, môt cô hỏi:

- Chú ơi, Gạc Ma là cái gì hả chú?

Tôi bỗng sững người lại và thấy xót xa. Câu hỏi ấy cứ lẩn quất trong tôi cho đến khi ra về.

Tưởng niệm

Đến khu tượng đài Lý Thái Tổ, một số nhân sỹ, trí thức cùng với khoảng vài trăm người đã đến để dâng hương tưởng niệm, có nhiều người như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Giáo sư Hoàng Xuân Phú Giáo sư, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nhà giáo Phạm Toàn, nhà thờ Dương Tường và nhiều người khác đang đứng trao đổi.

Đám an ninh, công an vẫn đứng dày đặc như mọi khi, có điều là lần này họ đứng nhìn từ bên ngoài mà không như những lần trước.

Đi qua một số thanh niên đang đứng trước tượng đài Lý Thái Tổ, cầm hương và những bông hoa cúc chuẩn bị lễ dâng hương đang chuyện trò  khá rôm rả:

- Năm nay, không thấy thợ cắt đá sửa tượng đài và bảo vệ cầm loa gí vào tai hét nữa nhỉ? Cũng không thấy một đàn mấy mụ già ra đú đởn nhảy múa "Con bướm xinh" đâu nữa.

Một người đáp lại:

- Tàu nó chiếm mẹ Biển Đông rồi, nhà nước hèn như chuột ngày, giờ mà giở trò đó ra nữa thì có mà bằng tự trát cứt vào mặt mình à - Một người đáp lại.

- Nhưng sáng nay ở Dương Nội, bà con ra đi vẫn bị chặn đấy thôi, trong Sài Gòn cũng thế.

- Thì vẫn bài cũ "bạn vàng 4 tốt" đấy mà, chẳng qua là mọi sự đã rồi.

- Liệu lát nữa đám cờ búa liềm có ra "như có bác hồ trong ngày vui đại thắng" để tưởng niệm Gạc Ma bị mất như năm ngoái nữa không đây?

- À, nếu Công an khôn ngoan, thì hôm nay phải đổ keo con voi mấy cái khóa cửa nhà mấy thằng Dư luận viên ấy lại, kẻo nó phản chủ do cái ngu của chúng. Công an Hà Nội đang điều tra một năm rồi mà chưa thấy kết quả đấy, nếu chúng nó ra, ta bắt giao Công an luôn đỡ khỏi điều tra.

Câu chuyện đang rôm rả thì buổi tưởng niệm bắt đầu, mọi người thành kính đứng thành hàng lối và dâng những tâm tư của mình, hướng về các anh hùng, liệt sĩ đã bỏ thân mình vì đất nước.

Không khí thoang thoảng mùi trầm hương và những tiếng nức nở của một số người khi nghe đọc diễn văn tưởng niệm của nhóm No_U Hà Nội.

Bài diễn văn đã nói về một cuộc chiến, ở đó, một phần lãnh thổ của Tổ Quốc đã rơi vào tay giặc bành trướng, hàng chục chiến sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc và cho đến hôm nay vẫn trôi nổi phiêu dạt không biết ở nơi nào ngoài Biển Đông. Những thân nhân của họ vẫn cứ vô vọng ngóng chờ họ khi mà không còn cả nước mắt để khóc.

Bài diễn văn cũng đã nêu lên một điều đau đớn khác, đó là phần lãnh thổ bị mất, cuộc chiến dẫn đến sự hy sinh của 64 chiến sĩ con em nhân dân ngày 14/3/1988 ấy, đã bị cố tình quên lãng từ đó đến nay. Thậm chí, những cuộc tưởng niệm, tưởng nhớ đến họ cũng được xếp vào hàng "phản động". Phải chăng, họ đã nhầm lẫn khi cầm súng với một ước nguyện bảo vệ đất nước?

Không, họ không nhầm lẫn, có điều là họ đã "không được nổ súng" như thông tin đang lan tràn trên mạng, hoặc đã "không được nổ súng trước" như thông tin một số quan chức đưa ra để giải thích gần đây.

Có lẽ, họ phải chờ khi bọn Trung Cộng nổ súng xong, bắn giết hết tất cả 64 chiến sĩ đang đứng dầm mình dưới nước xong, thì các xác chết ấy mới được nổ súng chăng?

Chẳng có sự đau đớn và hèn mạt nào bằng. Lịch sử chân chính sẽ ghi lại những tội ác đó.

Cuộc tưởng niệm không kéo dài, tiếng đàn của cụ Tạ Trí Hải réo rắt bản nhạc buồn: Hồn tử sĩ, tiếng đàn như thấm vào từng thớ thịt, đường gân những người đứng tưởng niệm.

Có lẽ, ai giữ được sự lạnh lùng và bình thản trong không khí đó, là một điều hết sức cừ khôi, đòi hỏi những người đó phải có trái tim bằng đá.

Và các chiến sĩ an ninh, công an đã làm được điều đáng khâm phục này.

 

Và nhắc nhở: Không được lãng quên

Buổi tưởng niệm xong, những thẻ hương, những bông hoa cúc được thành kính cắm lên trước tượng đài. Những người tưởng niệm đang chìm trong những tâm tư của mình, thì một nhóm người mang băng rôn dài nhất, đã dương băng rôn tiến ra phía trước quảng trường.

Cả dòng người như tỉnh dậy. Một ý nghĩ chạy nhanh qua đầu tôi: Đúng rồi! Phải nói lên, phải hét lên cho cả đất nước, cả nhân loại này biết đến Gạc Ma, biết đến những người đã ngã xuống vì Tổ Quốc. Phải nói lên, để những lớp thanh niên, học sinh không còn phải hỏi "Gạc Ma là gì hả chú" như sáng nay nữa.

Và dòng người cứ thế nối đuôi nhau vòng quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm.

Họ vừa đi vừa hô những câu khẩu hiệu như xé lòng: "Hoàng Sa- Trường Sa - Gạc Ma - Việt Nam". Rồi thì "Đả đảo Trung Cộng xâm lược".

Họ cứ đi, cứ hô mà không cần biết hàng đoàn Công an, An ninh vẫn đi bên cạnh họ, lạnh lùng nhìn họ vô cảm, thù địch.

Họ cứ tiến về phía trước, hô đến khản giọng mà không cần biết những chiếc máy quay, máy ảnh của Công an đang nhăm nhăm vào họ để ghi hình, để... lấy bằng chứng.

Họ cứ đi mà không cần nghe tiếng loa từ những chiếc xe công an đang đi ngược chiều đường và hò hét: Yêu cầu giữ gìn trật tự công cộng.

Và buổi tưởng niệm kết thúc tốt đẹp ở Tượng đài Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh mà không có hiện tượng nhân viên ra cầm vòi tưới hoa dưới trời mưa như năm trước để ngăn cản họ.

Thế rồi, họ chia tay nhau với một câu hỏi:

Không rõ cuộc tưởng niệm và biểu tình năm nay, nhà nước và công an có biết điều hơn mọi năm, hay vì họ quá bất ngờ trước tình cảm của những người yêu nước đối với Tổ Quốc, với những người đã xả thân vì đất nước mà họ đã không bị đám tay chân giặc Tàu đàn áp?

Tôi ra về cũng câu hỏi đó, nhưng lời đáp đơn giản hơn: Hình như, mọi sự đã rồi?

Hà Nội, ngày 14/3/2016

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh