Việc ông Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm để tiếp tục nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 và ông Nguyễn Tấn Dũng một người được đánh giá rằng thân phương Tây sẽ chính thức từ giã chính trường vào tháng 5/2016, điều đó sẽ có ảnh hưởng thế nào trong mối quan hệ tam giác giữa Hoa Kỳ - Việt Nam - Trung Quốc?
Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm và cũng không ít người đã không ngần ngại cho rằng, Việt nam sẽ một lần nữa bị cuốn sâu vào vòng cương tỏa của Trung quốc và quan trọng hơn, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề chủ quyền của Việt nam trông vấn đề Biển Đông trong tương lai.
Bối cảnh khu vực
Với vị trí chiến lược của mình, nên Việt nam có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược xoay trục của Mỹ ở khu vực Thái bình Dương. Dưới danh nghĩa đảm bảo tự do và an ninh hàng hải trên khu vực Biển Đông, nơi đang xảy ra tranh chấp về chủ quyền giữa các quốc gia: Trung quốc, Đài loan, Việt nam, Philippines, Malayxia, Brunei, về thực chất không ngoài ý đồ kiềm chế và bao vây Trung quốc của Mỹ. Vì vấn đề chủ quyền các đảo, bãi đá ngầm đang có tranh chấp thuộc về quốc gia nào cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của phía Mỹ. Nói như vậy để thấy, việc Việt nam mất quần đảo Hoàng sa trước đây hay quần đảo Trường sa trong tương lai không ảnh hưởng đến lợi ích của phía Mỹ. Điều này khác hẳn với cách nghĩ của các nhà lãnh đạo Việt nam hiện nay khi cho rằng, Mỹ phải có trách nhiệm trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á hiện nay, là nơi hiện diện sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại đây, các cường quốc này hiện nay đã vận dụng hết mọi khả năng của mình để lôi kéo các nước trong khu vực. Trong lúc Trung quốc luôn sử dụng con bài kinh tế để lôi kéo đồng minh, thì Mỹ lại chú trọng vấn đề hỗ trợ an ninh cho các nước, trên tinh thần duy trì trật tự trong khu vực theo luật pháp quốc tế. Các động thái về tham vọng lãnh thổ của Trung quốc đã khiến các nước có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông nghi ngờ Trung Quốc và coi đó là mối đe dọa. Trái lại, Mỹ luôn tỏ ra là quốc gia giúp đảm bảo hòa bình, ổn định và trật tự trong khu vực và vì thế Mỹ không bị coi là một mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của các quốc gia trong khu vực Asean.
Sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung quốc đã giúp các nước Asean nâng cao được vị thế cũng như khả năng mặc cả của mình, đồng thời có thể hưởng lợi. Song nếu không khéo họ sẽ trở thành nạn nhân của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa 2 cường quốc này. Vì thế để tránh được cái bẫy này, tự các quốc gia trong khu vực cần giữ được sự cân bằng và độc lập trong chính sách đối ngoại của mình. Qua đó để thấy rằng, sự thiếu thống nhất giữa các quốc gia trong cộng đồng Asean trong vấn đề chủ quyền Biển Đông là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Trông xa hơn quan hệ Việt - Mỹ
Tuy vậy phía Mỹ còn quá nhiều lợi ích ở Việt nam, một quốc gia có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, một thị trường với nhiều hứa hẹn trong khu vực Đông Nam Á mà phía Mỹ không thể bỏ qua. Trong một tương lai không xa, khi Dự án kênh đào Kra được xây dựng ở miền Nam Thái Lan, sẽ cho phép các tàu vận tải biển đi thẳng từ Vịnh Thái Lan ra Ấn Độ Dương (và ngược lại) mà có thể bỏ qua eo biển Malacca và hải cảng của Singapore. Khi dự án kênh đào Kra được hoàn tất và đưa vào khai thác, thì lúc đó cảng Hòn Khoai của Việt nam sẽ là điểm trấn giữ con đường hàng hải huyết mạch trên Biển Đông và trở thành một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong chiến lược bao vây Trung quốc của Mỹ. Được biết, tháng 5/2015 Trung Quốc và Thái Lan đã ký một bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác xây dựng Kênh Kra với kinh phí 28 tỷ USD.
Kênh đào Kra và Cảng nước sâu Hòn Khoai
Các nhà phân tích đều cho rằng, Dự án Kênh Kra của Thái Lan và Cảng Hòn Khoai của Việt Nam hiện đều nằm trong cuộc cạnh tranh ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách giành vai trò lãnh đạo về kinh tế trong khu vực này trong lúc Mỹ đang cố gắng để duy trì ảnh hưởng của mình. Chính vì thế, vấn đề hai dự án Kênh Kra và Cảng Hòn Khoai cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng khi đánh giá mối quan hệ Mỹ - Việt trong tương lai lâu dài.
Việc Việt Nam quyết định xây dựng cảng nước sâu Hòn Khoai ở ngoài khơi tỉnh cực nam Cà Mau có thể là tín hiệu cho thấy Kênh Kra của Thái Lan sẽ sớm được xây dựng để hình thành một tuyến vận tải hàng hải mới trong khu vực. Đây là một việc làm mang tính đón đầu của phía Việt nam. Được biết, theo một thỏa thuận ký kết với Việt Nam thì Công ty xây dựng Bechtel một công ty xây dựng lớn nhất của Mỹ sẽ tiến hành xây dựng Cảng Hòn Khoai và 85% chi phí xây dựng Cảng Hòn Khoai sẽ do Mỹ cung cấp, điều đó cho thấy những động thái chiến lược của Mỹ nhằm đảm bảo rằng nước này luôn luôn hiện diện lâu dài ở khu vực này.
Quan hệ Việt - Mỹ không thể đảo ngược
Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi sự kiện dàn khoan HD 981 của Trung quốc (5/2014) đe dọa an ninh trên Biển Đông đã làm cho quan hệ Viêt-Trung lâm vào khủng hoảng. Khi đó người Mỹ đã biết tận dụng cơ hội này để tạo nên một bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt-Mỹ, mà đỉnh cao là chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015). Thông qua chuyến đi đó, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã trở thành đối tác toàn diện, việc Việt Nam đã ký thỏa thuận tham gia TPP cũng như phía Mỹ đã bỏ dần lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là những tiến triển đáng ghi nhận. Về thực chất, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP không đơn giản chỉ là vấn đề kinh tế, mà cái đó còn là một mục đích chiến lược quan trọng nhằm hỗ trợ cho chính sách tái cân bằng về mặt quân sự của Mỹ, qua đó sẽ từng bước thắt chặt các mối quan hệ toàn diện của Mỹ với các nước trong khu vực, giúp Mỹ có được thế chủ động trong việc đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc hiện nay.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng tái cử chức vụ Tổng Bí thư sau đại hội 12 là điều phía Mỹ đã tính đến, và họ cũng đã rất tự tin với kểt quả đại hội đảng của Việt nam. Theo phía Mỹ, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao “ba không”, cho dù Việt Nam muốn chơi với Mỹ, nhưng lại sợ mất lòng Trung Quốc. Song vấn đề căn bản nhất mà người Mỹ nắm được, đó là trong vấn đề Biển Đông thì chẳng ai có thể bảo vệ được Việt Nam một khi bị Trung Quốc tấn công nếu tiếp tục tình trạng đu dây như hiện nay. Vì vậy, trước mắt quan hệ với Việt - Mỹ sẽ vẫn tiến triển bình thường và sẽ gặp ít trở ngại, dù rằng việc bang giao với Trung Quốc có thể sẽ dễ dàng hơn trước.
Việc ngày 30/1/2016, tàu khu trục của Mỹ tiến hành tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn, tại khu vực Hoàng Sa nơi chỉ có đòi hỏi chủ quyền của hai nước Việtnam và Trung quốc là hành động không bình thường. Điều đó cho thấy đây là một phép thử không chỉ dành riêng cho phía Trung quốc, mà còn dành cho ban lãnh đạo mới của Việt nam. Với thông điệp được cho là Mỹ cảnh cáo cho Trung quốc biết, dù "phe thân" Trung quốc có thắng cuộc tại đại hôi 12 thì Biển Đông không bao giờ sẽ là ao nhà của Trung quốc. Đồng thời cũng là tín hiệu để ban lãnh đạo Đảng CSVN thấy rằng, Mỹ sẵn sàng "phá ngang" quan hệ Việt - Trung nếu nó có thể làm ảnh hưởng đến chiến lược xoay trục của Mỹ ở khu vực Thái bình Dương.
Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Sunnylands?
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Asean được tổ chức trong hai ngày 15-16/02/2016 tại Sunnylands (Mỹ) có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây không chỉ là lần đầu tiên một hội nghị Thượng đỉnh Mỹ và 10 quốc gia Asean được tổ chức tại Mỹ. Qua đó cho thấy, Mỹ không hề dấu diếm tham vọng muốn nâng tầm quan hệ với Asean lên thành quan hệ đối tác chiến lược, đây được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Obama muốn hợp tác với Asean để chống lại ảnh hưởng của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.
Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức tham dự Hội nghị thượng đỉnh Asean - Hoa Kỳ tại Sunnyland vào phút chót đã phá tan sự hoài nghi, sau khi có nhiều tin tức đồn đoán khác nhau về việc ông Nguyễn Tấn Dũng có tham gia hay không. Theo nguyên tắc thì việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Asean lần này là chuyện hết sức bình thường, vì ông vẫn còn đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng cho đến khi bầu cử Quốc hội mới. Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Mỹ cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng... cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn đang giữ được vị thế vốn có của mình, trái với những gì dư luận vẫn đang đồn đoán về sự thất thế của ông.
Việc trước chuyến đi có những thông tin cho biết, phía Mỹ đã ráo riết xúc tiến để yêu cầu phía Việt nam để ông Nguyễn Tấn Dũng tham gia hội nghị này, vì trước hết đây là lần đầu tiên Mỹ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với các nước Asean cho nên họ muốn có sự tham gia của các lãnh đạo cao cấp nhất của các nước. Đối với Việt nam, thì phía Mỹ thấy rằng không ai hơn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dẫu rằng ông đã chính thức chấm dứt vai trò của mình đối với chính trường Việt nam. Tuy vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng là người đứng đầu Chính phủ trong suốt 10 năm qua và có nhiều quyết sách lớn trong chính sách đối ngoại của Việt nam và chủ đề Biển Đông sẽ được coi trọng tại hội nghị này, vì vậy sự hiện diện của ông Nguyễn Tấn Dũng là điều hết sức cần thiết.
Có nguồn tin cho rằng, đằng sau đó sẽ là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ B. Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để trao đổi về vấn đề quan hệ Mỹ - Việt trong tương lai, mà theo đó các câu hỏi về chính sách đối ngoại của Việt nam trong tương lai ra sao? Sau ông Dũng thì Mỹ nên làm việc với ai trong ban lãnh đạo Đảng CSVN để có thể duy trì mối quan hệ như hiện nay? Song điều quan trọng hơn cả là phía Mỹ muốn chứng minh rằng họ luôn ủng hộ những người có công xây đắp mối quan hệ Mỹ - Việt để làm gương cho những người khác. Đổi lại, cũng theo nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ công du Việt Nam vào tháng 5/2016.
Thực tế đã cho thấy, chuyến thăm chính thức Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng vị thế cũng như uy tín của ông Nguyễn Phú Trọng trong đảng lên rất nhiều. Đây là một phần tác động dẫn đến sự tái nhiệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cũng là một sự "vô tình" hại ông Nguyễn Tấn Dũng từ phía Mỹ. Vì thế có ý kiến cho rằng, việc chính phủ Mỹ thiết tha với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Sunnylands (Mỹ) là một động thái thay cho lời xin lỗi ông Nguyễn Tấn Dũng từ phía Mỹ. Tuy nhiên, phương cách "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ" là đặc tính của người Mỹ và trong việc quan hệ với các nhà lãnh đạo Việt nam họ cũng đã làm như thế.
Ngày 15/02/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây