You are here

Người đi qua đời tôi

Xin mượn tên ca khúc “Người đi qua đời tôi” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương để thay lời tựa của bài viết này. Một bài viết có tính chất nối ghép những mảnh rời tâm cảm sau một năm dài với không ít những biến cố, một năm dài buồn nhiều hơn vui, một năm dài hoài vọng vào những thay đổi của đất nước, dân tộc, một năm dài làm con ếch ngồi ngóc cổ nơi đáy giếng để mong ngóng sự thay đổi trong khoảng trời xanh nhỏ nhoi trên đầu… Và một năm dài đứng lặng ngắm cây dân chủ Việt Nam đâm chồi nảy lộc, chịu bão táp mưa sa, sấm sét, giông tố và… tạo trầm.

Cũng xin nói thêm, một năm dài để thấy rằng cây dân chủ Việt Nam là một cây dó bầu, một loài cây mang đặc trưng của xứ Á Đông khắc nghiệt, chịu nắng chịu mưa, chịu gãy đổ và đứng vững qua nhiều phen nguy kịch để tạo trầm, làm nên hương thơm xứ sở. Có lẽ chính vì vậy mà nói về trầm, người ta nói về xứ Á Đông và nói về trầm quí của xứ Á Đông, nói về kỳ nam quí, người ta phải nhắc đến trầm kỳ đất Việt.

Sở dĩ có được loài trầm kỳ quí vào bậc nhất hành tinh như vậy là nhờ loài cây dó bầu xứ Việt đã thích nghi, đã chịu đựng và trụ nổi với mưa bão, với thời tiết khắc nghiệt, khí hậu ngày nóng đổ lửa, đêm lạnh cắt da và bão liên tục quăng quật làm gãy đổ. Và cây dó bầu sẽ khó mà tạo trầm khi nó không bị tổn thương, không bị gãy cành và không chuyển hóa được tinh túy của đất mẹ Việt Nam.

Chính những giọt mủ làm lành vết thương đã tích tụ năng lượng của đất trời, tích tụ cả nỗi đau và sức sống để làm nên lõi trầm. Và nếu như khi dó bầu đã tạo trầm nhưng vẫn phải cô đơn đứng với thiên nhiên rồi chết với thiên nhiên, chính nơi khối trầm đó đổ xuống sẽ tích tụ tinh khí của trời đất, chìm dần vào lòng đất để kết tinh thành kỳ nam. Và kỳ nam thì vĩnh cửu, cho dù có hóa thạch vẫn cứ phát ra mùi hương không lẫn vào đâu được.

Một năm trôi qua với hàng trăm cơn bão xã hội, bão lòng. Từ những người nghèo cho đến những người giàu (chân chính), từ bác nông dân bốn mùa quen với cái cày, luống rạ cho đến kẻ sĩ vắt trán suy tư về hiện tình đất nước… Dường như đâu đâu, ai ai cũng bắt gặp những vết thương nghiệp dĩ. Bởi xứ sở này, nền chính trị Cộng sản xã hội chủ nghĩa này đã không buông tha ai. Đặc biệt, những người luôn canh cánh nghĩ về tương lai đất nước, tìm đường và đấu tranh cho một nền dân chủ, một xã hội dân sự đích thực là đối tượng sát hại của nhà cầm quyền, và những vết thương của họ hoàn toàn không nhỏ chút nào.

Và có lẽ, mỗi vết thương đi qua cuộc đời chính là một lần cây dó bầu số phận của người yêu nước lại đứng vững hơn với giông bão, lòng lân mẫn và tính bi cảm trước nỗi đau đồng loại sẽ là nguồn năng lượng để tích tụ mùi thơm, để tạo trầm, để hứa hẹn kỳ nam vĩnh cửu. Một năm qua với tình hình thế giới nhiều biến cố đau lòng, khủng bố của ISIS; Những người Tây Tạng vẫn chưa bao giờ có tự do, vẫn đang đổ máu và đau đớn dưới vòng kiềm tỏa của Trung Cộng; Những người đạo hữu Pháp Luân Công vẫn chưa hết bị hành hạ, bị giết hại bởi bàn tay lông lá của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc; Crime vẫn chưa có dấu hiệu trở lại thời kỳ độc lập, tự chủ, nạn đói và tội ác vẫn vây bủa các nước thế giới thứ ba… Nổi trội nhất và gần gũi với người Việt nhất có lẽ là tình hình biển Đông.

Sự căng thẳng trên biển Đông, sự lấn lướt của Trung Quốc cũng như thái độ nhược tiểu, hèn yếu và lú lẫn của trung ương đảng Cộng sản Việt Nam trước Trung Quốc nói chung và Tập Cận Bình nói riêng có lẽ là nguyên nhân và là tiền tố của hàng triệu bất công tại Việt Nam. Chính sách và chủ trương trị nước đậm tính luồng cúi trước Trung Hoa Đại Hán nhưng lại hết sức phản động và tàn ác với dân tộc, với đồng bào mà đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện mấy chục năm nay đã đẩy nhân dân Việt Nam đến chỗ không thể chịu đựng được thêm nữa. Hàng triệu dân oan ra đời từ chính sách bóc lột của đảng và hàng ngàn cuộc phản đối, biểu tình, bày tỏ thái độ bất mãn trước nhà cầm quyền bất công, vô lý đã diễn ra.

Hàng ngàn lá đơn kêu cứu oan sai về đất đai, tù đày; Hàng trăm người con Việt Nam chết trong nhà giam công an; Hàng trăm người con yêu nước bị bắt bớ, đánh đập, hành hạ; Hàng ngàn mảnh đời trôi dạt sang xứ lạ theo con đường bán dâm, lấy chồng nước ngoài mong đổi đời; Hàng triệu em bé bị đối xử bất công, đói khổ, thiếu thốn; Hàng triệu phụ nữ bị dày vò trong các công xưởng, văn phòng; Hàng triệu gia đình bị ăn chặn tiền cứu trợ, đói khổ, rách rưới… Tất cả những nỗi đau đó là những vết thương, và mỗi vết thương mang hình hài của con người, những vết thương đi qua cuộc đời là bóng dáng “người đi qua đời tôi”.

Và một hữu thể sẽ chẳng bao giờ trưởng thành được nếu không có những bóng dáng của “người đi qua đời tôi”, bởi mỗi bóng dáng là một dấu ấn, một vết thương cho dù đó là niềm vui hay nỗi buồn. Chính những dấu ấn, vết thương đó làm cho con người trưởng thành hơn, vững chãi hơn.

Có thể nói rằng vết thương hay dấu ấn của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam quá lớn trên mọi nghĩa. Một mặt nhà cầm quyền thả sức đàn áp, hành hạ, mặt khác, khi ý chí và khí phách cũng như trí tuệ của dân tộc đã lún quá sâu vào hố đen vật dục. Chưa bao giờ mà số rất đông người Việt lại coi trọng vật dục như hiện tại. Ngay cả những trí thức cũng không ít người dành phần lớn suy nghĩ của họ cho việc làm sao để có thật nhiều tiền, làm sao để đầu cơ, xây dựng quyền lực, phe cánh. Thậm chí, khi nói về giới quan lại Việt Nam cũng như giới trí thức có quyền lực tại Việt Nam, người ta hay bàn về chuyện ông ta, bà ta có bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu lô đất vàng, bao nhiêu cổ vật, bao nhiêu viên kim cương, đá quí hay ông nào đang sở hữu viên thiên thạch, đồng lạnh, đồng đổi màu, kỳ nam, kỳ nam hóa thạch, sừng tê giác, ngà voi…

Tất cả những thứ đó là giá trị của giới quan chức. Và người không có quyền lực cũng cố gắng làm cho mình một bộ sư tập nào đó với hy vọng sở hữu một thứ giá trị nào đó. Và mọi giá trị đều được qui vào những thứ gắn chung quanh con người. Trong khi đó, giá trị con người lại bị bỏ trống hoàn toàn, nếu không muốn nói là trống rỗng. Kẻ trí thức có tri thức thì lại thiếu khí phách của con người, kẻ giàu có thì luồn cúi quyền lực chính trị, kẻ làm quan nhỏ thì quì mọp gối phục tùng bề trên để được chiếu cố, để có chỗ mà xơ múi, tư túi… Mọi thứ giá trị đều qui vào vật dục.

Và đáng nhục nhất là nhiều quan chức tuyên bố rằng người Việt Nam thông minh hơn cả người Do Thái. Không hiểu người ta dựa vào tiêu chuẩn nào để nói rằng người Việt Nam thông minh hơn người Do Thái? Và cứ tạm chấp nhận đó là quan điểm đúng chăng nữa thì có một vấn đề cần phải nhìn lại, xét lại.

Đó là người Do Thái suốt hai ngàn năm lưu lạc tứ xứ, không có quốc gia, không có quê hương, mãi đến năm 1947, khi chiến tranh thế giới I kết thúc họ mới có đất nước, có quê hương. Nhưng có một điều người Do Thái không bao giờ phạm phải, đó là họ chưa bao giờ coi nhẹ giáo dục. Giáo dục đối với người Do Thái là vấn đề quyết định sống còn. Và dù ở đâu, làm gì, người Do Thái cũng không bao giờ quên học tập, sáng tạo, tự xây dựng cho bản thân một nguồn vốn tri thức để qua đó tổng hợp và sáng tạo.

Và suốt hai ngàn năm lang bạt khắp bốn phương, người Do Thái chưa bao giờ ngửa tay xin ai thứ gì, người Do Thái không có ăn xin. Họ cũng không vơ vét vàng bạc, chạy đua, giết tróc đồng bào để giành miếng đất vàng xây nhà, hay chiếm hữu vật cổ, sừng tê giác, ngà voi, thiên thạch, đá quí… Những thứ đó không phải là thứ họ quan tâm giống như tri thức. Chính vì có tri thức, có lòng tự trọng và có tính hãnh tiến, tự tin mình sẽ làm ra được nhiều thứ quí giá gấp triệu lần những thứ vật dục tầm thường kia mà người Do Thái mới là người Do Thái thông minh và bí ẩn như hiện tại.

Ngược lại, cái lõi của người Việt Nam là gì? Đương nhiên, trừ một bộ phận nhỏ những người yêu quê hương, đất nước và coi trọng tri thức, coi trọng tiến bộ, nuôi óc sáng tạo… Đại đa số, thậm chí những kẻ cầm quyền chóp bu Cộng sản, cái lõi họ là gì nếu như loại bỏ những khối tài sản kết xù mà họ đã tham nhũng, đục khoét ngân sách? Hoàn toàn không có gì nếu không muốn nói là đầu óc rỗng tuếch, tham lam và kệch cỡm. Lãnh đạo một đất nước luôn tự hào mình thông minh mà làm hỏng chỉ biết xin lỗi, cố đấm ăn xôi, đi công du nước ngoài thì không dám ngẩng mặt, mở miệng ngoại giao thì chỉ có khất nợ và xin xỏ… Nói cho cùng, chúng ta vẫn chưa bao giờ thoát khỏi trạng thái ăn mày trước thế giới tiến bộ.

Cuối năm, nhìn lại một chuỗi ngày, nhìn những gì “người đi qua đời tôi” mà thấy buồn. Và cũng may trên đất nước này còn rất nhiều người biết buồn, rất nhiều người đau đáu cho tương lai đất nước và họ không bao giờ dám tự cao tự đại, tự xem mình thông minh nhất thế giới. Nhờ vậy mà người ta có quyền hy vọng và tin rằng đâu đó giữa đại ngàn nhân dân, có những khối trầm đang hình thành và trong lòng đất mẹ dân tộc vẫn còn tiềm ẩn mùi hương thơm kỳ nam. Đó mới là sức mạnh dân tộc! Xin cầu chúc anh chị đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam luôn mạnh khỏe, chân cứng đá mềm!