You are here

Đẽo chân Bác Hồ cho vừa giày Thủ tướng

Người ta có câu thành ngữ "Gọt chân cho vừa giày" để chỉ sự vụng chèo khéo trống của ai đó khi muốn lấp liếm một việc gì. Và không khó để hiểu câu thành ngữ này, nếu chúng ta hiểu rằng thay vì chọn giày cho vừa đôi đôi chân của mình, thì người ta lại chọn cách gọt chân, với hy vọng làm sao cho nó vừa với đôi giày. Đây là một việc hài hước và khó tin.

Vậy mà chuyện này lại xảy ra đối với Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của nhiều người Việt nam, mà người "đẽo chân Bác" không phải ai xa lạ. Đó là ông TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Xin thưa cho rõ, ông TS. Vũ Tiến Lộc đã đẽo "tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Marx-Lenin" cho vừa đôi giày "Kinh tế thị trường hoàn chỉnh" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chuyện đẽo chân Bác Hồ

Trong bài viết "Chủ tịch VCCI:"90 năm trước, Bác Hồ đã định hướng nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường", báo Infonet online cho biết, tại hội nghị giao ban doanh nghiệp ngày 25/8/2015 tại Đà Nẵng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu rõ: “90 năm trước, Bác Hồ đã nói nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế nhiều thành phần. Mà nền kinh tế nhiều thành phần có nghĩa là nền kinh tế thị trường!"".

Theo đó, khi đặt vấn đề nguyên tắc của kinh tế thị trường hoàn chỉnh như vậy có trái với tư duy của Đảng, Nhà nước và những giá trị đặc thù của Việt Nam từ trước đến nay hay không? Ông Vũ Tiến Lộc đã thừa nhận đây là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều người, vì nó liên quan đến đường lối của Đảng CSVN và Chủ nghĩa Marx-Lenin. Và ông Vũ Tiến Lộc khẳng định rằng: “Khi nghiên cứu vấn đề này, tôi đã rất bất ngờ và nói với các chuyên gia Mỹ: Các vị thử xem, lý thuyết kinh tế thị trường các vị đang làm hiện nay có khác gì với tư tưởng Hồ Chí Minh hay không? Chả khác gì cả. Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác!” 

Chuyện như đùa ấy hình như còn chưa đủ, ông Chủ tịch VCCI còn dẫn chứng cho rằng, "... năm 1925, lúc thành lập “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội”, trong điều lệ của tổ chức tiền thân của Đảng này, nền kinh tế Việt Nam tương lai mà Bác Hồ định hướng là nền kinh tế thực hiện theo chính sách kinh tế mới của Lê Nin. Và đó là nền kinh tế nhiều thành phần." Ông còn nêu rõ: “90 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế nhiều thành phần. Mà nền kinh tế nhiều thành phần có nghĩa là nền kinh tế thị trường!”.

Để củng cố cho luận điểm của mình, ông Vũ Tiến Lộc còn nêu thêm rằng, sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội và ở tại số nhà 48 Hàng Ngang của một nhà tư sản dân tộc là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Tại đây Bác đã viết bản “Tuyên ngôn độc lập” và Thường vụ TƯ Đảng họp cũng họp ở đây, để thông qua bản tuyên ngôn độc lập. Đó là những căn cứ để ông Chủ tịch VCCI khẳng định rằng lâu nay bác Hồ là người có xu hướng thân phương Tây. Ông Vũ Tiến Lộc nhận định: “Bác ở nhà của doanh nhân và đứng bên cạnh người Mỹ. Những người Mỹ là người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày chuẩn bị Quốc khánh 2/9. Trong bản “Tuyên ngôn độc lập” Bác viết tại nhà của doanh nhân và đọc tại Quảng trường Ba Đình, những câu đầu tiên của Bác là trích từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Bác hội nhập như thế, Bác chấp nhận những giá trị của phương Tây, luật pháp của phương Tây vào luật pháp Việt Nam. Bác là người đầu tiên hội nhập ở Việt Nam!”.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc còn nhận định rằng, Bác Hồ luôn có thiện cảm với giới doanh nhân Việt Nam, mà bằng chứng theo ông Vũ Tiến Lộc thì “Không phải công nhân, không phải nông dân… mà khách đầu tiên, giới đầu tiên Bác cần phải gặp trên cương vị Chủ tịch nước chính là doanh nhân, là các nhà tư sản dân tộc. Bác trông cậy ở họ và họ cũng đã đáp ứng niềm tin của Bác; riêng doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng."

Kết thúc phần phát biểu, ông Vũ Tiến Lộc đã khẳng định: “Trở lại với tư tưởng của Bác về kinh tế thị trường thì hoàn toàn trùng khớp với những khái niệm về kinh tế thị trường hiện đại. Trong những năm qua, vì nhiều lý do mà chúng ta không thực hiện được đúng những chỉ dẫn của Bác. Còn bây giờ, khi nói chúng ta đổi mới, thực ra là quá trình trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh. Công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam xét trên một góc độ nào đó là sự trở lại với tư tưởng của Bác Hồ!”

Kinh tế thị trường là kẻ thù của Bác

Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong kinh tế học của Chủ nghĩa Marx-Lenine và cũng là mục tiêu cuối cùng của các cuộc cách mạng do các đảng Cộng sản lãnh đạo, là tiến tới công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất của quốc gia, trở thành thuộc sở hữu toàn dân. Nghĩa là xóa bỏ kinh tế tư nhân để duy trì một thành phần kinh tế duy nhất: Kinh tế tập thể. Đây cũng là nội dung chính của Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đường lối của Đảng CSVN từ trước cho đến nay luôn luôn kiên định với con đường Chủ nghĩa Xã hội, lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng mà giai cấp nông dân và công nhân là lực lượng nòng cốt. Mọi biểu hiện lệch lạc trong việc vận dụng Chủ nghĩa Marx - Lenine đều bị coi là xét lại (trước kia) hay diễn biến và tự chuyển hóa (ngày nay). Đây là những kẻ thù nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự tồn vông của Đảng CSVN.

Ngay từ ngày đầu thành lập, luận cương 1930 của Tổng BT Đảng CS Đông Dương Trần Phú đã để ra chính sách "Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ". Rồi đến cuộc Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam vào những năm 1953–1956. Cải cách ruộng đất tịch thu tài sản, đất đai của những người giàu và chia cho bần, cố nông, thông qua việc đấu tố và xử tội họ. Tiếp sau đó là các cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh tại miền Bắc sau năm 1954 và miền Nam sau năm 1975 để xóa bỏ nền kinh tế tư bản, nguồn gốc của sự bóc lột.

Những "kỳ tích" kể trên như Cải cách Ruộng đất, Nhân Văn giai phẩm, Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, nền kinh tế tem phiếu thời còn bao cấp v.v... mà đến nay nhắc lại người ta vẫn toát mồ hôi vì sự ác độc khủng khiếp một thời. Đây là hậu quả của việc Bác Hồ đưa vào và áp dụng Chủ nghĩa Marx-Lenin ở Việt Nam. Điều đó đã gây biết bao nhiêu tai họa cho dân tộc này.

Và chỉ đến năm 1986, khi cả nước đã đứng bên bờ vực chết đói thì Đảng CSVN buộc phải khởi xướng việc cải cách kinh tế để chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp theo mô hình Cộng sản, sang nền Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Mà cái đuôi "định hướng XHCN" được cho là sự sáng tạo của Đảng CSVN, nhằm khẳng định họ không đi chệch con đường XHCN.

Cần phải nhắc lại, trong Cương lĩnh Đại Hội Đảng CSVN lần thứ XI, đã khẳng định: "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại là chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu". Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Việt nam Sửa đổi năm 2013, quy định về chế độ kinh tế đó là "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.".

Xin hỏi, đây là những biểu hiện đúng của một nền Kinh tế thị trường hoàn chỉnh hay sao?

Bác Hồ đối xử với Doanh nhân thế nào?

Nói đến Cải cách Ruộng đất thì không thể không nhắc tới bà Nguyễn Thị Năm hay Cát Hanh Long, đây là một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Đây có lẽ là bài học điển hình cho việc Bác Hồ đối xử với Doanh nhân nước Việt

Theo các tài liệu lưu trữ cho biết, trước Cách mạng tháng Tám, gia đình bà Nguyễn Thị Năm từng ủng hộ Việt Minh 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bảy trăm lạng vàng) và sau đó giúp đỡ nhiều vật dụng, thóc gạo, y tế và nhà cửa. Khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức "Tuần lễ vàng", bà đóng góp hơn 100 lạng vàng. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Năm đã có hai con trai đi theo kháng chiến và nhiều cán bộ cách mạng quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh... từng được bà nuôi ăn và giúp đỡ.

Tuy vậy, khi Cuộc cải cách ruộng đất, những hành động yêu nước của Nguyễn Thị Năm bị cho là "giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại." và bà trở thành địa chủ đầu tiên bị đem ra "xử lý" với tội danh "tư sản địa chủ cường hào gian ác".

Trong bài viết "Địa chủ ác ghê" của C.B trên báo Nhân Dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 có kể tội bà là "Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người...Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân...". Cũng theo đó, Nguyễn Thị Năm đã "thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến" và cũng theo đó thì Nguyễn Thị Năm "không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác".

Và theo tác giả Trần Đĩnh viết trong hồi ký Đèn cù cho biết, lúc bấy giờ ông là phóng viên báo Nhân Dân được Trường Chinh cử viết bài tường thuật về vụ đấu tố; theo Trần Đĩnh thì Hồ Chí Minh đã bịt râu và Trường Chinh thì đeo kính râm bí mật tới dự vụ đấu tố bà Nguyễn Thị Năm. Đồng thời ông Trần Đĩnh cũng khẳng định rằng, ông Hồ Chí Minh là tác giả bài báo kí tên C.B có nghĩa là "Của Bác" trên tờ Nhân dân để kết tội bà Năm.

Không biết ông TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và bạn đọc nghĩ gì về việc này?

Tại sao lại có chuyện như vậy?

Cần khẳng định, nền kinh tế Việt nam hiện nay không phải là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như các quốc gia khác, là điều gây rất nhiều hạn chế trong việc hội nhập của Việt nam vào nền kinh tế thế giới. Đó là lý do rõ nhất vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn đề nghị các nước phát triển Âu-Mỹ công nhận kinh tế Việt nam là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh với đặc trưng cơ bản nhất của nó là kinh tế tư nhân sẽ nắm vai trò chủ đạo.

Trong nhiều năm trở lại đây, trái lại với quan điểm của Đảng về vấn đề kinh tế, người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã luôn chủ trương cần phải xây dựng một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Cụ thể là, ngày 26/3/2015 vừa qua, phát biểu tại buổi chủ trì hội nghị giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế, đồng thời yêu cầu đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước. Theo Thủ tướng, doanh nghiệp tư nhân là một động lực hết sức quan trọng, cần phải cổ phần hóa nhanh để "toàn dân làm kinh tế", đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định và cho rằng: "Không có toàn dân làm kinh tế thì không có thắng lợi được đâu. Phải coi doanh nghiệp tư nhân là một động lực. Đây là của nhân dân chúng ta, không ai thay nhân dân được hết. Về phần Nhà nước là tạo điều kiện, hạ tầng, ban hành luật lệ".

Mới đây nhất, một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015 là việc cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: "Doanh nghiệp Nhà nước tập trung đẩy mạnh tiến độ lên, cái nào tư nhân mua được mà họ quản lý tốt thì các đồng chí bán luôn đi để chúng ta thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết, quan trọng khác, nhất là đầu tư vào hạ tầng để tạo điều kiện cho phát phát triển, đây cũng là đúng theo định hướng của Trung ương".

Song nếu biết, ông TS. Vũ Tiến Lộc, ngoài chức vụ Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì ông còn kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Thì việc ông Vũ Tiến Lộc , đã sử dụng diễn đàn giao ban doanh nghiệp ngày 25/8/2015 tại Đà Nẵng, để nhét chữ vào miệng Bác Hồ để phụ họa cho chủ trương đưa nền kinh tế Việt nam trở thành một nền Kinh tế thị trường hoàn chỉnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì là điều dễ hiểu. Cho dù nó là một điều bi hài không thể kể hết, dù rằng cái gọi là Chủ nghĩa Marx-Lenine và Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn sờ sờ ra đó.

Thay cho lời kết

Dù rằng quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và coi kinh tế tư nhân chiếm vai trò chủ đạo thực chất là việc làm theo quá trình ngược lại với mục tiêu của Chủ nghĩa Mark-Lenin, nghĩa là mang toàn bộ sở hữu nhà nước chuyển giao ngược lại cho tư nhân. Đó có thể coi là sự phản bội ghê gớm đối với học thuyết kinh tế của Chủ nghĩa Marx - Lenine, vi phạm đường lối của Đảng và đồng thời là chủ trương vi phạm Hiến pháp Việt nam của Chính phủ. Nhưng bây giờ các nhà lãnh đạo Việt nam lại công khai khẳng định đó là quan điểm của ông Hồ Chí Minh, từ trước đến nay. Nghĩa là ông Hồ Chí Minh luôn có quan điểm trái ngược với Chủ nghĩa Mark-Lenin mà cả cuộc đời của ông đã theo đuổi. Và hình như người ta quên rằng, ông Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Ai có thể sai, nhưng các đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông thì không bao giờ sai".

Khi viết đến đây, bất chợt nghĩ đến mẩu tin mới trên VnExprees: "Chủ tịch xã khai nhiều tuổi hơn mẹ để nhận huân chương", theo đó do không có thành tích trong kháng chiến, nhưng ông Đoàn Quốc Dũng (59 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã tự khai man thành tích, nhận  mình sinh năm 1932 (lớn hơn mẹ ruột 3 tuổi) để được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Nếu đem ra so với những phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc về vấn đề "Bác Hồ đã định hướng nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường" thì việc ăn gian tuổi của ông Chủ tịch xã có lẽ sẽ không bi hài, như chuyện lãnh đạo nhà nước công khai nhét chữ vào mồm lãnh tụ kính yêu của họ.

Đáng lo là vì, đây là những chuyện hết sức phổ biến và thịnh hành thời nhà Sản, khi mà vấn đề liên quan đến đường lối của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh mà họ cũng bất chấp sự thật để xuyên tạc, nhằm phục vụ cho lợi ích của một cá nhân.

Ngày 03/12/2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

Bài bình luận

Cám ơn bài viết rất hay của tác giả Kami. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc là đại diện của các thành phần đảng viên ưu tú của đảng cộng sản việt nam. Ông đã sống đúng với tinh thần của chủ tịch Hồ Chí Manh là ăn xuôi nói ngược một cách trơn tru mà không ngượng mồm. Ông cũng chứng tỏ là một người can đảm vì biết mình nói dối mà vẫn dám nói. Không phải ai cũng làm được hoặc dám làm như ông. Còn cái bằng tiến sĩ của ông chắc cũng được đảng cộng sản trao tặng. Vì ở những nước văn minh thì không thể đào tạo được loại tiến sĩ như ông, phải nói là cực hiếm. Ở phương tây họ chưa có chuyên khoa "Nói Láo", muốn học về ngành này thì phải gởi người qua việt nam để học. Như "Bộ Chính Trị" thì tất cả các đảng viên khi vào được trung ương thì phải có bằng tiến sĩ như ông Vũ Tiến Lộc. Mà ngành này chỉ dạy cho con nhà nòi tức lý lịch phải rất cộng sản, nó cũng giống như là nuối chó giống mà loài chó này hầu như đã tuyệt chủng trên thế giới. Chỉ còn ba nước cộng sản trên thế giới nuôi được loài chó này là : Trung quốc, Việt Nam, và Bắc Hàn. Dân Triệt

Mot nhan dinh sau sac va gop y ma dam CS nghe duoc thi dau hon hoan cua doc gia.