You are here

Từ cái chết của em Đỗ Đăng Dư và hai luật sư bị đánh: Hành xử của Công an Hà Nội nói lên điều gì? - Phần II

Ảnh của nguyenhuuvinh

Đến vụ án đánh luật sư

Cái chết của em Đỗ Đăng Dư đã làm nóng dư luận bởi sự khuất tất và oan khuất. Nhưng dư luận còn chú ý hơn vì những hành động của các cơ quan công quyền, các đám xã hội đen, côn đồ - mà những năm gần đây, hiện tượng công an đóng giả côn đồ hành động như côn đồ đã trở thành phổ biến - đã tiếp tục gây sự chú ý của dư luận xã hội. Chúng tôi đã từng là nạn nhân thường xuyên của lực lượng công an đóng giả côn đồ này.

Những vụ việc ngăn chặn, sách nhiễu, đánh đập người đến thăm gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư đã làm dư luận chú ý. Ngay sau đám tang của em một ngày, một số người động lòng thương đến thăm gia đình em và viếng hương hồn oan khuất của em đã bị gây sự và chặn đánh vào ngày 16/10/2015. Đám người mặc thường phục đã vào tận nhà em rình rập, khủng bố những người đến thăm gia đình em mà không có bất cứ lý do nào. (Hình: Nhóm côn đồ vào đánh người đến thăm nhà em Đỗ Đăng Dư ngày 16/10/2015)

Cũng theo hình thức đó, ngày 3/11, hai vị luật sư đến gia đình cũng bị một nhóm côn đồ tổ chức tấn công tạo nên nhiều thương tích, cướp lấy tài sản của họ...

Đặc biệt, những hành động đằng sau đó của hệ thống công an đã không thể không đặt ra những nghi ngờ về một sự khuất tất trong vụ việc này.

Trước hết, theo các luật sư cho biết, thì ngay sau khi các luật sư bị đánh, công an huyện Chương Mỹ đã không đến hiện trường, khi luật sư khai báo và làm biên bản, họ đã ghi không trung thực vào lời khai và biên bản như báo cáo của các nạn nhân, kết quả là các luật sư đã không ký vào biên bản. Riêng điều này, người ta có quyền đặt câu hỏi: Nguyên nhân nào mà các nạn nhân đã không được bảo vệ bởi lực lượng Công an và những động thái của Công an có ý nghĩa gì?

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ls Trần Đình Triển Phó chủ nhiệm, Trưởng ban Bảo vệ luật sư đến tận Công an Chương Mỹ, thì được bảo vệ cho biết các công an Huyện đã xuống hiện trường. Thế nhưng khi đến hiện trường, thì người dân cho biết không có bất cứ công an nào đến đó chiều hôm ấy. Trở lại CA Huyện Chương Mỹ, thì Ls Triển được thông báo các cán bộ bận và không thể tiếp luật sư(!)

Tình trạng làm việc và cách làm của Công an Chương Mỹ là vậy trước một vụ án. Mặc dù tướng Nguyễn Đức Chung "đã cho hay sau khi vụ việc xảy ra đã chỉ đạo Công an huyện Chương Mỹ điều tra nghiêm túc".

Trả lời báo chí, thiếu tướng Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng: “Vấn đề ở đây là tình hình ở Chương Mỹ rất phức tạp, khi mọi người đến thì cũng nên thông báo để cho cơ quan công an có phương án bảo vệ. Đây là trách nhiệm của công an phải bảo đảm an ninh trật tự chứ đừng chủ động vào”. Điều này có nghĩa là ở đất nước Việt Nam ổn định và an ninh này, ngay tại Thủ đô vì hòa bình, mà người dân đến đây phải nhờ công an bảo vệ, nếu không thì bị đòn... đừng kêu? (Hình minh họa: Tấm biển minh họa câu nói của GĐCAHN trở thành một biểu tượng cười đang lan nhanh trên mạng)

Ngày 10/11/2015 Công an Hà Nội tổ chức một cuộc họp báo, nhưng các nạn nhân và đoàn Ls Hà Nội không được mời. Thậm chí khi đến, họ còn không được cho vào(?). Nguyên nhân vụ việc được CAHN cho biết là vì "xe chạy gây bụi" nên các luật sư bị côn đồ đánh và chưa khởi tố vụ án hình sự. Điều này trái hẳn với điều ông Nguyễn Đức Chung, thiếu tướng, Giám đốc Công an Hà Nội đã trả lời báo chí rằng "Nhưng thông tin ban đầu thì 2 luật sư bị hành hung khi ra đường sau khi có va chạm giao thông”.

Từ chỗ nguyên nhân là va chạm giao thông đã bị các luật sư nạn nhân phản đối kịch liệt, nội dung đã được chuyển sang do "bụi".

Nội dung cuộc họp báo đã bị các luật sư phản ứng dữ dội. Mạng xã hội được dịp nóng lên vì phát ngôn này của Công an Hà Nội, tạo những trận cười chảy nước mắt.

Tiếp đó, các nạn nhân luật sư đã nhận dạng được một gương mặt hung thủ là công an xã tên Cửu, nhưng sau đó, bằng một cuộc họp báo, Công an Hà Nội đã khẳng định viên công an này đi qua đó nhưng không tham gia đánh đập các nạn nhân. Người ta có quyền đặt câu hỏi: Tại sao là khách xa lạ từ nơi khác đến, các Ls lại nhận ra một người trong hệ thống công an xã mà họ chưa từng gặp, chưa từng thù oán lại đến đánh họ? Chẳng lẽ các luật sư này đã chiêm bao thấy tên Cửu này?

Khi côn đồ được dùng như một giải pháp

Tại Việt Nam, một thời khi công nghệ thông tin chưa phát triển, người dân thấy công an như thấy cọp, thì công an muốn làm gì đều được, muốn bắt bớ, đánh đập hoặc làm gì thì cũng không ai dám hé răng nửa lời. Họ có thấy cũng coi như giả điếc, có chứng kiến cũng như không.

Thế nhưng, thời nay đã khác. Khi Internet phổ cập khắp mọi nơi, một chiếc điện thoại rẻ tiền từ một hang cùng ngõ hẻm nào đó cũng có thể cho cả thế giới thấy được sự thật đang diễn ra bằng hình ảnh, âm thanh sống động, thì mọi hành động bạo lực, vô đạo đức và nhân tâm sẽ khó khăn che giấu hơn. Nhiều hành động, việc làm càn rỡ bất chấp luật pháp và nhân tính đã được tung lên mạng, nhiều vụ việc đã được phơi bày trước công chúng và công luận, thì việc công an mang sắc phục làm những việc bất chấp luật pháp rất dễ bị phơi bày và khó chối.

Nhiều sự việc đã được đưa lên mạng, lực lượng công an chối quanh một cách ngây ngô, khiên cưỡng đã chỉ càng làm cho người dân nhận thấy bản chất của sự việc và cách nhìn của người dân đã thay đổi. Vụ viên công an đạp vào mặt người biểu tình yêu nước, Công an Hà Nội, tướng Nguyễn Đức Nhanh đã nhanh nhẩu cho rằng video đó được làm giả từ nước ngoài đã là một ví dụ điển hình cho sự chày cối và lý sự cùn bất chấp sự thật. Nhiều vụ việc khác đã buộc cơ quan công quyền phải vào cuộc chữa cháy cũng chỉ từ những chiếc điện thoại, máy quay phim nhỏ nhắn, rẻ tiền.

Do vậy, lực lượng công an đã buộc phải dùng biện pháp khác: Giả danh côn đồ.

Những năm trước đây, khi muốn khủng bố nhà thờ, tu viện Thái Hà, Tòa TGM Hà Nội, từng đoàn người được huy động kêu gào cả đêm đòi giết người. Hình ảnh đó đã bị công luận trong nước và quốc tế lên án mãnh liệt. Nhà cầm quyền đã chối quanh: Đó là do "Quần chúng tự phát" - Lời Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ ngoại giao. Tuy nhiên, người ta đã không khó để vạch trần con bài này và vạch rõ đây là cách để dẫn đất nước vào trình trạng vô chính phủ và không luật pháp. Và từ đó việc dùng cách này coi chừng không hiệu quả. (Hình: Một đám "quần chúng tự phát" được nhà nước đưa vào phá rối nhà thờ Thái Hà ngày 3/11/2011)

Những vụ bắt bớ người biểu tình yêu nước, khủng bố cá nhân những nhân sỹ, trí thức, người bất đồng chính kiến... nhưng không thể căn cứ trên bất cứ một cơ sở pháp luật nào, họ dùng côn đồ, những người không sắc phục xông đến bắt giữ, đánh đập không thương tiếc các nạn nhân. Điều này nhằm che đi sự vô luân và vô luật trước công luận và công chúng

Khi những hình ảnh, video được đưa lên, nhà cầm quyền ráo hoảnh: Đây là những nhóm nào, chúng tôi không biết. Thậm chí còn "sẽ điều tra'. Thế nhưng, cái gọi là điều tra, làm rõ của họ, thì dần dần người ta nghe như một bản nhạc cũ rích và nhàm chán. Chỉ có tác dụng bào mòn thêm chút còn lại nào đó gọi là niềm tin mà thôi. Bởi không ai lạ gì những "côn đồ" đó là ai.

Trong nhiều trường hợp, công an đóng vai côn đồ đánh đập, bắt giữ người dân, vào đồn hiện nguyên hình Công an với đầy đủ sắc phục. Việc đánh đập chúng tôi khi đến thăm nhà Trần Anh Kim ở Thái Bình là một minh chứng cụ thể. (Hình: Cao Thị Minh Toàn, Trường đồn CAP Trần Hưng Đạo, Thái Bình, sau khi đóng vai côn đồ chỉ đạo đánh đập công dân)

Còn trong nhiều trường hợp khác, công an sắc phục đầy đủ trong đồn, ra ngoài thay áo đóng vai côn đồ để đánh đập công dân ngang nhiên. Vụ đánh đập Nguyễn Văn Phương, người biểu tình yêu nước trước trại Lộc Hà là một ví dụ điển hình. (Hình: Nhóm côn đồ tấn công Nguyễn Văn Phương là những công an vừa mặc quân phục ở trong đồn Lộc Hà)

Thực ra không ai lạ, bởi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, huống chi là cả một hệ thống.

Được thể của nhà cầm quyền dung túng và tổ chức, gần đây một số người tự xưng là "Dư luận viên" đã xông đến nhà công dân tổ chức gây gổ, hò hét náo loạn và đánh người vì một cái cớ hoàn toàn bất chấp pháp luật. Chúng hành động và tuyên bố "Việc gì nhà nước không làm được, thì chúng ta làm" - Nghĩa là việc gì dưới danh nghĩa chính thức nhà nước không làm được vì sợ dư luận, thì họ, những người được tổ chức và trả tiền không chính thức sẽ làm, dù đó là những việc bất chấp luật pháp và nhân tính.

Khi một lực lượng, một nhà nước mà sử dụng các biện pháp, cách làm không chính danh, tự nó đã thể hiện sự yếu, sự kém, sự hèn và sự bất chính của mình.

Công an Hà Nội đã tự bộc lộ mình?

Lẽ ra, một vụ án đơn giản như cái chết của Đỗ Đăng Dư, cơ quan Công an Hà Nội chỉ cần xác định rõ, chứng minh rõ ràng và kịp thờ về cái chết của em do đâu mà có, bằng những chứng cứ và cơ sở hẳn hoi để gia đình và xã hội biết. Thế nhưng, họ đã lúng túng và hành xử khuất tất để gia đình và xã hội đặt nhiều câu hỏi nghi vấn.

Những lúng túng, bất nhất của Công an Hà Nội như đã nói ở trên và cách hành xử đối với các nạn nhân là hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư đã là cơ hội cho việc những nghi ngờ ngày càng lớn lên. Nói theo ngôn ngữ dân gian, thì câu ngạn ngữ "đường đi hay tối, nói dối hay cùng" đã có cơ hội chứng minh sự đúng đắn của nó.

Trước hết, các luật sư bảo vệ miễn phí cho gia đình Đỗ Đăng Dư đã phải khiếu nại khi không được cấp giấy bào chữa cho nạn nhân dù đã quá hạn. Luật sư Trần Thu Nam, nạn nhân trong vụ bị đánh đập, là người đã vào tận phòng mổ tử thi Đỗ Đăng Dư với Công an và Pháp Y quân đội. Lẽ nào vị Ls này rỗi việc đi chơi và đến đó chứ không được gia đình đồng ý? Ls Hà Huy Sơn, có giấy yêu cầu của mẹ Đỗ Đăng Dư vẫn không được chấp nhận là ls bào chữa (?).

Sau đó là hàng loạt sự khuất tất trong vụ đánh hai luật sư bị dư luận phản ứng. Tất cả đã nói lên điều gì qua vụ án này?

Ở đây, điều vướng mắc lớn nhất, là việc chết của cháu Đỗ Đăng Dư lại xảy ra trong đồn Công an Chương Mỹ, Hà Nội.

Mà xưa nay, hễ đã dính vào Công an, thì mọi việc đòi hỏi công lý sẽ trở nên khó khăn, thậm chí là vô vọng, mọi cái chết đều nhẹ nhàng dù chết trong đồn hay chết bởi một tên công an khát máu đánh người ngoài đường rồi để chờ cho đến chết, đều là chuyện nhỏ.

Người ta có quyền so sánh những vụ việc như sau:

- Cô người mẫu Trang Trần bị tòa tuyên án 9 tháng tù treo chỉ vì chửi công an.

- Năm công an đánh người ngã gục rồi bắt quỳ xem nhậu, đến khi phải đi viện chỉ bị cảnh cáo.

- Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5-3-2013 vừa qua, TAND huyện Thanh Trì đã tuyên phạt bị cáo Huyền 12 tháng tù giam vì đã hắt xô nước mắm vào Công an.

- Nhưng viên Trung tá Công an đánh ông Trịnh Xuân Tùng gãy cổ, xong xiềng lại cho đến khi đi bệnh viện thì chết chỉ bị tuyên phạt 4 năm tù.

- Thiếu nữ tát cảnh sát giao thông bị phạt 9 tháng tù.

- Trung tá Công an đánh dã man, bầm dập một nữ công nhân vì nghi oan trộm điện thoại, chỉ bị giáng cấp.

Dường như, đã là công an, thì được xếp vào một thứ hạng cao hơn tất cả những thành phần dân chúng còn lại, họ có thể ngang nhiên vi phạm luật pháp, coi thường đạo đức, nhân cách... Nhưng họ sẽ chỉ bị xử lý kiểu gãi ghẻ mà thôi?

Ở xã hội Việt Nam, hễ những tội ác, những quan hệ với công an và dân thường trong xã hội xảy ra, thì nó rất ứng nghiệm và chứng minh rõ ràng một câu trong tác phẩm "Trại súc vật" của tiểu thuyết gia  George Orwell (1903-1950). Ở trong xã hội đó, hiến pháp, mọi luật lệ đều chung quy lại như sau: "Bảy điều răn được giảm xuống còn một câu duy nhất: "Tất cả các loài vật đều bình đằng, nhưng một số loài vật bình đẳng hơn những loài vật khác."

Và những hành xử của Công an Hà Nội qua vụ cái chết của em Đỗ Đăng Dư, đã tự nó nói lên bản chất vụ án là gì.

Hà Nội, ngày 12/11/2015

·       J.B Nguyễn Hữu Vinh