You are here

Về những "Ngày" ở Việt Nam hôm nay

Ảnh của nguyenhuuvinh

 Về những "Ngày"

Trên thế giới, có một số "ngày" được đặt ra để làm tăng hương vị cuộc sống, để thể hiện sự quan tâm của mọi người đối với nhau, đối với một giới, một nhóm người hoặc kêu gọi mọi người quan tâm đến một lĩnh vực nào đó.

Người ta thấy khi môi trường bị đe dọa, trên thế giới xuất hiện Giờ trái đất". Rồi "Ngày thế giới không hút thuốc lá" được lập ra khi các căn bệnh do thuốc lá mang lại đã lan tràn... Người ta sẽ không đặt ra "Ngày không hút thuốc lá" nếu việc hút thuốc lá cũng bình thường như ăn cơm, uống nước, thậm chí là có hại như... uống rượu.

Và trên thế giới, người ta sẽ không dại gì mà đặt ra " Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân chết vì tai nạn giao thông", nếu số nạn nhân của tai nạn giao thông chỉ riêng ở VN không phải là con số mà các cuộc chiến tranh khốc liệt khác phải chào thua, người khác nghe phải rùng mình.

Trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, ngoài những ngày lễ, tết cổ truyền theo truyền thống dân tộc từ ngàn đời thì liên tiếp xuất hiện thêm những "ngày" mới. Chẳng hạn ngày Thầy thuốc, ngày Nhà giáo, ngày Tình yêu, ngày Phụ nữ, ngày Biên phòng, ngày Pháp luật, ngày Môi trường...

Và nghề nghiệp, lĩnh vực có "Ngày"

Thế nhưng, điều rất dễ thấy là khi phải đặt ra "ngày" cho một nghề, nhóm... nào đó, thì càng chứng tỏ rằng sự phân biệt, sự thiếu bình đẳng, sự vất vả gian nạn vẫn tồn tại rất nhiều với ngành, nghề, nhóm hoặc lĩnh vực đó. Và nghề nào, giới nào, nhóm nào được sinh ra mà có "ngày" thì hẳn là những người làm nghề đó, ngành đó, giới đó là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Người ta biết rõ rằng: Những người phụ nữ chưa bao giờ được bình đẳng với nam giới, nên người  ta dành một ngày để "Phụ nữ vùng lên".

Người ta cũng thấy rằng, khi môi trường bị hủy hoại đe dọa đến tương lai của địa cầu, người ta nhắc nhở nhau bằng ngày môi trường.

Người ta cũng biết: Những người sống bằng nghề nghiệp có "ngày" như thầy thuốc, nhà giáo... (Tất nhiên là nói những người làm nghề chân chính) thường là những người chịu nhiều vất vả, thiệt thòi để mang lại khi làm "người chèo đò qua sông" bằng tâm huyết của mình hoặc thực hiện đúng "Lương y như từ mẫu"...

Bởi vậy, người ta chỉ thấy ngày vì người nghèo, ngày phụ nữ, ngày biên phòng toàn dân, ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy, ngày toàn dân phòng chống ma túy... Nghĩa là ngày dành cho những công việc nặng nhọc nhất, vất vả gian nan nhất và thu nhập ít nhất hoặc nguy hiểm nhất chứ chẳng ai thấy có "Ngày lãnh đạo đảng" hay "Ngày lãnh đạo nhà nước" hoặc ít nhất là "ngày cán bộ", "Ngày quan chức cộng sản" bao giờ.

Nếu có, chỉ là những ngày nhằm tự tôn mà theo ngôn ngữ dân gian hiện đại thường gọi là "tự sướng" để tự ca ngợi đảng, nhà nước và tôn sùng cá nhân như "Ngày sinh nhật đảng" "Ngày sinh nhật bác"...

Và tác dụng của nó

Với những ý nghĩa như trên, với những công việc vất vả nặng nhọc đòi hỏi hy sinh, với những vấn nạn, những lĩnh vực xã hội không giải quyết được, thì hẳn sẽ sinh ra một "ngày" dành cho nó. Thậm chí nhiều khi không chỉ là một ngày mà còn là cả một "tuần" hoặc một "tháng" hẳn hoi. Chẳng hạn, mới đây, người ta phát động "Tuần lễ học tập suốt đời" - Nghe cứ lủng củng như đấm vào tai.

Thời đại cộng sản dù Đảng CS Việt Nam luôn luôn kêu gào "Học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh" và thậm chí Hồ Chí Minh còn viết cả cuốn sách "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" để dạy cho quần chúng tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, tư nhân, tư bản... thì ngay từ khi ông ta còn sống ĐCSVN đã đặt ra "Ngày sinh nhật bác" để tôn sùng, đưa vào văn, thơ và cả sách giáo khoa.

Thế rồi những ngày đó, khắp nơi giăng giăng khẩu hiệu đỏ rực, lễ lạt tưng bừng, sách báo xuất bản ào ạt. Thế rồi khắp nơi cấp tiền bạc, nhân lực để mua kẹo, bánh phát cho thiếu nhi gọi là "kẹo bác Hồ". Trong khi rõ ràng, dù là chủ tịch nước, thì đồng lương cũng không thể nào mua nổi để phát cho mỗi trẻ em một cái kẹo vào thời buổi đó.

Mục đích chỉ là để tôn sùng cá nhân - điều mà ông ta đã viết thành sách đòi "quét sạch". Tác dụng của nó là chỉ để tiêu một đống tiền dân và dạy dần cho dân chúng và trẻ nhỏ một điều thực tế giữa lời nói và hành động của người cộng sản.

Căn bệnh tự sướng đã từ đó ngấm sâu dần vào bộ máy cộng sản và trở thành một nạn dịch khó dập tắt trong "Thế hệ Hồ Chí Minh". Gần đây, những ngày của Đảng, ông Tổng Bí thư Đảng "tâm tư" rằng phải làm sao cho Đảng trường tồn cùng dân tộc. Thì ngay trên mạng xã hội đã có câu đối lại như sau:

Nếu "đảng ta trường tồn cùng dân tộc"
Thì "đói nghèo còn mãi với nhân dân"

Hoặc mới "ngày sinh nhật Đảng" gần đây, cờ hoa, khẩu hiệu, cổng chào, hội họp lễ lạt tốn kém biết cơ man nào tiền bạc của nhân dân. Ông TBT hào hùng phát biểu rằng: Đảng lấy phục vụ nhân dân làm lẽ sống, tức thì cũng có ngay câu đối lại rằng:

Đảng lấy việc phục vụ cho dân làm lẽ sống
Dân coi sự lãnh đạo của đảng tựa gông cùm

Những "ngày" đảng đặt ra trên đất nước này có tác dụng là như thế, nó chẳng đưa lại lợi ích gì cho nhân dân đang lầm than, đói khổ. Hãy nhìn những hành động của nhà cầm quyền gần đây, người ta càng hiểu rõ hơn rằng họ tổ chức những "Ngày" của họ nhằm mục đích gì.

Ngày Nhân quyền Quốc tế, trong khi Việt Nam đã long trọng cam kết ký vào bản công ước Quốc tế đó, thì người dân Việt Nam tập trung kỷ niệm đã bị trấn áp, ngăn chặn và giở nhiều trò bẩn thỉu.

"Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11" được đặt ra. Lẽ ra, việc truyền bá pháp luật, quyền lợi và quyền của người dân phải được ưu tiên trong một "Nhà nước Pháp quyền". Thế nhưng, chỗ nào có chữ "Quyền Con Người" thì đều bị coi là thù địch và ngăn chặn. Người dân nào dám mở miệng nói lên lẽ phải, công lý hoặc ý kiến của mình, liền được liệt kê là thành phần phản động, chống phá... 

Vì sao có nhiều ngày, mà đối tượng được lưu ý đến vẫn không có gì thay đổi trong lòng xã hội? Xin thưa, đó chính là bởi căn bệnh nói một đằng, làm một nẻo di căn đến lĩnh vực này.

Bởi chính nhiều những người dạy dỗ học tập cái gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì lập tức họ dẫn đầu việc dẫm đạp lên những điều họ răn dạy. Những người ngày hôm nay mới to mồm thề thốt những điều đạo đức nhất, thì "khi bị lộ" bộ mặt nham nhở còn kinh hoàng hơn nhiều lần những điều họ nói.

Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ là một ví dụ điển hình. Khi những tài sản,  hàng loạt nhà đất với khối tài sản khổng lồ bị lộ, người ta nhớ lại rằng khi đương chức, ông ta là người rất mạnh mồm lên án tham nhũng và tệ nạn của hệ thống quan chức cộng sản cứ như ông ta đang đứng ngoài hệ thống đó. Rằng thì là "Song hợp pháp đến đâu, khi truy nguyên nguồn gốc cũng là tham nhũng. Vì nhờ có chức quyền, anh nắm được quy hoạch, đầu cơ đúng chỗ đúng lúc nên mới mua 1 đồng bán 10, 100 đồng. Biểu hiện tham nhũng rất rõ: một số cán bộ giàu lên nhanh chóng. Căn cứ đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng không thể lý giải được mức sống đó". Rồi thì là: "Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc". "Cái chính là do phẩm chất đạo đức, họ không tự giữ mình" - (TTO, 30.3.2007).  Hoặc:  "Đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong" - (TTO 28.5.2010)...

Vâng, đấy là những lời của một quan chức Cộng sản Việt Nam cỡ bự mà chỉ vừa nghỉ hưu, người ta đã móc ra một đống tài sản khổng lồ.

Điều hài hước nhất ở vụ này, là cả hệ thống luật pháp đứng im không vận động để cho Đảng tự tay "Cảnh cáo" - thế là xong. Nó giống như một bãi nước bọt nhổ thẳng vào cái gọi là "Nhà nước pháp quyền XHCN" ở Việt Nam.

Tạm kết

Cũng giống như các phong trào, các kế hoạch, chiến dịch ở Việt Nam xưa nay, việc hình thành các "Ngày" thực sự có tác dụng gì cho xã hội hay không, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về việc đó.

Nhiều khi, người ta thấy nhà nước phát động ra những ngày, những tuần, những tháng... liên tục mà chẳng biết để làm gì và nó có tác dụng gì cho cuộc sống đất nước và người dân ngoài việc người dân tiếp tục nai lưng ra nộp thuế để nuôi bộ máy sáng tác và vận hành hết ngày này sang tháng khác.

Nhưng, nếu không có những "Ngày" như vậy, thì lấy gì để đảng và nhà nước có thể "tự sướng" rằng thì là "Đảng ta vĩ đại thật" chứ đâu phải vĩ đại đùa. Rồi thì lấy cơ hội nào để tôn sùng cá nhân rằng thì là vừng thái dương, là Bồ Tát?

Và nhất là thiếu đi những cơ hội tiêu tiền dân vô tội vạ

Hà Nội, dư âm những ngày sinh nhật đảng 14/2/2015

J.B Nguyễn Hữu Vinh