You are here

Phải quyết liệt dấn thân xây dựng một xã hội của tình huynh đệ và bao dung, của tình yêu và sự thật

Ảnh của nguyenhuuvinh

Bài giảng lễ cầu cho Công lý và Hòa bình Tháng 9/2014 của Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong CSSr tại Nhà Thờ Thái Hà.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Theo thông lệ, hôm nay là ngày Chúa nhật cuối tháng, ngày chúng ta dành để cùng nhau cầu nguyện cho công lý và hòa bình sớm được hiển trị trên quê hương Việt Nam, cho sự bao dung tôn giáo được mọi người dân Việt Nam thể hiện trong việc xây dựng các mối tương quan trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng.
Chúng tôi không biết anh chị em thế nào, riêng bản thân chúng tôi, những đoạn lời Chúa hôm nay, làm chúng tôi nhớ tới một lời nói của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông nói: “Đừng nghe những gì người cộng sản nói, nhưng hãy nhìn những gì người cộng sản làm”.
Sở dĩ, chúng tôi có sự liên hệ này, là bởi vì, qua dụ ngôn hai người con trai được người cha sai đi làm vườn nho, vào cái ngày “hôm nay”, thì người con thứ nhất sau khi quyết liệt chối từ, bất tuân và thậm chí là nổi loạn chống lại ý người cha, nhưng sau nó hối hận, nó thay đổi suy nghĩ, ăn năn sám hối và lên đường thực hiện lệnh truyền của người cha; trái lại, người con thứ hai thì đã mau mắn vâng lời người cha một cách lịch thiệp, nhưng sau đó nó đã không thực hiện ý của người cha; nó đã biến sự vâng phục khả ái ban đầu, thành một sự bất tuân đáng trách.
Như vậy, qua câu chuyện này, Chúa Giê-su muốn cho tất cả những người lãnh đạo Do-thái lúc đó, và chúng ta các Ki-tô hữu ngày nay, hiểu rằng những lời nói khả ái, những lời hứa hẹn hão huyền sẽ chẳng có giá trị gì, nếu như nó không được thực hiện bằng những hành động cụ thể.
Nói cách khác, đối với Chúa Giê-su, thi hành ý muốn của Thiên Chúa là một thực tại vượt xa hơn lời nói và chủ trương lý thuyết. Người Ki-tô hữu đích thực là người thực hành và sống lời của Thiên Chúa bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Chính Chúa Giê-su đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Thầy, Lạy Chúa là sẽ vào được Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, thì mới được vào mà thôi!” (Mt 7,21)
Không chỉ có vậy, rất nhiều lần trong Tin mừng, Chúa Giê-su đã gay gắt lên án những người Biệt phái giả hình, ngài gọi họ bằng những lời hết sức nặng nề, như loài rắn độc, mồ mả tôi vôi…Ngài còn nói với những người đến nghe Ngài rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, nhưng họ lại không buồn động ngón tay vào…” (Mt 23, 2-3). Sở dĩ, ngài kết án những người biệt phái và luật sĩ nặng nề như thế, chỉ bởi vì, họ đã không chu toàn những nhiệm vụ mà Thiên Chúa trao cho họ trong cộng đồng. Thay vì giúp người dân tìm đươc tự do và hạnh phúc trong những thực tại xã hội, những người lãnh đạo này đã áp đặt trên người dân những gánh nặng nhằm mục đích phục vụ cho những ý đồ cá nhân hay phe phái của họ. Chúa Giê-su nói: “Họ nói mà không làm”.
Kính thưa cộng đoàn,
Chúa Giê-su đã nặng nề kết án những luật sĩ và biệt phái vì họ nói mà không làm; đồng thời Ngài cũng cho thấy, thi hành ý muốn của Thiên Chúa là một thực tại vượt xa hơn lời nói và chủ trương lý thuyết. Vậy, chúng ta, các Ki-tô hữu của Chúa, chúng ta phải làm gì để thi hành ý Chúa, trong một xã hội mà Tổng thông Nguyễn Văn Thiệu đã từng nói: “Đừng nghe những gì những người cộng sản nói, nhưng hãy nhìn những gì họ làm?”
Kính thưa cộng đoàn,
Những gì người cộng sản nói và làm suốt hơn nữa thế kỷ qua trên quê hương đất nước này, chúng ta đã thấy quá rõ và hậu quả của nó đang tác hại trên đất nước này, chúng ta ở đây ai cũng am tường. Không phải chỉ ngày hôm nay, khi chúng ta đã là nạn nhân của một thứ cơ chế tội ác là chủ nghĩa cộng sản, thì chúng ta mới nhận ra sự ảo tưởng của chủ nghĩa này. Nếu anh chị em đọc lại các huấn quyền của Giáo hội từ thông điệp Tân sự của Đức cố Giáo hoàng Lê-ô 13, năm 1891, cho tới nay, thì nhiều lần các vị lãnh đạo Giáo hội đã gay gắt lên án thứ Chủ nghĩa độc hại này. Xin trích dẫn vài điều để chúng ta hiểu thêm về những lo âu của Giáo hội và những đề nghị mà Giáo hội muốn chúng ta thực hiện trong đời sống đức tin của mình.
Về Chủ nghĩa xã hội, Đức Giáo hoàng Lê-ô 13 viết: “Chủ nghĩa xã hội gây bao thiệt hại ngay trong xã hội dân sự. Chủ nghĩa xã hội bất công một cách hiển nhiên, không ai là không thấy rõ! Thuyết ấy còn gây nên biết bao thiệt hại. Trước thì gây hỗn loạn giữa các tầng lớp xã hội. Nó xiềng xích công dân vào vòng nô lệ nhục nhã ghê tởm, nên mới mở cửa cho công dân tha hồ giận ghét nhau, sinh lòng bất mãn và căm hờn.” (Đức Lê-ô 13, Thông điệp Tân sự, ngày 15/5/1891, số 12).
Đức Pi-ô 11, trong Thông điệp 40 năm, ngày 15/5/1931, đã viết về Chủ nghĩa cộng sản: “Cộng sản trong lý thuyết cũng như trong thực hành, không những ngấm ngầm mà lại công khai, không những theo một đường lối quanh co, mà lại theo một đường lối thẳng băng, bằng những phương pháp hiệu lực kể luôn cả võ khí, để quyết theo đuổi và đạt tới hai vật đích rõ ràng:
Gây sự giai cấp tương tranh kịch liệt, bài trừ mọi quyền sở hữu. Nó quyết đấu tranh cho đến khi đạt chiến thắng. Không có việc gì nó không dám làm. Không có sự gì nó kính trọng. Chỗ nào nó đã chiếm lấy chính quyền, nó tỏ mình là dã man và vô nhân đạo đến cực độ. Ai chưa thấy thì không dám tin. Những việc nó làm toàn là những việc kỳ khôi kinh khủng. Những sự bách hại, những bại hoại nó đã chồng chất ở miền đông Âu Châu và ở miền Viễn đông, chứng tỏ điều ấy rõ ràng. Kinh nghiệm hằng ngày, như ai cũng thừa biết, cũng làm chứng cộng sản là kẻ thù địch của giáo hội và Thiên Chúa nữa. Thiết tưởng ta không cần nói dài về tính cách vô nhân đạo và bất công của cộng sản, cho các tín hữu của giáo hội ý thức. Nhưng ta rất ưu sầu khi thấy kẻ cầm quyền vô tư lự, hầu như cứ khinh thường một tai họa lớn như thế và cứ thụ động chẳng làm gì để ngăn cản những tà thuyết cộng sản truyền bá khắp nơi, và những việc hung ác sát nhân nó thường dùng toàn là những sự ghê tởm đưa xã hội đến bại hoại. Nhưng đáng kết án hơn cả là những người biếng nhác thụ động, không bài trừ hay cải hóa những tình trạng bất công làm cho đại chúng tức tối cực điểm, và như vậy cứ mở đường cho đảo lộn và phá hoại cả xã hội.” (số 70)
Chúng ta không có thời giờ để trích dẫn tất cả những gì mà Giáo hội nói về chủ nghĩa cộng sản, về những tác hại mà thứ chủ nghĩa hoang tưởng ấy đã gây nên, tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng, Giáo hội luôn ưu tư và mong ước con cái mình, phải luôn là ngọn cờ đầu trong công cuộc cải tạo xã hội, phải quyết liệt dấn thân xây dựng một xã hội của tình huynh đệ và bao dung, của tình yêu và sự thật. Trước hết bằng việc khước từ tham gia vào đảng cộng sản, bởi vì, như Đức Giáo hoàng  Pi-ô 11, Thông Điệp 40 năm (Tứ Thập Niên), ngày 15/5/1931, đã viết:
“Hòa hợp chủ nghĩa xã hội với tôn giáo, và nhất là công giáo là một mâu thuẫn khó giải quyết được. Không ai là đảng viên chủ nghĩa xã hội và đồng thời giữ chức vị kitô hữu kiểu mẫu được.” (số 75)
 Tất cả những người nào không chịu góp sức nhiệt tâm mạnh bạo, chống trả những nguy nan do chủ nghĩa xã hội gây nên, thì hoặc giả vờ khinh thường, hoặc thành thực không biết những nguy nan kinh khủng ấy (số 76).
“Ta ưu sầu biết bao, khi thấy một số đông con yêu của ta rời bỏ giáo lý công giáo mà nhập vào hàng ngũ chủ nghĩa xã hội. Ta không sao tin được lòng tin của họ còn toàn vẹn, ý chí của họ còn chính trực. Trong số tín hữu đó, người thì công khai ghi tên và tuyên xưng chủ nghĩa xã hội nói trên, người thì trôi theo nó, người thì bị bắt buộc công khai hay ngấm ngầm phải nhập vào các phe đảng xã hội.” (số 77).
Như vậy, theo Giáo huấn của Giáo hội việc khước từ tham gia vào đảng cộng sản, là một việc làm quan trọng hàng đầu để chứng tỏ mình là người công giáo. Trong thực tế, rất nhiều người công giáo đã vào đảng và nghĩ rằng họ vào đảng để tìm kiếm công ăn việc làm, chứ họ không theo đảng. Tất cả chỉ là sự biện minh mà thôi; bởi vì, như Đức Giáo hoàng Pi-ô 11 đã nói: “Chủ nghĩa xã hội bất phân phạm vi học thuyết, lịch sử hay thực hành, dầu đã quay về với chân lý và công bằng một phần nào, cũng không thể được đồng nhất với học thuyết xã hội công giáo, vì quan niệm xã hội của nó trái nghịch với quan niệm công giáo một trăm phần trăm.” (số 73).
Bên cạnh đó, trước hiện tượng xã hội con người ngày càng xa rời chân lý, Giáo hội luôn khẳng định vai trò của người giáo dân công dân là phải tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chính trị, nhằm cải thiện cuộc sống công ích, góp phần kiến tạo cuộc sống hạnh phúc bình an:
 “Không ai xưng mình là Kitô hữu mà không thấy mình bị bó buộc phải cải thiện mọi tổ chức dân sự tùy theo tài sức. Những tổ chức đó được cải thiện thì nhân cách con người mới được tôn trọng, mọi trở lực ngăn cản việc đổi mới được loại trừ, và tất cả mọi sự đưa đến lẽ phải và đạo nghĩa sẽ được ủng hộ.” (Gioan 23, Thông điệp Mẹ và Thầy, ngày 15/5/1961, số 179).

Kính thưa cộng đoàn,
Hôm nay, ngày chúng ta cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Lời Chúa ngày hôm nay, nhắc nhở với mỗi người chúng ta, bổn phận dấn thân của người Ki-tô hữu phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, trong một mỗi trường cụ thể, với những con người cụ thể và bằng một sự quyết đoán, chứ không phải chỉ bằng những lời nói suông hay những sự thỏa hiệp với những thứ quyền lực của sự dữ, được cụ thể hóa bằng chính chủ nghĩa vô thần. Chúng ta không thể là Ki-tô hữu đích thực nếu chúng ta để mặc cho sự ác lộng hành mà chúng ta không lên tiếng.
Chúng ta có thể nói với nhau rằng, Thiên Chúa trao cho chúng ta mảnh đất này, quê hương này để chúng ta sống lòng tin và thể hiện sự trung thành với Chúa. Nói cách khác, ý của Thiên Chúa muốn chúng ta là người Công giáo Việt Nam, biết yêu tổ quốc, yêu đồng bào, tích cực xây dựng một đất nước giầu đẹp dựa trên cơ sở Đức tin vào Chúa, như Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã viết trong thông điệp Bát Thập niên, ngày 14/5/1971:
“Bổn phận của mọi người - và nhất là của người Kitô hữu  - là phải hành động mạnh mẽ để kiến tạo một tình huynh đệ phổ quát, là nền tảng thiết yếu cho một nền công bình đích thực và là điều kiện cho một nền hòa bình lâu dài: “Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là cha mọi người, nếu chúng ta từ chối xử sự như anh em đối với một số người, cũng được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Quan hệ giữa con người với Thiên Chúa là Cha và giữa con người với anh em mình có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa”  (1Ga 4,8).” (số 17).
Thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai hôm nay, trích trong thư gửi Giáo đoàn Phi-líp đã nói: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2, 4).
Xin Chúa cho mỗi người công giáo chúng ta hãy bắt đầu một chuyến ra khơi, bằng việc can đảm từ bỏ những công việc mờ ám, phục vụ cho công ích, trở thành nhịp cầu nối mọi người với Thiên Chúa bằng những dấn thân cụ thể, quảng đại, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam thân yêu. Amen.

 

 
Hà Nội, Ngày 28/9/2014
Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong CSSr