You are here

Thấy gì từ chuyến thăm Trung quốc của ông Lê Hồng Anh

Việc Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh sang thăm Trung quốc với danh nghĩa là Đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt chú ý. Người ta muốn biết mối quan hệ Trung - Việt sẽ tiến triển ra sao sau chuyến thăm này?

Mục đích chuyến thăm
 
Chuyến thăm Trung quốc của ông Lê Hồng Anh diễn ra trong bối cảnh, từ tháng 5.2014 đến nay, quan hệ giữa hai nước Việt nam - Trung quốc đã suy giảm rất nhanh, được cho là xấu nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, sau khi Trung quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế đã đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm lãnh hải của Việt nam. Cho dù trong nhiều năm qua, mối quan hệ này là mối quan hệ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 đảng CS Việt nam và Trung quốc.
 
Chuyến thăm này được coi là việc làm cần thiết từ phía Việt nam, nhằm chặn đứng sự xuống dốc hầu như không phanh của quan hệ Việt - Trung. Đồng thời để tìm cách hàn gắn và cứu vãn các quan hệ đã bị rạn vỡ nghiêm trọng giữa Hà nội và Bắc Kinh trong thời gian gần đây. Trong lúc các động thái trong quan hệ ngoại giao giữa Hoa kỳ và Việt nam được xem là tiến triển nhanh, đã khiến cho nhiều người hoài nghi về thái độ của ban lãnh đạo Việt nam đối với người bạn, người đồng chí tốt Trung hoa.
 
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt nam trước chuyến đi cho hay, chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc. Với "Mục đích chuyến đi là nhằm trao đổi với lãnh đạo TQ về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước Việt - Trung ”. Bên cạnh đó cũng sẽ giải quyết các vấn đề về vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp và công nhân Trung quốc trong tháng 5 vừa qua, đã làm cho một số công nhân Trung quốc bị thiệt mạng, bị thương; sẽ tiến hành bồi thường nhân đạo nhất định cho những công nhân Trung Quốc bị hại, và sẽ cử đoàn đến Trung Quốc thăm hỏi đại diện gia quyến các nạn nhân. Đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn cho công nhân, doanh nghiệp TQ và các nước tại Việt Nam.
 
Điều này theo Tân Hoa xã đã được phía Bộ Ngoại giao Trung quốc xác nhận trong thông báo của mình và họ cũng bày tỏ sự hoan nghênh quyết định bồi thường cho công nhân Trung Quốc của phía Việt Nam.
 
Dư luận nói gì về chuyến đi?
 
Trước chuyến đi này của ông Lê Hồng Anh, truyền thông trong và ngoài nước đưa tin với nhiều bình luận và đánh giá khác nhau.
 
Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Lê Hồng Anh nói trước khi gặp phía Trung Quốc rằng mục đích chuyến đi của ông là nhằm “trao đổi về các biện pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài”.
 
Nhân dân nhật báo ngày 26.7, cho rằng mục đích chính của chuyến thăm Trung quốc của Đặc phái viên của Tổng BT Đảng CSVN, ông Lê Hồng Anh là: phía Việt nam muốn phía Trung quốc bảo đảm chắc chắn không để tái diễn sự kiện giàn khoan HD-981 trên vùng Biển Nam hải như thời gian qua.
 
Báo Người quan sát Thượng Hải cùng ngày với tựa đề "Đặc sứ Tổng BT Đảng CSVN hôm nay thăm TQ đã "đổi giọng"", thì lại cho rằng Đặc sứ Tổng BT Đảng CSVN  Lê Hồng Anh - quan chức cao cấp của Việt nam lần đầu tiên được phía Trung quốc phê chuẩn tới thăm Trung quốc kể từ sau vụ đối đầu ở Biển Nam Hải, do phía Việt nam đã chịu hạ giọng. Mục đích của chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh được cho là nhằm khôi phục mối quan hệ truyền thống giữa Việt nam và Trung quốc và để kiểm điểm việc thiết lập quan hệ chiến lược của hai bên, nhằm tăng cường tin cậy lẫn nhau.
 
Nhà báo Martin Petty của Reuters bình luận rằng "Chuyến thăm là dấu hiệu đầu tiên về nỗ lực chung nhằm hàn gắn rạn nứt giữa hai bên, mắc kẹt trong cuộc khẩu chiến từ hôm 2/5. Tranh cãi với Trung Quốc đặt ban lãnh đạo Việt Nam ở vị thế khó xử, thì cảm giác nhượng bộ Bắc Kinh cũng có thể gây mất lòng dân.".
 
Tuy nhiên theo Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nói với Hãng tin AP rằng: “Lần này cũng sẽ không có bất cứ kết quả gì. Trung Quốc sẽ không bao giờ tương nhượng. Việc họ rút giàn khoan chỉ là tạm thời. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng xấu xa là độc chiếm Biển Đông.”
 
Theo GS. Carlyle A. Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nói với BBC thì cho rằng "Chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh đặt nền móng cho việc rồi đây hai bên quay trở lại sự tham vấn ngoại giao sau thời gian đối đầu trên biển. Cần lưu ý rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đã chọn cơ chế Đảng để giải quyết tồn đọng trong quan hệ. Chuyến thăm của ông cân bằng lại chuyến thăm Mỹ của Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị, nhằm giữ thể diện cho hai bên. Trung Quốc mời ông sau khi đã liên tục từ chối hơn 30 lần đề nghị gặp gỡ của Việt Nam."
 
Dư luận xã hội ở Việt nam thể hiện sự thất vọng của người dân về chuyến thăm Trung quốc của ông Lê Hồng Anh, điều mà đa số cho rằng thể hiện sự tự hạ thấp mình của chính quyền. Thậm chí ông Trần Kinh Nghị, một nhà ngoại giao từ Hà nội cho rằng "... thấy nó có cái gì rất không ổn, nếu không nói là quá ư lạ lẫm: Kẻ cướp bỗng chốc biến thành nạn nhân và nạn nhân phải sang nhà kẻ cướp để xin chia buồn và bồi thường thiệt hại!"
 
Nói về những khó khăn trong chuyến đi của Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, trả lời VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS thấy rằng: “Người dân sẽ tiếp tục gây một cái áp lực hết sức là nặng nề lên ban lãnh đạo hiện thời và đấy là một cái thực tế mà người ta phải đối mặt. Tôi nghĩ là ông Lê Hồng Anh cũng phải nhận thức được điều đó, để rồi trong những cuộc đàm phán với phía Trung Quốc trong 2 ngày tới, ông ấy cũng phải nói rõ cho Trung Quốc điều đó.”
 
Quan điểm ban lãnh đạo Đảng CSVN
 
Trong Bộ Chính trị Đảng CSVN hiện nay, đang có sự giằng co giữa xu hướng ủng hộ một sự thay đổi chiến lược để ngả về phía Hoa Kỳ và xu hướng còn lại cho rằng Việt Nam vẫn có thể thương lượng với Trung Quốc - một đồng minh có cùng ý thức hệ cộng sản, cũng là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Và xu hướng không để mất lòng Trung quốc có vẻ đang nhận được sự đồng tình từ đa số thành viên Bộ Chính trị.
 
Với một bản tin ngắn gọn, tưởng chừng như thể không thể ngắn hơn và vỏn vẹn chỉ có 3 dòng, Thông tấn xã Việt nam đã đưa tin (nguyên văn) "Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 26 đến 27/8. Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc./." 
 
Đối với các nhà phân tích và bình luận chính trị Việt nam điều này phần nào cho thấy thái độ không mấy mặn mà của những người làm công tác tuyên truyền đối với sự kiện này. Chuyến đi này được coi là quyết định của những người trong ban lãnh đạo Việt nam vẫn còn  tin rằng việc giữ hòa hiếu với Trung Quốc là cần thiết, cho dù rằng nước này vẫn không từ bỏ âm mưu độc chiếm trên Biển Đông.
 
Việc Việt nam giải quyết các vấn đề về vụ việc xảy ra trong tháng 5 vừa qua, đã làm cho một số Doanh nghiệp Trung quốc bị thiệt hại về tài sản, một số công nhân Trung quốc bị thiệt mạng, bị thương. Hay việc phía Việt nam sẽ tiến hành bồi thường nhân đạo nhất định cho những công nhân Trung Quốc bị hại, cử đoàn đến Trung Quốc thăm hỏi đại diện gia quyến các nạn nhân, không chỉ là việc làm phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn là việc làm cần thiết để để trấn an các nhà đầu tư rằng vẫn là một môi trường ổn định và thân thiện cho đầu tư quốc tế.
 
Nếu chúng ta hiểu rằng ông Lê Hồng Anh là Thường trực Ban Bí thư, ở cương vị đảng ông là nhân vật số 2 và được xem như chỉ dưới Tổng Bí Thư. Hơn nữa ông Anh là người gốc tỉnh Kiên giang - quê hương thứ 2 và cũng là nơi khởi nghiệp chính trị của Thủ tướng Dũng. Ông là một người dễ bảo, luôn chấp hành cấp trên, là người có thói quen là phải cầm giấy viết sẵn các điều cần phát biểu do thư ký soạn và đặc biệt là không gây mất lòng ai, thì cũng phần nào hiểu được vai trò của ông trong vấn đề phe phái trong đảng khi nhận nhiệm vụ sang Trung quốc lần này.
 
Và nếu hiểu mục đích chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị - Bí thư thành ủy Hà nội - một cá nhân được cho là thân Trung quốc đến Hoa kỳ trong tháng 7.2014 trong tư cách một Ủy viên Bộ Chính trị nhằm biểu lộ quan điểm của Đảng CSVN về lập trường của Đảng về việc tôn trọng và chấp nhận vai trò của Hoa kỳ trong vấn đề Biển Đông.
 
Thì sẽ thấy chuyến đi này tính chất giống như chuyến đi của  ông Phạm Quang Nghị tới Hoa kỳ, ông Anh thay mặt cho Đảng CSVN để bày tỏ quan điểm một cách chính thức với phía Trung quốc và chuyển thông điệp rằng trước sau vẫn coi trọng quan hệ Việt nam - Trung quốc, vẫn coi nhau là láng giềng tốt.
 
Tuy nhiên vấn đề mấu chốt của chuyến đi, theo GS. Carlyle A. Thayer sự khác biệt là ở chỗ: "Ông Lê Hồng Anh sẽ yêu cầu Trung Quốc phải cho biết dự định trong tương lai liên quan việc đặt giàn khoan. Còn  ngược lại, Bắc Kinh lại muốn bảo đảm rằng Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc."
 
Chuyến đi này được coi là chuyến đi mang tính đối trọng, nhằm cân bằng lại chuyến thăm Hoa kỳ của Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị. Bên cạnh mục đích làm vừa lòng Trung quốc để tiếp tục duy trì mối quan hệ giữa hai đảng, còn đòi hỏi phía Trung quốc phải nói rõ quan điểm của họ trong vấn đề Biển Đông trong tương lai. Đây là điểm khác trước, khi mà từ trước đến nay Hà nội luôn được cho là chỉ biết tuân thủ các yêu cầu của Bắc kinh.
 
Được biết, kết quả chuyễn thăm Trung quốc lần này của ông Lê Hồng Anh xảy ra trước lúc Hội nghị TW lần thứ X sẽ diễn ra vào tháng 10.2014, là thời điểm Ban Chấp hành TW Đảng sẽ có thể thống nhất để ra một nghị quyết cụ thể về vấn đề Biển Đông.
 
Kết quả của chuyến đi
Ngày 27.8, trong phiên hội đàm với ông Lê Hồng Anh, ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng quan hệ Trung-Việt đã từng một dạo xuất hiện cục diện căng thẳng và khó khăn, đây là điều mà chúng ta không muốn trông thấy. Theo ông, chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh đã “thể hiện nguyện vọng chính trị tích cực thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Việt của Đảng và Chính phủ Việt Nam”.
 
Còn ông Lê Hồng Anh thì thấy rằng : "Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cần tăng cường trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao, đưa quan hệ hai Đảng, hai nước trở lại phát triển lành mạnh, ổn định và không ngừng phát triển theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của hai nước và của khu vực."
 
Hai bên đã đạt được thỏa thuận chung "nguyên tắc ba điểm”, đó là :

  • Một là, lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.
  • Hai là, hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật, nhân văn...
  • Ba là, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, trong buổi tiếp kiến với ông Tập Cận Bình, ông Lê Hồng Anh đã nói rằng “Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài”. Đồng thời ông Anh cũng kêu gọi hai bên “cần tăng cường hợp tác, xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, để tập trung xây dựng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân ở mỗi nước.”
 
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp này ông Tập Cận Bình nói với ông Lê Hồng Anh rằng hai nước “nên thân thiện với nhau để giúp hàn gắn lại mối quan hệ sau những ngày căng thẳng vì vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Một nước láng giềng không thể dọn đi nơi khác và thân thiện với nhau là lợi ích chung của hai bên”.
 
Sau khi chuyến đi kết thúc, truyền thông Việt nam cho rằng trở ngại chính trong mối quan hệ giữa Việt nam - Trung quốc là vấn đề chủ quyền Biển Đông. Điều này vẫn không vượt qua được khi hai bên vẫn cho rằng cần thiết phải “tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp.”
 
The Diplomat cho hay, trong cuộc gặp với Tổng BT Tập Cận Bình, ông Lê Hồng Anh đã nói rằng các nhà lãnh đạo hai nước "không muốn nhìn thấy mối quan hệ tiếp tục căng thẳng và khó khăn." Để tiến triển trong quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, tránh những hành động có thể làm trầm trọng thêm các tranh chấp trên Biển Đông hai bên đã thống nhất xem xét các nguyên tắc khai thác chung Biển Đông. Tuy nhiên theo đánh giá của The Diplomat thì mối quan hệ Trung - Việt hiện vẫn còn rất mong manh.
 
Việc đưa ra vấn đề xem xét nguyên tắc khai thác chung Biển Đông trong chuyến đi của ông Lê Hồng Anh đã thấy sự xuống thang từ phía Trung quốc, trái ngược với chuyến đi thăm Hà nội của ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng 6 vừa qua tới khi đưa ra thông điệp cho biết Bắc Kinh không nhân nhượng, không tư bỏ đòi hỏi chủ quyền biển đảo chiếm gần hết Biển Đông.
 
Tuy vậy, khuôn mặt của Đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ông Lê Hồng Anh, với những trang giấy để bên cạnh, trong các bức hình liên quan đến chuyến thăm Trung quốc lần này được truyền thông nhà nước giới thiệu cũng cho thấy kết quả của chuyến đi không mấy suôn sẻ.
 
Tương lai quan hệ Trung quốc - Việt nam - Hoa kỳ?
 
Sự kiện gián khoan HD-981 vừa qua đã tạo nên sự phẫn nộ của số đông người Việt đối với chính quyền Bắc kinh, đây là một trong những sức ép tác động lên ban lãnh đạo Việt nam trong việc quyết định mối quan hệ của họ với Trung quốc. Việc này đòi hòi ban lãnh đạo Đảng phải có một lập trường thích ứng để vừa duy trì với một đồng minh có cùng ý thức hệ cộng sản, song cũng vừa để tránh sự giận dữ của dân chúng trước sự đớn hèn vốn đã trở thành ý thức của những người lãnh đạo Đảng CSVN trước Trung quốc.
 
Nhưng dù sao chăng nữa Đảng CSVN sẽ cố gắng bảo vệ bằng được mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 đảng CS Việt nam và Trung quốc. Đó là điểm cốt yếu, bởi vì đây là con đường duy nhất có thể đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của họ.
 
Trước tới nay Hà nội có một chính sách đặc biệt trong mối quan hệ với Bắc kinh, tuy vậy từ nay trở đi mối quan hệ này sẽ không còn đậm tình hữu nghị theo tinh thần 4 tốt và 16 chữ vàng như trước đây. Việc Hà nội tỏ ra e dè và nghi ngại Bắc kinh hơn cũng là điều sẽ xảy ra. Cũng như quan hệ Việt nam - Hoa kỳ cũng chỉ dừng lại ở một mức độ, để phù hợp nhất định trong chính sách ngoại giao đi dây của Hà nội.
 
Do vậy, về lâu dài, việc duy trì và phát triển các quan hệ với Hoa kỳ trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực chỉ là động thái của Hà nội nhằm biến Hoa kỳ trở thành một đối trọng trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông của Việt nam trong quan hệ với Bắc kinh. Song chắc chắn mối quan hệ Việt nam - Hoa kỳ sẽ không thể đi quá xa, tới mức để cho Bắc kinh nổi giận.
 
Các cuộc thăm viếng Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng liên quân Hoa Kỳ, Martin Dempsey và hai phái đoàn thượng viện Mỹ trong thời gian vừa qua, chỉ là sự tính toán của có chủ ý của Việt Nam, hòng để gây áp lực với Trung quốc dọn đường cho chuyến thăm Trung quốc của ông Lê Hồng Anh.
 
Vì Việt nam vẫn là một quốc gia có ý thức  Cộng sản, với thể chế chính trị một đảng cầm quyền, thì việc có quan hệ quá mức mật thiết với Hoa kỳ chắc chắn sẽ là điều có nhiều bất lợi cho Đảng CSVN và từng cá nhân các thành viên trong ban lãnh đạo. Vì thế việc tiến tới quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt nam và Hoa kỳ sẽ là một tương lai còn khá xa.
 
Tất cả phụ thuộc vào xu thế chung của các Ủy viên TW Đảng. Nếu nói như GS. Carlyle A. Thayer  rằng: “Tôi không nghĩ là ai có thể đắc cử trở lại ở trong Đảng (Đại hội Đảng XII năm 2016 - TG) nếu họ dám thúc đẩy một chính sách thỏa hiệp với Trung Quốc.”. Thì có thể người ta sẽ phải trông chờ vào vai trò của ông Nguyễn Tấn Dũng, một ứng viên của chức Tổng BT từ nay đến đầu năm 2016.
 
Vào lúc này, ban lãnh đạo Đảng CSVN đang cố gắng có sự tính toán để Việt nam có thể chung sống một cách hòa bình với người láng giềng khổng lồ Trung quốc, nhưng vẫn tránh được sự lệ thuộc mang tính chất chư hầu, đồng thời vẫn giữ được độc lập, tự chủ. Do đó việc hòa hiếu hay có quan hệ tốt với Trung quốc là sự tính toán khôn ngoan, không có bất cứ lý do gì buộc Việt nam phải quay lưng hẳn với Trung quốc.
 
Tuy vậy, đối với các nhà lãnh đạo Việt nam, trò chơi cân bằng trong quan hệ với Trung quốc và Hoa kỳ luôn luôn được họ tận dụng với ưu tiên hàng đầu vẫn là sự tồn tại an toàn của chế độ hiện nay ở Việt nam.
 
Do đó có thể thấy những chính sách được cho là bất bình thường trong quan hệ với Trung quốc và Hoa kỳ, vẫn được áp dụng là điều dễ hiểu. Điều này cũng xuyên suốt trong quan điểm của Việt nam trong vấn đề tham gia TPP sắp tới đây, đó là được vào thì tốt, không vào cũng không sao, vấn đề đối với họ là phải an toàn nhất cho chế độ.
 
Ngày 28 tháng 8 năm 2014
 
© Kami
 
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA