You are here

Những sự kiện không đáng nhớ trong tuần

Hai tuần qua, có lẽ dư luận trên các trang mạng xã hội không có chuyện nào hot hơn 3 sự kiện: Máy bay rơi ở Hà Nội; Triệu Thị Hà và Lê Hoàng ngồi trên sách; Ca sĩ Lệ Rơi có show diễn chính thức ở Hà Nội. Ba sự kiện này đều có tính “văn hóa” ở tầm mức “đỉnh cao” và đương nhiên là nó không đáng nhớ. Lẽ ra phải nói là ba sự kiện đáng để bàn luận chứ sao lại nói nó không đáng nhớ?
Bởi lẽ, những sự kiện này không cần nhớ cũng phải nhớ. Một kẻ mệnh danh là đạo diễn khó tính và nghiêm túc cùng với một hoa hậu – người đang được công chúng yêu quí lại đặt bàn tọa ngồi lên một cái ghế nhung mà dưới chân nó là những cuốn sách đang oằn mình chịu trận. Thử nghĩ, có cần bàn thêm về mức độ vô văn hóa của bức ảnh này?
Chưa dừng ở đó, hoa hậu Triệu Thị Hà và người đại diện đã biết công khai xin lỗi với lý do “vì đêm tối, không thể nhìn thấy sách dưới ghế…”, lý do này tạm chấp nhận được. Thế nhưng với Lê Hoàng thì mọi chuyện lại khác, thay vì im lặng nhận sai sót hoặc công khai xin lỗi, viện dẫn một lý do kĩ thuật nào đó để mọi chuyện trở nên dễ chịu, Lê Hoàng lại tiếp tục đứng lên trả lời với báo chí trong nước rằng “sách có loại tốt, loại xấu, biết đâu chúng tôi đang ngồi trên những cuốn sách xấu…?!”. Đến đây thì không còn gì để bàn luận thêm được nữa, miễn bàn cho Lê Hoàng!
Và thiết nghĩ cũng không cần phải nhớ đến sự kiện này nữa, bởi nó không phải là sự kiện đáng nhớ mà là sự kiện đáng quên, sự kiện đáng xấu hổ và đáng vứt vào sọt rác của tuần hơn là phải bàn thêm về nó. Vả lại, nếu đáng bàn là bàn trước khi Lê Hoàng phát biểu với tư cách một đạo diễn, còn sau khi Lê Hoàng hàm hồ, bá vơ với những lời lẽ đầy tính bao biện và vô văn hóa như vậy, thì con người ấy không đáng bàn và sự việc ấy không đáng để nhớ, bẩn trí.
Sự kiện thứ hai, ca sĩ Lệ Rơi trở thành ngôi sao hót nhất trong làng giải trí với giọng hát dở nhất, và có hẳn một show trình diễn của Lệ Rơi ở Hà Nội. Một số báo nước ngoài lên tiếng, đại khái cho rằng đây là biểu hiện của sự quá chán chường thực tại, giới trẻ tìm đến những thứ nhảm nhí… Đương nhiên là những bài viết này đúng. Nhưng, thử nghĩ trong vấn đề quản lý nhà nước là vấn đề trọng yếu, liên quan đến vận mệnh quốc gia, trong đó, những nhà quản lý này là ai? Họ là những “thiên tài” học bằng từ cấp một, cấp hai sang đại học, ngủ một đêm tới sáng có bằng đại học, một chủ tịch nước ra nước ngoài phát biểu những câu hết sức ngớ ngẩn như: “Việt nam thức thì Cu Ba ngủ… Cả hai nước canh giữ hòa bình thế giới…!”.
Thật ra, sự nhảm nhí đã thấm tận chân tơ kẽ tóc của chế độ, của một nền chính trị thì sá gì một anh chàng nhà quê chân ướt chân ráo tự đánh bóng mình và một lớp trẻ hiếu kì tung hô! Những chuyện như thế chỉ đáng để suy nghĩ, đáng để đau cái đầu nhưng không đáng để nhớ, nó chỉ là rác của nhân loại, rác văn hóa mà nhân loại bỏ đi thì người Việt xài lại. Mà việc xài lại rác thì đâu cho bằng Việt Nam, ngay cả hệ thống tư tưởng Mac – Lê đã được thế giới tiến bộ vứt vào sọt rác ngót nghét trăm năm, Việt Nam vẫn nâng niu, sử dụng một cách chăm chuốt và đặt nó lên bàn thờ tổ quốc đấy thôi! Điều đó đáng suy nghĩ và đáng nhớ hơn nhiều nhưng người ta vẫn lờ đi hoặc cố tình không nhìn thấy.
Và ngày 7 tháng 7 vừa qua, sự kiện một chiếc máy bay trực thăng chở 21 thành viên cậu lạc bộ dù tròn (đây là câu lạc bộ của các tư bản đỏ ở Hà Nội) và một phi hành đoàn ước chừng 4 người nữa đã bị rơi ngay sau khi cất cánh chưa đầy 5 phút. Thử hình dung trong lúc xăng dầu, mọi nguồn năng lượng của quốc gia bị eo hẹp, thậm chí cạn kiệt, kẻ ngoại bang đang xâm lăng đất nước, nguy cơ mất nước đã gần kề, lẽ ra dù là nửa lít xăng cũng phải dành cho việc cứu nước, giữ nước mới đúng chứ, đằng này một máy bay quân sự lại dùng cho việc nhảy dù tròn của một câu lạc bộ dù tư bản đỏ. Và chắc chắn là việc này không phải xãy ra một lần, thậm chí người ta có quyền nghi vấn quân đội đã dùng xăng của nhân dân để kinh doanh, phục vụ cho thú vui nhảy dù của giới tư bản đỏ. Mà cũng không chừng những đợt dạo chơi trên không để nhảy dù này là những lần “đãi nhau” sau những cú áp phe, chẳng thu về được đồng nào!
Đã như thế, có đáng để bàn luận thêm hay không? Và nếu có thương tiếc thì thương tiếc cho những chiến sĩ vô tội bị cấp trên bắt phải đi kèm để huấn luyện hoặc dìu dắt những thành viên câu lạc bộ, họ thật sự tội nghiệp và oan ức. Và có thương thì thương cho anh phi công ngồi trong buồng lái mà không được lái, phải đưa cần lái cho một đại gia nào đó trong câu lạc bộ lái thử vì nể ông này là bạn của cấp trên, cuối cùng mới ra nông nỗi như vậy!
Trong lúc đa phần nhân dân đói khổ, chật vật từng đồng, từng cắc để sống qua ngày, để đóng thuế từ chỗ ở đến miếng ăn, chỗ chôn thân, chỗ thờ cúng, dường như không có chỗ nào là không đóng thuế. Trong lúc đất nước đang hẹp dần và ngột ngạt bởi giàn khoan của kẻ xâm lăng, bởi những họng súng đang ngắm vào Việt Nam, câu hỏi cần đặt ra lúc này là nhân dân sẽ sống ra sao, đất nước sẽ đi về đâu với tình hình đang ngày càng xấu đi? Và đời sống của nhân dân sẽ ra sao nếu Trung Cộng vẫn tiếp tục xâm lăng và lấn lướt trên mọi khía cạnh? Thiết nghĩ, đó là vấn đề cần quan tâm, cần nhớ hơn là chuyện chơi bời, hưởng lạc của một nhóm người mà chính họ và nền báo chí này đang cố tình bơm lên thành sự kiện đáng nhớ… Chẳng để làm gì cả!
Và, trong nền báo chí nhà nước hiện tại, việc bơm 3 sự kiện này trở thành sự kiện nóng của tuần là chuyện đương nhiên. Họ cần phải làm như thế để che lấp đi sự kiện mất biển đảo. Mọi bình luận của họ là những liều thuốc quên cho câu chuyện biển đảo, biên giới và lãnh thổ quốc gia bị tổn thương. Hơn bao giờ hết, nhà cầm quyền muốn người dân quên đi những chuyện đau lòng của dân tộc để rồi lao đầu vào cá độ bóng đá, chuyện nhảm nhí, chửi bới xả xú báp… Cuối cùng, mình giận thì mình mệt, nước mất vẫn cứ mất. Đó là cái bẫy thông tin của người Cộng sản đang rất muốn nhân dân lọt vào, nằm gọn trong đó!