You are here

Báo chí la làng cháy chợ, cứu trợ bợ bánh tráng…

Gần đây, chuyện cứu trợ đểu, cứu trợ không đúng địa chỉ, cứu trợ chiếu lệ, ăn gian quà cứu trợ nghe ra bùng phát dữ đội, và báo chí trong nước đưa tin phản ảnh cũng hết lời gay gắt. Mới đọc, mới nghe, cứ nghĩ báo chí trong nước đã tiến bộ, đã công tâm, dám đưa tin sự thật… Nhưng, ngẫm lại, thật ra, đây là trò vừa đánh trống vừa la làng của báo nhà nước không hơn không kém. Cố tình đưa tin cho vấn đề trở nên bi thảm, kịch tính và sau đó lại quay sang xét nét, vạch lá tìm sâu, đó là kiểu làm việc của báo nhà nước chăng?
Đương nhiên, khi đưa ra vấn đề này, người viết có đủ cơ sở, bằng chứng để khẳng định đây là trò chơi vừa đánh trống vừa la làng, a dua hốt bạc của báo chí nhà nước nhân dịp bà con miền Trung bị thiên tai, đau khổ. Nếu không tin, bạn đọc vui lòng đọc lại báo Tuổi trẻ, phần tin tức về lũ lụt miền Trung sau bão Wutip, đặc biệt là tin Hội An ngập lụt. Những tấm ảnh trên báo đều là ảnh trận lụt năm 2010 trên đường Nguyễn Thái Học, Hội An. Vì cho đến thời điểm bây giờ, sau hai trận bão lớn ở miền Trung, đường Nguyễn Thái Học, Hội An chưa bị ngập lụt sâu đến mức độ của tấm ảnh 2010 chụp. Thậm chí, con đường này chỉ bị nước thủy triều dâng mỗi chiều, ngập đến mắt cá chân. Rõ ràng, đây là tấm ảnh láo!
Và trên các báo khác, tin về lụt Hội An cũng hoàn toàn không chính xác. Đó là chưa muốn nói đến chuyện cứu trợ. Hễ cứ có một đoàn cứu trợ nhỏ, về tặng mấy gói mì tôm, mấy lít nước mắm, nửa ký đường thì báo chí nhảy vào cuộc rùm beng, loan tin đoàn này, cơ quan nọ đã đến tận nhà, trao quà cho bà con, tỉnh cảm sướt mướt, nước mắt chẹp nhẹp… Nhưng trên thực tế, những tấm hình chụp cũng chỉ là hình dựng, phóng viên theo chân hoặc dắt nhà cứu trợ đến một nhà nào đó, đạo diễn tặng quà để chụp hình, người được cho quà cũng thấy vui, dù là không biết bên trong có gì, cũng mừng mừng tủi tủi, kẻ cho quà cũng cảm động, thậm chí rưng rưng nước mắt, thế là có bức ảnh đẹp, gây hiệu ứng…
Chuyện này diễn ra như cơm bữa trong làng báo, lẽ ra không cần bàn. Nhưng, xét cho kĩ, đó là chuyện rất cần bàn! Chuyện là thế này, sáng nay, bà bạn Sài Gòn của tôi bất ngờ xuất hiện ở miền Trung, gọi điện mời tôi đi cà phê, lúc này tôi đang ở Hà Tĩnh, bà bạn cho biết là bà đang ở Hội An, Quảng Nam, vài hôm nữa sẽ ghé Quảng Bình, tiện thể mang món quà cứu trợ đến Lệ Thủy, trao cho vợ con tôi. Tôi nghe hơi chưng hửng, không hiểu bà bạn có ý gì, vì nhà tôi không hề bị lột mái, cũng không có thiệt hại gì nặng, chỉ gãy đổ mấy cái cây. Như vậy thì có gì mà cứu trợ. Nhưng tôi cũng cám ơn bà bạn và hẹn gặp sau, định bụng lúc đó sẽ giải thích chứ bây giờ giải thích ngay thì làm bà bạn mất lửa… cứu trợ!
Đến trưa, bà bạn lại gọi điện thoại, than phiền thất vọng, tôi hỏi vì sao lại thất vọng. Bà nói nghe tin Hội An bị ngập lụt nặng, dân tình đói khổ, rồi đây là cái rốn bão, mọi thứ đều xác xơ nên mới mang tiền ra cứu trợ. Ra tới nơi thì ngỡ ngàng nhận ra rằng không chừng Hội An cứu trợ cho bà cũng nên, vì họ quá giàu, nhà cửa an toàn, đâu có ai bị gì! Tôi an ủi bà bạn cố gắng đi những vùng phụ cận thử xem sao. Bà này thở dài, nói rằng cũng vậy thôi, do báo chí thổi bùng lên làm cho ai cũng có cảm giác Quảng Nam đói đến nơi, quà cáp đổ xô tìm về xứ Quảng, trên thực tế chẳng đến mức như vậy!
Tại sao lại có chuyện tréo ngoe như thế? Lẽ ra báo chí đưa tin sai, cơ quan chính quyền địa phương phải đính chính, thậm chí phản đối mới đúng chứ? Không đâu, thậm chí, những phóng viên đưa tin thổi phồng bi kịch như vậy, năm sau ghé về, sẽ được nhà cầm quyền địa phương sốt sắng đón chào, tay bắt mặt mừng, bia rượu ê hề, không chừng có thêm món chân dài mắt lá răm ăn dặm chở khuya nữa là đằng khác!
Vì chí ít, phóng viên này đã giúp cho giới quan chức địa phương vừa nhận được hàng cứu trợ, mà một khi dân không bị gì nặng thì đương nhiên quà cứu trợ vào tay các quan, chia nhau mà nhậu chứ mà lị! Lại vừa được miễn một khoản nộp ngân sách nhà nước trong năm sau vì năm này gặp phải thiên tai. Thế thì còn gì thích bằng, có mà dại mới đính chính, không chừng còn bỏ phong bì cho phóng viên này nói quá “một tí” cho nó ngọt nữa là đằng khác!
Về phía tòa soạn, gì thì gì, tin phải hot. Cứ dựa trên nguyên tắc hot hot hot… mới phát hành, mới trụ vững trong cái thời thị trường chen chúc thằng mạnh húc thằng yếu, thằng có thế đạp đầu thằng cô thế. Chính vì thế, việc phóng viên dùng hình lụt 2010 minh họa cho bài lụt 2013 là chuyện không có gì để bàn, miễn sao bài nó hot là được tất. Bất quá thì nói đó là hình minh họa, thế thôi!
Và cũng nhờ những bài báo bé xé cho to, bi kịch hóa cấp số nhân của báo chí, nhân dân mủi lòng, nhịn ăn mà cứu trợ. Đến lúc này, lại có thêm mảng tin cứu trợ, và lại cố gắng vạch lá xem sâu chỗ nào đó chia cứu trợ không đều mà không biết điều với nhà báo, đánh một quả! Chứ thử nghĩ, có chỗ nào là chia quà cứu trợ đàng hoàng, tử tế, có chỗ nào mà quan chức địa phương không chấm mút cứu trợ, không cắt xén tàn bạo quà cứu trợ? Thế sao phóng viên chỉ đưa tin vài nơi, mà toàn là những nơi không đáng kể, còn lại, đâu đâu cũng “lá lành đùm lá rách”, nước mắt bèm lem…!
Bởi vì đơn giản, những chỗ biết điều thì phóng viên bỏ qua, những chỗ không biết điều thì phóng viên đánh cho mày chết! Cuối cùng, chuyện cứu trợ trở thành trò tung hứng của báo chí nhà nước với các quan chức địa phương, kẻ la làng chợ cháy, kẻ bợ bánh tráng bỏ chạy, chỉ có dân đen là đứng lại với gương mặt ngơ ngác, không hiểu ai cháy, cháy ai và bánh tráng nhà mình bị bợ lúc nào… Thế mới biết là báo chí nhà nước nhân đạo cỡ nào!