You are here

Đảng CSVN muốn đất nước nghèo và tụt hậu?

Câu hỏi trên khiến không ít người cho là ngớ ngẩn, vì đã là người ai lại mong muốn cho đất nước mình dân tộc mình nghèo và tụt hậu. Vì chỉ là một con người bình thường bạn cũng không cho phép mình dù chỉ là suy nghĩ tới cái điều xấu xa ấy đối với đất nước, dân tộc hay quê hương của mình chứ đừng nói là dám hành động. Hy vọng câu hỏi nghi vấn trên không là hiện thực.

Nhưng nếu thấy rằng nhiều khả năng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ vẫn tiếp tục hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì phần nào bạn đã hiểu. Nhận định này của tôi hoàn toàn không phụ thuộc vào ý kiến của Chủ nhiệm Văn phòng - người phát ngôn của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định tại cuộc họp báo về kỳ họp Quốc hội thứ sáu, chiều 17/10.Kinh tế nhà nước “Đương nhiên kinh tế nhà nước phải chủ đạo chứ không thể giao cho tư nhân được”. Tôi cho rằng như vậy cũng vì nghĩ ra ông Chủ nhiệm Văn phòng - người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì khác gì người bình thường, ông làm gì có quyền khẳng định hay đánh giá ý kiến chủ quan của cá nhân mình. Chẳng qua ông chỉ làm cái việc thay cái loa truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo từ trên cao mà thôi. Mà những người ở trên rất cao ấy có quyền định đoạt những vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới đời sống chính trị - kinh tế - xã hội ở xứ mình có một đặc điểm rất khác người bình thường thường làm. Đó là họ hay có các suy nghĩ cổ quái chẳng giống ai, đặc biệt là xu thế chung của thời đại của thế giới văn minh. Như về chính trị thì hầu hết các quốc gia dân chủ dựa theo công thức Nhà nước Pháp quyền - Xã hội Dân sự - Kinh tế thị trường. Nhưng ở Việt nam thì lại dựa theo công thức chả giống ai, đó là Nhà nước Pháp quyền XHCN - Kinh tế thị trường định hướng XHCN và mọi tổ chức xã hội trở thành công cụ của đảng CSVN mà người ta gọi bằng cái tên không mấy thiện cảm "Cánh tay nối dài". Trong Kinh tế cũng vậy, xu hướng chung của tất cả các quốc gia, kể cả Trung quốc một quốc gia tương đồng với Việt nam về chế độ chính trị đều cố gắng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở mức cao nhất có thể. Trừ các ngành liên quan đến an ninh quốc gia mà bất đắc dĩ không thể cổ phần hóa được. Vì ai cũng biết các doanh nghiệp kinh tế quốc doanh là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia, đặc biệt là Việt nam.

Cũng bởi cái suy nghĩ của chung không ai khóc, lãi cũng nhà nước lo lỗ cũng nhà nước chịu. Đến như các doanh nghiệp ngành dâu khí chỉ hút tài nguyên - dâu thô đem bán mà còn xin giảm thuế vì lỗ lã thì còn nói gì các ngành kinh doanh khác. Nhưng cũng nó là cơ hội tạo điều kiện cho quan chức nhà nước ban phát danh lợi và lãnh đạo doanh nghiệp thì thả sức đục khoét và vơ vét. Chỉ một hợp đồng mua "sắt phế liệu ụ nổi" mà đã tham nhũng tới 4 triệu USD của Vinalines của Tông Giám đốc Dương Chí Dũng là bài học điển hình cho các quả đấm thép của Thủ tướng Dũng. Đó là các Doanh nghiệp nhà nước, Tổng Công ty... thất bại trong kinh doan lỗ lã thất thu hàng trăm nghìn tỷ đồng, như Vinashin, Vinalines, EVN...đang nóng bỏng các vấn đề thời sự. Đó là còn chưa kể tới, theo báo VnEconomy cho biết "Báo cáo “Khơi thông những nút thắt về thể chế để phục hồi tăng trưởng” của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, qua so sánh nhiều chỉ tiêu đã chỉ rõ vai trò của khi vực doanh nghiệp nhà nước trên thực tế đang ngày càng giảm dần. Tất cả các chỉ tiêu từ vốn đầu tư và GDP, ngân sách, việc làm, giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng đóng góp của khu vực nhà nước đều giảm mạnh trong suốt 12 năm trở lại đây.". Cái lạ là các doanh nghiệp nhà nước không những không hoạt động có hiệu quả, không góp phần trong việc tăng thu ngân sách mà còn gây thất thoát phải dùng vốn ngân sách từ tiền thuế của người dân để bù lỗ. Vậy mà hình như các lãnh đạo quốc gia cố tình không hay biết.

Còn nhớ Nhà văn Vũ Thư Hiên có kể lại rằng, trong cuộc trò chuyện điện thoại với Trần Độ vào năm 2001,  "...có mặt một chú em (tên là Cóc) rất hâm mộ bác Độ, chú này đòi được nói với bác vài câu: “Bác ơi, cái đảng của bác kỳ quá, ai lại chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ!”. Câu nói này của người có tên Cóc có thể nói là chính xác nhất về tư duy của các lãnh đạo Việt nam hiện nay. Và đó chính là lý do vì sao đường lối cũng như các chính sách phát triển của đảng và nhà nước toàn ngược đời và không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Mặc dù họ đã được thử nghiệm trong việc cải cách kinh tế nửa vời từ năm 1986, chuyển nền kinh tế Kế hoạch hóa sang Kinh tế thị trường (định hướng XHCN). Thành công của công cuộc cải cách kinh tế sẽ đạt hiệu quả cao hơn nữa nếu bỏ cái đuôi định hướng XHCN, có nghĩa là bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Quan trọng là không phải họ không biết Chủ nghĩa Xã hội kiểu Stalinnitsm - một dạng chủ nghĩa Xã hội biến thái mà họ đang cố gắng bấu víu hay vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là sai lầm. Cũng như không phải họ không biết sự phân chia quyền lực - Tam quyền phân lập là điều bắt buộc đối với các nhà nước để giám sát và điều chỉnh quyền lực giữa các cơ quan Lập pháp, Tư pháp và Hanh pháp. Có lẽ câu trả lời rằng đảng CSVN nói chung và các lãnh đạo đảng và chính quyền đã và đang luôn luôn muốn áp dụng một cơ chế lộn tùng bậy không giống ai để đất nước nghèo và tụt hâu. Và để đạt mục tiêu này họ sẵn sàng làm trái quy luật tự nhiên, xã hội... bằng mọi giá?

Tại sao lại nói như vậy?

Không phải vì việc Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Mạnh Hùng nói trong phiên họp giải trình về phân bố nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo của Quốc hội ngày 24.9.2013 rằng “Nhiều lãnh đạo hớn hở, vui mừng thông báo địa phương có thêm hộ nghèo. Các hộ mất tiêu chuẩn nghèo thì có khi phản ứng, buồn vì… thoát nghèo” không phải là vấn đề mới. Điều này thì có lẽ ai ai cũng biết, lý do đơn giản chỉ là “Phần lớn tiền nhận được (70-80%) chảy vào hoạt động tư vấn, quản lý dự án. Đồng tiền đọng lại cho người dân rất ít” như lời của ông Thứ trưởng Bộ Kế hoạc -Đầu tư Đặng Huy Đông. Thoạt nghe ai cũng nghĩ là do bệnh tham - tham nhũng của các cán bộ lãnh đạo các địa phương. Vậy nên việc nhiều lãnh đạo hớn hở, vui mừng thông báo địa phương có thêm hộ nghèo. Các hộ mất tiêu chuẩn nghèo thì phản ứng, buồn vì… thoát nghèo chẳng qua cũng vì cứ được công nhận nghèo là có nhiều ưu đãi, thuận lợi hơn. Điều đó có thể đúng ở cấp địa phương, vậy ở cấp trung ương hay nói cụ thể hơn là các lãnh đạo cao cấp Bộ Chính trị có thích dân nghèo và đất nước chậm phát triển hay không? Câu trả lời của câu hỏi này cũng chính là câu trả lời vì sao trên thực thế của 26 năm tiến hành đổi mới ở Việt nam không đạt được kết quả như các nước khác trên thế giới và trong khu vực.

Trong khi trong quá khứ, những nước công nghiệp hóa mới (NICs) trở thành Rồng, thành Hổ phát triển vượt bậc và trở thành một nên kinh tế lớn chỉ mất không quá 3 thập niên, cụ thể như ở Hàn Quốc, Đài loan, Singapore, Thaland, Malayxia... Ngược lại Việt nam thì càng làm thì càng nát, đã cải cách kinh tế 26 năm rồi nhưng cứ nhìn vào thực trạng kinh tế xã hội hiện nay ở Việt nam thì rõ. Kể cả tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2012 tăng 5,2%, đưa quy mô nền kinh tế đạt khoảng 136 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.540 USD/người/năm. Song theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Nếu so sánh bằng các số liệu thống kê của năm 2012 có lẽ sẽ cho chúng ta những kết quả tồi tệ hơn. Nếu biết, những nước công nghiệp hóa mới (NICs)thường mang đặc điểm chung là:

  1. Quyền dân sự và tự do xã hội được cải thiện
  2. Kinh tế chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo
  3. Nền kinh tế thị trường ngày càng mở, cho phép tự do thương mại với các nước trên toàn thế giới
  4. Các tập đoàn quốc gia lớn bành trướng hoạt động ra toàn cầu
  5. Hấp thu luồng đầu tư tư bản dồi dào từ nước ngoài
  6. Lãnh đạo chính trị mang lại ảnh hưởng lớn đến sự thúc đẩy kinh tế.

Nhắc đến NICs - những nước công nghiệp hóa mới thì không thể nhắc đến một quốc gia tiêu biểu của sự thành công đó là Hàn quốc. Điều trái ngược hoàn toàn với sự thành công của Hàn quốc đó là mô hình độc tài gia đình trị Bắc Triều tiên. Giữa hai mô hình kể trên Việt nam lựa chọn mô hình nào (trừ sự khác biệt về kinh tế) thì bạn đọc sẽ thấy nguyên nhân vì đâu mà Việt nam mãi vẫn cứ nghèo và tụt hậu. Nếu đối chiếu với các chủ trương chính sách của đảng và chính quyền Việt nam hiện nay, họ có làm theo những cái các nước đi trước họ đã từng áp dụng và thành công hay không? Nhắc tới vấn đề GDP bình quân đầu người cũng vì nó là một trong những yếu tố quan trọng có tác dụng thúc đẩy có liên quan đến việc chuyển đổi từ thể chế chính trị độc tài sang nền dân chủ cới mở hơn. Có nghĩa là dân giàu, nước mạnh lại là nguy cơ của chế độ độc tài, kết quả của Hội nghị TW8 vừa kết thúc nếu ai đọc lời phát biểu của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng sẽ thấy vấn đề khắc phục suy thoái kinh tế không là chủ đề quan trọng.

Báo chí nước ngoài đánh giá về khả năng chuyển biến chính trị ở Trung quốc cho rằng "...GDP bình quân đầu người Trung Quốc là khoảng 9.200 đô-la tính theo ngang bằng sức mua trong năm 2012, nhưng con số này vẫn chưa đạt đến mức khởi đầu của những nước có bối cảnh văn hóa và lịch sử tương tự khi họ chuyển tiếp sang nền dân chủ. Vì theo họ, hãng tư vấn McKinsey cho biết tầng lớp được họ gọi là “tầng lớp thượng trung lưu” – bộ phận dân số có thu nhập hộ gia đình hàng năm từ 17.350 đô-la đến 37.500 đô-la – chiếm khoảng 14% số hộ gia đình thành thị ở Trung Quốc hồi năm ngoái, nhưng sẽ chiếm khoảng 54% số hộ gia đình trong chưa đầy một thập niên nữa. Và trong lịch sử năm 1988, Hàn Quốc và Đài Loan đang dân chủ hóa có GDP bình quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua lần lượt là 12.221 đô-la và 14.584 đô-la (theo mức giá 2010). Các mức của Liên Xô và Hungary năm 1989, khi họ bắt đầu quá trình chuyển tiếp chính trị của họ, lần lượt là 16.976 đô-la và 11.257 đô-la (theo mức giá 2010). Những con số này cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh liên tục sẽ đẩy Trung quốc đến đỉnh điểm chuyển biến chính trị chỉ trong vài năm nữa". Nói chuyện ở Trung quốc như thế, thì lại chính là điều các nhà lãnh đạo đảng CSVN vốn rất sợ, cái mà họ coi là con ngáo ộp Diễn biến hòa bình. Đó là cái đe dọa sự tồn vong và sự lãnh đạo độc tôn của đảng. Dẫn chứng này khá thuyết phục và hình như đây là lý do của câu hỏi "Đảng CSVN muốn đất nước nghèo và tụt hậu?"
 
Nếu thực sự các nhà lãnh đạo đảng và chính quyền Việt nam có suy nghĩ như vậy thì xin khuyên họ đừng đi ngược lại và níu kéo trào lưu của nhân loại. Và họ cũng đừng quên lịch sử có một trùng hợp lý thú là "...không có chế độ độc tài nào ngoại từ chế độ của Mexico tồn tại hơn một thập niên sau khi đăng cai Thế vận hội – này nhé, thử nhớ lại Berlin năm 1936, Moscow năm 1980, Sarajevo năm 1984 và Seoul năm 1988. Năm năm nữa, Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn xem Thế vận hội Bắc Kinh 2008 là “tiệc ra mắt” trên trường quốc tế, có thể không chỉ thách thức lời nguyền Thế vận hội này mà còn phá kỷ lục tuổi thọ của Liên Xô và góp phần bác bỏ thuyết dân chủ hóa. Nhưng ngay cả những người ủng hộ đảng nhiệt thành nhất cũng thừa nhận rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không thể cai trị mãi mà không đáp ứng các yêu sách được tham gia hoạt động chính trị của một tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo quan tâm nhiều hơn về không khí trong lành, nước sạch, chính phủ trong sạch và thực phẩm an toàn hơn là tỉ lệ tăng trưởng GDP." (Tài liệu đã dẫn). Khi Trung quốc đã dân chủ hóa thì chế độ độc tài toàn trị của Việt nam đang tồn tại trên cái nền tảng của anh bạn vàng sẽ tồn tại lâu thêm được mấy tháng?

Nếu đúng "Đảng CSVN muốn đất nước nghèo và tụt hậu" thì xin họ đừng có mất công lấy nạng chống trời, đi ngược lại quy luật tự nhiên, xã hội loài người và trào lưu của nhân loại. Vì đó không chỉ là sự sai trái mang tính kìm hãm sự phát triển của đất nước và dân tộc, mà còn là tội ác.
 
Ngày 18 tháng 10 năm 2013
 
© Kami
 
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

 
.