You are here

Chết nhăng răng vì… thi đại học

Nhà ông Thông năm nay, mà đúng hơn là một tuần nay nghe ra xôm tụ và cực kì gay cấn, rắc rối bởi hai sự vụ: Chưa kịp giải quyết xong vụ bà mẹ vì mê thi đại học đã nằng nặc đòi nộp gấp hồ sơ vào trường cao đẳng nghệ thuật, ông phải làm động tác giả đi nộp hồ sơ, trong lúc ông đi tránh mặt, bà cụ ở nhà ê a đọc truyện Kiều, thơ Tố Hữu, thơ Hồ Chí Minh và làm toán cộng trừ nhân chia để “lên kinh ứng thí”, đùng một cái ngã lăn ra vì tai biến não. Chưa xong, thêm chuyện cô con dâu nằng nặc đòi anh con trai phải “đúc con” vì năm nay cô đã 32 tuổi, cơ hội “đúc con” chỉ còn có vài tháng. Anh con trai ông Thông đang thất nghiệp, lo lắng chuyện nuôi con, bực bội, đâm ra gây gổ với vợ, đòi vác đơn ra tòa, ông Thông lại phải vào cuộc can ngăn. Ông Thông than thở: “Kiểu này chắc tôi cũng tai biến não sớm thôi!”. Cớ sự là thế này, vừa rồi, nghe “thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 4/7 cho biết Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 sẽ thuộc đối tiện ưu tiên khi dự thi đại học. Tại điểm a của khoản 1 điều 7 bổ sung đối tượng ưu tiên vào đối tượng 03, gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng;Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng”. Tại điểm b của điều 1 Sửa đổi đối tượng ưu tiên “con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945” thuộc đối tượng 04 thành “con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”. Điểm c cũng bổ sung đối tượng ưu tiên vào đối tượng 04, gồm: Con của Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;Con của người có công giúp đỡ cách mạng”. Bổ sung đối tượng ưu tiên vào điểm a khoản 2 Điều 7: “Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến”. Thông tư do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký cho biết, theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/ 8 /2013”. Bà cụ nằng nặc đòi đi thi cao đẳng nghệ thuật vì tin rằng được cộng thêm hai điểm ưu tiên, điểm vùng sâu vùng cao, cách gì mình cũng đậu, hơn nữa, phần thi năng khiếu được nhân hệ số, mà với năng khiếu bẩm sinh hát dân ca như cụ, phần này ăn điểm là cái chắc. Sự tự tin đến mức hồn nhiên của bà cụ làm ông Thông thấy khó xử, cuối cùng, ông thuyết phục mẹ mình bằng cách nói toạc móng heo rằng: “Mẹ chỉ mới học qua bình dân học vụ, mới biết làm toán cộng trừ nhân chia, làm sao mà thi cao đằng được, muốn thi đậu, mẹ phải giải được các phương trình, phải làm toán tích phân, mà mẹ đâu có biết mấy thứ này!”. Bà cụ trả lời tỉnh khô: “Mẹ có nghiên cứu rồi, thi khối nghệ thuật không có làm toán gì hết, chỉ có thi năng khiếu, thi văn và lịch sử, mẹ thấy vụ này mẹ chơi được, vì mẹ thuộc nguyên một cuốn truyện Kiều, thuộc thơ Hồ Xuân Hương, rồi thơ Tố Hữu, thơ Hồ Chí Minh mẹ đều thuộc, như vậy phần thi môn văn tạm ổn, còn lịch sử, làm gì mà lo, mẹ đã nghiên cứu rất kĩ, lâu nay chỉ thi ca ngợi chiến thắng của cách mạng của Đảng, mà vụ này thì mẹ biết còn rõ hơn mấy ông viết sử, vì mấy ổng đâu có vác dao đi cướp chính quyền năm 1945 như mẹ, mấy ổng chỉ được cái ton hót, ca ngợi chứ chả có nói đúng sự thật đâu, mẹ mà thi môn sử, bảo đảm 10 trên 10, con cứ yên tâm mà nộp đơn cho mẹ! Chứ thằng cha Tám chủ tịch xã trước đây học còn kém hơn mẹ, về làm chủ tịch xã rồi có bằng đại học này, đại học nọ đó thôi!”. Thấy mình đuối lý, ông Thông ngậm ngùi giả bộ đi nộp hồ sơ thi, không ngờ, quá phấn khích trước việc chuẩn bị dự thi, bà cụ “học, học nữa, học mãi” học đến lúc nửa đêm vẫn chưa đi ngủ, con dâu và các cháu can ngăn gì cũng mặc, cứ học và học cho đến lúc miệng mếu, nửa thân người không động đậy được, nói năng cũng không xong, ú a ú ớ gọi con dâu, làm cả nhà nháo nhào lên, đưa cụ đi cấp cứu, bác sĩ kết luận bà cụ tuổi đã cao, suy nghĩ quá căng thẳng, thức đêm nhiều nên dẫn đến tai biến não, hy vọng có thể cứu chữa để bà sống vài năm nữa trong tình trạng bán thân bất toại chứ khó mà trở lại như ban đầu. Ông cũng khuyên thêm là nếu như cụ già nào là mẹ Niệt Nam anh hùng, năm tới có ý định đi thi đại học, cứ đến gặp ông, ông sẽ cho một ít thuốc Aspirin 81 và Rutin-Vitamin C uống kết hợp mỗi ngày 2 viên, như vậy sẽ giữ được thành mạch khỏi vỡ và điều hòa huyết áp, tránh tăng đột ngột… Chưa xong chuyện bà mẹ già, cô con dâu làm công nhân xí nghiệp may đột ngột đòi sinh con vì năm nay đã 32 tuổi, chỉ còn vài tháng nữa là hết thời hạn “đúc con” theo tiêu chuẩn nhà nước qui định. Nhìn cảnh con trai và con dâu gây gỗ nhau chỉ vì chuyện này, trong lúc bà mẹ còn chưa biết sống chết ra sao, ông Thông rầu muốn đứt ruột, mất ăn mất ngủ, mấy ngày nay ông uống Aspirin 81 kết hợp với Rutin-Vitamin C mỗi ngày để tránh chuyện hai mẹ con bị tai biến chỉ vì ba cái thông tư quái đản kia! Và không chừng, ngoài câu chuyện nửa đùa nửa thật của ông Thông trên bàn nhậu (sở dĩ nói nửa đùa nửa thật vì chuyện thi đại học của bà cụ có thể là chuyện ông gắn thêm vào, sự thật là bà cụ bị tai biến mấy ngày hôm nay, và chuyện con dâu với con trai ông, có thể chuyện “đúc con” là ông bịa ra để giảm bớt căng thẳng nhưng chuyện hai người này dắt nhau ra tòa ly hôn là chuyện có thật cũng như chuyện ông bác sĩ khuyên các bà mẹ Việt Nam nên uống hai loại thuốc phòng tránh tai biến khi thi đại học là chuyện đùa nhưng chuyện ông đang uống thuốc là chuyện thật…), có khi trên đất nước hình chữ S này đang có rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng khác bị tai biến nhưng không phải vì quá xúc động, quá mừng trước tin đặc biệt ưu đãi, quá văn hóa của bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam mà là vì quá bức xúc trước chính sách nực cười và xảo quyệt, thứ chính sách không bao giờ có thật, trêu ngươi vào nỗi khốn khó, đói khổ của các mẹ, cũng không chừng! Câu nói của ông Thông có thể kết lại vấn đề: “Trên một đất nước mà mỗi lần nhà nước ra thông tư nghị quyết thì nhất định bệnh viện đắc khách vì bệnh tai biến và tăng huyết áp thì biết nó dân chủ, tiến bộ cỡ nào rồi! Đó là chưa kể đến một số người già nghe thông tư, nhất là các mẹ Việt Nam anh hùng chuyến này giảm đáng kể vì thông tư nhà nước lằng nhằng, các mẹ phải chết nhăng răng vì cười. Hay, một đất nước luôn thiếu nhiều thứ, kể cả lương tri nhưng chưa bao giờ thiếu trò hề. Hay!”.