Có lẽ không cần bàn thêm, suốt gần một tháng nay, câu chuyện về Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một câu chuyện hoàn toàn có xuất phát động cơ không dính dự gì đến cái ăn nhưng lại bị truyền hình nhà nước bóp méo, đẩy sự việc đến chỗ hơn thiệt về cái ăn và làm cho người ta hiểu lệch bản chất của nó.
Tuy nhiên, mọi thứ được bóc trần trước ánh sáng, câu chuyện trở về nguyên bản, giá trị của câu chuyện thêm phần lung linh, huyền ảo… Bẵng đi chưa đầy một ngày, truyền hình Việt Nam đưa tin công ty Vinahouse chuẩn bị lập kỷ lục bằng một dĩa bê thui Cầu Mống lớn nhất Châu Á và một bát mì quảng lớn nhất Việt Nam, lại chuyện kỷ lục!
Lại chuyện cái ăn! Hình như đài báo ở Việt Nam rất ưa nói về chuyện ăn uống cũng như người Việt dù muốn hay không thì cũng phải thụ động đón nhận tin này thì phải!
Có lẽ cũng cần nhắc thêm về công ty Vinahouse, đây là công ty chuyên về nhà cổ, chủ của công ty là một doanh nghiệp trẻ, có xuất thân thấp hơn ông Đoàn Nguyên Đức một chút là học đến lớp 11 thì phải nghỉ học, mưu sinh đủ thứ, thế rồi gặp thời, công ty ăn nên làm ra, mối quan hệ của ông chủ trẻ này cũng mở rộng, hiện tại, đang là con kết nghĩa của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trước khi lễ hội Di sản Quảng Nam diễn ra hai ngày, Phó thủ tướng Phúc có ghé về thăm công ty của anh này và đôn đốc thợ thầy thi công bát mì và dĩa bê thui cho kịp tiến độ.
Kể cũng lạ, trong lúc đất nước dầu sôi lửa bỏng, Trung Quốc chiếm gần trọn biển Đông, lăm le bờ cõi, kinh tế rối ren, chính sự bệ rạc, vậy mà một lãnh đạo cỡ bự trong nhà nước lại quan tâm đến chuyện bát mì và dĩa bê thui. Và, nghe đâu, ông Phúc cũng có cổ phần khá lớn trong công ty của anh con kết nghĩa này.
Điều này mới nghe thì có thể cho rằng nói như vậy là võ đoán, là không có cơ sở. Nhưng nếu nhìn lại một công ty nợ như chúa chổm, không thuộc diện ăn nên làm ra, lương công nhân suốt ba năm vẫn chưa thanh toán hết nhưng lại được vay những khoản tiền lớn, được thuê những mảnh đất vàng ở Quảng Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua thêm nhà rường và biến nó thành “trung tâm bảo tồn nhà Việt”, đùng một cái được ưu tiên nhiều thứ và đặc biệt là được ông Phó thủ tướng Phúc quan tâm đặc biệt từng li từng tí, e rằng mọi lời đồn thổi đều có cơ sở của nó.
Nhưng, chuyện cần bàn ở đây là chuyện miếng ăn, không hiểu sao, miếng ăn trong xã hội bây giờ lại đặt lên vị trí cao đến thế? Từ chuyện một Tiến sĩ tuyệt thực trong nhà tù, bị người ta dựng phim giả, đưa lên truyền hình xoay quanh chủ đề miếng ăn, thậm chí nhấn mạnh rằng vị tù nhân lương tâm này “ăn gấp ba lần người bình thường”, “đòi hỏi quá đáng”…
Tất cả, chỉ để đưa ra thông tin rằng nhà nước đã đáp ứng đầy đủ cho anh ăn uống, không thiếu thứ gì, đã mở lượng khoan hồng, mà trên thực tế thì Tiến sĩ Vũ đâu có tuyệt thực vì chuyện ăn uống, nếu ông xem miếng ăn to đến vậy thì đâu có đến chuyện ông tuyệt thực.
Điều ông cần là sự an toàn, an ninh bản thân của một tù nhân và trên hết là quyền được đối xử như một con người đích thực chứ không phải chuyện ăn uống. Vậy mà người ta khéo lái câu chuyện sang miếng ăn!
Rồi đến chuyện cái bánh chưng lập kỷ lục, bát mì lập kỉ lục, dĩa bê thui lập kỉ lục, mới nghe tưởng đơn giản đó chỉ là thao tác lập kỉ lục. Nhưng trên thực tế, không phải thế.
Chiều hôm trước lễ khai mạc, chúng tôi có mặt ở thánh địa Mỹ Sơn để tham dự một cuộc triển lãm tranh, ở đây, một ông họa sĩ người Huế tên Nguyễn Thượng Hỷ bắt tay mọi người và hỏi có ai cần vé mời đi ăn mì Quảng và bê thui không, nghe câu hỏi này, nhiều họa sĩ lắc đầu, phản ứng thẳng rằng họ cần gì phải giấy mời, vé mời, muốn ăn thì bỏ ra vài đồng, vào quán mà ăn chứ cần chi chạy mấy chục cây số, tới chầu chực để gắp từng lát thịt, cọng mì nghe ốt dột thế…
Ông họa sĩ tên Hỷ lắc đầu, nói rằng vấn đề ở đây là văn hóa, chứ không phải ăn mì. Nghĩa là đến đây để xem cơ ngơi của Vinahouse, xem người ta làm một lễ hội văn hóa như thế nào… Một họa sĩ khác sỗ toẹt:
“Văn hóa mẹ gì ba cái thằng vô học nó làm với nhau, tiền nó vay để làm là thuế của dân, toàn một đám tham lam, đến khi đổ xòa ra thì mạnh thằng nào thằng nấy bỏ chạy, văn hóa mẹ gì chúng nó!”.
Câu chuyện tạm dừng. Nhưng cái vệt nối của nó thì còn dài.
Đúng ngày khai mạc lễ hội, các quan khách nhà nước đến tham dự, xác lập kỉ lục cho bát mì và dĩa bê thui Cầu Mống. Chương trình có bán vé nên người dân không ai vào, ngoài đám quan chức bon chen của huyện, tỉnh ra, chỉ có vài công nhân và người nhà của anh chủ công ty đi qua đi lại dưới bát mì khổng lồ và dĩa bê thui to tổ chảng.
Cảm giác như những con kiến đang đi lang thang dưới mấy củ khoai thì đúng hơn. Sau hồi phát biểu lung tung ba điều bảy chuyện của mấy cán bộ văn hóa, rồi lại vỗ tay, lại gắp lấy gắp để, truyền hình trực tiếp, kỉ lục được xác lập!
Buồn cười nhất là kỉ lục, guiness ở đây. Nó chẳng có gì đặc biệt, ví dụ như một nghệ sĩ Nhật Bản từng xác lập kỉ lục bằng cách khắc lên hạt gạo một ngàn ký tự tượng hình, hoặc một người có khả năng đọc nhanh nhất, một tập thể nào đó có thể làm ra lượng sản phẩm vượt trội về chất lượng, sản lượng…
Tất cả những hoạt động đó, chí ít cũng mang lại lợi ích của con người từ vật chất cho đến tinh thần bởi nó hàm chứa công phu, sáng tạo của người lập kỉ lục. Ở Việt Nam thì khác, con người thì nhỏ con, kinh tế thì nghèo nàn, thậm chí có nơi con đòi kém, nhưng kỉ lục của nó lúc nào nghe ra cũng “vĩ đại”, to tát.
Điều này chưa có ở miền Nam trước 1975, nói chính xác nó ảnh hưởng từ kiểu khoa trương Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Ví dụ như “cuộc chiến tranh thần thánh, cuộc cách mạng thần thánh, Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta…”.
Tất cả từ ngữ loại này đều biểu hiện tính khoa trương, nó đi vào giáo dục, đi vào mọi ngóc ngách trí tuệ, tâm hồn, làm cho tư duy con người bị tê liệt, mọi thứ giá trị đều qui về chữ “vĩ đại”.
Và, anh chàng Quang Vĩnh, doanh nhân trẻ, chủ công ty Vinahouse này cũng thuộc vào thế hệ sinh sau 1975, chắc gì anh thoát khỏi loại tư duy này!
Bằng chứng là tất cả mọi thứ anh ta và ông Phúc làm đều có tính phô trương, hình thức. Trong lúc công nhân làm cho công ty Vinahouse sống chật vật vì nợ tiền lương, chế độ bảo hiểm được chăng hay chớ, kẻ có người không, thì anh lại đi đầu tư cả tỉ đồng để xác lập một thứ kỉ lục mà nhiều người cho rằng đó là kỉ lục của kẻ không có đầu óc, thiếu sáng tạo.
Vì đúc một cái bát to để đựng mì hay một cái dĩa lớn để đựng bê thui thì chỉ cần có tiền, nhiều người làm, có tay nghề một chút là xong. Vấn đề là sau kỉ lục đó, nó có tác dụng gì, ít nhất là về mặt tinh thần.
Hoàn toàn không có tác dụng nào tốt trong kỉ lục này, bằng chứng là theo dự tính ban đầu sẽ có sáu trăm người ăn bát mì và ba trăm người ăn dĩa bê thui Cầu Mống.
Nhưng đến phút cuối, lèo tèo một đám quan chức chưa đầy một trăm người, xon xen chạy tới chạy lui quay phim chụp ảnh, cuối cùng rồi bắt tay chúc mừng, khui rượu khui bia, ê hề rượu thịt.
Và một khối thịt cũng như mì phải mang đi đổ vì không có người ăn, hai cái bát, dĩa lại mang vào kho cất. Thật tâm mà nói, kỷ lục như thế vừa vô bổ lại vừa tào lao! Nhưng tại sao người ta vẫn cứ xác lập kỉ lục cho nó?
Vì thực ra, ngay cả cơ quan gọi là văn hóa, chả ra trò trống gì, chả có tí văn hóa nào đâu, cứ mang phong bì đến nhét vào tay, có thêm chút thế lực con ông cháu cha gì đó thì bọn họ răm răm tuân phục, làm như những nô lệ, không hơn không kém.
Và sâu xa hơn một chút, cái thứ tâm lý “vĩ đại”, “thần thánh”, “lớn nhất”, “nhất nhất nhất” đã ăn vào não trạng con dân Việt qua ba mươi mấy năm tẩy não bằng giáo dục cộng với chính sách ngu dân thời mở cửa, cứ lấy miếng ăn, cái nhà và miếng đất là chuẩn đo lường giá trị con người.
Nhà to nhất, xe đẹp nhất, đắt nhất, ăn bữa ăn đắt nhất… là người có giá trị nhất! Chính điều này đã triệt tiêu tư duy, sáng tạo và lòng bi mẫn của con người.
Sống đạp lên nhau, sống máu lạnh với nhau, bất chấp đồng loại đau khổ, đói rách, miễn sao mình to hơn, sang hơn, to đến mức kỉ lục là được!
Nghe ra, miếng ăn và tham vọng đang ngự trị cả một hệ thống kiến trúc thượng tầng của chế độ này cũng không chừng. Vì nó đã nghiễm nhiên thành thước đo chất lượng và giá trị con người xã hội chủ nghĩa!
Bài bình luận gần đây