You are here

Từ chuyện gia đình blogger Hoàng Vi, nghĩ về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc

Câu hỏi bây giờ, không phải là làm thế nào để hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa người Việt trong nước với người Việt ở hải ngoại, cũng không phải câu hỏi làm thế nào để hòa giải, hòa hợp giữa nhà nước Cộng sản Việt Nam với chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước 30 tháng Tư năm 1975… Mà câu hỏi nhức nhối về vấn đề hòa giải, hòa hợp trong thời điểm bây giờ lại là làm thế nào để có một cuộc hòa giải, hòa hợp đích thực giữa nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, gồm hơn 3 triệu đảng viên Cộng sản với hơn 80 triệu người dân Việt Nam. Vì sao câu hỏi lại đặt ra như thế?

Hòa giải hòa hợp giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại?

Có lẽ cũng nên xét lại quá trình gọi là hòa giải hòa hợp này, ở khía cạnh thứ nhất, có hay không có một cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại như nhà cầm quyền trung ương Cộng sản đã tuyên truyền, rêu rao gần hai chục năm nay? Có 3 khía cạnh để suy xét: Lòng thù hận; Sự khác biệt về tư tưởng, văn hóa và; Yếu tố bổ trợ kinh tế

Xét về lòng thù hận, có thể nói rằng hoàn toàn không có lòng thù hận giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, vì lẽ, từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào, người Việt phía Nam này cùng sống chung trong thể chế chính trị Việt nam Cộng Hòa, một thể chế mà ở đó, dù nói cách gì thì mức độ văn minh, tiến bộ và dân chủ cũng được xếp ở hàng chiếu trên so với các nước khu vực lúc bấy giờ. Ở đó có tự do báo chí, tự do ngôn luận và cách hành xử giữa con người với con người hoàn toàn không có tính trí trá chính trị, bởi họ có chung mỗi nỗi lo là sự xâm chiếm của quân Cộng sản Bắc Việt.

Cũng chính vì lẽ này, dường như, nếu miền Bắc Việt Nam có chung tư tưởng Cộng sản xã hội chủ nghĩa thì miền Nam Việt Nam có chung dòng tư tưởng lấy tự do và tiến bộ làm chiều hướng phát triển chung để bằng mọi giá cùng thiết lập bức tường ranh giới chống sự xâm thực của chủ nghĩa Cộng sản từ phía Bắc. Và, chính vì sống chung trong một sinh quyển khá tự do và văn minh, những yếu tố nhân bản được đề cao, sự sáng tạo được khích lệ thử nghiệm, điều này mang đến hệ quả những người miền Nam có chung thể điệu văn hóa, sống phóng khoáng, yêu chuộng sự tiến bộ và suy tư sâu đậm về chiến tranh, thân phận con người trong chiến tranh, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Đó là điểm chung trong hành xử văn hóa của người miền Nam – Cộng Hòa.

Về lĩnh vực kinh tế, dường như trước và sau 30 tháng Tư năm 1975, người miền Nam hoàn toàn không nợ nần đối với người miền Bắc, thậm chí, sau 30 tháng Tư năm 1975, các cán bộ miền Bắc đã thừa hưởng bằng cách này hay cách khác toàn bộ tài sản của các công chức Việt Nam Cộng Hòa, suy cho cùng, nếu nợ thì người Cộng sản nợ người Cộng Hòa chứ người Cộng Hòa không nợ nhân dân và nhân dân cũng không nợ người Cộng Hòa. Ở Những năm 1990 trở về sau, một lượng kiều hối khổng lồ do Việt kiều gởi về cho người thân và gởi về cứu trợ, làm từ thiện đã giúp cho đời sống của đại bộ phận nhân dân trở nên bình ổn, đỡ vất vả hơn. Ở khía cạnh này, có một mối dây hòa ái dân tộc đã tự kết nối giữa người Việt với nhau trên tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Và cũng dựa trên ba khía cạnh này để suy xét, có lẽ không cần bất kì một cuộc thu xếp nào để hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại vì họ vốn cùng một nhà và đang có mối quan hệ tình cảm rất anh em, sâu nặng với nhau.

Vấn đề nhà nước Cộng sản Việt Nam nêu ra bấy lâu nay về cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại là một vấn đề không có thật và khái niệm gốc của nó đã bị đánh tráo.

Hòa giải, hòa hợp giữa nhà nước Cộng sản và người Việt hải ngoại?

Đây là một vấn đề rất nhạy cảm và trắc ẩn. Vì sau ba mươi bảy năm thâu gộp hai miền Nam Bắc làm một, những gì người Cộng sản mang lại cho nhân dân là nỗi sợ hãi, hàng triệu con người phải bỏ mình trên biển Đông, bỏ mình trong các trại tị nạn và chấm dứt sự sống giữa các nhà tù cải tạo. Hàng triệu số phận nổi trôi giữa đời thường bởi mọi cơ hội tiến thân hoàn toàn bị đóng chặt trước mắt vì lý lịch có liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Tuy ngoài miệng kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc (đương nhiên, cũng có một số vị lãnh đạo nhà nước Cộng sản thực tâm kêu gọi và cổ xúy cho vấn đề này, rất tiếc là có vị đã qua đời, những vị còn sống thì không còn nắm quyền lực trong tay) nhưng cái mà người ta dễ nhận thấy nhất là phân biệt đối xử từ người sống cho đến người đã khuất. Bằng chứng là các ngành chủ lực trong nước đều tra xét lý lịch rất kỹ, những ngôi mộ, những nghĩa trang thời Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là các nghĩa trang quân đội Việt nam Cộng Hòa bị đập phá, xóa dấu vế, hoang hóa và không sớm thì muộn cũng bị những dự án đến đào bới, san bằng để xây dựng. Có thể nói, nhà nước Cộng sản Việt Nam hoàn toàn không có thiện chí trong cuộc hòa giải, hòa hợp này. Và cũng có thể nói là chưa bao giờ và không bao giờ có một cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa cộng đồng người Việt gần sáu triệu người trên khắp thế giới với ba triệu đảng viên Cộng sản Việt Nam!

Hòa giải, hòa hợp giữa nhân dân Việt Nam với đảng Cộng sản Việt Nam?

Đây là cuộc hòa giải cần thiết nhất, có tính sinh tử mà nhà nước Cộng sản cần phải thực hiện để vừa có thể sống hòa hợp với nhân dân, vừa có thể cởi bỏ được những đặc tính lạc hậu của chính mình và tự sửa những sai sót do chính mình gây ra.

Vì lẽ, sau hơn 75 năm thống trị miền Bắc và 38 năm thống trị cả hai miền, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã vấp phải một số lỗi thuộc vào hàng “chưa sạch nước cản” trên đà văn minh nhân loại. Các lỗi: Duy trì độc tài, chuyên quyền; Thủ tiêu văn hóa; Làm băng hoại đất nước; Tham nhũng bột phát; Thâu tóm đất đai của nhân dân và; Thủ tiêu quyền làm người của nhân dân.

Trong 5 lỗi trên đây, dường như lỗi nào cũng nổi cộm, không có lỗi nào nhỏ. Từ chuyện đốt sách của người miền Nam, đập phá đền đài, miếu mộ cho đến chủ trương tuyên truyền, mị dân… Tất cả những hành vi này đều có chung mục đích là ngu dân và man rợ hóa con người.

Nhưng có lẽ, hai lỗi cuối là hai lỗi kinh tởm nhất mà người Cộng sản không nhận ra, đó là thủ tiêu quyền con người và thâu tóm đất đai của nhân dân. Với hai lỗi này, nguy cơ nhân dân nổi dậy làm cuộc cách mạng Nông Điền và Chấn Dân Khí, Phục Dân Trí là hoàn toàn có thật. Bằng chứng là những vụ nổi cộm của gia đình anh Đoàn Văn Vươn, nông dân Văn Giang, Đắc Nông, Cồn Dầu, Dương Nội và nông dân các tỉnh Tây Nam Bộ ngày càng bất bình, chống trả những chính sách bất công về đất đai cùa nhà nước. Hàng trăm, hàng ngàn dân oan ngày đêm dầm mưa dãi nắng ở Hà Nội để khiếu kiện đất đai. Và, song hành với cuộc nổi dậy của nông dân là những cuộc xuống đường bày tỏ thái độ chống Trung Quốc xâm lược, những cuộc dã ngoại thảo luận về quyền con người của giới thanh niên, trí thức khắp ba miền đất nước trong những ngày gần đây… Đáp lại, nhà nước Cộng sản đã làm gì?

Họ đã dùng sức mạnh của dùi cui, chó săn, nắm đấm và roi điện, thậm chí súng ống để đối xử với nhân dân. Thay vì lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, họ thẳng tay đàn áp. Thay vì giúp đỡ và tìm cách điều chỉnh sách lược để phù hợp với sinh hoạt rất con người, rất hiện đại so với Việt Nam những đã quá cũ so với thế giới tiến bộ như hành động cả gia đình cùng tham gia dã ngoại vì quyền con người của gia đình blogger Hoàng Vi, người ta dúi thuốc đang cháy vào mặt người già, thẳng tay đấm vào mặt một cô gái trẻ đến gãy ba chiếc răng. Tất cả hành xử của nhà nước từ việc thu hồi, đền bù đất đai và trấn áp giải tỏa, cưỡng chế di dời cho đến đàn áp biểu tình yêu nước, đàn áp, bóp méo quyền tìm hiểu về quyền con người… Đều cho thấy nhà nước Cộng sản và nhân dân có một hố ngăn cách quá sâu, khó có thể bù lấp.
Và, việc duy nhất để đảm bảo cho nhà cầm quyền Việt nam có thể tồn tại và chuyển hóa theo đà tiến bộ của nhân loại, không có lựa chọn nào khác ngoài một cuộc hòa giải đúng tinh thần nhân văn và khoa học đối với nhân dân gồm hơn 80 triệu người trên đất nước Việt Nam.

Hoặc là hai lựa chọn: Sẽ có một cuộc đàn áp đẫm máu hơn, tàn sát hơn cả Thiên An Môn mà nhà nước Cộng sản sẽ dùng đối với nhân dân, hoặc là một cuộc hòa giải đúng nghĩa để đi đến tiến bộ. Trong hai lựa chọn này, chắc chắn lựa chọn thứ nhất sẽ mang đến hậu quả không có lợi cho sự tồn tại của nhà nước Cộng sản, lựa chọn thứ hai có vẻ tốt hơn và lành tính hơn cho cả hai bên. Vì chí ít, giới lãnh đạo nhà nước cũng thừa biết khi đụng đến nhân dân trên cấp độ toàn quốc, sẽ có rất nhiều binh sĩ và công an viên sẵn sàng quay lưng với Đảng. Đều đó sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, đó là chưa muốn nói đến sức mạnh cộng hưởng của toàn dân sẽ dữ dội gấp triệu lần sóng thần để quét đi một bức tường độc tài vốn đã lung lay tận nền móng.

Suy cho cùng, những gì nhân dân được/bị tuyên truyền lâu nay, đều không có thật. Điều có thật lại không được nói ra, đó là sự cần thiết và cấp bách của một cuộc hòa giải giữa đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam.