You are here

Từ hòn đá nghĩ về hòn đá

Trong thời gian qua, kể từ lúc blogger Nguyễn Xuân Diện phát giác và đưa ra công luận câu chuyện hòn đá lạ ở đền Hùng, dư luận nóng dần bởi những ý kiến phản hồi, phản bác về hòn đá vớ vẩn này càng lúc càng cao. Thay vì đem vứt hòn đá nửa Tàu nửa Ấn này đi, người ta (cụ thể là ông chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ) lại nghĩ ra trò làm một cuộc hội thảo về giá trị lịch sử của nó. Dư luận lại thêm một lần té ngửa về cách hành xử vừa đậm chất mê tín dị đoan, vừa rất ư hồ đồ và vô văn hóa của nhà cầm quyền tỉnh Phú Thọ.
Và cũng từ hòn đá lạ này, làm hiển lộ một hòn đá rất quen nằm trong một hòn đá khác cũng rất quen trong bộ máy cầm quyền Việt Nam nói chung. Đó là hòn đá bảo thủ và độc đoán, chuyên quyền mà người ta vẫn giữ lề thói mấy mươi năm nay trong cơ chế hoạt động nhà nước xã hội chủ nghĩa. Vì sao lại nói đây là hòn đá bảo thủ và độc đoán, chuyên quyền?
Thiết nghĩ, cũng nên xét lại phong trào chơi đá cảnh tại Việt Nam và thời điểm hòn đá này xuất hiện tại đền Hùng.
Vào những năm 2000, đồng hành cùng với phong trào thư pháp chữ Việt (có thể nói phong trào thư pháp chữ Việt đạt ngưỡng trăm hoa đua nở, nhà nhà treo thư pháp, người người tập viết thư pháp, so với phong trào làm thơ ở Việt Nam, có lẽ phong trào thư pháp chữ Việt chỉ kém tí chút là cùng!), phong trào chơi đá cảnh cũng nổi lên như một hiện tượng xã hội. Từ những vật dụng bằng đá bị ném ở ngã ba đường được người chơi thi nhau lượm về trang trí cho đến cá bức tượng đá có tuổi một chút cũng bị ăn cắp, bị lừa mua giá rẻ và cuối cùng, người ta rủ nhau lên núi lượm đá, các con suối có nhiều đá cuội và các mỏ đá được đồn thổi là miệng núi lửa cách đây cả triệu năm bỗng chốc trở thành chốn sinh nhai cho nhiều người.
Phong trào chơi đá cảnh mang lại khá nhiều lợi nhuận và cũng mang lại quá nhiều thị phi bởi tính gian trá ẩn giấu bên trong. Người ta đồn thổi về năng lượng siêu nhiên của đá, tính tâm linh của nó và thậm chí, nhiều ông chơi đá còn tuyên bố hùng hồn rằng năng lượng quốc gia đã tích tụ trong hòn đá của mình.
Đúng sai chưa tỏ, nhưng có nhiều người dở khóc dở cười vì cả tin, đã bỏ ra hàng chục ngàn đô la để mua một viên đá nhỏ mà theo lời giới thiệu của người bán là “thiên thạch” có chứa năng lượng của các bồ tát, nó sẽ chữa được bá bệnh. Kết quả, khi mang viên đá đó về, bệnh vẫn cứ bệnh, chết vẫn cứ chết, tiền mất, thất vọng, tán gia bại sản.
Đó là những chuyện xãy ra trong những năm 2000. Trở lại chuyện hòn đá đền Hùng, nó cũng xuất hiện vào những năm cuối 2000, được một ông thầy phù thủy tên Nguyễn Minh Thông vẽ bùa và đặt vào đền. Đến đây, có thể nhận biết được rằng hòn đá này được đặt vào đền Hùng trong thời điểm mà phong trào chơi đá phát triển đến đỉnh điểm nhờ vào công nghệ quảng cáo bằng hình thức tâm linh trá hình của nó. Nếu như trước đây, người ta ký gởi những hòn đá cảnh ở những nơi linh thiêng cấp địa phương để bán cho được giá và để gieo rắc lòng tin về tính linh nghiệm của nó thì năm 2009, Nguyễn Minh Thông đã chơi một cú ngoạn mục nhất, quảng cáo đá cảnh ở đền cấp quốc gia. Và, câu chuyện không chịu dừng lại ở đây, nó bắt đầu lây nhiễm sang địa hạt chính trị, tôn giáo và văn hóa. Thái độ khư khư ôm giữ hòn đá, thay vì cho vứt nó vào một xó xỉnh nào đó thì lại đề xuất chuyện mở hội thảo nhằm “thẩm định giá trị lịch sử và tâm linh” của ông chủ tịch tỉnh Phú Thọ trong lúc các nhà sử học và các chuyên gia hoàn toàn không chấp nhận sự tồn tại vô lý của hòn đá ở chốn thiêng liêng này, đứng trên góc độ nào cũng chỉ nhìn thấy đây là chọn lựa, quyết định của kẻ vô văn hóa và buôn thần bán thánh hạng nặng.
Trước đây, có lẽ khi đặt hòn đá này vào đền, Nguyễn Minh Thông cùng lắm cũng tự đắc rằng mình đã lừa được đám quan chức ít chữ nghĩa, hồ đồ và mê tín, và mục đích của Nguyễn Minh Thông cũng chỉ dừng ở chỗ quảng cáo cho nghề chơi đá cảnh, lừa phỉnh chuyện bùa chú để kiếm chác hoặc gây thế lực trong các hoạt động có chiều hướng mê tín dân gian. Chắc chắn là Nguyễn Minh Thông khó mà ngờ rằng những kẻ bị mình lừa lại là siêu lừa, đẩy sự việc lên một tầm mức cao hơn nhiều!
Hòn đá của Nguyễn Minh Thông, suy cho cùng, cũng chỉ là hòn đá bùa chú vớ vẩn của một thứ mê tín vừa có tính chất lừa bịp vừa có tính chất mê muội. Nhưng cũng chính từ hòn đá ấy, rớt vào tay Bộ văn hóa thông tin và bộ máy cầm quyền tỉnh Phú Thọ, nó được đẩy lên tầm lịch sử, được hô biến để thành vật trấn quốc, mang linh khí quốc gia, thậm chí, nó trở thành bảo vật lịch sử. Tại sao lại có chuyện buồn cười, rẻ tiền như thế?
Đơn giản, khi hòn đá tư tưởng Mác – Lê nin và Hồ Chí Minh không còn trọng lượng, nhà nước Cộng sản bắt buộc phải tìm cho ra một hòn đá mới để thay thế. Và trong chuyện hòn đá đền Hùng, không thể nói là không có bàn tay của Bộ chính trị, trung ương Đảng nhúng vào, vì đây là ngôi đền quốc gia, không phải là ngôi đền cấp tỉnh, cấp huyện nằm ở một góc ruộng hay con hẻm nhỏ nào mà tai mắt các ông trên trung ương ít để ý tới. Sự thay thế “hòn đá” này có chủ ý đánh vào bản năng sợ hãi trước siêu nhiên mù mờ mà trong con người ai cũng có, không ít thì nhiều. Và một khi con người chịu sụp lạy, chiêm bái nó, thì cũng có nghĩa là người ta phải mang ơn và tin vào kẻ đã mang nó về, đặt nó lên bàn thờ và xem họ là những người gác đền đáng kính.
Nhưng rất tiếc là nó bị phát hiện quá sớm và chưa phát tác đủ công dụng mê hóa của nó. Vô hình trung, nó làm lộ một hòn đá khác giữa hòn đá chính nó. Đó là hòn đá bảo thủ và độc đoán, chuyên quyền ủy thác vào nó nhưng chưa kịp lớn thì đã chết non. Có thể, đây cũng là một điềm báo của chế độ đã sử dụng nó làm bùa!