You are here

Cái vòng luẩn quẩn

 


Kami
-
Câu chuyện Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp của nhóm 72 vị nhân sĩ trí thức (Kiến nghị 72) bỗng trở thành một vấn đề đau đầu cho các nhà lãnh đạo đảng CSVN. Vì ít khi người ta mới thấy sự phản kháng mang tính tập thể của các vị vốn là nguyên, cựu cán bộ lãnh đạo mang tính trở cờ, đi ngược lại chủ trương đường lối của đảng. Đây là việc làm vi phạm điều lệ của đảng CSVN, một trong 19 điều cấm đối với đảng viên, mà trang Businessweek gọi là "Tập thể những người cộng sản" ở Việt Nam chống lại sửa đổi Hiến Pháp". Nhưng lẽ ra hiệu quả của bản Kiến nghị 72 sẽ cao hơn nữa, nếu như nó mang theo được phẩm chất dũng khí của những người có mong muốn sự thay đổi mạnh mẽ.

Sở dĩ nói bản Kiến nghị 72 thiếu dũng khí (cách mạng), vì cách làm của nhóm 72 vị nhân sĩ trí thức còn mang tính lừng chừng, thỏa hiệp chứ nó không đòi hỏi sự chuyển biến một cách mãnh liệt. Đơn cử như trước đây đã từng có các ông Hoàng Minh Chính , trung tướng Trần Độ hay Trần Xuân Bách.... Thêm nữa khi căn cứ vào thái độ của ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư Pháp phát biểu trên VTV về Kiến nghị 72 rằng "Còn cái dự thảo mà gọi là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 thì tôi hoàn toàn không tham gia. Cũng không phải là người thành lập cái nhóm đó. Kí là kí vào cái đoạn 7 điểm thôi, chứ còn cái Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 tôi không hề biết cái đó". Đây là một bài học cay đắng đối với nhiều người tham gia ký hay đồng tình với bản Kiến nghị 72 này. Nếu so sánh dũng khí của nhóm 72 vị nhân sĩ trí thức với các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ hay như ông Trần Xuân Bách... trước kia thì thấy khác hẳn. Những người này họ vốn là những nhà cách mạng thực thụ, có lập trường kiên định. Đặc biệt là dám trút bỏ mọi quyền lợi đang được thụ hưởng bởi chế độ dành cho, để dám thẳng thắn tuyên bố quan điểm của mình. Kể cả khi đấu tranh mang tính đối đầu hay không tán thành với đường lối của đảng. Ngược lại, trường hợp của nhóm Kiến nghị 72 cũng không là ngoại lệ, mà nó có cùng màu sắc với sự chuyển biến tư tưởng một cách tự hạn chế của những thế hệ sau, đó là thế hệ ông Nguyễn Văn An, Vũ Mão ... thế hệ của những người đạt đến đỉnh cao quyền lực được xắp đặt một cách dễ dàng êm ả. Do đó nó là sự thay đổi nhận thức có tính toán hơn thiệt về quyền lợi cá nhân, gia đình con cái. Vì thế kể cả khi tuổi đã cao nhưng người ta vẫn thấy  tính cải lương, nước đôi trong các hành động hay lời phát biểu của họ.

Sự thay đổi tư tưởng không hết mình như vậy là do vẫn còn nhiều điều khác khiến họ còn phải lo lắng, bận tâm. Như tương lai của gia đình, vợ, chồng con cái họ sẽ ra sao trong công việc, trong cuộc sống và vô vàn những nỗi băn khoăn khác V.V.... Tuy nhiên, nếu so sánh họ với những người khác có điều kiện như họ mà không dám lên tiếng, để thấy các vị này cũng hết sức đáng ca ngợi. Nhưng giá như những người ở vị trí như họ mà dám dứt khoát, dám đoạn tuyệt với tất cả để hành động như những người làm cách mạng thì có lẽ đất nước này, dân tộc này không không đến nỗi bi đát như bây giờ. Trước hiện tượng đó, một số người nóng vội, cực đoan cho rằng "Sao lúc đương chức đương quyền các ông không lên tiếng? Nếu không dám sao các ông không từ quan để bầy tỏ thái độ mà đến giờ mới dám làm?". Phải chăng là nguyên nhân của sự lừng chừng không dám dấn thân một cách hết mình là vì gánh nặng quyền lợi của mỗi cá nhân?. Và có lẽ vì lý do này mà ý thức phản kháng của người dân nói chung và các cựu quan chức nói riêng bị hạn chế rất nhiều.

Trên thực tế ở Việt nam, bây giờ từ Tổng Bí thư đến các ủy viên Bộ Chính trị, các ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN, đại biểu quốc hội hay các vị bộ trưởng, thứ trưởng v.v... của chính quyền hiện tại hơn ai hết họ đều biết cái thể chế chính trị hiện tại là lạc hậu, phản động và mang tính kìm hãm sự phát triển của dân tộc, đất nước và cần thiết phải có sự thay đổi. Xin hỏi ai mà không biết? Họ biết nhưng ai cũng như ai cứ phải đóng kịch với nhau vờ như không biết để được cái đặc quyền ăn trên ngồi trốc. Để rồi dẫn tới tình trạng nói trước quên sau, nói lung tung, nói linh tinh để rồi vô tình gián tiếp báng bổ cả Hồ Chủ tịch là kẻ suy thoái tư tưởng. Như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tỉnh Vĩnh phú là một ví dụ. Hay như chuyện đưa đất nước tiến lên Chủ nghĩa Xã hội trên cơ sở nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Marx - Lenin cũng thế. Trong khi trên thế giới cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội mà đảng CSVN đang theo đuổi đã hoàn toàn phá sản, không còn tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả Cuba. Hơn nữa mô hình này đã thí điểm ở Việt nam từ năm 1954 đến nay đã cho thấy hoàn toàn thất bại, kể cả việc đổi mới kinh tế theo định hướng XHCN. Không phải trông đâu cho xa, cứ nhìn hai miền Nam - Bắc Triều tiên là cách so sánh dễ dàng nhất. Người dân bình thường họ mong muốn sống trong một xã hội thịnh vượng, nhân bản. Ở nơi đó có cuộc sống ấm no, với một nền an sinh xã hội tốt, công bằng và quyền con người được tôn trọng. Chứ đâu có ai cần cái Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản không tưởng nhảm nhí, những thứ làm bình phong cho chế độ chuyên quyền, độc đoán vô luật pháp và gia đình trị cha truyền con nối của những người cộng sản "giả cầy".

Nhưng cũng vì ở trong cái guồng quay dối trá này thì ai cũng sợ nói ra sự thật, vì họ biết cỗ máy của đảng sẽ sẵn sàng nghiền họ nát vụn một cách không thương tiếc, như đã từng làm với ông Trần Xuân Bách là một bài học điển hình. Vì thế không ai bảo ai, tất cả bọn họ dàn hàng ngang đi theo nghị quyết của đảng, biết nhưng ông nọ nhìn và chờ các ông còn lại xem sao. Cộng với chế độ lãnh đạo kiểu "vua tập thể", cá mè một lứa hiện nay, không có một cá nhân lãnh đạo xuất chúng có tiếng nói đủ tầm quyết định. Hơn nữa, không ai dám làm vai trò xung kích, xông lên trước vì họ biết trong một trận đánh những kẻ xông lên đầu tiên nguy cơ trúng đạn và tử vong sẽ rất cao. Qua đó mới thấy lòng dũng cảm cần phải có ở những người nắm vận mạng của quốc gia, dân tộc thật cần thiết biết bao. Vậy thử hỏi sẽ có làm sao một Elsin hay một Gorbachev xuất hiện để làm vị cứ tinh cho đất nước.

Một điều được cho là chắc chắn về kịch bản sự thay đổi của chính trị Việt nam trong tương lai, một phần lớn sẽ phụ thuộc vào sự tự chuyển biến của các nhà lãnh đạo Việt nam hiện nay, thông qua một cuộc chuyển đổi chính trị theo cung cách nới lỏng từ từ và nếu có xong thì chắc cũng cần một vài thế hệ. Sở dĩ nói một vài thế hệ vì các nhà lãnh đạo Việt nam khi đương chức thì họ không vội, vì thay đổi theo xu thế dân chủ tự do thì họ sẽ có nhiều thiệt thòi hơn hiện tại. Vấn đề là họ có dám hy sinh quyền lợi của cá nhân để phục vụ cho quyền lợi của quốc gia, dân tộc hay không? Nếu không thì phải chờ khi họ về hưu, khi hết chức, hết quyền khi ấy mới phản tỉnh như một cái quy luật bất thành văn. Nhưng xem ra họ còn hơn cái loại nguyên Tổng Bí thư, giờ về hưu hàng ngày đi chơi thể thao ở câu lạc bộ mà mục đích chính để hy vọng kiếm tiền phong bao của các đệ tử cũ. Còn yếu tố từ bên ngoài cho sự thay đổi mang lại là phần rất nhỏ và không đáng kể nếu nhìn vào khả năng và sự lớn mạnh thực tế của các tổ chức chính trị ở hải ngoại như hiện nay. Trông chờ vào một cách mạng hoa X, hoa Y thì càng khó trong bối cảnh con người hiện nay thì khó có khả năng khởi động được. Cho dù các điều kiện khách quan  cần thiết hết sức thuận lợi cho một cuộc cách mạng. 

Sự thay đổi của đất nước sẽ phụ thuộc vào hành động của giới trí thức tinh hoa, nhưng người lãnh đạo đương chức, chứ không phải gánh nặng này được dồn cho các thế hệ nguyên hay cựu cán bộ lãnh đạo. Chưa nói đến vấn đề trên diện rộng mà trước mắt chỉ đòi hỏi cần tập trung vào các điểm nổi bật, những trí thức lãnh đạo là tinh hoa ưu tú. Nhưng xem ra việc này là rất khó, vì các tinh hoa ấy chỉ xuát hiện khi đã hết chức, hết quyền. Nói cho đúng, đây chính là cái vấn nạn, là cái vòng luẩn quẩn mà con người và đất nước Việt nam đang phải hứng chịu và khó có thể thoát khỏi. Điều này đúng không chỉ đối với bất kỳ những ai hiện còn đang phụng sự hay còn có các thứ quyền lợi gắn với thể chế chính trị hiện tại ở Việt nam, mà là tất cả mọi người, mọi giới. Khi mà tất cả đều lừng chừng, người nọ trông chờ người kia, và không mấy ai dám dấn thân hy sinh một cách hết mình.

Cũng bởi mỗi người chúng ta, mỗi người chưa vượt qua chính mình, chưa thoát khỏi sự ràng buộc của quyền lợi của mỗi cá nhân. Nghĩa là tiếp tục rơi vào cái vòng luẩn quẩn thì điều này sẽ rất khó.

Ngày 08 tháng 4 năm 2013

© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
 
.