You are here

Một cái Tết “án binh bất động”

Viết từ Sài Gòn
Nói nghe cứ như đùa, nhưng đó là Tết Quí Tị vẫn còn đang ngấp nghé trước thềm nhà. Một cái Tết mà nông dân chẳng buồn bán nông sản, quyết định án binh bất động, trong guồng máy chính trị, các ông cũng diễn trò án binh bất động không kém. Chung qui, một cái Tết án binh bất động trên một đất nước án binh bất động!

Những ngày cận Tết, giá nông sản rớt thê thảm, mặc dù mọi thứ hàng hóa khác đều tăng giá, thậm chí có nhiều loại tăng gấp rưỡi giá ngày thường. Nếu như người nông dân lắc đầu ngao ngán vì làm cả mùa dài, nhờ trời mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sản lượng tăng gấp rưỡi, gấp đôi lần. Những tưởng sẽ có một cái Tết ấm áp nhờ vào bó cải, ngọn rau, ai dè, sản lượng chỉ tăng gấp đôi nhưng giá thành thì tụt gấp ba, gấp bốn lần bình thường.
Thay vì trước đây, một luống rau, kẹp được vài chục bó, bán kiếm vài trăm ngàn đồng, bây giờ, cũng ngần ấy diện tích, thu hoạch được cả trăm bó, nhưng bán chỉ được một nửa hoặc chưa tới một nửa tiền, kết quả là người nông dân vừa bị mừng hụt, lại vừa chịu thêm sức nặng của đôi gánh mà khó khăn vẫn hoàn khó khăn.
Cũng giống như những người trồng rau, các hộ nông dân trồng hoa cúc đón Tết năm nay trong nỗi ê chề vì giá thành rẻ mạt, thị trường ế ẩm. Nhìn chung, không khí Tết của nhà nông năm nay giống y hệt một câu nhận xét của ông Ngô Càng, nông dân ở Hải Lăng – Quảng Trị: “Tết năm nay là một cái Tết án binh bất động, vì không có tiền để đón Tết nên nông dân chỉ còn một cách duy nhất là im lặng, mua sắm qua quýt vài thứ gì đó để gọi là cho có ba ngày Tết chứ không vui vẻ gì. Chưa có năm nào Tết lại buồn bã như năm nay!”.
Đó là một góc nhỏ về cái Tết nhà nông, ở đâu đó trên trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, cái Tết cũng đầy vẻ nghi binh, phòng thủ và “thập diện mai phục”. Dường như giữa các phe cánh trong nội bộ trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa chính thức “xuất kích” mặc dù trước Tết hai phe Dũng và Thanh (cùng với Triết, Trọng) đã có những đòn rơi đả về phía nhau khá li kì.
Nếu Nguyễn Bá Thanh vẫn còn giữ ngưỡng oang oang ra đòn miệng trong những phiên họp cấp thành phố để nhá về phía Dũng thì Nguyễn Tấn Dũng ra đòn cụ thể hơn, đánh trực diện, phủ đầu ông Thanh bằng cách cho đàn em điều tra vụ đất đai ở Đà Nẵng. Đương nhiên, trong cú đòn này, hiệu dụng của nó vẫn chưa phát tác cụ thể, vì nó chưa làm đổ gục được uy tín của Thanh, mặc dù trong bàn dân thiên hạ, dư luận về vết nhơ nhà đất của ông Thanh không phải là không có.
Nhưng với sự hậu thuẫn của câu lạc bộ hưu trí Thái Phiên – Đà Nẵng và những đàn em thân cận Đà Nẵng (về khoản đàn em thân cận, dường như giữa Dũng và Thanh không biết ai nhỉnh hơn ai, xét từ thế lực giang hồ cho đến thế lực chính trị đen, cả hai ông này đều thuộc vào diện ông trùm), Nguyễn Bá Thanh vẫn bình chân như vại, xem như không có gì xãy ra, vẫn cứ đi dạo cảnh, xem hoa, cười nói tỉnh queo. Dường như trong hành vi của ông có chút gì đó mang thông điệp của một sức mạnh ngầm ném về phía đối phương. http://www.baomoi.com/Ong-Nguyen-Ba-Thanh-du-xuan-tren-duong-hoa-17-ty/1....
Đương nhiên, phía Nguyễn Tấn Dũng sẽ không dừng cuộc điều tra, phanh phui những tì vết của Nguyễn Bá Thanh ở đó, trong bản tin thời sự của đài truyền hình Việt Nam trong dịp giáp Tết, những ngày đầu tháng Chạp, đài truyền hình Việt Nam loan tải một bản tin chuyên đề về vụ thất thoát đất đai ở Đà Nẵng.
Mặc dù sự vụ này chưa đủ cơ sở để công bố nhưng đài truyền hình Việt Nam vẫn công bố thông tin (mặc dù sai nguyên tắc về mặt báo chí). Điều này cho thấy bản tin đã được một bàn tay nào đó chỉ đạo từ phía sau, và ở đây, nghi vấn dồn về phía Nguyễn Tấn Dũng. Bản tin đóng vai trò công khai hóa cú ra đòn của Dũng và làm tăng lực sát thương về phía ông Thanh.
Đó là tình hình những ngày nửa đầu tháng Chạp, đến nửa sau tháng Chạp thì mọi chuyện tạm êm thắm, dường như cả hai phe chưa ra đòn nào. Và trong cuộc chiến này, phía ông Dũng đã ra đòn thật, phía ông Thanh vẫn còn dùng đòn ảo (nhá đòn).
Đòn thật của ông Dũng không làm ông Thanh suy suyễn, và những cú đòn của ông Thanh đả về phía ông Dũng vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Điều này càng làm cho cuộc chiến giữa hai phe phái này trở nên li kỳ, hấp dẫn và căng thẳng. Tuy nhiên, hai phía vẫn đang án bình bất động trong dịp Tết này.
Và, vô hình trung, sự tương trùng “chiến thuật” án binh bất động của chính trị và nhà nông lại cho ra một đáp án không mấy sáng sủa, nếu không nói là xám xịt cho bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm tới. Vì chắc chắc, khi Nguyễn Bá Thanh ra đòn, sẽ có một cuộc khủng hoảng ngắn trong lĩnh vực tài chính vì sự “ra đi” của nhiều giám đốc có liên quan đến vấn đề tham nhũng và phe cánh của Dũng.
Trong khi đó, tình hình kinh tế nhà nông đang thực sự khủng hoảng, một cái Tết ảm đạm đã đến với nhà nông bởi vật giá leo thang và nông sản rớt giá trầm trọng, chỉ mới Tết, còn cả một mùa tháng Giêng, tháng hai chưa thu hoạch, mọi chuyện vẫn đang phía trước, một phía trước xám xịt.
Trên một đất nước mà mọi chuyện được tóm tắt một cách hóm hỉnh bằng câu “án binh bất động”, mọi hoạt động trở nên đóng băng, và mọi dự cảm hoàn toàn có tính bất an, vô định…. Thì có lẽ, khó mà vui được với một cái Tết Cộng sản xã hội chủ nghĩa đầy mán trá này!