You are here

Quyền lực Nhà nước cần phải được phân chia

Kami
-
Trong những ngày cuối kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 - Khóa 13 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian cho việc thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sửa đổi và ban hành Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đặc biệt, trong cuộc găp gỡ cử tri sau khi kỳ họp Quốc hội bế mạc ngày 01.12.2012 tại Hà nội, trước sự truy vấn của các cử tri lão thanh cách mạng với câu hỏi yêu cầu Tổng Bí thư ý do vì sao Bộ Chính trị đã không kỷ luật đồng chí X?

 
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã thừa nhận đây là vấn đề "không đơn giản" và là một việc "khó và trừu tượng" và nguyên nhân theo ông Trọng là do “Không có người thẩm định, không có người kiểm tra nên mới dẫn đến những cái sai như vừa rồi,” và vì "đã sinh ra cơ quan quyền  lực thì phải có sự kiểm soát cái quyền lực ấy nếu không sẽ sinh ra tự tung tự tác". Việc đồng chí X đã lạm quyền và lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi cho bản thân, gia đình hay nhóm lợi ích của mình thì đã quá rõ, ai cũng biết. Vấn đề ở đây là do ở Việt nam hiện nay đang sử dụng một thể chế chính trị bất cập và còn còn quá nhiều nhược điểm. Mà nguyên nhân chính là việc đang thiếu một cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực của bộ máy nhà nước. Để rồi khi biết đồng chí X là người sai, biết đồng chí X đã tham nhũng, trục lợi là vi phạm pháp luật mà không thể xử lý nổi. Như đã nói nguyên nhân chính là do Việt nam đã và đang thiếu một cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực của bộ máy nhà nước. Hay nói cách khác là chưa có một sự phân chia quyền lực nhà nước một cách cụ thể giữa các bộ phận của bộ máy nhà nước, để nhằm phân bổ quyền hành cho nhiều thành phần khác nhau của chính quyền để có sự giám sát và cân bằng quyền lực. Đây là một việc làm quan trọng, cần thiết phải được đưa vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sắp tới.

 
Nếu hiểu Nhà nước là một tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị, là bộ máy do lực lượng nắm quyền thống trị (kinh tế, chính trị, xã hội) thành lập nên, nhằm mục đích điều khiển, chỉ huy toàn bộ hoạt động của xã hội trong một quốc gia. Về mặt tổ chức, bộ máy nhà nước được tổ chức thành các cơ quan nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ và chức năng cai trị Nhà nước. Tùy theo thực tế mà lực lượng thống trị chọn cho mình một chế độ chính trị, đó là hệ thống các nguyên tắc, phương thức, biện pháp, thủ đoạn thực hiện quyền lực nhà nước. Trong thời điểm hiện nay, trên thế giới người ta có thể chia thành hai loại chế độ chính trị là dân chủ và phản dân chủ, với những cấp độ khác nhau. Khái niệm về chế độ chính trị là một bộ phận rất quan trọng, nó là nền tảng của chế độ xã hội và chi phối các vấn đề khác trong xã hội. Chế độ chính trị là một bộ phận của chế độ xã hội, là một trong những yếu tố cấu thành của chế độ xã hội và chế độ chính trị thực chất là chế độ thực hiện quyền lực nhà nước. Trên tinh thần đó, về cơ bản bộ máy nhà nước được tổ chức  thành ba hệ thống cơ quan Nhà nước, đó là hệ thống các cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Tùy theo từng loại các hình thức Nhà nước và chế độ chính trị của nhà nước đó mà ba cơ quan nói trên có thể thống nhất (tập trung) hoặc hoạt động độc lập với nhau mà thuật ngữ chung gọi là Tam quyền phân lập, đây cũng là một ví dụ về cách phân chia quyền lực nhà nước. Căn cứ vào các điều phân tích nói trên cho thấy ở Việt nam hiện nay là loại chế độ chính trị phản dân chủ, mà thực trạng kinh tế, chính trị, văn hóa và đạo đức xã hội đang phản ảnh đúng bản chất xấu xa của chế độ chính trị loại này.

 

Thể chế chính trị dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị tiến bộ của xã hội loài người, trong đó thể chế chính trị dân chủ thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Ngoài ra, thể chế chính trị dân chủ còn bao gồm thêm một số yếu tố như đa nguyên chính trị, sự bình đẳng trước pháp luật, quyền kiến nghị của công dân đối với các viên chức được bầu, nếu họ cảm thấy bất bình về thủ tục tố tụng, quyền tự do công dân, quyền con người, và những yếu tố của xã hội dân sự độc lập với nhà nước. Hiện nay, khái niệm dân chủ thường được hiểu là dân chủ tự do, dân chủ có thể là một từ quen thuộc với nhiều người, nhưng nó là một khái niệm vẫn bị hiểu sai và sử dụng sai khi các chế độ chuyên chính, các chính thể quân sự độc tài lợi dụng nó để kêu gọi sự ủng hộ của quần chúng bằng cách tự gắn cho mình cái mác dân chủ. Như hệ thống chính trị ở Việt nam là một ví dụ điển hình. Thể chế chính trị dân chủ được đánh giá là tiến bộ vì nó có ưu điểm ở chỗ phân bổ quyền hành cho nhiều thành phần khác nhau của chính quyền để có sự giám sát và cân bằng quyền lực. Bởi quyền lực tập trung sẽ sinh lạm dụng, không có cách giải quyết nào khác ngoài việc phân chia quyền lực cho các thành phần khác nhau của chính quyền có tác dụng chi phối lẫn nhau, hay nói một cách khác, đó là biện pháp nhằm hạn chế quyền lực tuyệt đối của một cá nhân hay một nhóm nhỏ nắm quyền lực lãnh đạo.
 
Cách phân chia quyền lực nhà nước có nhiều cách khác nhau, nhưng việc phân chia quyền lực giữa các bộ phận của chính quyền thì nó phụ thuộc vào nội dung của Hiến pháp mỗi quốc gia. Có Hiến pháp gọi người đứng đầu chính phủ là tổng thống, có nơi khác gọi là thủ tướng, có Hiến pháp tổ chức hai viện lập pháp, có chỗ chỉ có một viện duy nhất. Thêm vào đó, cho dù các Hiến pháp có quy định kết cấu chính quyền tương tự như nhau, chúng vẫn có thể phân chia quyền lực theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, tổng thống có thể có quyền phủ quyết những dự án luật do bên lập pháp đưa ra, hoặc có thể không có quyền đó. Thượng viện của ngành lập pháp có thể chỉ có quyền cố vấn cho hạ viện, nhưng viện này cũng có thể có quyền bác bỏ các dự luật của hạ viện v.v... Nhưng tựu trung lại, hình thức phân quyền nhà nước có 3 mô hình phổ biến là:

  1. Chia chính quyền trung ương thành ba phần – quyền lập pháp, quyền hành pháp và tư pháp, phương thức phân quyền này được gọi là tam quyền phân lập.
  2. Chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương hay vùng lãnh thổ. Do sự phân chia này được quy định bởi hiến pháp, chính quyền trung ương không thể can thiệp vào phạm vi quyền lực của chính quyền vùng lãnh thổ. Quan trọng hơn cả, chính quyền trung ương không thể giải tán chính quyền địa phương đó hoặc tước đoạt một số quyền đã được hiến pháp trao cho họ. Phương thức phân chia quyền lực này được gọi là chính thể liên bang.
  3. Chia quyền lực giữa chính quyền công dân thông qua bầu cử. Trong một nước dân chủ, quyền lực thuộc về nhân dân. Chính quyền có bổn phận phục vụ người dân, chứ người dân không phải phục tùng chính phủ. Phương thức phân quyền này được gọi là quyền cá nhân.

Quyền lực luôn gắn chặt và đi đôi với tham nhũng, khi có quyền lực tuyệt đối thì người ta sẽ tham nhũng tuyệt đối, một khi có quá nhiều quyền lực trong tay, ngay đến người tốt cũng sẽ trở thành kẻ độc đoán. Và nó sẽ chính là mầm mống cho tham nhũng, lạm quyền phát triển. Chính vì vậy, một nguyên tắc cơ bản của việc phòng chống tham nhũng nói riêng, hay việc chống sự lạm quyền rồi tiến tới độc tài, độc đoán nói chung là phải phân chia quyền lực cho nhiều người, nhiều bộ phận khác nhau. Để qua đó tạo điều kiện cho các bộ phận của nhà nước theo dõi, kiểm tra giám sát lẫn nhau. Nguyên tắc này khác với cách nghĩ theo kiểu lối mòn từ xưa đến nay, đó là người ta thường ca tụng các nhà lãnh đạo và trao cho họ quyền lực tuyệt đối để bảo vệ an ninh quốc gia là một ví dụ. Vô tình người ta đã tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối, và bỗng nhiên đã đẩy họ đến chỗ tha hóa, xem thần dân trong nước như con cái, để họ làm nhiệm vụ của bậc cha mẹ và ra quyền hành xử như cha với con chứ không phải công bộc đối với nhân dân. Nên nhớ trong thiết chế tổ chức của một bộ máy nhà nước, nhiều khi sự thống nhất, đồng thuận và tập trung quyền lực nếu không khéo sẽ là bạn đồng hành với tham nhũng. Còn việc có người lo ngại rằng việc giám sát và cân bằng quyền lực sẽ dễ tạo nên bất ổn, do tranh chấp, tranh cãi rồi đi đến chỗ bế tắc, thậm chí có thể gây ra bất ổn chính trị làm cho nhà nước suy yếu. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng khi cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực không được xây dựng hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế thì kết quả của nó có thể không như sự mong đợi. Nhưng nếu như cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực được thiết kế tốt, phù hợp và hài hòa thì nó sẽ không dẫn đến bất ổn quá mức bình thường. Những đất nước ổn định và thịnh vượng đều có một cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực hài hòa và phù hợp đúng mức.
 
Vấn đề giám sát, phân chia và cân bằng quyền lực chính là cốt lõi của vấn đề chống tham nhũng và chống lạm dụng quyền lực. Vì trong thiết chế đó không một cá nhân hay một nhóm nhỏ nào được phép thâu tóm toàn bộ mọi quyền lực, do đó sẽ không ai có đủ quyền lực tuyệt đối để buộc các cơ quan khác phải tuân thủ theo ý kiến của bản thân họ. Khi các bộ phận (ban, ngành) trong chính quyền cần sự hợp tác của nhau thì họ sẽ phải lắng nghe nhau, phải thương thảo  để đi đến một thỏa thuận chung để cùng nhau làm việc. Khi nhiều bộ phận có khả năng tác động lên các chính sách, thì khi đó chính quyền đó mới có thể trở nên sáng suốt và công bằng hơn, bởi vì khi đó chính quyền sẽ phục vụ lợi ích của số đông, chứ không phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ. Đồng thời, chính quyền cũng sẽ sáng suốt hơn, bởi các chính sách hay quyết định là kết quả của quá trình thảo luận trong đó nhiều cách nhìn khác nhau đã được cân nhắc kỹ càng. Vì lý do này, mà một nhà lãnh đạo có đủ phẩm chất sẽ không muốn nắm giữ quá nhiều quyền lực. Cái mà họ muốn là một hệ thống trong đó nhiều người khác có thể góp phần vào quá trình phản biện, trước khi ra quyết định cuối cùng. Lúc đó, thay vì đơn thuần điều hành đất nước bằng mệnh lệnh, anh ta sẽ buộc phải cân nhắc, xem xét những quan điểm khác nhau cho vấn đề đó. Qua đó người lãnh đạo phải nhận ra rằng chính mình cũng có những sai lầm về tư tưởng hay cách đánh giá, nhìn nhận một vấn đề và khi đó họ sẽ hiểu hết giá trị của những tiếng nói phản biện, thay vì không biết lắng nghe để rồi tìm biện pháp trấn áp những người có suy nghĩ khác biệt với mình.
 
Đặc biệt, trong một xã hội dân chủ còn có sự phân chia quyền lực giữa chính quyền công dân thông qua bầu cử. Ở đó quyền lực thuộc về nhân dân, chính quyền có bổn phận phục vụ người dân, người dân không phải phục tùng chính phủ mà chỉ phục tùng luật pháp. Chính quyền là cơ quan nhà nước để thay mặt người dân để giải quyết công việc trong những lĩnh vực phù hợp, với tư cách là công bộc của nhân dân. Tuy vậy, nhân dân vẫn nắm quyền lực giám sát tối thượng, nếu nhân dân không hài lòng với cách hay kết quả làm việc của các viên chức chính quyền, họ có thể bỏ phiếu bãi nhiệm các viên chức đó qua bầu cử định kỳ hoặc phế truất lập tức dựa trên quy định của pháp luật.
 
Xu thế chung của việc quản lý nhà nước ở các quốc gia tiến bộ hiện nay là giảm thiểu quyền lực của cơ quan hành pháp tới mức có thể, để tăng quyền lực giám sát cho các tổ chức độc lập trong bộ máy nhà nước như Tòa án Hiến pháp, Ủy ban bầu cử Trung ương, Ủy ban đặc biệt về phòng chống tham nhũng và rửa tiền, Ủy ban kiểm tra tài chính và tài sản công v.v... Với thể chế chính trị dân chủ thì vai trò của chính quyền sẽ thu hẹp lại chỉ còn trong phạm vi các vị trí lãnh đạo bộ phận hành pháp, chính quyền khi ấy được ví như ê kíp của tổ lái một chiếc đầu kéo của một con tàu. Mà con tầu đó cộng với hệ thống hạ tầng cơ sở đó là một bộ máy nhà nước hoàn chỉnh đã có sẵn. Bao gồm một bộ máy hoàn chỉnh ở các cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp. Hướng đi cho con tàu đó đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp thông qua thể chế chính trị đã được quy định cụ thể. Chính vì thế việc thay đổi chính quyền này bằng chính quyền khác có ảnh hưởng không lớn và không hề gây xáo trộn chính trị như người ta tưởng, vì cả bộ máy nhà nước hầu như vẫn giữ nguyên và hoạt động không ngừng nghỉ. Với thể chế chính trị dân chủ như thế thì việc lật đổ chính quyền hiện tại (khác với lật đổ nhà nước) không dùng bạo lực là một điều hợp pháp, nó đơn giản chỉ là việc thay đổi ê kíp của tổ lái này bằng một tổ lái khác được dân chúng lựa chọn vì họ tin tưởng vào tài năng của tổ lái mới.
Trong một bản Hiến pháp, vấn đề cân bằng và giám sát quyền lực nhà nước là hết sức quan trọng, nó phải được coi là vấn đề trọng tâm không được phép bỏ qua. Đặc biệt là nó sẽ hỗ trợ tích cực cho vấn đề chống  tham nhũng. Cho dù biết rằng tham nhũng là hiện tượng phổ biến, không ở đâu mà không có tham nhũng, ở nơi nào xuất hiện cơ chế xin cho hay phân bổ lợi ích là lập tức tham nhũng có mặt, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hay ít. Nhưng quan trọng nhất là mức độ của tham nhũng của từng quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát và điều chỉnh để cân bằng quyền lực của mỗi quốc gia và đặc biệt là vai trò của các tổ chức độc lập trong bộ máy nhà nước. Với tình trạng trái khoáy như ở Việt nam hiện nay, khi mà mọi thứ của công dân đều bị yêu cầu có chính chủ từ các phương tiên giao thông cá nhân xe máy, xe ô tô đến vật nuôi như con chó con mèo. Thì tài sản, tiền bạc của công vốn được gọi là tài sản xã hội chủ nghĩa có giá trị gấp nhiều nghìn tỷ lần thì vẫn còn ở tình trạng vô chủ. Chính vì vậy mới có tình trạng ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng  thất thoát đến 10 nghìn tỷ đồng ở Tập đòan Sông Đà thì chưa đến mức phải xử lý (!?), đúng là chuyện cha chung không ai khóc.
 
Tình trạng trên cho thấy sự bất cập của thể chế chính trị động đảng mà quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Hơn thế nữa, quyền lực nhà nước không được phân quyền mà các bộ phận hành pháp, tư pháp và lập pháp hình thành theo một hệ thống trục dọc từ trên xuống dưới. Đây là một lỗi hết sức nghiêm trọng, tạo điều kiện cho số ít người lạm dụng quyền lực để tự tung tự tác tùy ý họ, bởi vì trong tay họ có các quyefn lực tuyệt đối. Do vậy việc gấp rút nghiên cứu để đưa việc phân chia quyền lực nhà nước trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một việc là hết sức bức thiết và cần phải làm ngay. Đây là tiền đề ban đầu của việc xây dựng một nhà nước pháp quyền đồng thời cũng là để tổ chức công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả và nó còn liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng khác.
 
Ngày 06.12.2012
 
© Kami
 
————————
Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

 
.