You are here

Giả thiết về biểu tình Hà Nội, Sài Gòn

Vì sao những cuộc biểu tình tại Hà Nội vẫn tiếp tục diễn ra sau khi biểu tình tại Sài Gòn bị dập tắt? Vì sao dân oan ở các nơi chỉ có thể kéo về Hà Nội để đấu tranh, bày tỏ thái độ và duy trì quá trình đó được lâu dài?
 
Nếu mới nhìn vào, người ta dễ nhầm lẫn và ngộ nhận rằng chính quyền thành phố Hà Nội chịu để nhân dân phát biểu chính kiến và chấp nhận để người dân đi biểu tình hơn chính quyền Sài Gòn.
 
Nhưng đó là một sự ngộ nhận.
 
Thực tế hoàn toàn khác, nếu như biểu tình ở Sài Gòn bị chính quyền đàn áp thì biểu tình ở Hà Nội còn bị đàn áp mạnh tay hơn Sài Gòn. Nhưng hình thức đàn áp hoàn toàn khác nhau bởi các động cơ chính trị: Tố chất vùng miền; Tính ổn định có ràng buộc của công việc, kế sinh nhai và không gian địa lý.
 
Xét về tố chất vùng miền, dù sao đi nữa, người dân phía Nam cũng có gốc gác từ thành phần lưu dân, trong đó, hai cuộc lưu dân lớn nhất cần phải kể đến là cuộc lưu dân năm 1697 do Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh dẫn đầu một đoàn người bị đẩy ra khỏi quê hương bản xứ một cách không thương tiếc và cuộc lưu dân năm 1954 của những người miền Bắc không ưa chế độ Cộng sản, những giáo dân bị đàn áp dưới triều đại Hồ Chi Minh.
 
Chính vì những bất mãn vốn đã ăn lậm trong huyết tủy, trong tâm thức, nên khi có biểu tình để phản đối sự nhu nhược của chính quyền Hà Nội trước ngoại xâm Trung Quốc, thậm chí phản đối sự toàn trị, độc tài của đảng Cộng sản Việt Nam, người dân phía Nam sẽ hưởng ứng mau chóng và hiệu ứng lan tỏa của nó là khó lường.
 
Về tính ổn định có ràng buộc của công việc, có thể nói rằng, người phía Nam mà cụ thể là thành phố Sài Gòn vốn dĩ chẳng khác nào một liên hiệp quốc thu nhỏ, đủ các thành phần, giới và lĩnh vực. Chính vì sự phong phú, đa dạng và phức tạp về thành phần, giới, lĩnh vực này, yếu tố đảng viên Cộng sản “bị giới hạn” rất nhiều so với thành phố Hà Nội.
 
Nếu như ở Sài Gòn, việc bỏ ra một vài ngày, thậm chí vài tháng để đi biểu tình chỉ làm ảnh hưởng đến thu nhập kinh tế và an ninh bản thân thì ở Hà Nội, ngoài vấn đề ảnh hưởng đến thu nhập kinh tế dài hạn, an ninh cá nhân bị soi mói, còn có cả thân phận chính trị bị thay đổi, trù dập. Đơn giản để nói rằng Hà Nội là thành phố có nhiều đảng viên Cộng sản sinh sống nhất trên cả nước và những cư dân Hà Nội, dù ít dù nhiều vẫn có những quan hệ dây mơ rễ má với chế độ Cộng sản, bữa cơm họ ăn, chiếc nệm họ nằm, xe cộ họ đi hằng ngày, dù muốn nói ra hay không, vốn dĩ ít nhiều mang ơn mưa móc của chế độ.
 
Đương nhiên, đây là con số đa phần chứ không hoàn toàn, vẫn có rất nhiều cư dân Hà Nội không dính dự gì đến Cộng sản và họ luôn tiên phong trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ…!
 
Và, trên hết là không gian địa lý, chỉ có Hà Nội mới có thể kéo dài những cuộc biểu tình hoặc những cuộc vận động đấu tranh chống cường quyền, ác bá. Vì sao lại có giả định như thế? Vì xâu chuỗi tất cả những cuộc biểu tình từ tháng 5 năm 2011 đến hiện tại là cuộc biểu tình của nông dân mất đất của nhân dân các tỉnh thành Hà Nội, Hưng Yên, các tỉnh Tây Bắc, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An… đang diễn ra trên công viên Lý Tự Trọng đều diễn ra trong phạm vi quận Ba Đình – một quận có gần 80% diện tích là các cơ quan đầu não của chính quyền Hà Nội, hơn 20% diện tích còn lại là nhà cán bộ trung ương, có rất ít nhà dân ở trong quận này.
 
Chính vì thế, hiệu ứng lan tỏa trực tiếp của các cuộc biểu tình trong khu vực Ba Đình rất thấp, chỉ có hiệu ứng lan tỏa trên phương diện internet đối với những cuộc biểu tình ở đây. Hơn nữa, một khi đã “gom” các “công dân chống đối” về khu vực này, xem như công an đã trực tiếp quản lý, điểm nhãn và nắm trong tay danh sách hoạt động của từng cá nhân tham gia biểu tình. Nếu vừa phải, không ảnh hưởng gì đến an toàn chế độ, họ bỏ lơ, trong trường hợp ngược lại, họ sẽ thẳng tay đàn áp và dễ dàng vu khống tội “gây bạo động, chống phá nhà nước” hoặc “tổ chức khủng bố”. Những kiểu vu khống này rất dễ xãy ra nếu cần thiết đối với duy trì chế độ.
 
Biểu tình ở Sài Gòn và các thành phố khác rất dễ gây hiệu ứng lan truyền và bùng nổ, đi xa hơn. Nhưng biểu tình ở Hà Nội thì ngược lại.
 
Đương nhiên, những luận điểm trên đây hoàn toàn mang tính giả thiết. Nhưng nếu nhìn lại những cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 năm 2011 tại Sài Gòn, chỉ trong vòng một tuần, sau cuộc biểu tình đầu tiên, số lượng người tham gia đã tăng gấp đôi, và lần sau hơn lần trước theo tỉ lệ thuận. Chính vì thế mà không bao lâu sau, chính quyền đàn áp ráo riết các cuộc biểu tình tại Sài Gòn. Trong khi đó, biên độ dao động về số lượng các cuộc biểu tình tại Hà Nội không đột biến như Sài Gòn, thậm chí, công an còn mở đường để người dân biểu tình.
 
Cách ứng xử của chính quyền Hà Nội manh tính hai mặt: Một mặc trưng ra gương mặt dân chủ của chính quyền trước công luận quốc tế, mặt khác, vừa an toàn về độ biến thấp của hiệu ứng lây lan, vừa tiện bề theo dõi, quản lý. Biểu hiện dễ thấy nhất là hành động công an tịch thu áo quần, chăn mền, nồi niêu của dân oan đem đi đổ bãi rác, khiến họ mất phương tiện sống, lây lất và có nguy cơ nản chí, mất phương hướng đã xãy ra những ngày gần đây tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng – Ba Đình – Hà Nội. Và cũng dễ thấy nhất là họ có thể thẳng tay đàn áp, thậm chí đánh đập, đạp giày vào mặt nếu như họ không còn thấy an toàn.
 
Chung qui, trong một chế độ đầy rẫy tội ác và man trá, những người dân thấp cổ bé họng bao giờ cũng bị oan, cũng bị dày xéo. Vấn đề nhận biết chỗ mạnh, chỗ yếu của mình và của kẻ ác để thiết lập một chiến lược hợp lý, duy trì đấu tranh là một vấn đề lớn, cần nhiều kinh nghiệm và sự tính toán sâu xa.