You are here

Tây Sơn Hành - Một chân dung hiện thực về Nguyễn Huệ Quang Trung

Mới đây, một bài thơ được coi tư liệu đặc biệt trong Viện Hán Nôm truyền ra bên ngoài. Bài thơ đẹp như bức tranh thêu, miêu tả sống động cảnh đêm động phòng hoa chúc giữa Hoàng Đế Quang Trung và Ngọc Hân Công Chúa.
Tây Sơn Hành của danh sĩ đời Lê, Trần Danh Án (1755-1794) từ nay chắc chắn sẽ được xem là bài thơ vô tiền khoáng hậu nhất trong lịch sử thơ văn dân tộc. Vô tiền vì trước đó không ai miêu tả cảnh "khuê môn đại phòng" một cách tình tiết như thế. Khoáng hậu là vì ngay cả thời nay không ai có thể làm thơ bằng chữ Hán (chấp luôn cả chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ) mà có đủ các bối cảnh của lâu đài tình ái, giang sơn mỹ nhân một cách kinh thiên động địa như anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, 33 tuổi "đối ngẫu thần tiên" với Ngọc Hân công chúa, 16 tuổi đang vị thành niên.
Bài thơ viết theo thể thất ngôn cổ thi trường cú dài tương đương với Tỳ Bà Hành bên Tàu được nhắc đến trong thư tịch nhưng nguyên văn thì chưa được đưa ra ngoài cho dân gian thưởng ngoạn - cho đến hôm nay qua blog Hán Nôm của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
Do quan niệm chống Tây Sơn quyết liệt, cứ cho là nhà Tây Sơn bất xứng chẳng khác gì bọn man di hoang dã trong rừng, nhân sĩ Bắc Hà nhìn nhà đạo quân Tây Sơn ngang phè giữa Thăng Long với cặp mắt chính thống của Nho gia ngoài ấy. Nhưng, rõ ràng trong lòng họ lại chất chứa một tâm trạng hiếu kỳ về tính cách phong bạo thô tục chơi bời để che đậy tâm lý buông thả phù hợp với hoàn cảnh xã hội thời vua Lê chúa Trịnh bấy giờ. Bài thơ còn có nhiều góc cạnh để liên tưởng đến xã hội hôm nay rằng nhân sĩ Bắc Hà luôn luôn thâm sâu sầu kín nhưng đứng trước nghịch cảnh thô bạo thì đành trôi theo dòng đời.
Khi Nguyễn Huệ đưa quân tiến vào kinh thành Tràng An (Hà Nội), phù Lê diệt Trịnh xong, lại lấy ngay ngàn vàng công chúa thật làm cho nhân sĩ thời Lê xanh mang khiếp vía. Choáng quá!
Việc Hoàng Đế Cảnh Hưng phải đem công chúa Ngọc Hân ra gả cho Nguyễn Huệ chẳng khác gì chiêu bài dùng mỹ nhân cúng cho Tây Sơn để đổi lấy sự bằng an ngôi vị. Bài thơ miêu tả, Ngọc Hân bị cảnh "Chiêu Quân Cống Hồ" nên đành buông xuôi số phận. Nhưng rồi, qua đêm tân hôn quá bạo cuồng kích hứng về mặt dục tính - khúc Tây Sơn Hành đã biến thành Tây Sơn Hành Lạc Xứ khiến nàng công chúa lâm vào tình huống bị chinh phục thống khoái, (kiểu người dân tộc Tây Nguyên luyện voi mới bắt về, vừa đốt lửa vừa cho ăn đường làm cho bị đam mê thuần phục) nên nàng đành phải thống thuộc về chủ mới. (Sau này chàng băng rồi, nàng Ngọc Hân còn viết thành khúc Ai Tư Vãn để đời để tỏ lòng thương xót quân vương. Đây đúng là một thiên tình sử.)
Trở lại vấn đề, tác giả dùng mạnh bản năng gốc, dâm hoa mưa gió, tâm lý khát khao, ân ân ái ái để thể hiện thái độ bối rối trước những biến đổi về chính trị.
Đúng vậy, mặc dù, danh sĩ Bắc Hà như Trần Danh Án cố tình dùng ái dục để xuyên tạc hình ảnh anh hùng qua ải mỹ nhân, cốt tìm vào sự phỉ báng thông thường của số đông một cách chống chế, nhưng qua đó lại càng biểu lộ tâm sự sâu kín - nhân sĩ Bắc Hà, đang hoàn toàn bất lực bị trói chân trên chính mảnh đất của mình.
Không còn chối cãi gì nữa, tâm trạng nhân sĩ Bắc Hà chính là hình ảnh Ngọc Hân công chúa như bướm như hoa thời loạn lạc tùy vào ai đó muốn làm gì thì làm, lấy nhục làm vui, lấy đọa đày làm niềm khao khát, lấy thú đau thương làm sức chịu đựng mang tính khảo nghiệm và thử thách trước quãng đời.
Nhưng rồi, dù như dự đoán được hậu vận nhà Tây Sơn không được lâu bền - Bắc Hà danh sĩ cũng đành phải nhắm mắt kêu trời, dùng dục vọng tối thiểu của con người để biểu lộ tâm tình và tâm tính (kiểu như văn hóa sex trên vnexpress thời bây giờ) - Thử hỏi ai còn làm gì được đây khi công chúa ngàn vàng cũng gả cho Tây Sơn. Đám con hát ngoài đường cũng chạy theo quân lính Tây Sơn nườm nượp. Thật là một nỗi đau mất mát, một nỗi sầu thiên thu.
Giá Trị Lịch Sử Nhân Văn
Bài thơ cũng tràn đầy tâm trạng chính trị, ngoại giao đến phong cách văn hóa, sinh hoạt và cuộc sống từ tâm lý phu phen cho đến phường son phấn. Cho dù, tác giả ở vị trí tự cao, tỏ lòng miệt thị quân binh Tây Sơn và những người chạy theo Tây Sơn, nhưng toàn bộ bài thơ là sự ham muốn tột bậc tràn đầy chất phù phiếm như trốn tránh sự đấu tranh trực diện. Sự ghen tức, sự châm biếm chẳng qua là một nỗi khổ tâm của thân phận bên lề.  Đây là trạng thái tâm lý chân thật nhất của bài thơ. Vô tình, bài thơ là một tư liệu sống động chân thực để tìm hiểu thuần phong mỹ tục của người xưa.
Vượt qua ngưỡng của nghiên cứu "dâm học" (cái học về sự phù phiếm - tự điển Hán Việt Đào Duy Anh), giá trị nhân văn lịch sử của bài thơ không biết kể làm sao cho hết. Mức độ xa hoa, màu sắc tình tiết trong chốn khuê môn đại phòng ở Thăng Long còn hơn cả Kim Bình Mai và Hồng Lâu Mộng của bên Tàu hợp lại. Nếu đứng ở tượng đài văn học mà thẩm định, giá trị của nó càng cao hơn nhiều tác phẩm kinh điển ước lệ khác.
Các nhà làm phim cổ trang của Việt Nam từ này như có thêm nguồn tư liệu quý giá để tái tạo văn hóa cung đình Việt Nam mà không sợ người đời chê trách là đi ngược thuần phong mỹ tục. Cứ lấy ngay bài Tây Sơn Hành, cứ bắt chước tổ tiên mà dàn dựng cảnh trí, chấp các nhà kiểm duyệt văn hóa khó tính, chấp luôn đạo đức cách mạng thời xã hội chủ nghĩa. Chấp luôn… Tìm hiểu bài thơ chính là mở rộng không gian về một thiên địa tình trường tráng lệ bậc nhất của Việt Nam.
Theo sự thống kê của học giả bên Tàu thì viện Hán Nôm còn lưu trữ rất nhiều thư tịch chữ Hán, lâu lâu ai rảnh quá mới cho ra một bản. Cũng theo đánh giá thống kê này, hiện nay, chỉ có khoảng 10%-15% thư tịch là lọt ra ngoài dân gian. Nhưng số này đã qua điều chỉnh từ ngữ làm nhiều người không cảm nhận đúng mức tâm lý xã hội thời xưa.
Cách đây không lâu, bản Hoa Viên Kỳ Ngộ xuất bản, miêu tả luân lý ái tình tay ba của người xưa vào thời Lý Trần, rất gay cấn. Nhưng bản dịch đã qua chữ Quốc Ngữ rồi, không biết các dịch giả có gia giảm hương vị bao nhiêu. Người đọc có hứng thú đặc biệt thì không thể nào truy cứu nguyên văn. Bản Tây Sơn Hành có cả nguyên văn chữ Hán cho nên gây nên đang cơn sốt trong học giới. Cũng phải thừa nhân rằng, qua cách miêu tả cảnh chăn gối tình trường càng chứng tỏ văn hóa đô thị dưới thời Lê cũng rất cao.  
Tư tưởng xã hội thời Lê

Như đã nói, ngoài yếu tố kỳ thị Tây Sơn, tác giả Trần Danh Án còn biểu lộ nhận thức về quan niệm xã hội Bắc Kỳ thời đó.
Bài thơ này còn toát lên hương vị "tiểu Trung Hoa tư tưởng" của danh sĩ thời Lê dành cho người đằng Trong. Người Đằng Ngoài (Đông Kinh) tự ví mình là văn hiến Hạ (Hoa Hạ) còn người Đằng Trong là Di (Man Di) không khác gì quan niệm tứ di của Trung Quốc.
Khâm trù lạc xứ vô Di Hạ có nghĩa là cảnh vui mùng mền không còn phân biệt Hoa Hạ - Man Di, khi tác giả cảm thán về vũ điệu hòa thân giữa anh hùng áo vải vào công chúa Ngọc Hân. Lúc dịch qua tiếng ta, các học giả ở viện Hán Nôm cứ máy móc thành dân tộc Kinh và Rợ, thật là không đúng với nguyên bản, không phản ánh đúng quan niệm tự cho là trung tâm văn hiến của người xứ Đằng Ngoài.
Như đã nói, tuy miệt thị tính cách bạo tình của anh hùng Nguyễn Huệ nhưng qua đó chiếu rõ sự bất lực trước nghịch cảnh của nhân sĩ Bắc Hà đối với đạo quân thô bạo của nhà Tây Sơn.  Trong bài thơ, còn rất nhiều đoạn xem Nguyễn Huệ như là Man Di, không có văn hóa lễ giáo, qua cách ăn mặc khăn khố luộm thuộm chứa đầy tính thôn phu hoang dã.
Nhưng rồi đến cả cách miêu tả mồ hôi như dầu, âm vang "phi tuyền" lúc Nguyễn Huệ đái vào cái chậu do a hoàn mang lại nghe còn dứt khoát hơn cả dòng thác cách mạng, hơn cả tiếng suối "Lê Nin" của ông Ké lúc ở Cao Bằng. Niệu thuỷ chi thanh như phi tuyền - thì đủ thấy sức run sợ của nhân sĩ Bắc Hà các thời đại phản ứng trước sự thần thái thô bạo như thế nào. Nhìn cũng thấy ngay, rất là tội nghiệp.
Rồi thì: Nha giảo nhục chiên hãn như du - Loạn đảo hồ trừu tố bất trụ (Ngấu nghiến rung thịt mồ hôi như dầu- Loạn xạ tơi bời không ngừng nghỉ)… Hình ảnh Nguyễn Huệ "ăn thịt" gái đẹp Thăng Long còn sống động còn hơn cảnh Tây Môn Khánh ngồi nhai thịt dê với Phan Kim Liên trong phim Thuỷ Hử… Nguyễn Huệ đúng là không phải là tay vừa. Toàn là những tình tiết mà thơ Vi Thuỳ Linh, văn Đỗ Hoàng Diệu còn phải kêu bằng cụ.
Nhưng đó cũng lại toàn là những vần thơ lộng lẫy, dùng toàn là uyển ngữ tươi đẹp như cuồng oanh (con chim oanh điên cuồng - Oanh chính là chim Vàng Anh đấy! Thời xưa mà cũng biết lấy dụng ý Vàng Anh, hay quá ha‼!) để miêu tả cái "mã tàng âm tướng" coi như là cái chân tay thứ năm trên mình của anh hùng áo vải Quang Trung. Chân thực quá! Khi động khi tĩnh đều là thiên hạ vô đối. Còn với Ngọc Hân công chúa thì tác giả lại dùng các mỹ ngữ như "kiều hoa", "đào hoa phiến", "sa song tịch mịch mai hàm tuyết" để miêu tả thiên kim tiểu công chúa. Dâm ý tràn trề, đê mê lạc xứ, toàn là cảnh phong phong nguyệt nguyệt nhưng lại đẹp như một bức họa nam hoan nữ ái bên Ấn Độ, không biết phải diễn tả làm sao trong ngữ văn hiện đại cho đúng ý đây.
Việt Nam trong văn hóa Nho Giáo thời đó mà cũng có loại hình nghệ thuật miêu tả như thế này. Cũng lạ quá ha!
Nhà bác Tam Uyển Trần Quang Đức của thời nay khi đọc đến bài Tây Sơn Hành thì quả thật hãi hùng chỉ còn kêu trời rồi nhận xét rằng "từ ý tứ đến ngôn từ trong bài thơ này đều hết sức dâm bôn xằng bậy, càng ngẫm càng thẹn cho kẻ mũ cao áo dài. Xét tự cổ chí kim, văn chương nước nhà chưa có áng dâm thi nào đặng so sánh được..." Có thẹn thật không đây cha hay là giả vờ để tìm cách truyền đạt? Cho dù không biết viện Hán Nôm chê thật hay là để khen lấy nhưng nếu nhân sĩ mà còn phê bình theo lối này, nghe cũng phiền quá đi!
Trong tinh thần không do dự, an nhiên tự tại trên blog Trần Đông Đức, xin giới thiệu bài thơ này đến với độc giả. Cám ơn blog Hán Nôm của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cám ơn các vị Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương, Tam Uyển Trần Quang Đức, Kim Anh nữ sĩ (nhân chứng) và các vị khác đã đem bài thơ này ra ngoài ánh sáng. Hay quá!
Bản dịch âm, dịch nghĩa, dịch thơ của quý vị quả thật tuyệt vời. Nếu ai đọc được chữ Hán thì càng thấy tuyệt vời hơn. Tuy nhiên nếu chỗ nào khó hình dung về từ ngữ, mọi người có thể quay về nguyên bản để thấy được hồn thơ "phong tình đãng dạng" của bản tình ca Tây Sơn khác hẳn những gì ở tượng đài Nguyễn Huệ mà dân chúng đang thờ.
Bài thơ này như là một không gian mới đang đợi các nhà phê bình văn học, các nhà nghệ thuật gia, các nhà làm phim đi vào đào bới kho tàng.
Xin giới thiệu nguyên văn bài thơ trên blog tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/tu-lieu-ac-biet-ve-em-tan-hon-cua-vua.html