Tôi đồ rằng, những câu chuyện tiếu lâm truyền thống của dân tộc ta truyền lại cũng chào thua nhữngcâu chuyện tiếu lâm thời hiện đại ngày nay, những câu chuyện tiếu lâm về quan chức thời cộng sản.
Đã từng có câu chuyện tiếu lâm một thời về việc một tên gián điệp đến nhà một lãnh đạo nhưng ông đi vắng, tên này vào nhà mới hỏi được một câu đã bị vợ ông ta gọi ngay cảnh sát đến bắt tống ngục. Sau khi tiến hành “đấu tranh khai thác” hắn hiện nguyên hình là một tên gián điệp cỡ bự. Cảnh sát phục tài sát đất lãnh đạo phu nhân đã cảnh giác và đến xin học hỏi kinh nghiệm: “Xin được hỏi chị, làm sao chị có đôi mắt tinh đời biết ngay là nó giả mạo?”. Bà chị cười nhẹ nhàng: “Có gì đâu chú, tôi hỏi nó là ai, nó bảo nó là bạn học của nhà tôi, tôi biết ngay là nó bịa, vì nhà tôi có đi học bao giờ đâu mà có bạn học”.
Câu chuyện đó một thời thịnh hành, đó là một thời cười ra nước mắt vì những người lãnh đạo không được học hành mà đi lên từ chiến tranh, từ bưng biền Đồng tháp, từ những chị hai năm tấn, từ chị du kích bắn rơi máy bay hoặc từ những anh hùng phân xanh… thế rồi lên lãnh đạo đất nước với quyết tâm Tiến lên Chủ nghĩa xã hội mà chính các vị ấy không biết cái chủ nghĩa xã hội nó đầu đuôi ra sao, đen hay trắng, đỏ hay xanh, nhọn hay bằng. Thậm chí, lúc đó trong dân gian còn được lưu truyền những câu chuyện huyền thoại như có ông Sư đoàn trưởng mà không biết chữ nào, chỉ biết được tên mình là Một và khi ký tên chỉ gạch được một gạch dọc. Đến khi bị bao vây, bức mật thư ông gửi ra ngoài chỉ là một gạch đứng và vòng tròn xung quanh. Ra đến nơi, lãnh đạo đọc bức thư luận ra rằng thì là sư đoàn ông Một đang bị bao vây và đưa quân giải cứu.
Những câu chuyện đó một thời được truyền tụng như những bản anh hùng ca một thời đánh Mỹ và các thế hệ người Việt miền Bắc coi đó như những tấm gương sáng chói, nó chứng minh cái lý thuyết “trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ” là đúng đắn. Không cần trí thức, không cần học nhiều, lớp trí thức, học sinh sinh viên được ghép vào thành phần tiểu tư sản, dễ lung lay lập trường và xa rời giai cấp công nhân tiên tiến. Họ không biết rằng, cái ông tướng kia có thể nướng hàng ngàn quân trong chốc lát vì cái thiếu học của ông.
Đến giai đoạn “cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội bằng ba cuộc cách mạng, trong đó Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt” thì việc thiếu học hiển nhiên được coi như là một vấn đề để không thể đề bạt, sắp xếp làm lãnh đạo.
Thế rồi, thời kỳ của bằng cấp, thời của những “mảnh gấy làm nên thân giáp bảng” lên ngôi. Thế là thiên hạ đua nhau tìm kiếm văn bằng. Nhà nước đã tạo điều kiện để quan chức “xóa mù văn bằng” bằng nhiều cách như đào tạo tại chức, chuyên tu, đào tạo từ xa hoặc liên kết, liên doanh đào tạo kiểu mì ăn liền… nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khát văn bằng cho con đường thăng quan tiến chức của toàn xã hội. Vì thế mới nảy sinh những vấn đề của thời kỳ văn bằng là bằng giả, bằng mua…
Những câu chuyện được phanh phui sau đó nếu đưa ra thế giới hẳn khối nước phải giật mình vì ở Việt Nam thần đồng cứ nhan nhản. Chắc chẳng có nơi nào như ở Việt Nam một quan chức không thèm học cấp hai, cấp 3 vẫn có thể có trong tay tấm bằng Đại học, thậm chí cả bằng Tiến sĩ như bỡn.
Thời gian gần đây, báo chí phanh phui ra những chuyện chắc là chỉ có ở Việt Nam, những tấm bằng Tiến sĩ chỉ mất mấy tuần học, những vị quan chức làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh… Những chuyện đó không còn là chuyện lạ mà đã trở thành chuyện thường ngày ở công đường.
Tuy nhiên, cách trình độ, bằng cấp, thực tế tài năng của mỗi cán bộ lãnh đạo được bộc lộ trước dân chúng ra sao, lại tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và cũng có thể là cả sự ngẫu hứng nói thật với ý nghĩ của cá nhân người đó. Người thì bị bạn bè tố cáo, người thì bị dân tố cáo, người thì bị lộ trước các cuộc bầu bán…
Mới đây, sau vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, dư luận chú ý đến trách nhiệm người đứng đầu, người lãnh đạo ở Hải Phòng đến đâu, ông ta là người như thế nào? Dư luận, người dân, báo chí đang tập trung chú ý hướng cái nhìn về Hải Phòng nhằm tìm đáp án cho những câu hỏi: Tại sao tại địa phương xảy ra những vụ chấn động, động trời như vậy mà người đứng đầu xử lý chậm trễ, lúng túng, né tránh và bao che… Vậy ông ta có trình độ hay không và ông ta đang đứng ở phía nào? Ông có đứng về phía nhân dân hay đứng về phía bọn cường hào ác bá ở Tiên Lãng?
Hơn một tháng sau đó, người dân cũng đã được thỏa mãn những thắc mắc của mình qua cách hành xử của Thành ủy Hải Phòng mà ông Bí thư là người trực tiếp. Từ việc ông tổ chức họp báo, cuộc họp báo, thông báo đình chỉ chức vụ một số quan chức Tiên Lãng mà lẽ ra việc này là của chính quyền chứ đâu phải việc của ông Bí thư Thành ủy? Sau đó, cuộc nói chuyện với các lão thành cách mạng tại Câu lạc bộ Bạch Đằng, ông khai trương phát minh về mạng Gugồ CHẤM TiênLãng làm cả nước giật mình.
Thế là từ đó, ở Việt Nam truyền miệng câu chuyện tiếu lâm hiện đại sau đây:
Sau khi ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng “khai trương” trang mới Gugồ CHẤM TiênLãng, người dân mở ra được thêm một trang bí mật, trang TrìnhđộquanchứcGroup CHẤM info làm cho thiên hạ phải thốt lên Bótay CHẤM com. Chỉ cần một câu nói, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã tự khai trình độ học lực của mình qua phát minh nói trên bằng phương pháp “Lạy ông, con ở bụi này”, một lần nữa (dù đã quá nhiều lần) ông buộc người dân phải nghi ngờ đống bằng Tiến sĩ, cử nhân ông đã khai nghe kêu xủng xoảng trong hồ sơ. Nào là Tiến sĩ kinh tế, nào là Cử nhân Anh Văn, Cử nhân Luật… nghe những tên bằng cấp đó, cố tìm cũng không thấy nó có sự liên hệ hữu cơ nào với cái Gugồ CHẤM TiênLãng.
Lẽ ra, sau khi những thông tin từ trang TrìnhđộquanchứcGroup CHẤM info lộ ra thì phải đến trang Bíthưthànhủy CHẤM hết bởi ông đã “làm lộ bí mật quốc gia”. Thế nhưng hình như những phản ứng, những tiếng la ó của dân chúng, của các trí thức đất nước này cũng chẳng thấu đến tai ai. Cũng có thể chỉ vì trong mạng Gugồ CHẤM TiênLãng không có chữ liêm, sỉ hoặc những từ tương tự? Có lẽ vì vậy nên ông vẫn “Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ”.
Có lẽ câu chuyện này, sẽ được lưu truyền trong dân gian, trên thế giới về hệ thống Tiến sĩ Việt Nam thời kỳ hiện đại thế kỷ 21.
Thế mới hay, Nguyễn Khuyến có cái nhìn tinh đời:
Vịnh tiến sĩ giấy
I
Rõ chú hoa man (1) khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.
II
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, (2)
Nét son điểm rõ mặt văn khôi. (3)
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời! (4)
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!
Nguyễn Khuyến
Chú giải:
1. Hoa man: người thợ làm nghề hàng mã.
2. Giáp bảng: bảng đề tên từ học vị tiến sĩ trở lên.
3. Văn khôi: đầu làng văn. ở đây chỉ người có đỗ đạt cao.
4. Hời: giá rẻ.
Ngày 27/2/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây