You are here

Bàn về hai chữ trí thức


Kami
-
Tết năm nay cộng đồng mạng say sưa, quên cả tết nhất vì cái chủ đề trí thức là gì và vai trò của trí thức trong đời sống xã hội ra sao? Mãi đến hôm nay xem ra chưa đến hồi kết. Tôi cũng theo dõi cuộc khẩu chiến này hàng ngày qua các bài viết trên mạng internet, qua đây thấy chủ đề này cũng bổ xung cho cá nhân mình nhiều kiến thức mới, đặc biệt là biết được ai là trí thức, ai là trí ngủ. Nhưng dù biết nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị ném đá, vì ở Việt nam là như thế, mấy ông tự cho mình là lớn thì luôn nghĩ những suy nghĩ của họ là chân lý tuyệt đối, ai nói nói khác là chết với mấy ông.

Từ cái kính... đến chuyện trí thức
Tết năm nay, ở Hongkong cái gọng kính đeo mắt không có tròng đang là mốt thời trang phổ biến của giới trẻ ở Hongkong, Macau, Trung hoa Đai lục và nhiều nơi khác nữa. Đây là thời trang phổ biến rất được ưa chuộng, vì theo họ nói cái gọng kính có thể làm thay đổi được khuôn mặt, tuổi tác và tính tình của người đeo nó. Nghe tin này tôi chợt nhớ tới chuyện Cái kính của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin một nhà văn châm biếm vốn được nhiều người ngưỡng mộ trong tác phẩm Những người thích đùa nổi tiếng.
 
Chuyện về cái gọng kính là tình cờ, nhưng nó lại liên quan đến chủ đề nóng bỏng về vấn đề trí thức và vai trò của họ, đang được bàn luận sôi nổi trên mạng internet trong những ngày Tết giá rét vừa qua. Mà người châm ngòi cho vấn đề này có lẽ là nhà văn Nguyễn Quang Lập trong bài Gửi Ngô Bảo Châu, trên blog Quê Choa sau việc GS. Ngô Bảo Châu trả lời báo Tuổi trẻ cuối tuần có đề cập về vấn đề này. Nói chuyện cái kính liên quan đến vấn đề trí thức cũng bởi theo Azit Nexin thổ lộ cái nghĩa của từ trí thức chỉ đơn giản thế này"Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học!". Khái niệm trí thức về mặt hình thức nói thế dù rất dễ hiểu và nhưng nói về bản chất khái niệm này cũng rất khó hiểu,  tùy theo suy nghĩ và sự quan trọng của mỗi người khi đánh giá trên lý thuyết cũng như thực tiễn.

Đeo một cái kính trắng rồi để thành trí thức đó là một thực tế của ngày xa xưa, thời chưa có internet, thời ấy khi mà xã hội Việt nam vẫn còn cái gọi là chuẩn mực về thuần phong đạo đức, chuyện mấy cô cậu hay cố kiếm cái kính đeo cho ra vẻ ta đây là trí thức cũng là chuyện bình thường, dễ thông cảm. Còn bây giờ để thành trí thức thì vừa khó lại vừa dễ, vì nó có hai định nghĩa trí thức khác nhau, đơn giản và phức tạp. Nói là dễ và đơn giản vì ngày xưa định nghĩa trí thức chỉ đơn giản là "người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình" (1), do vậy ai là người lao động trí óc và có tri thức thì đương nhiên là thành phần trí thức. 

Nhưng nói là khó và phức tạp vì bây giờ một số người uyên bác lại căn cứ vào định nghĩa trí thức trong xã hội công dân hay thuộc về truyền thống trí thức phương Tây như của Noam Chomsky, Richard Dawkins.... mà theo họ trí thức bây giờ trước hết thực hiện trách nhiệm công dân, nghĩa là trách nhiệm bảo bệ các quyền căn bản, và sau đó là trách nhiệm đạo đức đối với xã hội. Phải có trách nhiệm làm vai trò phản biện xã hội và phải xét xem họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội như thế nào? Và điều quan trọng bậc nhất là trách nhiệm sống của mình với cộng đồng, ý thức cộng đồng vân vân và vân vân....

Nhưng không chỉ thế, có người còn hăng máu đòi hỏi là trí thức thì phải dấn thân, nghĩa là phải dám lao vào hoạt động hay công việc nào đó, bất chấp gian nan, nguy hiểm. Chỉ nghĩ đến đấy cũng đã chết khiếp, hết muốn làm trí thức, vì các vị đó nói nhưng không nói hết, nói không có đến đầu đến đũa để những người ít học như chúng tôi hiểu, để khỏi mất thì giờ cãi nhau chuyện kiểu không biết gì về điện nhưng thích nói chuyện sửa ống nước. 

Những người này họ cho rằng nội hàm gốc của từ trí thức gồm hai phần (điều kiện cần và đủ): Một là đó là người “có học”, lao động trí óc, dẫu có sáng tạo thì mục đích chủ yếu vẫn chỉ là kiếm sống cho bản thân. Và hai là đó là người phê phán – bằng lập luận chặt chẽ, xây dựng và không vụ lợi – những bất công, bất cập trong xã hội với mục đích duy nhất là để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Theo tôi điều này cũng không sai, nhưng điều đó chỉ đúng khi người lao động trí óc sống trong một xã hội mà ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phải được độc lập. Nói cho rõ nghĩa là họ đang sống trong một xã hội dân chủ, đa nguyên, nơi đó xã hội chấp nhận và tôn trọng các ý kiến khác biệt về tư tưởng.

Dẫn chứng chứng minh cho điều đó là cả phương Đông và phương Tây, cho tới năm 1898, tuy số người “có học” đã khá đông đảo, nhưng vẫn chưa có ai là trí thức – bằng chứng là mọi cuốn từ điển lớn (như Larousse 1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1902) vẫn chưa có mục từ trí thức. Và ở Việt nam cũng không là ngoại lệ, bởi theo định nghĩa của Hán - Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh ngày xưa hay Từ điển tiếng Viêt - Viện Ngôn ngữ học, nhà xuất bản Từ điển bách khoa 2010 thì định nghĩa từ trí thức không nói tới việc phản biện hay dấn thân của người được coi là trí thức.

Và chuyện tranh luận

Phản biện xã hội là chuyện cần thiết, vì thông qua phản biện người ta sẽ tìm ra một tiếng nói chung để khẳng định tính đúng đắn chính xác của một vấn đề. Nhưng phản biện cũng đòi hỏi một nghệ thuật, sự khéo léo  và sự tôn trọng để đối phương (người đối thoại) không cảm thấy bị xúc phạm. Khi tranh luận hay phản biện xin nhớ dùng cảm tính, hay dựa vào ý kiến của người nọ, người kia để lấy thành kiến thức của mình trong phản biện, nhất là khi mình hiểu chưa hết về những điều người khác nói. Còn chuyện có kiến thức đầy đủ và hoàn chỉnh thì là nó chuyện đương nhiên cần phải có cho mỗi người khi tham gia đối thoại hay phản biện một vấn đề nào đó. Một điều cũng cần phải nhắc đến đó là tranh luận thì phải phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt nam, đừng cố tình gò ép trí thức Việt nam phải dập khuôn theo khuôn mẫu của trí thức phương tây, đặc biệt là những quốc gia tự do dân chủ, nơi mà xã hội công dân của họ đã hình thành vững chắc và ngày một hoàn thiện hơn.

Nói như vậy để mọi người nhớ môi trường của xã hội Việt nam là một thể chế độc tài toàn trị, trí thức dám phản biện hay dấn thân theo lý luận của mấy ông thì chỉ tìm thấy ở trong nhà tù. Các vị như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Phạm Minh Hoàng, v.v…, cũng chỉ vì hiểu theo quan niệm thực tế phương tây hay sách vở rồi cứ thế mà áp dụng ở môi trường Việt nam và nghĩ là mình đang làm đúng theo luật pháp, hiến pháp quy định và cho phép. Mà các vị đó quên ở Việt nam, chính quyền họ thích bắt bỏ tù ai là họ bắt, làm gì có luật pháp, nói năng trái ý chính quyền là có quyền ghép vào tội danh của điều 79 và 88 Bộ luật Hình sự.
 
Về phát biểu của GS. Ngô Bảo Châu

Có lẽ vì thế mà GS. Ngô Bảo Châu trước Tết mấy ngày đã bị một cơn bão trong cái cốc thủy tinh (như lời Giáo sư) và sau đó cũng không ít các triết gia quấy rầy vì cái tội phát biểu không đúng theo quan điểm của họ từng nghĩ, mà can cái tội nói khái niệm trí thức y như từ điển tiếng Việt từ xưa đến nay. Cá nhân tôi cho rằng định nghĩa trí thức của GS. Ngô Bảo Châu là đúng nghĩa và phù hợp với hoàn cảnh Việt nam. Đồng thời tôi đánh giá GS. Ngô Bảo Châu là một người tuổi trẻ nhưng tài cao, tài ở đây không nói tới chuyên ngành Toán mà GS. đã từng mang lại niềm vinh dự cho người Việt nam trong việc đoạt giải thưởng đoạt giải toán học Fields năm 2010, mà là cái tài khuấy động dư luận xã hội, nhất là tầng lớp những người có học. Cũng có lẽ sự nổi tiếng của GS. Châu cộng với một vài những ý kiến trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về vấn đề chính trị xã hội ở Việt nam ngắn gọn và rất thâm thúy trở thành tâm điểm của sự chú ý của dư luận xã hội. Và điều đó đã làm cho không ít người kỳ vọng ở GS. Ngô Bảo Châu sẽ đóng vai trò của một trí thức đối lập - chống đảng.

Trước đây ngoài việc viết thư gửi cho Quốc hội đề nghị dừng Dự án khai thác bauxite, GS. Ngô Bảo Châu còn có bài viết rất ngắn nhưng đình đám trên blog Thích học toán của ông, với tựa đề 'Về sự sợ hãi', nói về việc xử án ông Cù Huy Hà Vũ. Trong bài viết đó GS. Châu có mở đầu bằng "Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt.", và kết thúc bằng "Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ." . Chỉ có vậy mà đã có không ít các ý kiến, bài viết kẻ khen, người chê, cả đồng tình, cả phản đối, thậm chí có những người đã nổi đóa. Nhìn chung rất trái ngược, kết cục là GS. Châu phải đóng cửa blog vì không chịu nổi áp lực của dư luận.

Còn lần này, khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ về vai trò phản biện của giới trí thức GS.  nói rằng "...trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội." và kèm theo là " Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng." . Với phát biểu này của GS. Ngô Bảo Châu đã dấy lên sự phẫn nộ của một số bậc "thức giả", với không ít những bài viết của nhiều nhà văn, bloggers... có tên tuổi. Nhưng lần này thì khác, GS. Châu đã không còn biết sợ như lần trước, điều đó thể hiện qua bức thư gửi bọ Lập - nhà văn Nguyễn Quang Lập khi GS. Ngô Bảo Châu nhắc bọ Lập rằng "Bọ rút kinh nghiêm thôi không chế tạo ra những cơn bão trong cốc thủy tinh nữa bọ nhé. Vui thì vui rồi, nhưng đợi một tuần nữa nhìn lại mà xem, sẽ thấy nó thảm lắm bọ ạ.”

Lời phê bình của nhà văn Nguyễn Quang Lập (bọ Lập) chỉ được GS. Ngô Bảo Châu coi là cơn bão trong cái cốc thủy tinh thì nghĩ cũng đáng buồn và đáng suy nghĩ, vì theo tôi có lẽ bọ Lập đã lỡ lời, điều đó cũng thể hiện qua lá thư trả lời GS. Ngô Bảo Châu của bọ Lập, đại ý thanh minh là không phải như GS. Ngô Bảo Châu nghĩ. Sở dĩ tôi chỉ nhắc tới bọ Lập người tôi luôn nể trọng, chứ tôi không muốn nhắc tới mấy ông, bà thích ăn theo, nói leo khác kiểu như có ông ở gần Giáo xứ Cồn Dầu còn leo lẻo với bốn cái "giá như Ngô Bảo Châu" thế nọ, thế kia, trong khi bản thân ông ta còn chưa coi lại đôi dép của mình có dơ hay không? Ngoài ra tôi nghĩ còn có nhiều vị cũng cố tình bám vào cái vụ scandal này để lên tiếng với tham vọng là tự nâng mình lên ngang tầm với GS. Ngô Bảo Châu thì phải?

Có lẽ nguyên nhân chính của vụ việc này cũng bởi sự mặc cảm của họ đối với GS. Ngô Bảo Châu, vì ông đã nhận cái căn hộ do chính phủ hay cái biệt thự ở đảo Tuần châu do ông chúa đảo tặng, kể cả chương trình Viện Toán cao cấp cũng vậy với giá trị tiền bạc không nhỏ. Điều mà họ nghĩ rằng sẽ khiến GS. Ngô Bảo Châu sẽ há miệng mắc quai, ăn xôi Chùa ngọng miệng (!?).  Cái này thì chỉ có GS. Ngô Bảo Châu mới là người biết, nhưng vào hoàn cảnh của GS. Ngô Bảo Châu trước sự quan tâm quá mức của phía chính quyền thiết nghĩ cũng rất khó xử, vì không dễ mà từ chối nó về mặt ý nghĩa tôn sùng của những món quà này, dù biết rằng nó ít nhiều cũng ràng buộc về tư tưởng. Nhưng ngược lại trong tình thế đó GS. Ngô Bảo Châu đã xử lý rất khéo léo, vẫn khẳng định không ai độc quyền chân lý qua câu trả lời "Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.", rất rõ ràng và rành mạch, tuy vậy nhiều người đánh giá cho rằng GS. Ngô Bảo Châu đang đi hai hàng và làm lợi cho nhà cầm quyền. Xin hỏi nếu đặt trường hợp các vị vào vị thế của GS. Ngô Bảo Châu các vị sẽ xử sự thế nào?

Mà họ không nghĩ tới một điều GS. Ngô Bảo Châu đã và đang là một nhà khoa học tầm cỡ, chắc chắn ông sẽ không bao giờ nghĩ mình sẽ làm vai trò một chính trị gia như không ít người kỳ vọng, ông không hề phản đối phản biện xã hội mà còn coi trọng khi cho rắng cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng đó hay sao? Hơn nữa có thể những người đó không phân biệt được bản chất của trí thức Việt nam do tác động của thể chế chính trị độc đoán khiến nó đã không giống và bắt kịp tầng lớp trí thức thế giới. Phải chăng, thực chất sự giận dữ của một bộ phận trí thức đối với phát biểu của  GS. Ngô Bảo Châu là thể hiện sự bất lực của họ, khi mà khát vọng của họ luôn ngoài tầm với, với mãi cũng không tới để rồi dẫn tới việc trăm dâu đổ đầu tằm (!?)

Lời kết

Bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn, trong giới trí thức cũng vậy không phải ai cũng có suy nghĩ và hành động giống nhau. Trong thành phần trí thức cũng có năm bảy loại khác nhau, như trí thức chân chính, trí ngủ (trùm chăn) cũng có cả loại lưu manh giả danh trí thức... Chả có chuẩn mực hay định nghĩa nào bắt buộc người lao động trí óc (trí thức) ở Việt nam phải phản biện xã hội hay dấn thân mới được coi là trí thức cả. Đó chỉ là suy nghĩ của cá nhân một số người, hình như họ quên rằng trí thức là một tầng lớp, chứ không phải là một giai cấp như nông dân, công nhân. Trí thức trước hết là một con người bình thường, có học, có hiểu biết, có sáng tạo phát minh, đem truyền hiểu biết ấy cho mọi người. Còn chuyện phản biện xã hội hay việc dấn thân là một phẩm chất nói chung của những người có hiểu biết, có trách nhiệm với xã hội, của mọi tầng lớp, mọi giai cấp chứ không nhất thiết là độc quyền riêng của người trí thức.Tựu chung những cái cao đẹp đó (phản biện, dấn thân) nó nằm ở con người tốt, chân chính và có trách nhiệm với xã hội mình đang sống mà thôi.

Tình trạng một bộ phận không nhỏ trí thức ở Việt nam hiện nay tránh né hay dè dặt trong vấn đề phản biện xã hội cũng là điều dễ hiểu, không phải vì những trí thức này không nhận ra lẽ phải hay sự bất cập của thể chế chính trị hiện tại ở Việt nam. Nhưng họ không dám phản biện hay dấn thân cũng vì họ không đủ bản lĩnh và sự dũng cảm để nói lên tiếng nói phản biện hoặc bằng hành động. Bởi thời thế, thế thời phải thế. Khi còn sống trong một chế độ độc tài hà khắc như ở Việt nam, phản biện hay dấn thân là trọng tội, vì nó bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, thì đa số những trí thức XHCN chỉ dám lên tiếng phản biện sau khi về hưu, khi bản thân họ không còn phải lấn bấn với cuộc sống đời thường, không còn chịu sự lãnh đạo của đảng nữa. Khi đó họ không còn gì để mất, sự dũng cảm đã át được nỗi sợ hãi còn có thể nghĩ tới hay lên tiếng. Nhưng số đó cũng không nhiều, bởi còn một số đông trí thức vẫn còn "trùm chăn" loại mà thời nào chẳng có và chiếm đa số, theo chủ nghĩa mackeno, vì số này dẫu họ không còn lo cho bản thân mình nhưng lại lo cho tương lai con, cháu họ sẽ bị chính quyền rầy rà, nhũng nhiễu.

Yêu cầu phản biện xuất phát từ sự không hoàn thiện của tư duy, vì không ai, thậm chí một tập thể, nghĩ một lần là hoàn chỉnh, là đúng đắn chính xác và trở thành chân lý ngay, cho nên cần qua tranh luận, phản biện để hoàn chỉnh nhằm thúc đầy sự phát triển theo xu hướng tiến lên của xã hội.  Mà trong đó lực lượng trí thức sẽ đóng vai trò tiền phong, vì trong đời sống xã hội, người dân thường kỳ vọng vào giới trí thức và hơn nữa giới trí thức là những người được đào tạo, có trình độ hiểu biết, cần xác định trách nhiệm xã hội của mình. Nhưng trong hoàn cảnh xã hội Việt nam còn chưa cởi mở và thông thoáng về mặt tư tưởng nên trí thức không nhất thiết bắt buộc phải là người đưa ra phản biện xã hội.

Mà mỗi trí thức hãy tự chọn cho mình một con đường để thể hiện vai trò của một trí thức chân chính và có trách nhiệm với xã hội, tùy theo khả năng của mình có thể một cách bền bỉ.

Hà nội, ngày 03 tháng 02 năm 2012

--------------
Ghi chú:
(1) Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Viêt - Viện Ngôn ngữ học, nhà xuất bản Từ điển bách khoa 2010 và Hán - Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Văn hóa năm 2009

*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA