You are here

Chuyện tòa án xứ Việt

Câu chuyện chánh án Nguyễn Thị Kim Thư ở tỉnh Kon Tum bị trung ương kỉ luật vì lạm dụng quyền lực, chức vụ để bẻ lái một số bản án nhằm trục lợi là một câu chuyện mà nói theo ngôn ngữ thời nay là: “Xin lỗi, chuyện như cơm bữa, chuyện hằng ngày ở huyện”. Bởi tòa án Việt Nam sắm ra để làm gì ngoài việc cò cuốc kiếm ăn?!

Nói rằng tòa án ở Việt Nam sắm ra để lo việc cò cuốc, kiếm ăn, nghe có quá đáng lắm không? Xin thưa là hoàn toàn không, bởi cái cơ chế nó vậy và thân phận của tòa án cũng chẳng có gì cao quý hơn là đứa cò cuốc của chế độ.

Theo RFA:“Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Kon Tum, bà Đỗ Thị Kim Thư, vào ngày 3 tháng tư bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (UBKTTƯ) kỷ luật cảnh cáo.

Biện pháp vừa nêu đối với bà Chánh án TAND tỉnh Kon Tum- Đỗ Thị Kim Thư, được đưa ra tại Kỳ họp thứ 39 của UBKTTƯ diễn ra trong hai ngày 2 và 3 tháng tư tại Hà Nội.

Theo UBKTTƯ Đảng Cộng sản VN, bà Đỗ Thị Kim Thư, ngoài cương vị Chánh án TAND còn là Bí thư Ban cán sự đảng đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để TAND tỉnh và một số tòa án cấp huyện vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của ngành Tòa án trong công tác xét xử; áp dụng các điều luật, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tạm đình chỉ, cho hưởng án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội; hủy, sửa nhiều bản án trái quy định pháp luật.”

Những sai phạm như vừa nêu được nói gây hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong người dân; ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng/chống tội phạm.

Mức kỷ luật đối với bà Đỗ Thị Kim Thư là cảnh cáo; ngoài ra Phó Chánh án TAND tỉnh Kon Tum, ủy viên Ban cán sự đảng, bị khiển trách”.

Tôi có ông bạn là Chủ nhiệm luật sư đoàn của đoàn luật sư thành phố trực thuộc trung ương, nghĩa là chức danh khá là oai và tầm cỡ, chi phối trong hệ thống ngành nghề cũng không nhỏ. Thế nhưng hành xử của ông này thì chỉ có thể nói là gây cười.

Cách đây ba năm, ông đến nhà tôi chơi, dịp Tết, ngồi một lúc ông rủ tôi cùng đi chơi, tôi lên xe, ông chở thẳng lên thành phố, ghé một nhà hàng khá là sang trọng ngồi nhậu, lai rai với ông, chỉ riêng tôi thôi, bởi ông nói có nhiều vấn đề cần nói chuyện, chia sẻ với tôi.

Ngồi chưa được mười phút, có điện thoại, ông nói tôi chịu khó ngồi chơi mười lăm phút, ông sẽ quay lại. Đúng mười lăm phút, ông quay trở lại, gương mặt phấn khởi hẳn. Ông khoe với tôi: “Tôi vừa sang nhà chánh án, nhét cho nó mấy chục chai, coi như là quà ban đầu”. Tôi lắc đầu, nói mình chưa hiểu ông đang nói gì, ông mới kể.

Nôm na là ngày mai có phiên xử khá là lớn, vụ án kinh tế, ông phải thương lượng ba bên bốn bề để ngày mai, nếu Viện kiểm sát nêu tội cao quá thì bên tòa cứ để cho ông tranh luận để kéo thân chủ của ông về mức tội theo đúng pháp luật.

Tôi lại càng không hiểu gì, vì tôi luôn nghĩ việc của luật sư là tranh biện, chứng minh, kéo tội của thân chủ về mức thấp nhất chứ sao lại có chuyện về đúng tội theo pháp luật, nghe mông lung, mơ hồ quá...

Lúc này ông bạn tôi mới cười, uống một lý rõ khoái chí, giải thích cho tôi biết, hiện nay, Tòa án chỉ là cái trung tâm môi giới, luật sư là thằng cò giấy, Công an là thằng ghép tội và Viện kiểm sát là thằng bơm tội.

Tôi lại lắc đầu, mù tịt, ông giải thích tiếp, hiện tại, bất kì một người vi phạm pháp luật nào khi vào cơ quan công an, thì hồ sơ của cơ quan điều tra bên công an chính là bản luận tội, tội nhẹ tội nặng đều nằm ở chỗ hồ sơ này. Chính vì vậy, nếu thân chủ sớm gặp luật sư, cho biết cán bộ công an nào đang thụ lý hồ sơ của thân chủ thì luật sư sẽ đến gặp cán bộ điều tra trực tiếp để can thiệp, kéo hồ sơ xuống mức độ vi phạm nhẹ nhất.

Khi cán bộ điều tra công an tống đạt hồ sơ sang Viện kiểm sát, tức là đã có mức độ phạm tội nhẹ hay nặng trong hồ sơ đó rồi. Phần Viện kiểm sát, vấn đề của họ là tiếp tục điều tra hồ sơ để xem xét trong quá trình điều tra, cán bộ công an có ép cung hay cố tình bẻ lái hay không. Nhưng chuyện này thì có vẻ như vô vọng, bởi biên bản, lời khai do người vi phạm ghi, và mọi thứ làm cho có mà thôi. Phần của Viện kiểm sát chủ yếu là áp tội vào đối tượng trong hồ sơ. Thường thì mức nặng nhất có thể.

Phần của luật sư là tranh biện với Viện kiểm sát để giảm tội cho thân chủ. Nhưng từ trước tới nay, cỡ luật sư nổi danh một thời như Trương Thị Hòa, trong vụ Epco Minh Phụng cũng phải bật khóc trước tòa khi bị công tố viên Viện kiểm sát chụp mũ “làm sai nguyên tắc Đảng”. Vì nói cho cùng, muốn vào luật sư đoàn thì phải có dây mơ rễ má với đảng, thậm chí phải là đảng viên, mà khi nói tới Đảng thì đố đứa nào dám hó hé. Trong khi công tố viên Viện kiểm sát chẳng có ăn đồng nào (thấy được) từ thân chủ giống như luật sư, nên họ có quyền bắt bẻ kiểu “mày ăn tiền rồi nên mày thoái hóa tư tưởng...”, Chỉ cần chừng ấy là luật sư xốn đái.

Nên chi, khi bước ra phiên tòa, chánh án có thể ngồi vào ghế bồi thẩm, tức chủ tọa phiên tòa, lúc này anh/chị ta có quyền điều tiết, điều hướng phiên tòa, cho ai nói, ai dừng. Chính cái quyền cho ai nói, ai dừng này giúp anh/chị ta có thể kiếm chác.

Vậy thì kiếm chác kiểu gì? Ông bạn giải thích là kiếm chác được từ rất nhiều thứ, từ việc luật sư nếu mạnh tiền từ thân chủ thì sẽ mang đến biếu xén để xin được điều hướng tốt cho luật sư, nếu phía bị hại chạy tiền từ chỗ cơ quan điều tra và Viện kiểm sát (bị hại chủ yếu chạy tiền cửa Viện kiểm sát) thì công tố viên lại đến nhà chánh án để mua cái quyền điều hướng có lợi cho họ.

Tòa án vô hình trung trở thành cái nơi để cò cuốc pháp luật cạnh tranh nhau lợi thế. Bên nào mạnh tiền thì bên đó có lợi thế hơn.

Chính vì vậy mà chánh án là cái chức danh vừa vô thực nhưng vừa bội thực. Vô thực vì ngay trên phiên tòa hay trong cơ quan tòa án không treo biểu tượng cán cân công lý mà treo quốc huy của đảng Cộng sản. Điều này chứng tỏ rằng mọi hoạt động của ngành tòa án phải tuân thủ điều lệ đảng Cộng sản, đây mới là định hướng, mới là công lý, còn cán cân công ly hay nữ thần tự do là sản phẩm của bọn tư bản giãy chết, nó không trực thuộc hệ thống luật xã hội chủ nghĩa. Nói vậy để thấy rằng tính đảng trong phiên tòa rất cao, và cũng lý giải vì sao các quan chức, cán bộ vi phạm tày đình nhưng khi bước ra trước vành móng ngựa vẫn oang oang kể công cách mạng, bởi cái công ấy là công với đảng, ngước lên trên bản quốc huy mà kể công, đảng sẽ cứu cho họ thoát tội (sau khi họ đã biết chung chi cho mọi thứ bên ngoài phiên tòa).

Và, nói cho cùng, tòa án chỉ là cơ quan phụ trợ, một thứ cơ quan hình thức để làm một số việc nho nhỏ do đảng lãnh đạo giao phó. Chánh án tối cao không phải là cái chức chánh án tối cao kia mà phải nói tới Tổng Bí thư, đó mới là chánh án tối cao. Thế nên chánh án tối cao cũng chỉ là trò hề, nhưng hề có bảo kê, có che chở.

Thế nên chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình mới giàu sụ, mới xông xênh, mới nghĩ đến chuyện làm sao để điều chỉnh đạo đức học pháp luật xã hội chủ nghĩa về mối quan hệ tình dục giữa bố chồng và nàng dâu, để cố gắng chứng minh mối quan hệ tình dục giữa bố chồng và nàng dâu là không vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Và không những vậy, chánh án cũng có thể được phong viện sĩ, giáo sư danh dự mặc dù ngay cả việc xử lý những tang vật cũng không ra hồn ra vía, chuyện tang vật được mua ngoài chợ thay thế và liên quan đến tính mạng, số phận của con người vẫn xem như trò chơi, trả lời tỉnh bơ về sự hợp lý của nó và cuối cùng, đâu cũng vào đó, xử cứ xử, công lý đi đường công lý, tòa đi đường tòa.

Bởi đâu nên cớ sự? Bởi ngành tòa án Việt Nam đâu phải là một ngành độc lập giống như tòa án các nước tiến bộ, ngành tòa án chỉ là tay sai vặt, chỗ làm sang của đảng lãnh đạo và chẳng có tiếng nói gì ngoài việc làm theo chỉ thị.

Một khi ngành tòa án chỉ là một cái trung tâm cò cuốc như vậy, thì đố mà tìm ra một chánh án cho ra hồn, đố mà tìm ra cho được một công tố viên cho ra hồn, càng không bao giờ tìm ra điều tra viên hay luật sư thực sự sống vì nghề. Họ cũng chỉ là những cò cuốc trong hệ thống cò cuốc mà thôi./ Lạ gì chuyện chánh án làm chuyện trái pháp luật, chẳng qua đứa còn núp được, đứa đã lộ diện thôi. Kể cả chánh án cao nhất, đố mà không từng phạm pháp?!

Hệ thống nó vốn vậy, cùng diễn các trò hề với nhau, đứa nào diễn dở thì bị đạp khỏi sân khấu, vậy thôi!