You are here

Phiên tòa Vạn Thịnh Phát: tấu hài trên những xác người 

Ảnh của Gió Bấc

Vụ án Vạn Thịnh Phát đang được xét xử không chỉ chiếm kỷ lục về số tiền tham nhũng, chiếm đoạt đưa hối lộ, số lượng bị cáo, luật sư, người bị hại mà còn chiếm kỷ lục về số bị cáo, người có liên quan đã đột tử bí ẩn. Ước tính có ít nhất là 6 người đột tử, trong đó có ba quan chức cấp cao. Kỳ lạ hơn sự khuất tất, không thống nhất của các cơ quan tố tụng và các bị cáo. Các thời điểm này lại có liên hệ mật thiết với các ca đột tử.

Lập lờ thời điểm khởi tố và nhiều vụ đột tử bí ẩn

Ngay khi vụ án khởi tố đã liên tiếp xảy ra ba vụ đột tử bí ẩn. Đầu tiên là ngày 7/10/2023 ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) độc lập của ngân hàng SCB “bị đột quỵ" (theo cáo phó của gia đình). Theo hồ sơ vụ án, ông Thành chết ngay trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt.

Tiếp đến là bà Nguyễn Phương Hồng, bị can được thông báo đã bị bắt cùng doanh nhân Trương Mỹ Lan, bất ngờ qua đời vào ba ngày sau đó. Bà Hồng được giới thiệu là trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhưng đồng thời cũng là thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB.

Ông Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, kiêm cựu Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng, cũng đột ngột qua đời vào ngày 14/10/2022. (1)

Cả ba cái chết này đều không được cơ quan điều tra thông tin lý giải và báo chí trong nước hầu như im lặng. Hiếm hoi có báo đưa tin online nhưng vài giờ sau bị rút xuống ngay.

Tường thuật phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát sáng ngày 5/3, toàn bộ báo chí nhà nước không thông tin về một tình tiết quan trọng, bất ngờ. Ba bị cáo Trương Mỹ Lan chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella Holdings; Chu Lập Cơ chồng bà Trương Mỹ Lan đồng loạt khai thời điểm bị bắt khác với hồ sơ vụ án.

May mắn là BBC tiếng Việt đã thông tin chi tiết về sự kiện này. Cụ thể, khi được chủ tọa phiên tòa hỏi về thời gian bị bắt giữ, bà Trương Mỹ Lan khai rằng “bị cáo bị bắt vào 8 giờ đêm ngày 6/10/2022 tại ngoài đường”.

Sau khi nghe lời khai của bà Lan, chủ tọa hỏi lại rằng bà Lan bị bắt ngày 6/10 nhưng "thực hiện tố tụng ngày 8/10 phải không" thì bà Lan vẫn khẳng định mình bị bắt đêm 6/10.

Lúc này, chủ tọa đã yêu cầu Viện Kiểm sát xem lại rõ ngày giờ vì cáo trạng ghi ngày bắt giữ bà Lan là ngày 8/10/2022.

Hình ảnh bà Trương Mỹ Lan bị bắt với chiếc áo hoa, tóc còn quấn lô cũng được công an tung ra vào ngày 8/10 hóa ra là màn diễn cố ý che đậy sự thật bà bắt ngoài đường.

Việc bắt giữ doanh nhân Nguyễn Cao Trí cũng có nhiều "bí ẩn".Tại tòa, ông Trí khai bị bắt ngày 15/1/2023, nhưng tới tận tháng 8/2023, Bộ Công an mới thông báo đã khởi tố, bắt tạm giam ông này từ 15/1/2023. Tức là suốt khoảng thời gian hơn nửa năm không có thông tin gì về ông, mãi tới khi Bộ Công an thông báo thì dư luận mới biết ông Trí đã bị bắt.

Tại tòa, ông Chu Lập Cơ nói ông bị bắt ngày 1/11/2022 và hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam. Trong khi đó, báo chí trong nước lần đầu tiên đề cập tới thông tin trùm tài phiệt Hong Kong bị bắt giữ là vào tháng 11/2023, theo sau thông báo của công an trong cùng tháng. (2)

Sự thật theo người chết xuống mồ

Đối chiếu với lời khai của bà Trương Mỹ Lan, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) độc lập của ngân hàng SCB đã chết bí ẩn một ngày sau khi bà bị bắt. Với vai trò quan trọng mật thiết của cả hai pháp nhân đều mối của vụ án là Chứng khoán Tân Việt lẩn SCB liệu ông Nguyễn Tấn Thành có thể tại ngoại khi bà Lan đã bị bắt không? Ông Thành thật sự đã chết ở đâu, vì sao ông chết, ông đã tiết lộ điều gì trước khi chết? Vì sao cơ quan tố tụng đã có độ trễ hai ngày khi xác định thời điểm khởi tố, bắt giam bà Trương Mỹ Lan?

Những câu hỏi tương tự cũng có thể đặt ra với bà Nguyễn Phương Hồng và ông Nguyễn Ngọc Dương. Đặc biệt bà Phương Hồng chết trong thời điểm đang bị tạm giam trong vụ trọng án thì càng khó hiểu.

Các câu hỏi trên không có lời đáp từ các cơ quan tố tụng. Nhưng điều ai cũng bết những yếu nhân ấy là mắt xích, là nguồn thông tin quan trọng nhất. Họ đột tử sẽ mang theo rất nhiều tình tiết, sự kiện về việc làm, sự hiểu biết, những mối quan hệ của họ xuống mồ.

Không dừng lại ở đó. Trong khoảng thời gian khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Cao Trí nhưng không công bố, ( 15-1-2023 đến tháng 8 2023) đã xảy ra thêm vụ đột tử của một quan chức tầm cỡ gây xôn xao dư luận. Không chỉ báo trong nước mà cả báo Nga cũng thông tin thật ý nhị “Về thăm nhà ở TP.HCM, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đột tử”

Sputniknews dẫn thông tin báo chí trong nước cho biết: Sáng 4/3, ông Trần Văn Minh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, đột ngột qua đời tại TP.HCM ở tuổi 56. Thông tin ban đầu, ông Minh bị "ngưng tim, ngưng thở" tại nhà, được các bác sĩ bệnh viện Nguyễn Tri Phương cấp cứu trong 3 giờ liên tục nhưng không qua khỏi.

Ông được giao nhiệm vụ giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (gồm 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên) (3)

Mạng xã hội dẫn thông tin nội bộ thông tin khác hoàn toàn “ông Trần Văn Minh đã treo cổ tự tử tại nhà riêng vào rạng sáng ngày 4-3-2023. Gia đình phát hiện nên cắt dây, hô hấp nhân tạo và gọi điện thoại cho bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Khi xe cấp cứu đến nơi, bác sĩ xác định ông Minh đã chết, trạng thái “ngưng tim, ngưng thở”, nhưng chìu theo ý gia đình, vẫn đưa vào bệnh viện để “còn nước, còn tát”.

Hiện nay cơ quan điều tra công an đang vào cuộc, theo hướng bịt miệng và dẫn dắt dư luận đi theo thông tin chính thống của đảng, là ông Trần Văn Minh tử vong do đột quỵ vì bệnh lý.

Tuy nhiên, thông tin rò rỉ cho hay, ông Minh đã nhận hàng chục tỷ đồng từ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các quan chức tại các tỉnh thành. Vụ việc đang bị các cơ quan nội chính của đảng soi kỹ, nên ông Minh bị dồn đến đường cùng. Ông Trần Văn Minh cùng với ông Nguyễn Văn Hùng, đều là nhóm theo phe cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, chiều ngày 21-11-2022, tại trụ sở Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng khoá XIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng đã nhảy lầu và tử vong tại chỗ. Cái chết của ông Hùng cũng được cho là bị các đồng chí của ông ta bức tử, vì liên đới đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát” (4)

Chính Phủ chỉ đạo Thanh Tra phạm pháp?

Chức trách Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ phụ trách Tây Nguyên và Miền Trung của ông Trần Văn Minh trong giai đoạn 2019-2023 rỏ ràng có liên quan đến sai phạm việc kết luận thanh tra và sửa đổi kết luận thanh tra dự án Đại Ninh. Qua dự án này, ông Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc đã chiếm đoạt tài sản của bà Trương Mỹ Lan lên đến 1000 tỉ đồng. Lùm xùm dự án Đại Ninh đã kéo theo bí thư, chủ tịch và hàng loạt quan chức Lâm Đồng bị khởi tố bắt giam.  Sai phạm của Thanh Tra Chính Phủ đã bị đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn căng thẳng và tranh luận tại hội trường Quốc Hội.

Theo ĐB Lê Thanh Vân, trong vụ án liên quan đến dự án Đại Ninh, tổ công tác của TTCP đã thay đổi kết luận thanh tra, từ kết luận dự án sai pháp luật, yêu cầu thu hồi dự án chuyển sang giãn tiến độ, điều chỉnh dự án, gia hạn cho nhà đầu tư là "trái pháp luật hoàn toàn".

Trả lời tranh luận của ĐB Lê Thanh Vân, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong đã đá quả bóng lên trên. Ông Phong giải trình “quyết định thành lập tổ công tác liên quan đến dự án Đại Ninh thực hiện đúng theo Luật Tổ chức Chính phủ và Quy chế làm việc của Chính phủ. Trước khi ban hành kết luận thanh tra, TTCP đã báo cáo với Thủ tướng, thông thường Phó thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ ngành, đồng ý với dự thảo kết luận thanh tra thì TTCP mới tiến hành ban hành kết luận thanh tra. "Với dự án Đại Ninh, TTCP đã báo cáo kết quả rà soát và được Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách đồng ý cho điều chỉnh thì mới tiến hành" (5)

Vì lý do gì, trên cơ sở nào, Phó Thủ Tướng thường trực (thời điểm ấy là Trương Hòa Bình) lại cho phép Thanh Tra Chính Phủ ra quyết định “trái pháp luật hoàn toàn” như vậy? Ông Minh có tự tử vì nhận hối lộ của Vạn Thịnh Phát hay không vẫn còn là bí mật, những ai nữa có liên quan đến ông Minh và Vạn Thịnh Phát cũng là bí mật chôn theo nấm mộ của ông

Bưng bít từ năm 2014

Theo hồ sơ vụ án, sai phạm của Vạn Thịnh Phát đã bắt đầu từ 2012. Đến ngày 17/10/2022, nhóm khách hàng của bà Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay với tổng dư nợ là 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 nợ gốc và 193.315 nợ lãi) không thể thu hồi. Con số 677.286 tỷ đồng được chia làm hai giai đoạn. Từ năm 2012-2017 là 132.247 tỷ (68.305 tỷ nợ gốc và 63.942 tỷ lãi). Từ năm 2018-2022 là 545.039 tỷ (415.666 tỷ nợ gốc và 129.373 tỷ lãi) gấp bốn lần giai đoạn trước.

Nhiều người thắc mắc vì sao công an Việt Nam tài ba lỗi lạc, đảng quang vinh sáng suốt lãnh đạo toàn diện lại để cho một bà bán vải chưa qua trung cấp chính trị, rút ruột quốc gia số tiền khổng lồ như vậy trong suốt 10 năm trời. Điều đáng nói hơn, có cơ hội mười mươi, một sự kiện chấn động xảy ra từ năm 2014 tố cáo đích danh Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát. Nếu xử lý ngay thẳng vụ việc từ thời điểm ấy mức thiệt hại sẽ thấp hơn nhiều. Nhưng đảng, pháp luật tự bịt mắt mình, bịt miệng dân để Trương Mỹ Lan tự do tác quái, bành trướng theo cấp số nhân.

Không phải tiếng đồn, không phải  dư luận của bọn xấu, mà là một sự kiện pháp lý, một bán án hẳn hoi.

Chiều 8.1.2014, TAND TP Hà Nội tuyên án nguyên Phó giám đốc công an TP Hải Phòng Dương Tự Trọng và 6 bị cáo trong vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài. Trong bản án này, Hội đồng xét xử đã kiến nghị VKSND TP Hà Nội yêu cầu đề nghi VKSND Tối cao điều tra hành vi nhận 500.000USD và 20 tỷ đồng của một cán bộ cấp cao để thực hiện dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát (TP.HCM). Kiến nghị này xuất phát từ lời khai tại tòa của Dương Chí Dũng: "Vấn đề anh Ngọ nhận tiền, ngoài 500.000 USD thì còn khoản nữa. Liên quan đến việc đầu tư làm ăn nên tôi và bà Lan còn đưa cho anh Ngọ 1 triệu USD. Hôm đưa tiền tôi gọi cho anh Ngọ, anh nói 5g về đến nhà. Tôi mang túi vào phòng anh rồi để luôn hai cái túi ở phía bên trong nhà" (6)

Anh Ngọ ở đây là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Hơn 1 tháng sau, ngày 18/2, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ được thông báo là đã chết vì bệnh ung thư gan. Báo chí thời ấy đã bình luận rằng “Sẽ còn nhiều điều bàn luận về sự ra đi của ông, nhưng có một điều chắc chắn rằng những “bí mật” giữa ông và Dương Chí Dũng dù có ở bất cứ mức độ nào thì cũng sẽ còn là “bí mật”, bởi còn ai nữa mà hỏi, còn ai nữa mà đối chất, còn ai nữa để mà xác minh, kiểm tra,…” (7)

Phạm Quý Ngọ chết nhưng Trương Mỹ Lan còn sờ sờ ra đó. Sai phạm từ 2012 đến 2014 của Vạn Thịnh Phát chưa phải núi như hiện nay nhưng cũng thành đồi. Tinh thần cảnh giác của công an có thừa để phát hiện, ngăn chặn, nếu thực tâm làm rõ lời khai Dương Chí Dũng. Nhưng vụ việc vẫn được khép lại. Báo chí đăng thông tin về lời khai này bị áp lực rút bài, kiến nghị này chìm vào quên lãng.

Từ cái chết của Phạm Quý Ngọ đến hàng loạt cái chết bí ẩn mới đây cho thấy phiên tòa Vạn Thịnh Phát vẫn là vở tấu hài trên xương máu người dân và vận mệnh dân tộc. Trùm vai, trùm đầu, trùm cuối của vụ án vẫn đang ngồi yên hưởng.

 

1-https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0d77ny0eeno

2-https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c517r95215qo

3-https://sputniknews.vn/20230304/ve-tham-nha-o-tphcm-pho-tong-thanh-tra-c...

4-https://vietluan.com.au/98307/co-phai-tran-van-minh-pho-tong-thanh-tra-chinh-phu-chet-vi-dot-quy/

5-ht4-tps://nld.com.vn/thoi-su/can-bo-nhan-hoi-lo-dai-bieu-le-thanh-van-de-nghi-tong-thanh-tra-nhan-trach-nhiem-truoc-quoc-hoi-20231107115544315.htm

6-https://cafeland.vn/doanh-nhan/doanh-nhan/gia-dinh-nha-vo-thanh-bui-dinh-nghi-an-hoi-lo-thu-truong-bo-ca-8116.html

7-https://suckhoedoisong.vn/so-phan-duong-chi-dung-sau-cai-chet-cua-tuong-...