You are here

Chuyện lùm xùm thời mạt pháp

Gần đây, các vụ lùm xùm trong tôn giáo, đặc biệt Phật Giáo ngày càng nhiều, đầu tiên phải kể đến khá nhiều video clip của các thầy thuyết pháp nghe sặc mùi chính trị và có tính chất hù dọa, chiêu dụ mê tín để trục lợi, nổi trội trong nhóm này có lẽ là lời thuyết pháp của sư Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng, rồi sư Thích Chân Quang thuyết pháp giọng điệu nặng mùi chính trị và hù dọa... Nhưng có lẽ, vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi video-clip một sư thầy đang làm tình với một ni cô bị lộ, sau đó là lá đơn tố cáo của các thầy ở chùa Thiền Tôn Phật Quang tố cáo Thích Chân Quang đã cưỡng hiếp nhiều sư cô và tham nhũng tiền cúng dường... Vì đâu nên nỗi?!

Đặt câu hỏi này, có lẽ nên đặt từ căn cội của vấn đề, Phật Giáo muôn đời và cho đến nay vẫn là một tôn giáo cao thượng, tôn giáo lấy nhân bản, yêu thương, chân ái làm nền tảng và từ nền tảng chân ái ấy, con người tự thắp đuốc để tìm chân lý. Nói sâu xa hơn, Phật Giáo là tôn giáo của yêu thương và tỉnh thức, các triết lý nhà Phật chưa bao giờ rời xa căn tính này. Thế nhưng nguồn tu của xã hội Cộng sản xã hội chủ nghĩa đã nhanh chóng đẩy Phật Giáo đến chỗ tà đạo, ma mãnh và rời xa hoàn toàn bản chất của Phật Giáo, gây hiểu nhầm không ít.

Nói nguồn tu xã hội chủ nghĩa bởi vì hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước đứng đầu về Phật Giáo trong khối này, sau đó đến Lào, đều có nguồn tu bất minh và hệ quả là Phật Giáo ở các quốc gia này mang rất nhiều tai tiếng.

Vậy nguồn tu là gì? Đương nhiên là con người, là người xuất gia, nhưng đó chỉ là bề ngoài, nguồn tu chính là động lực đi đến quyết định xuất gia, bởi động lực đi đến xuất gia sẽ cho ra giá trị nguồn tu.

Với các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và Việt Nam nói riêng, hầu hết, đại đa số nguồn xuất gia đều do bối cảnh xã hội tác động chứ không phải do tự tỉnh thức. Mà Phật Giáo hay bất kì tôn giáo nào đều đòi hỏi người tu tự tỉnh thức, có những thao thức, tiếng gọi sâu thẳm nơi tâm linh để đi đến quyết định xuất gia. Các thúc ép xã hội chỉ dẫn đến việc đi tu như một sự trốn tránh, một sự chấp nhận buông xuôi, phó thác cuộc đời chốn cửa chùa, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay.

Nói hơi dông dài, năm tôi mười sáu tuổi, coi phim Tây Du Ký xong, thấy hình ảnh Đường Tam Tạng thật đẹp, sau đó đọc tiếp cuốn Hành trình về phương Đông, rồi Cốt tủy của đạo Phật thì tự dưng cứ thèm tu, chả hiểu như thế nào nhưng cứ ao ước tìm cho được một bậc chân tu để học đạo. Thời đó muốn đi đâu phải xin giấy tạm vắng của công an xã, vậy là mùa hè năm đó, tôi xin giấy tạm vắng của công an xã trong vòng hai tháng để đi làm công quả cho chùa, nghe hai chữ “công quả” thì công an lắc đầu, không cho giấy. Sau đó tôi xin giấy tạm vắng để đi làm thêm ba tháng hè, và bái biệt gia đình để đi. Tôi đến Bà Rịa, Vũng Tàu, vì nghe đồn ở đây có nhiều vị cao tăng và có những ngôi chùa vắng, nơi các sư tu hành rất nghiêm túc...

Tôi đến huyện Xuyên Mộc, vào một ngôi chùa theo lời đồn, gặp vị trụ trì, giải bày sở nguyện, ông gật đầu nhận lời và cho tôi làm công quả trước tiên, ông cho tôi lợp lại mái tranh gian sau của chùa. Những giờ rảnh rỗi, ông cho tôi đi dạo. Tôi dạo quanh khuôn viên chùa, thấy các am nhỏ, trong đó các sư tọa thiền, yên tĩnh, lại càng hi vọng hơn. Đến ngày thứ mười, tôi liều ghé vào một am, thấy một vị sa di đang ngồi luyện chưởng bằng phim, tức ông đang mở băng video để xem phim kiếm hiệp, tôi chào và trò chuyện một lúc thì hỡi ôi, nội dung nói chuyện của ông là “hãy theo ta, ta sẽ dạy con võ thuật, dạy kiếm pháp và dạy con đạo học... Theo chi cái ông trụ trì kia, ông ấy tham lam lắm...”. Hú hồn, tôi thoát ra khỏi vị sa di và tiếp tục ghé thăm các am khác, cũng y giọng điệu vậy, hầu hết các thầy luyện phim trong am chứ có thiền thập gì đâu.

Đến ngày thứ hai mươi, tức sức chịu đựng của tôi cũng hơi tốt sau khi chứng kiến ông trụ trì bàn chuyện đại lễ Phật Đản sắp tới với một vị Phật Tử, sau đó vị này ra về và ông mắng nhiếc bà vợ của ông “Sao bà lại ra đây ngay cái lúc tôi nói chuyện đại sự, người ta đang chuẩn bị lễ Phật Đản, bà lòi ra một cái thì tôi còn thể thống gì nữa, họ hủy mất rồi!”. Vậy là tôi trốn chùa, vào Sài Gòn làm thuê, đi phụ hồ cho hết cái giấy đăng ký tạm vắng. Trong thời gian làm phụ hồ, tôi vẫn nuôi hi vọng, ghé một số nơi, trong đó có cả thiền viện nổi tiếng... Hỡi ôi, đâu cũng thấy cảnh nhà tu rủng rẻng, chẳng có gì để hi vọng hay luyến tiếc, vậy là làm xong mấy ngày phụ hồ nữa rồi về quê!

Nói như vậy để thấy bối cảnh chùa chiền, sư sãi cách đây hơn ba chục năm đã đầy vẻ khác thường, chán chường và đa sự, nhiễu nhương. Đương nhiên vẫn có một số nơi tôi chưa được mục kích, nhưng chắc chắn những nơi ấy hiếm hoi vô cùng!

Giờ, sau quá trình dài tự tìm hiểu, nghiên cứu Phật Học, mới hiểu ra rằng câu chuyện mình thấy lúc ấy là hiển nhiên, bởi từ rất lâu, thậm chí trước 1975, Phật Giáo đã nhuốm màu chính trị, mà bất kì tôn giáo nào nhuốm màu chính trị đều đánh mất bản sắc tôn giáo. Nhưng nhuốm màu chính trị còn dễ thương, dễ chịu, vì nó thuộc tầng bậc vĩ mô, cũng có yếu tố phụng vụ xã hội trong chừng mực tương tác chính trị, khác hẳn với nhuốm mùi tiền và vô minh như kiểu tu sau 1975.

Hầu hết dân chọn đi tu sau 1975 là thành phần trốn nghĩa vụ quân sự, trốn chiến trường K, thành phần bất hảo (không biết có quay đầu là bờ chưa?!), thành phần con nhà kinh tế khó khăn, bệ rạc, tìm đến chùa như một sự phó thác số phận, một cuộc cách mạng thân phận trong một xã hội không lối thoát.

Và, với nguồn tu như vậy, tức nguồn tu do tác động lịch sử, tác động xã hội đưa đẩy, người ta tìm đến chùa như một sự đổi đời, thử vận, tìm vận mới... là chính chứ không hẳn có yếu tố giác ngộ hay ngộ đạo, hay tiếng gọi thôi thúc tâm linh. Một khi không có tiếng gọi thôi thúc tâm linh, thì việc đi tu sẽ nhanh chóng biến thành vận hội đổi đời và khi vận đến, đương nhiên người ta sẽ tranh thủ để nắm lấy vận hội của mình.

Kiểu tu ăn may này hóa ra lại được, khi nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã nuôi trong nó một cái ổ sâu bọ, từ tham nhũng, trộm cắp quĩ công, đút lót, mua bằng bán chức, tham ô, cạnh tranh khốc liệt, thủ đoạn... Mọi cái xấu đều có tất. Và khi đồng tiền, quyền lực không phải do thực lực tạo ra nhưng lại liên tục đầy lên, người ta đâm hoang mang và lo sợ, người ta cầu phúc, cầu quan, cầu chức, cầu tài, cầu tự... Kính thưa các loại cầu, và người ta vịn vào tôn giáo, trong đó, Phật Giáo là tôn giáo ít bị soi mói chính trị nhất, đương nhiên người ta vịn vào Phật Giáo để cầu.

Hơn nữa, nguồn tu biệt phái, tức tu nằm vùng, cán bộ an ninh vào các chùa để tu ngày càng đông, điều này nhanh chóng tạo ra liên minh giữa sư nón cối và quan chức.

Đây là thời điểm mà các chùa hái ra tiền, những ai biết cơ hội thì nắm lấy và tác oai tác quái. Khi đồng tiền tự dưng cứ tuôn vào chùa thay lời sám hối và thay phong bì hối lộ thần thánh, thì lúc này, các sư quốc doanh, các sư do lịch sử sắp đặt như đã nói trên sẽ nhanh chóng nhận ra họ biết làm gì. Trục lợi, hù dọa con nhang, làm mọi cách để thu nhập của một trụ trì cao hơn cả thu nhập của giám đốc doanh nghiệp, đời số thầy chùa còn mâm vàng bát bạc hơn cả vua, mỗi ông trụ trì là một ông vua ở chùa... là có thật!

Và khi tiền đã nhiều, bản năng con người bắt đầu trỗi dậy, mọi thèm khát, mọi tham sân si cùng trỗi dậy, đương nhiên chốn nhà tu sẽ nhanh chóng trở thành hang ổ của nhiều loại tội phạm, và chắc chắn rằng tội xâm hại tình dục, tội tham nhũng tiền công đức, tội tham ô, hối lộ đều có. Và điều đó lý giải tại sao hiện nay, muốn làm trụ trì một ngôi chùa nào đó, người sắp nhậm trụ trì phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn cho Trường Ban Trị Sự Giáo hội khu vực đó. Trước đây là vài trăm triệu đồng, còn bây giờ là vài tỉ, chùa lớn có thể lên đến hàng trăm tỉ. Con số này là hoàn toàn có thật, nó đang diễn ra. Chốn quan trường tham nhũng, đút lót ra sao thì chốn cửa tu cũng y như vậy!

Bởi cả chốn quan trường và chốn chùa chiền đều có những con người thèm khát, ham muốn và tham vọng giống nhau. Còn Phật Giáo thực thụ, điều ấy đang nằm trong tâm hồn trong trẻo của những vị chân sư, trong tâm hồn trong trẻo, hướng thượng của mọi người, những ai còn biết suy tư về căn phận làm người và còn biết thao thức về một xã hội có đạo đức, có đức hạnh và có hạnh phúc thực thụ!