You are here

Vũ lực mềm trong giáo dục

Hình ảnh các học sinh trung học cơ sở dồn cô giáo vào chân tường, lấy máy điện thoại ra quay phim, vác cây dọa đánh cô, chọc chẹo, sỉ vả và ném dép vào trán cô giáo đến bất tỉnh tại trường trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang mấy ngày nay như một cú tát lạnh lùng vào gương mặt giáo dục Việt Nam.

Nhưng, hình như nó cũng sắp được cho qua, xong chuyện, nó được giải quyết bằng một thứ văn bản hành chính nói cho rồi, nói cho xong, mọi thứ tội lỗi đổ vào cô giáo, vì cô có lời lẽ không xứng tư cách nhà giáo nên học sinh phản ứng, ”Lãnh đạo UBND xã Văn Phú cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc vẫn đang được xác minh. Tuy nhiên, theo ông đại diện UBND xã Văn Phú, chắc chắn có những lỗi từ ở cả hai phía. Vì thế, phải xem xét phần sai của cả học sinh và giáo viên một cách rõ ràng...” (trích từ trang 24h). Cách giải quyết như vậy cho thấy điều gì? Đâu là danh dự nhà giáo, đâu là tư cách học sinh, hay cá mè một lứa?!

Trước nhất, nếu nhắc về những vết nứt, những dấu chàm và những vũng lầy trong giáo dục, có lẽ phải nhắc đến rất nhiều thứ từ trước, từ việc hiệu trưởng biến trường học trở thành ổ mại dâm như vụ Sầm Đức Xương, nhưng trước đó nữa, đã có quá nhiều tiêu cực giáo dục trong bóng tối rồi, mọi thứ được che đậy bằng tính Đảng và “uy tín, quyền lực lãnh đạo” nên nó không được đưa ra ánh sáng.

Và đến khi học trò hành xử với cô giáo mình như dân du côn đồ, thậm chí còn ghê gớm hơn cả du côn bởi du côn cũng có luật chơi của chúng, cũng biết kính trên nhường dưới, không hiếp kẻ yếu thế hơn mình và càng không hiếp đáp người già. Còn ở đây, những đứa trẻ được cha mẹ cho ăn học tử tế, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, chúng sẵn sàng hành hung cô giáo của mình, thử hỏi vì đâu?

Vì, xin thưa là chúng ta đã biết quá muộn, và nói ra điều này quá muộn màng, hầu hết các trường học đều dùng vũ lực, nhưng là vũ lực mềm, một thứ ngôn ngữ kì dị của giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Tôi từng chứng kiến, một ông Hiệu trưởng vì bất đồng chuyện gì đó với ông Chủ tịch xã, đã đuổi ông Chủ tịch xã ra khỏi trường, ông chủ tịch cũng không vừa vặn gì, nói rằng sẽ không đi và thách thức ông Hiệu trưởng. Ông Hiệu trưởng cười gằn: “Tôi yêu cầu ông ra trước khi lãnh hơn năm trăm cục đá của học trò!”.

Không biết ông Hiệu trưởng có chuẩn bị đống đá nào cho học trò ném hay chưa, nhưng lời lẽ của ông này rõ ràng là đầy chất bạo lực và giang hồ, nó cho thấy, sự bạo lực của họ trò có hẳn sự đồng thuận và bật đèn xanh của ông nếu xảy ra, và ở những chuyện khác, cũng có thể có bàn tay của ông, bởi thời đại bây giờ, không ít lãnh đạo nhà trường nuôi vũ lực mềm, tức hai thứ: Tình dục và Ma cô.

Tôi viết hoa hai chữ Tình dục và Ma cô bởi nó đã chính thức trở thành một đại từ, đại diện cho thứ thế lực nhà trường, đặc biệt là thế lực của lãnh đạo nhà trường nhằm cân đối bạo lực từ phía các đơn vị hành chính nước khác cũng như từ ma cô xã hội. Nếu còn rủ rê, toa rập, còn ngồi chung xuồng thì dùng Tình dục để lôi kéo đối phương, đối tác để tạo liên minh ma quỉ, ngược lại, nếu không còn lôi kéo được thì dùng đến vũ lực.

Và đừng hỏi vì sao lâu nay, bạo lực nhà trường luôn bị chìm xuồng hoặc giải quyết một cách im lặng. Bởi vì đó là tiềm lực của lãnh đạo nhà trường, khi xuất hiện một nhóm đầu gấu trong trường học, điều đó vô hình trung thiết trí thêm một sức mạnh bạo lực mềm cho lãnh đạo nhà trường. Chính vì vậy mà những đứa ngổ ngáo, quậy phá, đánh nhau, hung hăng khi ra trường vẫn luôn nhớ đến lãnh đạo nhà trường, và nếu đẹp trời, gặp nhau trong quán nhậu thì những đứa quậy phá kia sẽ chào hỏi, lễ phép với lãnh đạo nhà trường, mời ngồi chung bàn, vít vai, bá cổ rất ư chí thiết.

Nên nhớ, giáo viên thiết lập quyền lợi cá nhân bằng cách dạy thêm thì lãnh đạo nhà trường thiết lập quyền lực cá nhân bằng bạo lực mềm, điều đó như một cái bùa để khống chế thuộc cấp và như một bảo bối để lấy điểm với thượng cấp.

Và, việc học sinh ném dép vào mặt cô giáo, có gì đâu phải ngạc nhiên, phải lạ lẫm như vậy?! Ngay cả bộ trưởng giáo dục như Phùng Xuân Nhạ còn một tay đút túi, một tay vịn micro phát biểu trong lễ khai giảng hoặc một tay bưng ly rượu cụng với khách trong bàn, mắt nhìn ly, tay kia thò ra bắt tay với thầy giáo cũ nữa kia mà! Hành vi vô lễ, bất khiếm, nếu so ra giữa ông Nhạ với đám học trò nít ranh, ăn chưa no lo chưa tới kia, thì có vẻ như ông Nhạ mới đáng nói, mới đạt đỉnh của sự hỗn láo và vô giáo dục, vô văn hóa.

Và, ai là người đề xướng việc nữ sinh viên không được bán dâm quá ba lần? Một nền giáo dục dám biến học trò trở thành gái điếm có giới hạn thì ngại gì mà họ - những kẻ nắm quyền sinh sát trong học đường lại không dám biến nam sinh trở thành đầu gấu? Nhất là trong thời đại mọi thứ đều có thể xảy ra theo chiều hướng bạo lực, một ông trí thức tâm huyết với nghề chưa được bao lâu, phản biện chưa được bao lâu thì bị té lầu, mất mạng, mà đâu riêng gì một vài ông, chuyện giáo viên chống Hiệu trưởng, bị đầu gấu tới nhà xảy ra nhan nhản khắp mọi nơi.

Thử đặt câu hỏi: Cô giáo bị ném dép, bị học trò dùng bạo lực tập thể trên có từng mất lòng gì lãnh đạo nhà trường chưa? Nếu từng có, thì đáp án câu chuyện đã có, không cần bàn thêm. Và, thay vì mượn quyền lực công an như trước đây để đẩy cô giáo ra tòa, vào trại giam, thì bây giờ, người ta mượn thẳng bạo lực mềm trong nhà trường để vừa bôi xấu hình ảnh giáo viên, vừa đạt được mục đích “kỉ luật” giáo viên, không chừng cho thôi việc, nhổ đi cái gai trong mắt vậy!

Điều tôi lấy làm lạ nhất là cả một đám học trò xúm vào sỉ vả cô giáo của mình, trong thời gian khá dài mà không thấy bảo vệ nhà trường hay lãnh đạo nhà trường can thiệp mặc dù trường có gắn camera an ninh và đám học sinh kia rất ồn ào? Hơn nữa, tại sao nhà trường và chính quyền địa phương không có xử lý thích đáng về việc các học sinh dùng bạo lực với giáo viên, trong khi chỉ xử lý giáo viên và cho học sinh viết bản kiểm điểm? Phải chăng nhà trường và chính quyền địa phương thấy cách hành xử hỗn láo kia là hợp lý, đúng pháp luật?

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra sau video clip quá ư kinh khủng kia, và càng có thêm rất nhiều câu hỏi khác được đặt ra sau khi chính quyền địa phương và lãnh đạo nhà trường nhanh chóng đi đến quyết định kỉ luật giáo viên mà không có biện pháp thích đáng nào với các học sinh đã hành hung cô giáo.

Nền giáo dục này, đã đến lúc phải chấn chỉnh, chấn chỉnh gấp. Nhưng chấn chỉnh kiểu gì thì không ai trả lời được. Bởi người đặt câu hỏi cũng là nhà lãnh đạo mà kẻ trả lời câu hỏi cũng là nhà lãnh đạo, không có bất cứ một trung gian hay một tiếng nói nào khác. Và vấn đề lợi ích nhóm, bạo lực mềm đã có mặt trong nhà trường, nếu không muốn nói là nó đã được chính thống hóa bằng mấy chữ “môi trường sư phạm”.