You are here

Vụ chuyến bay giải cứu: Hình phạt nào làm quan chức CSVN tham nhũng sợ?

Ảnh của nguyenvandai

Từ ngày 11 tháng 7 năm 2023, toà án của nhà nước độc tài CSVN xét xử sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu với 54 bị cáo. Trong đó có 18 bị cáo là quan chức bị cáo buộc tội nhận hối lộ theo điều 354 Bộ Luật Hình sự và đối diện với khung hình phạt cao nhất là tử hình.


Nhưng tới ngày 17 tháng 7, trong phần luận tội của VKS thành phố Hà Nội chỉ có bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu trợ lý của thứ trưởng Bộ Y Tế Đỗ Xuyên Tuyên bị đề nghị hình phạt tử hình.

Không có bị cáo nào bị đề nghị án chung thân và các bị cáo còn lại bị đề nghị với mức hình phạt khá nhẹ so với mức độ phạm tội mà họ đã gây ra.

Lý do là các bị cáo đã khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại các khoản tiền mà họ đã nhận hối lộ. Đây được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Điều này đúng với chủ trương của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo trên cương vị Tổng bí thư và Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhưng đây là một chủ trương sai lầm, nó không giúp phòng chống tham nhũng mà còn khuyến khích các quan chức CSVN tích cực tham nhũng. Tại sao?

Việc khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại những khoản tiền do phạm tội mà có để được giảm hình phạt thì chẳng khác gì dùng tiền phạm tội có được để chạy tội.

Như vậy, các quan chức từ trung ương tới địa phương cứ mặc sức tham nhũng hàng chục, hàng trăm vụ trong suốt sự nghiệp chính trị của họ.

Nếu chẳng may, bị phát hiện một vụ, họ chỉ phải dùng số tiền phạm tội của vụ án bị phát hiện để khắc phục hậu quả. Hình phạt tù áp dụng cho họ chỉ còn từ 30% tới 60% so với mức mà họ đáng phải chịu. Họ vẫn lời gấp hàng chục, hàng trăm lần số tiền đã đem khắc phục hậu quả.

Khi ở tù, có tiền, họ có cuộc sống vương giả trong tù, muốn gì có đó, có người phục vụ. Hàng tháng, họ được gặp gia đình, người thân nhiều lần.

Đến kỳ giảm án, họ tiếp tục sử dụng tiền hối lộ cho các cơ quan chức năng để được giảm án với mức cao nhất.

Sau khi thi hành án được khoảng 50% số năm tù, họ có thể được đặc xá, được tha tù trước thời hạn.

Ra tù, họ và gia đình họ tiếp tục hưởng thụ cuộc sống phong lưu từ những đồng tiền mà họ có được từ tội phạm tham nhũng.

Để chống được tham nhũng một cách triệt để thì phải thay đổi từ chế độ độc tài, độc đảng cộng sản sang chế độ dân chủ đa Đảng, tam quyền phân lập, tự do báo chí và xã hội dân sự.

Vậy trong chế độ độc tài, độc đảng CSVN có cách nào giúp giảm được quốc nạn tham nhũng hay không?

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thực sự muốn chống tham nhũng thì trước tiên phải bỏ ngay chính sách nộp tiền có được do phạm tội thì được coi là khắc phục hậu quả và được giảm trách nhiệm hình sự.

Thứ hai là áp dụng nghiêm khoản 4 và áp dụng triệt để khoản 5 của điều 354 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Vì đây là những hình phạt mà các quan chức CSVN tham nhũng sợ nhất. Tại sao?

Khoản 4 và 5 của điều 354 được qui định như sau:

“4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5.. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Quan điểm của tôi là chống án tử hình, nên không cần áp dụng hình phạt tử hình với tội nhận hối lộ cũng như các tội danh còn có qui định hình phạt tử hình.

Chỉ cần áp dụng nghiêm hình phạt tù 20 năm hoặc chung thân với các bị cáo tương ứng với số tiền mà họ nhận hối lộ.

Nhưng quan trọng nhất là hình phạt phụ ở khoản 5 đó là: Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tịch thu một phần tài sản là khi cơ quan điều tra xác minh tách riêng được đâu là tài sản hợp pháp mà bị cáo có được từ thừa kế, cho tặng của cha mẹ, thu nhập hợp pháp,… Và đâu là tài sản không có nguồn gốc hợp pháp mà bị cáo có được.

Tất cả các tài sản không có nguồn gốc hợp pháp mà bị cáo có được đều bị tịch thu.

Tịch thu toàn bộ tài sản là: Khi cơ quan điều tra xác minh toàn bộ tài sản mà bị cáo có được đều không có nguồn gốc hợp pháp. Toàn bộ số tài sản này bị tịch thu.

Bản chất của các quan chức CSVN là tham lam và hủ bại. Bởi vậy khi áp dụng nghiêm khắc hình phạt tịch thu toàn bộ tài sản thì họ sẽ không thể ngồi tù hưởng thụ, ra tù tiếp tục hưởng thụ thành quả tham nhũng.

Chế độ độc tài, độc đảng CSVN không thể chống tham nhũng một cách triệt để, bởi đó là bản chất của chế độ.

Nhưng có thể làm giảm bớt quốc nạn tham nhũng nếu áp nghiêm khắc hình phạt tù giam kết hợp với hình phạt tịch thu toàn bộ tài sản không rõ nguồn gốc mà các quan chức tham nhũng có được.