You are here

Thủ tướng Phạm Minh Chính để Vietnam Airlines phá sản hay giải cứu?

Ảnh của nguyenvandai

Trong những ngày vừa qua, các cơ quan truyền thông của nhà nước độc tài CSVN liên tục đưa tin về việc Tổng công ty hàng không Việt Nam, tiếng Anh là Vietnam Airlines, đang đứng cận kề việc phá sản.


Những khó khăn về kinh doanh và các khoản nợ mà Vietnam Airlines đang phải đối mặt:

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến số lỗ của quý I/2021 sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.

Hiện tại số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho VNA giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Trên thực tế, giải trình với cổ đông về tình hình kinh doanh quý I/2021, Vietnam Airlines cho hay đại dịch Covid-19 khiến tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ giảm 65,3% so với cùng kỳ 2020 (hơn 9.558 tỷ đồng) trong đó chủ yếu là doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 63,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 8.511 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu nội địa của Vietnam Airlines giảm 25,8%, quốc tế giảm tới 97% và thuê chuyến giảm 83,5%. Tuy nhiên, do tốc độ giảm doanh thu cao hơn tốc độ giảm chi phí dẫn dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm trên 2.793 tỷ đồng.

Đầu tháng 4/2021, cổ phiếu của hãng (HVN) đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4.

Không có khách, hàng trăm tàu bay của các hãng hàng không phải nằm chờ la liệt. Số liệu từ Planespotters cho hay, tỷ lệ máy bay phải tạm dừng khai thác của cả 4 hãng hàng không lớn là 127 chiếc trong tổng số 218 chiếc.

Chưa kể, Vietnam Airlines còn các khoản nợ quốc tế do mua, thuê máy bay và các dịch vụ khác lên tới gần 1 tỷ USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Tóm lại: Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn và sẽ bị buộc phải phá sản nếu chính phủ Phạm Minh Chính không bơm tiền giải cứu.

Theo luật phá sản thì khi mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, Vietnam Airlines phải nộp đơn ra Tòa án để xin tuyên bố phá sản. Hoặc các chủ nợ nộp đơn ra Tòa án để yêu cầu Tòa án phong tỏa tài sản và tuyên bố Vietnam Airlines phá sản.

Sự phá sản của Vietnam Airlines chắc chắn sẽ dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng bởi các lý do sau:

Về mặt chính trị: Vietnam Airlines không chỉ là biểu tưởng của Việt Nam đối với người dân ở trong nước, mà còn trong khu vực, châu lục và cả thế giới. Khi Vietnam Airlines phá sản sẽ ảnh hưởng tơi uy tín vốn đã cạn kiệt của chế độ độc tài CSVN với Nhân dân.

Về mặt kinh tế: Có gần chục ngân hàng Việt Nam đang cho Vietnam Airlines vay hàng chục ngàn tỷ đồng. Vietnam Airlines phá sản có thể làm cho các ngân hàng chủ nợ lâm vào tình cảnh khó khăn, bởi hầu hết các khoản cho Vietnam Airlines đều không có bảo đảm. Có thể có ngân hàng sẽ bị phá sản theo.

Chưa kể hàng chục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tiếp và gián tiếp cho Vietnam Airlines bị ảnh hưởng.

Về mặt xã hội: Có gần chục nghìn người lao động trực tiếp mất việc làm, và hàng chục nghìn người lao động bị ảnh hưởng gián tiếp, gây ra gánh nặng cho xã hội.

Cựu trưởng Ban tổ chức TƯ Phạm Minh Chính vừa nhận chức Thủ tướng chưa tròn 100 ngày.

Và đây là thách thức đầu tiên với Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng về lĩnh vực kinh tế là quyết định để Tổng công ty Hàng không VN, Vietnam Airlines phá sản hay giải cứu?

Một điều chắc chắn là Thủ tướng Phạm Minh Chính không bao giờ muốn để Vietnam Airlines phá sản bởi các hậu quả mà tôi vừa nêu ở bên trên. Chưa kể những hậu quả mà cá nhân Phạm Minh Chính bị ảnh hưởng trong cuộc đua tranh giành quyền lực ngày càng khốc liệt với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Nhưng mọi nguồn tiền ngân sách đã cạn kiệt.

Đảng, chế độ, nhà nước độc tài CSVN đã không còn sĩ diện, liêm sỉ khi phải lập quỹ Vaccine để vừa cưỡng ép vừa ăn xin người dân và doanh nghiệp đóng góp.

Chính phủ Phạm Minh Chính không còn tiền cứu trợ người dân và doanh nghiệp mà còn đang sửa các văn bản pháp luật về thuế để tận thu các cá nhân kinh doanh, trong khi các hộ kinh doanh đang gặp vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.

Vậy chính phủ Phạm Minh Chính lấy đâu ra tiền?

Lúc này mà vay tiền từ các thể chế tài chính quốc tế thì rất khó khăn, hoặc nếu vay được thì cũng với lãi xuất rất cao, càng tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế.

Chắc chỉ có Trung Quốc là hào phóng, nhưng các điều kiện kèm theo là rất khắc nghiệt. Ví dụ như phải nhượng một phần cổ phần của Vietnam Airlines cho các đối tác Trung Quốc. Điều này là khó chấp nhận.

Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ còn dùng các giải pháp cực đoan như:

Dùng quyền lực ép các ngân hàng trong nước không được đòi nợ Vietnam Airlines, mà còn phải tiếp tục bơm tiền cho VN Airlines trả cho các chủ nợ nước ngoài;

Việc này sẽ đẩy các ngân hàng vào khó khăn, và cũng có thể dẫn đến phá sản.

Phạm Minh Chính đang đứng trước những sự lựa chọn và thử thách khó khăn.

Chúng ta hãy chờ đợi xem Phạm Minh Chính sẽ xử lý vấn đề phá sản của Vietnam Airlines như thế nào.

Khó khăn của Vietnam Airlines chính là khó khăn của đảng, chế độ và nhà nước độc tài CSVN.

Sự thay đổi thể chế chính trị của một quốc gia từ độc tài sang dân chủ thường bao giờ cũng bắt đầu từ những khó khăn về kinh tế.

Mong đồng bào trong nước nhận thấy cơ hội này để chuẩn bị và sẵn sàng tham gia vào sự thay đổi chính trị ở Việt Nam.