You are here

Biến đổi khí hậu và các nguy cơ về sức khỏe

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Ô nhiễm không khí (Nguồn: Kevin Schafer/Getty Images)

Theo một ước tính thận trọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2030 đến năm 2050, mỗi năm sẽ có thêm 250 ngàn ca tử vong do biến đổi khí hậu. Trong số này có 38 ngàn ca do tiếp xúc với nhiệt ở người cao tuổi; 48 ngàn ca do tiêu chảy; 60 ngàn ca do sốt rét; và 95 ngàn ca do suy dinh dưỡng thời thơ ấu.[1]

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố mang tính quyết định đối với sức khỏe con người như không khí, nước uống, thực phẩm và nơi trú ẩn. Các yếu tố này sẽ ngày càng xấu đi và/hoặc khan hiếm khi biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Dưới đây là các nguy cơ về sức khỏe xét theo các yếu tố này.

1. Không khí

Mối liên hệ trực tiếp nhất giữa các tác nhân của biến đổi khí hậu và sức khỏe kém là ô nhiễm không khí. Đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và carbon đen là hai nguồn chính của biến đổi khí hậu, và cũng là hai nguồn chính của ô nhiễm không khí.[2]

Hiện nay, hơn 90% dân số đô thị trên thế giới hít thở không khí ô nhiễm vượt mức khuyến nghị về ô nhiễm không khí ngoài trời của WHO.[3] Tỷ lệ này thấp hơn ở các nước đã phát triển và cao hơn ở các nước đang phát triển.

Ô nhiễm không khí không chỉ gây ra các vấn đề về thể chất, như hen suyễn, viêm phổi, mà còn liên quan đến các vấn đề về tâm thần, như trầm cảm và tự tử,[4] và ngoài ra là làm giảm trí nhớ và khả năng nhận thức.[5]

Stress nhiệt có thể làm tăng tỷ lệ tử vong do các bệnh về tim và hô hấp, đặc biệt là ở người già và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Với nhiệt độ tăng thêm 1,5°C, hơn 350 triệu người có thể phải chịu stress nhiệt dẫn đến chết vào năm 2050.[6] 

2. Nước uống

Nhiều kiểu mưa thay đổi có khả năng ảnh hưởng đến việc cung cấp nước uống an toàn. Trên toàn cầu, tình trạng khan hiếm nước đã ảnh hưởng đến 40% dân số.[7] 

Thiếu nước uống an toàn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy (giết chết khoảng 2,2 triệu người mỗi năm), bệnh đau mắt hột (nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mù lòa) và các bệnh khác.[8] 

Sự khan hiếm nước cũng có nghĩa là mọi người buộc phải vận chuyển nước đường dài và dự trữ nước trong nhà của họ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ ô nhiễm nước hộ gia đình.[9]

3. Thực phẩm

Các điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan (nắng nóng, hạn hán, mưa lớn, lũ lụt), cùng với mực nước biển dâng và mật độ CO2 tăng sẽ làm giảm sản lượng và chất lượng của các loại cây trồng. (Mật độ CO2 tăng tuy có thể làm tăng năng suất cây trồng, do cây trồng cần CO2 để tạo ra thức ăn cho chúng, nhưng bù lại, làm giảm hàm lượng protein, vitamin và khoáng chất.)[10] 

Khoảng 10% các loại cây trồng tại các vùng sản xuất thực phẩm chính trên thế giới được tưới bởi nước ngầm không thể tái tạo, và vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi trái đất nóng lên.[11]

Sóng nhiệt, có khả năng sẽ trở nên thường xuyên hơn, làm cho vật nuôi giảm khả năng sinh sản, cho sữa (ở bò sữa, vì bò sữa đặc biệt nhạy cảm nhạy cảm với nhiệt độ) và dễ mắc bệnh hơn.[12] 

Thời tiết khắc nghiệt cũng có thể làm gián đoạn vận chuyển thực phẩm. Và nhu cầu dự trữ thực phẩm nhằm tránh sự gián đoạn có thể làm thực phẩm hư hỏng và dẫn đến bệnh tật.[13]

4. Nơi trú ẩn

Từ 2008 đến 2016, hơn 20 triệu người mỗi năm đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vì thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ, cháy rừng và nhiệt độ nóng hơn, ví dụ, cơn bão Idai đã khiến gần 150.000 người phải di cư vào tháng 3 năm 2019.[14]

Do giới hạn của Công ước Liên Hợp Quốc 1951 về vị thế người tị nạn, di cư vì biến đổi khí hậu sang một quốc gia khác sẽ phải dưới các lý do khác, vì khái niệm người tị nạn không bao gồm người tị nạn vì lý do biến đổi khí hậu.

Sự di cư trên diện rộng có thể dẫn đến xung đột và hỗn loạn, do thiếu nơi tiếp nhận người di cư, và do thiếu nơi cư trú bảo đảm các điều kiện cho cuộc sống bình thường ở nơi tiếp nhận.

Trong nhiều trường hợp, khi sự di cư là bất khả, người dân phải tiếp tục sống ở nơi hiện tại với những rủi ro cao cho sức khỏe do các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lẫn do sự hạn chế hay thiếu vắng của các cơ sở y tế.

Chú thích:

[1][2][3] Health and climate change
https://www.who.int/news-room/facts-in-pictures/detail/health-and-climat...

[4] Ô nhiễm không khí liên quan đến tỷ lệ trầm cảm và tự tử gia tăng
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/air-pollution-links-to-depressi...

[5] Danger in the air: How air pollution can affect brain development in young children
https://www.unicef.org/sites/default/files/press-releases/glo-media-Dang...

[6][7][8][9] Như [1]

[10][11][12][13] How climate change will alter our food
https://blogs.ei.columbia.edu/2018/07/25/climate-change-food-agriculture/

[14] The global risks report 2020
http://www3.weforum.org/docs/WEF_Global_Risk_Report_2020.pdf