You are here

Nên không kiểm điểm học sinh trước toàn trường?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: NHMQ đọc kiểm điểm trước toàn trường (Nguồn: Internet)

Ba ngày nay, báo chí đưa nhiều tin tức và bình luận về việc trường THCS Ngô Quyền tại TP. HCM kỷ luật một học sinh nam lớp 8 có tên NHMQ.

Lý do là Q đã lập một fanpage có tên 'Anti BTS in Vietnam'[1] với những lời lẽ và hình ảnh xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS và cộng đồng fan ARMY của nhóm nhạc này.

Tôi đã không để ý đến sự việc cho đến khi được hỏi quan điểm về hành xử của trường. 

Như nhiều sự việc gây xôn xao khác, sự việc này phân chia dư luận làm 2 nhóm chính: nhóm 1 cho rằng việc kỷ luật của trường là phản giáo dục và dã man, và nhóm 2 cho rằng việc kỷ luật của trường là xác đáng.

Sự phân chia này có thể được thấy rõ qua một số fanpage phản ánh về sự việc, chẳng hạn như 'Sài Gòn trong trái tim tôi'.[2] Trong khi đăng bài theo chiều quan điểm 1, fanpage này nhận được nhiều bình luận theo chiều quan điểm 2.

Tôi có thể hiểu tại sao nhiều người lại đứng về chiều quan điểm 2 đến thế sau khi vào fanpage của Q. Đây là một fanpage phản cảm, với nhan nhản lời lẽ và hình ảnh bậy bạ mà bất cứ người quan sát bình thường nào cũng có thể khó chịu.

Tuy nhiên, ngay cả khi fanpage của Q là vậy, trường có nên hành xử như đã hành xử hay không? 

Các cơ sở mà các trường nói chung có thể dựa vào để có các biện pháp đối với học sinh là quy chế học sinh mà các trường đặt ra dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng như chính các văn bản quy phạm pháp luật đó. 

Về quy chế học sinh, văn bản này thường bao gồm các hành vi mà học sinh không được làm, trong đó có các hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ trong trường mà cả ngoài trường nữa. 

Về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, một văn bản thường được áp dụng là Thông tư 08/1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo,[3] theo đó, các trường có thể dùng các hình thức kỷ luật như đuổi học (1 tuần, 1 năm) và cảnh cáo học sinh trước lớp, trước hội đồng kỷ luật, hoặc trước toàn trường.

Thông tư 08/1988 này, tuy nhiên, được cho là không còn phù hợp và cần được thay đổi. Cụ thể, các hình thức kỷ luật của thông tư ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm của trẻ em, và do đó, trái với Luật Trẻ em 2016; đồng thời, theo các chuyên gia tâm lý, chúng phương hại đến tâm lý của trẻ em.

Hơn nữa, đối với sự việc xảy ra ở ngoài trường, lãnh đạo trường cũng như các thầy cô giáo cần cẩn trọng hơn trong việc xác định phạm vi can thiệp sao cho có thể hài hòa với mức độ tự do lớn hơn mà học sinh của mình khi ở ngoài trường vốn có. 

Do hành vi của Q ở ngoài trường, việc kỷ luật Q bằng cách kiểm điểm Q trước toàn trường lại càng không phù hợp.

Như vậy, dù có cơ sở cho việc kiểm điểm Q trước toàn trường, trường THCS Ngô Quyền đã áp dụng cơ sở này một cách thiếu cân nhắc. 

Chưa kể trường đã áp dụng một số biện pháp khác đối với Q là đình chỉ học 4 ngày, hạ hạnh kiểm, buộc lao động công ích, và tất cả các biện pháp gộp lại dường như là lợi bất cập hại.

Nếu nói đến cả việc trường đăng clip kiểm điểm Q lên mạng thì hành xử này khiến trường một lần nữa ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm của Q, đồng thời, vi phạm vào quyền của Q đối với hình ảnh của mình (vốn là một quyền dân sự trong Bộ luật Dân sự 2015). 

Vậy thì trường nên hành xử thế nào? Theo tôi, ban đầu, trường chỉ nên thực hiện một số việc sau: 

  • Một là mời cha mẹ của Q đến trao đổi nhằm tìm ra biện pháp thích hợp nhất đối với Q, dựa trên sự hiểu biết về tính cách của Q và suy nghĩ của Q trong sự việc này; 
  • Hai là giải thích cho Q hiểu hành vi của mình – xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác – là sai trái về đạo đức lẫn pháp luật; 
  • Và ba là khuyên Q dừng đăng tải những lời lẽ và hình ảnh xúc phạm BTS, và nếu có thể thì đăng bài xin lỗi nhóm nhạc này. 

Nếu sau khi thực hiện ba việc trên mà không có tác dụng, lúc đó trường mới nên xem xét các biện pháp cứng rắn hơn (không bao gồm kiểm điểm trước toàn trường), như hạ hạnh kiểm và buộc lao động công ích đối với Q.

Các học sinh nói chung và các trường hợp cá biệt nói riêng đều có khả năng lĩnh hội nhất định những điều đúng nếu những điều này được truyền tải cho chúng qua các biện pháp đúng. Và việc mà người lớn cần làm là tìm ra và áp dụng các biện pháp đúng hầu mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất có thể cho học sinh.

Chú thích:

[1] Fanpage 'Anti BTS in Vietnam'
https://www.facebook.com/ANTI-bts-in-VietNam-1655077971290951

[2] Bắt nam sinh nhận lỗi trước 1.400 học sinh: Một sự phản giáo dục và quá dã man!
https://www.facebook.com/Saigontrongtraitimtoi/photos/a.2120937864901533...

[3] Thông tư 08/1988
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-08-TT-huong-dan-khe...