You are here

Hãy chấp nhận sự thật đi các ngài cán bộ

Ảnh của canhco

Vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi Quốc gia bị phát hiện ở Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La sau gần 1 năm cuối cùng cũng bị vạch trần bởi báo chí và mạng xã hội. Hàng trăm thí sinh bị phát hiện cùng với phụ huynh tai to mặt lớn trong các cơ quan công quyền đã nhúng vào chậu mực mang tên giáo dục không những làm cho nó đen thêm mà còn hôi hám hơn bởi những lời lẽ chạy tội ngây ngô và xem thường dư luận.

Soi rọi từng chi tiết trong đại án giáo dục này người ta thấy sâu giòi nhung nhúc đang rúc rỉa con em lẫn cha mẹ chúng, những người cam chịu số phận của mình vì thiếu tiền, thiếu quyền lực để được những số điểm tròn trĩnh của tha hóa. Những con sâu giòi ấy đang mang trên người những vị trí cao nhất của ba tỉnh phía Bắc những tỉnh mà tài nguyên không trù phú, con người luôn tiếp cận với sơn lam chướng khí nhưng chính quyền thì mông muội và có biểu hiện cát cứ một cách rõ rệt trong chế độ cộng sản.

Sơn La có 44 thí sinh được nâng điểm,  28 thí sinh tại Hòa Bình và Hà giang có tất cả 114 thí sinh. Tất cả đều là con cái của cán bộ cao cấp đang phục vụ trong guồng máy chính quyền. Những hạt giống đỏ ấy bị dư luận lôi ra ánh sáng và câu chuyện âm ỉ từ trước giờ được thổi bùng lên với cơn giận dữ của dư luận.

Những con số thí sinh được nâng điểm cho thấy các Sở Giáo dục và Đào tạo của ba tỉnh này cùng chung một ý thức xem thường luật pháp. Những Giám đốc sở có trách nhiệm tự cho mình vô tội ngay khi cầm bài thi của thí sinh có số báo danh đã được gửi gấm với tâm trạng bình thản như duyệt xét một lá đơn tìm việc vào cơ quan của mình. Tư duy quan lại rơi rớt từ thời phong kiến cộng với kiêu ngạo cách mạng đã hình thành một lớp cán bộ xem thường luật pháp đến nỗi phát biểu những câu chữ ngạo mạn và coi người dân như những vật nuôi làm cảnh. Những khuôn mặt cao ngạo dần dần bị lôi ra trước đám đông lộ rõ cái hào quang cách mạng vốn được bơm thổi nay trở thành thứ nến leo lét giữa ban ngày với màu xanh ngắt của sợ hãi nhưng không kém phần lì lợm.

Giận dữ của đám đông dân chúng đã lung lay sự lì lợm cố hữu của các nơi cao hơn, không thể im lặng như trước đây nên Thanh tra của Bộ Giáo dục buộc phải vào cuộc, thế nhưng kết luận của ban bệ này về điểm thi ở Lạng Sơn làm cho dư luận càng thêm thất vọng: “Năng lực chấm của một số giám khảo còn hạn chế và không đồng đều về chuyên môn, ngoài ra có lý do nữa là giám khảo cộng nhầm điểm.”

Như đổ thêm dầu vào lửa, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang là Triệu Tài Vinh, người có con được nâng điểm khẳng định rằng không biết gì về vụ này và câu nói tiếp theo làm cho mọi người sửng sốt: “Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”.

Dựa vào chức vụ để biện bạch và đổ tội cho thế lực khác là thói quen khó bỏ của lãnh đạo. Càng cao chức tước càng nhiều lưu manh là thế.

Thấy sự việc đã quá căng cứng trước dư luận, Quốc hội vào cuộc tuy vẫn còn bị áp lực không nhỏ từ phía “bị hại”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết sẽ có cuộc họp kín để nghe giải trình về những tiêu cực, gian lận trong thi cử thời gian qua giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Giáo dục, Bộ Công an. Mục đích là “muốn các cơ quan hành pháp giải thích rõ chuyện gì đang xảy ra".

Người dân lại phừng phừng ngọn lửa của giận dữ: Tại sao lại họp kín? Và tại sao hai cơ quan này có dấu hiệu sẽ không giải thích cặn kẽ những chuyện đã xảy ra trong lúc báo chí đã nêu lên từng tên tuổi của các sĩ tử lẫn cha mẹ chúng?

Quốc hội muốn bao che hay lo sợ một kết quả bẩn thỉu sẽ làm cho hệ thống giáo dục lẫn công an vỡ trận khi hai bộ này có nhân viên dám làm những chuyện xem thường cả nước. Thái độ này không phải là giúp cho hai Bộ Giáo dục và Công an dám nói sự thật mà trái lại sự thật sẽ vĩnh viễn không được soi sáng khi người ta bàn thảo về nó trong bóng tối.

Sự thật ấy không cần hai cơ quan này giải bày vì người dân đã đủ chứng cứ. Thái độ duy nhất của Quốc hội trong lúc này là xem xét hành vi của cả hai bộ này đã làm gì để xảy ra một vụ án xảy ra trên diện rộng như vậy? Sự tắc trách đến từ đâu và ai là người trách nhiệm trực tiếp trước cơn chấn động này.

Vẫn biết Quốc hội không đủ quyền lực để bắt buộc hai cơ quan này nhưng ít ra cũng cho thấy là hệ thống dù sao vẫn còn biết diễn kịch. Vở kịch nào dù tồi cũng có khả năng vuốt ve đám đông trong lúc giận dữ cho dù chỉ trong chốc lát.

Và người xem kịch sau một lúc hả hê, khi màn hạ lại ra về với tâm trạng não nề hơn vì sự đốn mạt không giới hạn của những người tạo nên nó.