You are here

Vụ chùa Ba Vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự

Ảnh của NguyenTrangNhung

Sáng ngày 26/3, UBND TP. Uông Bí, Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng, nơi thuyết giảng về nhân quả, vong nhập, báo oán, giải nghiệp để thu tiền dưới hình thức công đức.

Tại hội nghị, chủ tịch UBND TP. Uông Bí – ông Nguyễn Mạnh Hà – cho biết đã giao cho UBND phường Quang Trung ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn hóa của bà Yến, cụ thể là hành vi lợi dụng hoạt động thỉnh vong, gọi hồn để hành nghề mê tín dị đoan, căn cứ vào điểm a, khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013.[1]

Mức phạt dành cho bà Yến là 5 triệu đồng, là mức phạt cao nhất của quy định này, do có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần. Cùng với đó, theo quyết định xử phạt, bà Yến phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn 10 ngày.[2]

Theo ông Hà, công an thành phố đã thông báo không chấp nhận bà Yến tiếp tục hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng.[3]

Đây mới chỉ là bước xử lý ban đầu đối với sự việc. Ông Nguyễn Mạnh Hà còn cho biết chính quyền sẽ xử lý các hành vi vi phạm tiếp theo sau khi làm rõ. Ngoài ra, đối với xử lý hình sự thì còn chờ công an điều tra.[4]

Hành vi của bà Yến có dấu hiệu cấu thành tội hành nghề mê tín, dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là một trong các tội xâm phạm trật tự công cộng. Hành vi khách quan của tội này là "dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác" như một nghề nhằm mục đích trục lợi. 

Với thông tin mà báo chí đã công bố, có thể nghi vấn rằng bà Yến đã dùng ít nhất là hình thức đồng bóng trong hoạt động thỉnh vong, gọi hồn của mình để kiếm tiền sinh sống. Nếu nghi vấn này được khẳng định qua hoạt động điều tra của công an, bà Yến có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này với hình phạt từ 3 đến 10 năm tù, theo điểm c ("gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội"), khoản 2, Điều 320. Nếu hành vi rơi vào cả trường hợp của điểm b ("thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên"), thì hình phạt sẽ cao hơn mức tối thiểu.

Bên cạnh đó, hành vi của bà Yến còn có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là một trong các tội xâm phạm sở hữu. Hành vi khách quan của tội này là "bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác". 

Nếu bà Yến được chứng minh là đưa thông tin giả, mà bà biết là giả, và mong muốn những người khác tin là thật, từ đó chiếm đoạt tài sản của họ, thì bà phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này với hình phạt tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến ba năm và cao nhất là phạt tù chung thân, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi, ví dụ, nếu phạm tội có tổ chức, thì sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, theo điểm a, khoản 2, Điều 174.

Trong cả hai trường hợp của hai tội trên, người phạm tội có thể bị phạt tiền (theo khoản 3, Điều 320 và khoản 5, Điều 174). Riêng trong trường hợp của tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể chịu thêm chế tài khác như tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (theo khoản 5, Điều 174).

Hẳn nhiên, ngoài bà Yến, nhà sư Thích Trúc Thái Minh – trụ trì chùa Ba Vàng – cũng có các dấu hiệu của các tội kể trên, chẳng hạn, với tư cách là người tổ chức các hoạt động thỉnh vong, gọi hồn, nên nếu được chứng minh phạm tội, cũng phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng.

Chú thích:

[1] Vụ 'thỉnh vong' ở chùa Ba Vàng: Phạt 5 triệu và bà Yến đi đâu?
http://danviet.vn/video-anh/vu-thinh-vong-o-chua-ba-vang-phat-5-trieu-va...

[2] Vụ cúng "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng: Bà Phạm Thị Yến bị phạt 5 triệu đồng
https://nld.com.vn/thoi-su/vu-cung-oan-gia-trai-chu-tai-chua-ba-vang-ba-...

[3] Vụ chùa Ba Vàng: Xử phạt hành chính 5 triệu đồng bà Phạm Thị Yến
https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-chua-ba-vang-xu-phat-hanh-chinh-5-trieu-...

[4] Như [1]