You are here

Từ chuyện cô hiệu trưởng ăn cắp xe của giáo viên

Trong tuần rồi, một bà hiệu trưởng ở thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã nhân lúc giáo viên (thuộc cấp của bà hiệu trưởng) đánh rơi chiếc chìa khóa xe, vậy là thay vì nhặt giùm cho cô giáo, bà hiệu trưởng này lấy xe, mang thẳng ra tiệm cầm đồ và cầm với giá 23 triệu đồng, sau đó ung dung tiêu xài. Cô giáo mất xe phát hoảng, đi báo công an, bà hiệu trưởng triệu tập cô giáo lên phòng hiệu trưởng và cho cô giáo 3 triệu đồng, gọi là “nhà trường hỗ trợ mua xe”. Chuyện “đầu xuôi đuôi lọt” cho đến khi công an vào cuộc, mời bà hiệu trưởng lên đồn để làm việc, bà mới khai rằng bà đã lỡ tiêu hết 20 triệu đồng…! Chuyện nghe cứ như đùa, mà có thật 100% ở xứ này! Nó cho thấy điều gì?

Câu chuyện cho thấy ba vấn đề nổi cộm hiện nay: Phẩm chất, đạo đức của nhà giáo; Nguồn nhân lực Việt đang ở đâu và; Nền giáo dục Việt đang ở đâu?

Vấn đề thứ nhất, phẩm chất, đạo đức của nghề nhà giáo, có thể nói nhanh rằng đó là một con số 0 tròn vành vạnh, chẳng có gì để bàn bởi làm gì có đạo đức, đạo đức nào tồn tại trong môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa này.

Vì sao lại nói đạo đức không tồn tại trong môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa? Vì lẽ, một nhà giáo hay một người cầm phấn, gõ đầu trẻ, muốn thăng tiến thì phải có thẻ đỏ, tức thẻ đảng. Muốn lên tới hiệu trưởng, hiệu phó thì phải có ít nhất vài năm sinh hoạt đảng đều đặn và xuất sắc hoặc ưu tú theo cách đánh giá của chi bộ đảng (Cộng sản địa phương). Mà chi bộ này do ai đứng đầu, hầu hết bí thư chi bộ đảng khối ngành và khối địa phương đều là những kẻ có đầu óc bảo thủ vì kiến thức hạn hẹp, chuột chạy cùng sào chui vào ủy ban. Bởi trước đây, hiếm có ai có chữ mà chọn đi làm cán bộ xã, cán bộ phường, hầu hết cán bộ xã, phường là dân mới xong xóa mù chữ hoặc học chưa hết cấp 2, tức chưa hết lớp 9 nhưng có lý lịch tương đối đỏ (con liệt sĩ, con nhà có công…). Và chui vào ủy ban làm việc để giải quyết thất nghiệp là chính.

Từ những năm 1997 trở về sau, cán bộ xã, phường được cơ cấu biên chế, được hưởng lương nhà nước theo thứ bậc và thâm niên công tác. Hầu hết các quan chức một chữ vỡ đôi cũng không ổn này đều chạy chọt cho có bằng đại học, bằng tiếng Anh, bằng cao học… Và đương nhiên họ nghiễm nhiên trở thành đảng viên nòng cốt của địa phương (bởi họ dốt, họ dễ sai khiến và họ chịu húc đầu vào tường nếu cấp trên bảo họ húc…!). Đến những năm 2000, vấn đề mở rộng tầng suất đảng viên Cộng sản được quan tâm đặc biệt và các đảng viên nhóm ngành nghề có sinh hoạt giao thoa với chi bộ địa phương, thậm chí chịu sự quản lý của nhóm này.

Đây là thời kì đen tối nhất của đảng Cộng sản xét về mọi mặt, những “trí thức” muốn thăng tiến phải vâng phục và xu phụ những kẻ dốt nát nhưng nắm quyền bí thư chi bộ địa phương và về mặt hình thức thì có cả bằng đại học, cao học. Và đây là giai đoạn dùng tình, dùng thân xác để đổi thẻ đảng nhiều nhất, thời kì này càng về sau càng phát triển mạnh hơn và nở rộ hơn. Chính vì cái mô thức phát triển quản lý mang đầy nhục dục và ngu dốt này mà hầu hết thành phần quản lý trong các ngành nói chung và ngành giáo dục nói riêng đều không những không có nhân cách, thiếu đạo đức mà còn có một phần đen trong lý lịch phẩm hạnh. Tỉ lệ trong sáng hay “vừa hồng vừa chuyên” có lẽ là đếm trên đầu ngón tay trong một quốc gia có đến vài trăm ngàn nhà quản lý và người làm công tác giáo dục này!

Chính vì cái đầu vào, cái nguồn của ngành bị trả giá quá nặng cho nên việc bóp ngạt thuộc cấp và biến thuộc cấp trở thành bản sao phẩm hạnh của các nhà quản lý là chuyện đáng bàn. Hiệu trưởng đi với quan chức thì thuộc cấp cũng đi với công chức để dần dà đi với quan chức, tìm cơ hội nếu là phụ nữ, có chút nhan sắc. Ngược lại, nếu là phụ nữ thiếu nhan sắc thì có những thủ đoạn để tồn tại trong ngành. Nam giới thì có thủ đoạn của nam giới, thậm chí mượn nhan sắc của vợ để thực hiện tham vọng. Chuyện này trở nên phổ biến và thông dụng đến mức bây giờ nói ra, người nghe chỉ thấy buồn cười vì nói chuyện đã quá cũ tại Việt Nam.

Nhưng ở đây tôi muốn nhắc lại câu chuyện để thấy rằng đầu vào hay đầu ra, nguồn hay ngọn của ngành giáo dục đều thiếu vắng đạo đức, lòng tự trọng và phẩm hạnh. Chính vì vậy, chuyện gì cũng có thể xảy ra, từ việc hiệu trưởng ép học sinh đi bán dâm cho đến hiệu trưởng cưỡng dâm học sinh đồng giới rồi chuyện hiệu trưởng ăn cắp xe của giáo viên ngay trong khuôn viên trường mà họ quản lý… Thực sự là chưa biết còn chuyện nào chưa được bày ra ánh sáng. Mà hầu hết có liên quan đến người đứng đầu, nhà quản lý trong một tập thể giáo dục nào đó. Hiệu Trưởng – nhà quản lý trực tiếp trong giáo dục nhà trường, chắc chắn là vậy!

Và hai câu hỏi đầu đã tạm giải quyết, đó là đạo đức cũng như nguồn nhân lực (hành chính nói chung và giáo dục nói riêng) của Việt Nam ra sao?... Đến đây, câu trả lời cho câu hỏi nền giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu sẽ hiện ra rõ hơn. Chắc chắn một điều nó sẽ không đi xuống hố, bởi nó có đầy đủ tài lực, vật lực và đầy đủ sự trí trá để tồn tại. Nhưng nó sẽ đứng bên miệng hố và cõng nhiều thế hệ trên lưng nó. Các thế hệ này chỉ cần sơ xuất một chút là lỏng tay, tuột tay rơi ngay xuống hố!

Thực tâm mà nói, cho đến lúc này, không có gì đáng sợ hơn việc chấp nhận, cay đắng để cho con em mình bâu lưng trên một thứ quái vật có tên Giáo dục cộng sản xã hội chủ nghĩa! Thật đáng sợ!