You are here

Cướp ấn đền Trần và cẩu lư hương Thánh Trần

Những năm 2000, đền Trần ở Lào Cai, ngay thị xã Lào Cai, bên bờ sông Nậm Thi có bức tượng Đức Thánh Trần oai nghi đứng chống gươm nhìn sang phía Trung Quốc, đền thờ của Ngài ngự trên ngọn đồi cao, tượng của Ngài đứng trước đền. Sau 20 năm, quay trở lại Lào Cai, điều làm tôi hãi hùng nhất là đền Mẫu và Đền Trần - hai ngôi đền lớn nhất Lào Cai đã hoàn toàn thay đổi, tượng Đức Thánh Trần bị bứng đi mất, thay vào đó là một tiểu viên với 12 con giáp Tí Sửu Dần Mão Thìn…, nền chân tượng đã bị ủi thấp xuống chừng 20 mét so với nền cũ. Tiểu viên 12 con giáp cũng là nơi các đôi nam nữ du khách Trung Quốc cõng nhau, ôm nhau chụp hình nhiều nhất…

Trong lúc du lịch khai thác triệt để vào các ngôi đền liên quan đến Trần Hưng Đạo, như lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định, lễ phát lộc đền Trần ở Lào Cai và Hưng Yên, lễ khai lộc đền Trần ở các quận trong thành phố Sài Gòn và hầu hết các đền Trần ở các tỉnh trên cả nước. Đùng một cái, câu chuyện cẩu bát nhang trước tượng Trần Hưng Đạo ở quận 1, Sài Gòn khiến tôi nghĩ đến ngay hai vấn đề: Trung Quốc đã thao túng Sài Gòn và; Kĩ nghệ du lịch bẩn đã vào tận đền thờ.

Ở vấn đề thứ nhất, Trung Quốc đã thao túng Sài Gòn. Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như vậy bởi tôi liên tưởng đến đền Trần Lào Cai. Thời bức tượng Thánh Trần bị bứng đi ở đến Trần Lào Cai là thời ông Giàng Seo Phử làm Bí thư tỉnh ủy Lào Cai. Thời đó, ông Phử còn hơn cả một ông vua xứ Lào Cai. Ông xây biệt thự trong khu phố khá yên tĩnh nhưng phồn thịnh của Lào Cai. Nhà ông Phử xây trong khuôn viên một khu vườn cổ, bên hông trường trung học Lào Cai, diện tích chừng 1500 mét vuông, được “dồn điền đổi thửa” từ rất nhiều ngôi nhà trên phố. Cái giếng cổ đóng ngay vị trí phòng khách của ông Phử, ông cho lấp và mời một thầy địa lý bên Tàu sang bấm độn, giếng phải lấp 2 lần, lấp xong, lại đào lên và trục sạch đất đen sau đó yểm châu sa thần sa lại lấp thêm lần nữa. (Tôi biết chuyện này vì lúc đó tôi lang thang ra Lào Cai, làm thợ hồ ngay trong công trình này).

Nhưng vấn đề không phải là lấp giếng mà cửa chính phòng khách nhà ông Phử nhìn sang ngọn đồi có đài truyền hình Lào Cai đặt angten, ông thầy địa lý người Trung Quốc cầm la bàn nhắm hướng, thấy cột angten (cách nhà ông Phử chừng 3km nằm ngay tim phòng khách, vậy là ông Phử bốc điện thoại, gọi một cú, đài truyền hình Lào Cai phải dời cột ang ten sang quả đồi khác. Cùng lúc ông Phử xây nhà thì khu chợ quốc tế và cửa khẩu quốc tế Việt – Trung đang được xây dựng, mối quan hệ Việt – Trung đang rất gần gũi trên đất Lào Cai nhờ sự chỉ đạo và hợp tác với Trung Quốc của ông Phử.

Chợ và cửa khẩu xây xong thì tượng Đức Thánh Trần trên đền Trần Lào Cai bị biến mất và thay vào đó là tiểu viên 12 con giáp. Cũng từ đó đến nay, trên đất Lào Cai, nói đến đền Trần, người ta nghĩ ngay đến chuyện một ông thánh cho lộc và đến xin lộc chứ chẳng mấy ai quan tâm đến yếu tố lịch sử hay giá trị lịch sử của ngôi đền. Đền được hoạt động như một điện thờ và có một nhóm hầu đồng phía sau đền. Cũng sau vụ tượng Thánh Trần biến mất, ông Phử được điều ra trung ương và tiếp tục thăng quan tiến chức như diều gặp gió… Cho đến ngày ông chết!

Và nói một cách nghiêm túc thì dường như việc làm cho tượng Thánh Trần biến mất cũng đồng nghĩa với một mốc thời gian mới, người Trung Quốc có mặt, mua bán, hoạt động kinh doanh và thao túng toàn bộ thành phố Lào Cai, có vẻ như họ mới là chủ nhân thật sự của thành phố này. Và điều đó cũng cho thấy rằng cái mốc thời gian tượng thánh Trần bị bứng đi như một tín hiệu rằng người Trung Quốc đã chính thức làm bá chủ từ đó.

Và kéo theo sau việc di dời tượng là việc mở rộng du lịch “tâm linh” bằng cách biến các điểm thờ phụng thiêng liêng về Đức Thánh Trần thành nơi cho lộc, ban lộc và nhanh chóng đẩy những điểm thờ phụng thành chỗ ồn ào, nhặng xị, lộn xộn, bừa bãi, phức tạp… Phong trào xin lộc đền Trần đến thời điểm này đã mở rộng qui mô trên cả nước. Xét về mặt ngoại giao và sử chính trị, có chiến thắng nào dành cho người Trung Quốc lớn hơn việc biến nơi thờ phụng một vị anh hùng đánh đuổi giặc Tàu thành nơi hoạt động mê tín di đoan và lộn xộn?!

Gần đây, việc cẩu bát nhang ở trước tượng đài Trần Hưng Đạo tại quận 1, Sài Gòn lại một lần nữa khiến tôi sởn gai ốc vì một Lào Cai khác đang hiện hình ở Sài Gòn! Việc chiêm bái và hầu hết những buổi tưởng niệm Trường Sa – Hoàng Sa hay chiến tranh biên giới 1979 của giới trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn đều diễn ra trước chân tượng đài Trần Hưng Đạo là dễ hiểu, bởi có ai chống Tàu, đánh Tàu và nuôi tinh thần, ý chí chống ngoại xâm phương Bắc cho hậu thế một cách sâu sắc như ngài?!

Nhìn bên ngoài, người ta dể nhầm tưởng rằng việc di dời lư hương từ chân tượng về đền Trần ở quận 1 chỉ đơn giản là nhằm tránh các nhóm biểu tình tụ tập trước tượng đài và là hành vi chính trị bẩn của phía nhà cầm quyền đối với giới hoạt động dân chủ, hoạt động chống Trung Quốc xâm lược… Nhằm dễ quản lý hơn và đưa vào chương trình du lịch tâm linh tại ngôi đền này… Nhưng thực chất, việc biến nơi từng nghi ngút hương khói trở thành công viên đi dạo và các đôi nam nữ cũng có thể ngồi tình tứ trước bức tượng không nhang cũng là một kiểu hô biến bức tượng để thay vào đó một tiểu viên 12 con giáp như Lào Cai từng làm. Một khi bứng lư hương được để mở công viên, thì người ta cũng có thể nói rằng nơi công viên có một bức tượng sẽ làm giảm đi vẻ thơ mộng của công viên và mất đi vẻ tôn nghiêm của tượng đài, thôi thì qui về một mối ở sân đền, coi như xong.

Nhưng, có một vấn đề khác, đó là ai đã đứng sau những cái quyết định bứng lư hương? Và một khi nơi thờ phụng, không khí thiêng liêng của thần tượng chống Tàu, đánh Tàu bị hô biến thành chỗ hoạt động công cộng, điều đó cũng đồng nghĩa với ý nghĩa lịch sử của thần tượng bị xóa mất. Bài học Lào Cai là một điển hình. Và mối nguy xin lộc, cầu lộc đền Trần đang hình thành tại thành phố Sài Gòn, thay vì Thánh Trần là biểu tượng của lòng yêu nước và giữ nước thì bây giờ Thánh Trần lại trở thành một ông thần cho lộc, chuyên đáp ứng tâm lý tham lam và ham hố, bất chấp và giành giật của con dân Việt. Thánh trần bị hô biến từ biểu tượng yêu nước sang biểu tượng lòng tham.