You are here

Kỷ niệm 17-2: “Nhà cầm quyền nghiêng về chiêu trò hơn là thực tâm với đất nước”.

Ảnh của tuankhanh

Năm 2019 có một sự kiện rất đặc biệt, là Hà Nội đã cho phép báo chí, dư luận được lên tiếng tố cáo cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979. Những chồng tư liệu, tin tức về cuộc chiến này tưởng chừng bị xếp xó trong mối hữu nghị quái gỡ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, nay lại được tung ra để cho dân chúng nhẹ lòng vào thời điểm kỷ niệm 40 của cuộc chiến.

Nhưng điều đó, không có nghĩa là mọi thứ dễ dãi. Trước một tuần ngày 17-2-2019, tất cả các phương án chặn người, gác nhà… của giới an ninh toàn quốc đã được bàn thảo và lên lịch. Có nghĩa là sẽ không có ai được tự do xuống đường tuần hành kỷ niệm ngày này, hoặc sẽ có danh sách dài những người bị giữ chặt để không tham gia được được một cuộc họp mặt, biểu tình nào đó được tổ chức trong vòng kiểm soát.

Nhân 40 năm sự kiện đau thương và bi hùng này, nhà tranh đấu và cựu chiến binh Trần Bang đã bày tỏ vài suy nghĩ của ông.

 

Năm nay, có không ít người bất ngờ trước việc ban Tuyên giáo Trung Ương bật đèn xanh, cho phép nói và chỉ trích Trung Cộng về cuộc chiến tranh biên giới 17-2-1979, anh nghĩ sao về điều này?

Nhà cầm quyền làm gì thì cũng thường có lý do ẩn sau bề mặt. Lần này, tôi nghĩ có vài nguyên nhân. Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến Việt Trung là một dịp quan trọng khó có thể làm ngơ, mà vốn trước đây giới Xã hội dân sự đã lên tiếng rất nhiều, đòi hỏi lịch sử phải công bằng trong ghi nhận trong cuộc chiến phía Bắc lẫn biên giới Tây Nam. Chống Polpot ở Tây Nam, nhìn rõ sự kiện, cũng là chống Trung Quốc thôi. Sau khi yểm trợ cho Khmer Đỏ thất bại thì Trung Quốc mới mở thêm mặt trận chiến tranh phía Bắc Việt Nam. Nhân 40 năm kỷ niệm thì lại càng không thể bịt miệng nhân dân được nữa.

Nhìn về hướng tích cực thì có không ít người tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược vẫn còn nằm trong bộ máy chính quyền, thậm chí là có chức quyền. Họ cũng không thể nào chịu được việc mình bị bỏ quên, mà chỉ nghe suốt ngày tuyên truyền về các cuộc chiến chống Mỹ, chống Pháp. Họ cũng muốn được nói đến sự kiện xâm lược này.

Một điều nữa, tôi nghĩ rất gần với thời sự, là trong cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Kim Jong Un tại Việt Nam, việc phát lên một thông điệp không gần gũi với Trung Quốc là một cách Hà Nội giới thiệu mình với Mỹ, trong bối cảnh biển Đông ngày càng căng thẳng. Cơ hội này cũng là một cách để giới bình luận có thể suy đoán về một bước đi ngoại giao mới của Việt Nam, trong việc giữ gìn ổn định trên biển Đông.

Nhưng đây có là một cách lợi dụng sức mạnh dư luận quần chúng của Hà Nội, vốn là có tiếng giỏi cách thao túng dư luận xã hội và lợi dụng truyền thông cho những mục đích khác của mình?

Tôi cũng nghĩ vậy. Bởi vì, đảng Cộng sản Việt Nam có tiếng là ma lanh. Họ tận dụng mọi sức mạnh để bảo vệ sức mạnh độc tài của họ. Đây cũng là cách mà họ lợi dụng quần chúng, lợi dụng báo chí. Ai cũng biết báo chí trong nước hiện nay chỉ là cái loa của nhà cầm quyền.  Việc chủ trương cho phép báo chí nói mạnh và nói nhiều về sự kiện chiến tranh biên giới 1979 cũng chỉ là một cách xoa dịu sự tức giận của quần chúng vốn đã kìm nén lâu nay về việc nhà cầm quyền luôn đàn áp các tiếng nói đòi phải minh bạch lịch sử, minh bạch kẻ thù đã xâm lược với các thế hệ người Việt. Vừa lấy lòng được quần chúng, vừa nói được ý mình muốn trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Việt Trung, thì họ sẽ làm ngay. Mà lâu nay, mọi thứ vẫn vậy chứ không có gì mới mẻ.

Có người nói rằng, cho phép nói thật về lịch sử, về giặc Trung Quốc xâm lược không quan trọng bằng phải có chương trình trả tự do cho những người yêu nước, xuống đường chống trung Quốc và bị bỏ tù, thậm chí là phải có cách nói tử tế và chính danh về cuộc chiến 1979 trong sách giáo khoa lịch sử?

Tôi vẫn thấy câu chuyện này còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Lúc này, tôi nghĩ nhà cầm quyền đang nghiêng về chiêu trò nhiều hơn là chuyện thực tâm với đất nước, con người.

Tôi tin là trong bộ máy cầm quyền, vẫn có những người nghĩ đến chuyện phải trả tự do cho những ai chống Trung Quốc xâm lược mà lại bị cầm tù quá oan tức như hiện nay. Nhưng đây là một câu chuyện dài và phức tạp vì lâu nay các vụ án xử người yêu nước, nhà cầm quyền Cộng sản không bao giờ có đủ dũng khí để gọi tên án chống Trung Quốc, mà chỉ xử về tội tụ tập rối, kiểu gắp lửa bỏ tay người, mánh khóe chụp mũ, đổi tội danh.  Trong số 20 người đi tù ở Đồng Nai vừa rồi, vì đã xuống đường biểu tình chống luật đặc khu giao đất 99 năm cho Trung Cộng, có bao giờ quan tòa hay Viện kiểm sát dám gọi tên là tội biểu tình chống Trung Quốc đâu?

Còn trong sách giáo khoa, họ cũng đã nhỏ giọt thông tin, nhưng chắc là sẽ còn lâu lắm mới có đủ những lượng thông tin tương ứng và xác đáng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.

Là một sinh viên được động viên, trở thành quân nhân trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Anh và những người đã đổ máu cho đất nước nghĩ gì về thái độ và hành động của nhà cầm quyền Cộng sản hôm nay?

Tôi hay ai đã trãi qua một phần của cuộc chiến 1979 đều thất đó là một điều bất công. Dù có cho báo chí nói nhiều, nói mạnh một lần như lúc này cũng là bất công với hiện thực. Nhà cầm quyền chỉ vì quyền lãnh đạo mà đi theo một loại chủ thuyết, ôm chân giặc Tàu.

Tôi đã viết rằng số người hy sinh ở chiến trường Campuchia – họ vẫn nói úp mở là chiến trường K – và những số người hy sinh ở chiến trường phía Bắc, kể cả dân binh và những người trực chiến, cộng lại còn lớn hơn cả hơn số người chết vì chống Pháp hay chống Mỹ. Đó là tôi không tính chuyện nội chiến Bắc Nam. Thì với con số người chết như vậy mà chỉ hô hào chống Mỹ, chống Pháp rồi để cho có ít dòng – lại mới chỉ đưa vào vài năm gần đây - trong sách giáo khoa lịch sử là điều không thể chấp nhận được. Tôi luôn luôn phản đối và đòi sự công bằng về lịch sử, về những mất mát của dân tộc Việt Nam.