You are here

Valentine và xu hướng tiền tệ hóa quà tặng

Ảnh của NguyenTrangNhung

"Bên cạnh những món quà truyền thống như sô cô la, hoa hồng và gấu bông khổng lồ, nếu ai đó đang tìm kiếm một món quà hào nhoáng cho Ngày Tình nhân Valentine thì bó hoa bằng tiền giấy chính là sự lựa chọn hoàn hảo."

Đó là lời dẫn cho bài viết 'Trào lưu tặng bó hoa tiền giấy trong ngày Valentine' được đăng trên báo Người Lao động vào ngày 14/2 vừa qua.[1] Bài viết cho hay đây là trào lưu ở nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan và Indonesia.

Hình: Minh họa (Nguồn: Internet)

Tại Việt Nam, việc tặng quà bằng tiền chưa thành trào lưu, ít nhất là trên bề nổi mà người ta có thể quan sát được qua báo chí. Tuy nhiên, một vài dấu hiệu của trào lưu này đã xuất hiện.

Valentine năm nay rơi vào đúng ngày Thần tài. Có những trường hợp người ta tặng cho nhau tiền (với số tiền hàng triệu, thậm chí hàng tỷ).[2] Theo một cách khác, có vẻ sang trọng và lịch lãm hơn, người ta tặng cho nhau vàng.[3]

Tặng quà bằng tiền, hay một thứ gì khác dễ dàng được đổi ra tiền, thay cho tặng quà truyền thống, là biểu hiện của xu hướng tiền tệ hóa quà tặng xuất hiện trên thế giới cách đây vài chục năm.

Xu hướng này rồi sẽ sớm trở thành rõ rệt tại Việt Nam, có thể trong một vài năm tới, ngay cả khi Valentine không rơi vào đúng ngày Thần tài, như đã trở thành xu hướng tại nhiều quốc gia khác.

Với không ít người, được tặng tiền thì thích hơn được tặng quà, vì người được tặng có thể dùng tiền đó để mua những gì mình thích, thay vì được tặng quà có thể là những gì mình không thích.

Nếu mọi người ngày càng thích được tặng tiền thay vì được tặng quà, và xu hướng này ngày càng phổ biến thì đã sao? Đó cũng chỉ như bao xu hướng khác phản ánh sự thay đổi trong thị hiếu của con người và chẳng có vấn đề gì ở đây cả? 

Câu trả lời hơi phức tạp và có thể được tìm thấy trong cuốn sách 'Tiền không mua được gì' của nhà triết học đương đại người Mỹ, giáo sư trường Đại học Harvard, Michael Sandel. Ông đã bàn về vấn đề này như một vấn đề của thị trường và đạo đức với một số luận điểm chính:

1. Từ quan điểm thị trường, tặng tiền luôn tốt hơn tặng quà, vì mỗi người tự biết mình thích gì nhất, và để tối đa hóa phúc lợi mà món quà mang lại thì tốt nhất là tặng tiền. Người được tặng sẽ tự mua thứ mà người tặng định mua, hoặc có thể mua thứ khác khiến mình vui hơn.

2. Đó là logic kinh tế của những người ủng hộ tặng tiền, trong đó có Joel Waldfogel, nhà kinh tế học của trường Đại học Pennsylvania. Trong cuốn sách ‘Kinh tế học hà tiện: Tại sao bạn không nên mua quà vào dịp lễ’ của mình, ông kết luận rằng "Mua quà luôn làm tổn thất giá trị và đem lại sự hài lòng cùng lắm là bằng tặng tiền, trong những tình huống rất đặc biệt ít xảy ra". Ông thậm chí còn tiến hành một số cuộc điều tra để xác định mức độ phi hiệu quả của hành vi tặng quà và kết luận, với mỗi đô-la được bỏ ra để mua quà, giá trị của món quà đối với người được tặng thấp hơn 20% so với giá trị của chính nó khi người được tặng tự mua cho mình.

3. Nếu logic kinh tế trên đây là đúng, điều gì khiến (đa số) chúng ta vẫn tặng quà thay vì tặng tiền? 

Đó là vì tặng quà không phải lúc mào cũng đi chệch ra khỏi điểm tối đa hóa phúc lợi vì món quà không chỉ là vấn đề lợi ích.

Đó là vì chúng ta muốn được tặng những món quà không quá "trần tục". 

Đó là vì chúng ta muốn những thứ mà chúng ta không tự mua cho mình. 

Đó là vì món quà thể hiện mối quan hệ liên quan đến chúng ta và giải thích lại con người chúng ta. 

Đó là vì từ đáy lòng, chúng ta vẫn thích một món quà nói lên "phần hoang dã, phần đam mê, phần lãng mạn trong ta".[4]

Đó là vì một mối quan hệ không chỉ là người này có ích với người khác hay không, mà còn là họ có trưởng thành về tính cách và khả năng hiểu biết chính mình khi có bạn đồng hành hay không. 

Đó là vì một mối quan hệ tốt đẹp phải có mục tiêu xây đắp và giáo dục. 

Đó là vì tiền tệ hóa quà tặng trong một mối quan hệ có thể làm xói mòn mối quan hệ đó bằng những chuẩn mực vị lợi.

4. Ngay cả các nhà kinh tế học luôn nhìn nhận tặng quà dưới góc độ vị lợi cũng nhận thấy rằng quà tặng bằng tiền là ít gặp, nhất là trong những mối quan hệ quan trọng, trong đó có tình yêu. 

Vậy thì, chúng ta nên có thái độ như thế nào trước xu hướng tiền tệ hóa quà tặng? Hẳn nhiên, mỗi người vẫn sẽ có thái độ của riêng mình, tùy thuộc vào việc mình đánh giá cao những giá trị nào. Những ai thấy rằng tiền mang lại niềm vui cho họ lớn hơn, họ sẽ cổ vũ hay thiên về cổ vũ xu hướng đó. Ngược lại, những ai thấy rằng có những điều khác có ý nghĩa hơn, như sự trưởng thành về tính cách và khả năng hiểu biết chính mình, họ sẽ phản đối hay thiên về phản đối xu hướng đó.

Thay lời kết, người viết dẫn một câu nói của nhà kinh tế học Alex Tabarrok, rằng "Phần kinh tế học trong tôi nói rằng quà tặng tốt nhất là tiền. Nhưng phần còn lại trong con người tôi phản đối."[5]

Chú thích:

[1] Trào lưu tặng bó hoa tiền giấy trong ngày Valentine
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trao-luu-tang-bo-hoa-tien-giay-trong-...

[2] Valentine trùng ngày Thần tài: Chồng tặng quà cho vợ cứ quy tất thành tiền sẽ được tung hô thôi
http://tiin.vn/chuyen-muc/yeu/nhung-mon-qua-sieu-khung-ngay-valentine-co...

[3] Vía thần tài đúng ngày Valentine: Quà tặng tình nhân 1 bộ trang sức tài lộc
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/via-than-tai-trung-ngay-v...

[4] Alex Tabarrok (2016), Giving to my Wild Self
https://marginalrevolution.com/marginalrevolution/2006/12/giving_to_my_w...

[5] Quan điểm của nhà kinh tế học Alex Tabarrok được dẫn trong 'Tiền không mua được gì?' của Michael Sandel