You are here

Chống tham nhũng: Cần nhiều nỗ lực

Ảnh của NguyenTrangNhung

Tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng và mang tính hệ thống tại Việt Nam. Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được đặt ra từ lâu, song các nỗ lực và hiệu quả của công tác này chưa bao giờ đủ. 

Mục tiêu và chiến lược

Nghị quyết 21/NQ-CP[1] được ban hành vào tháng 5/2009, có hiệu lực vào tháng 6/2009 về chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 đề ra các mục tiêu chung là “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển;”. 

Cùng với đó, Nghị quyết đề ra 5 nhóm giải pháp: (1) “Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật”; (2) “Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ”; (3) “Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch.” (4) “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng”; (5) “Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng”. 

Chiến lược được thực hiện theo 3 giai đoạn, lần lượt là 2009 – 2011, 2011 – 2016, và 2016 – 2020, với giai đoạn sau là sự mở rộng hoặc củng cố của giai đoạn trước. Đi kèm với Nghị quyết này là kế hoạch để thực hiện chiến lược với các hoạt động cụ thể cho mỗi nhóm giải pháp.

Những biến chuyển

Với các mục tiêu và chiến lược kể trên, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam có những biến chuyển nào và Chính phủ đã đạt được những tiến bộ nào trong PCTN trong 10 năm qua? Các quan sát bề nổi cho thấy một số biến chuyển.

Về thể chế, nhiều chính sách đã ra đời nhằm hoặc giúp cải thiện tình trạng tham nhũng. Luật số 27/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng Chống Tham nhũng 2005 là một nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý cho PCTN. Hiện nay, nhằm tiếp tục hoàn thiện luật này, dự thảo sửa đổi 2018 đang được xem xét và lấy ý kiến. Các cải cách trong hành chính công, như rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch, v.v. đã và đang góp phần giảm bớt “văn hóa phong bì”. Gần đây, Luật Tố cáo 2018, có hiệu lực từ 1/1/2019 với một số điểm mới tiến bộ sẽ giúp PCTN hiệu quả hơn, chẳng hạn, Khoản 2, Điều 25 luật này quy định rằng tố cáo nặc danh nếu có cơ sở cụ thể và rõ ràng thì vẫn được tiếp nhận để thanh tra, kiểm tra.[2]

Về thực tiễn, nhiều yếu tố tác động góp phần làm giảm tham nhũng, bao gồm việc thực thi các chính sách PCTN, sự phát triển của xã hội dân sự, và sự lớn mạnh của truyền thông (báo chí, mạng xã hội). Trong việc thực thi các chính sách PCTN, hiệu quả của các chính sách tuy có nhưng còn thấp. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng Chống tham nhũng vào tháng 7/2006, thiệt hại do tham nhũng gần 60.000 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chỉ thu hồi được hơn 7%, và “tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”, như ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.[3] Các yếu tố còn lại – sự phát triển của xã hội dân sự cùng sự lớn mạnh của truyền thông – phần nào thúc đẩy nhận thức của xã hội về PCTN, gây áp lực cho Nhà nước trong việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. 

Nhìn một cách tổng thể, tình trạng tham nhũng được cải thiện theo thời gian, song mức độ cải thiện còn khiêm tốn. Điều này phù hợp với sự tăng nhẹ của chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam trong 2 năm 2016 đến 2017 so với những năm trước đó.[4]

Thái độ và hành động

Như nhiều nhận xét, giới lãnh đạo không quyết liệt trong PCTN. Một tâm lý phổ biến của giới lãnh đạo trong cuộc chiến này là muốn giữ nguyên hiện trạng, bởi nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn và có thể dẫn đến khủng hoảng nhân sự và khủng hoảng niềm tin. Thêm nữa, giới lãnh đạo thường biện minh cho các hậu quả trong hiện tại bằng sai lầm của các nhà lãnh đạo tiềm nhiệm. Tương ứng với thái độ này là hành động không dứt khoát. Trong không ít trường hợp, Nhà nước chỉ giơ cao đánh khẽ, chẳng hạn, thực hiện biện pháp kỷ luật đối với cán bộ, công chức tham nhũng. Nhiều vụ tham nhũng đã được phanh phui, song không ít trong đó được cho là các vụ đấu đá nội bộ để tiêu diệt đối thủ và/hoặc củng cố quyền lực, ví dụ như vụ thuốc ung thư giả H-Capita.

Gần đây, trong một chiến dịch có hệ thống, một loạt các vụ tham nhũng với các cá nhân vi phạm lộ diện, trong đó có Đinh La Thăng bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Phan Văn Vĩnh bị tạm giam vì bị cho là có hành vi liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.[5] Trần Bắc Hà và Lê Nam Trà bị khai trừ Đảng vì các “vi phạm nghiêm trọng, v.v.[6] Theo một góc nhìn, chiến dịch này cho thấy quyết tâm của một bộ phận giới lãnh đạo trong việc đẩy lùi tham nhũng, mà tiêu biểu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo một góc nhìn khác, các động thái này chỉ là một màn kịch mà đằng sau đó là sự thanh trừng nội bộ nhằm vào cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Cho dù theo góc nhìn nào đi nữa, giới lãnh đạo đã nỗ lực quá ít để tiến tới các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 21/NQ-CP 2009, và vì vậy, họ phải thực sự quyết liệt và dứt khoát nếu muốn đạt được các mục tiêu này.

Các nỗ lực tiếp theo

Để đạt được hiệu quả, công tác PCTN cần một tổng thể các giải pháp mà cả Nhà nước và người dân cần nỗ lực thực hiện.

Về phía Nhà nước, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh PCTN trên nền tảng của các thể chế hiện có, ngoài ra là các giải pháp khác: Một là thúc đẩy PCTN trong các địa hạt cơ bản của cuộc sống như giao thông, y tế, giáo dục và tăng cường chế tài đối với các hành vi nhũng nhiễu. Hai là thúc đẩy tiến trình cải cách tiền lương, kèm theo tinh giản biên chế, với sự học hỏi kinh nghiệm về cơ chế tiền lương công chức của các quốc gia tiên tiến, ví dụ như Singapore. Ba là mở rộng không gian sinh hoạt dân sự, chính trị cho người dân, đơn cử, tạo ra cơ chế khuyến khích người dân khiếu nại, tố cáo, sớm ban hành luật về hội và luật biểu tình. Bốn, quan trọng không kém, là nâng cao tính độc lập của Tòa án trong xét xử.

Về phía người dân, người dân cần từ chối, hoặc chí ít, hạn chế tiếp tay cho tham nhũng. Cùng với đó, người dân cần tham gia tích cực các hoạt động dân sự, chính trị hướng tới thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, chẳng hạn trang bị kiến thức pháp luật nói chung và kiến thức pháp luật về PCTN nói riêng; tạo ra các kênh thông tin phản ánh, lan truyền tin tức và nâng cao nhận thức về tham nhũng; tận dụng các kênh đối thoại với chính quyền; thực hiện và phát huy các quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, khiếu nại, tố cáo, v.v. và ngoài ra là khích lệ và truyền cảm hứng cho những người khác cũng thực hiện và phát huy các quyền này.

Chú thích:

[1] Nghị quyết 21/NQ-CP 2009
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-21-NQ-CP...

[2] Khoản 2, Điều 25, Luật Tố cáo 2018: “Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo quy định tại khoản 1 Điều này có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.”

[3] Thiệt hại từ tham nhũng gần 60.000 tỷ, thu hồi hơn 7%
http://vneconomy.vn/thoi-su/thiet-hai-tu-tham-nhung-gan-60000-ty-thu-hoi...

[4] Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI
https://towardstransparency.vn/vi/chi-so-cam-nhan-tham-nhung

[5] Điều gì thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam?
http://nghiencuuquocte.org/2018/07/06/dieu-gi-thuc-day-cuoc-chien-chong-...

[6] Như [5]