You are here

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể thượng tôn pháp luật?

Ảnh của nguyenvandai

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể thượng tôn pháp luật?

Luật sư Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội AEDC

Yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thượng tôn pháp luật là một trong những lý do mà anh Trần Huỳnh Duy Thức đã phải tuyệt thực 34 ngày.

Vậy thượng tôn pháp luật là gì?

Pháp luật muốn được thượng tôn thì pháp luật phải bắt nguồn từ người dân, lấy người dân làm trọng tâm và phải quan tâm sát sao đến lợi ích của người dân. Các văn bản luật phải đảm bảo phục vụ lợi ích của người dân. Để đại diện cho người dân những người làm luật phải đặt vị trí của mình ngang với người dân.

Theo giáo sư luật học Brian Tamanaha, thượng tôn pháp luật có nghĩa là cả chính quyền lẫn người dân phải cùng chịu sự ràng buộc bởi luật, và phải tuân theo luật. Định nghĩa này chứa đựng ba hàm ý chính: giới hạn quyền lực nhà nước, không ai được đứng trên pháp luật, và bình đẳng trước pháp luật

Bản chất của hệ thống pháp luật của chế độ cộng sản Việt Nam

Từ khi đảng cộng sản Việt Nam(CSVN) cướp được chính quyền, họ đã tiến hành xây dựng hệ thống pháp luật để làm công cụ bảo vệ cho chế độ độc đảng của họ. Bởi vậy, trong chế độ CSVN, mục đích và nhiệm vụ chính của pháp luật không phải là để bảo vệ lợi ích của người dân, trật tự xã hội mà là bảo vệ cho quyền lực và lợi ích của đảng CSVN.

Thánh Augustin(354-430) đã nói:“Luật bất công không phải là luật“.

Những năm gần đây, do hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, buộc nhà cầm quyền CSVN buộc phải xây dựng hệ thống pháp luật của họ cho sát với chuẩn mực quốc tế. Mặc dù các văn bản pháp luật có tiến bộ hơn, nhưng việc thực thi pháp luật thì còn tệ hơn trước bởi sự chà đạp và phỉ báng vào chính pháp luật do nhà cầm quyền CSVN xây dựng nên.

Nhà cầm quyền CSVN có thể thượng tôn pháp luật được không?

Khi đối chiếu với nội hàm của khái niệm thượng tôn pháp luật thì chúng ta thấy:

Thứ nhất là giới hạn quyền lực nhà nước. Điều này nhà cầm CSVN không thể làm được bởi trong hệ thống pháp luật và chính trị của chế độ không có cơ chế kiểm soát quyền lực như: Không có tự do báo chí hay không có báo chí tư nhân độc lập, không có các tổ chức đảng phái chính trị đối lập, không có hệ thống các tổ chức xã hội dân sự độc lập, không có bầu cử tự do và công bằng, không có hệ thống cơ quan tư pháp độc lập. Cả hệ thống chính trị của chế độ CS đua nhau lũng loạn quyền lực. Chính bản thân Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu đảng CSVN đã phải kêu gào kiểm soát quyền lực. Ông ta từng phát biểu là phải nhốt quyền lực trong lồng pháp luật, nhưng ông ta sẽ không bao giờ làm được bởi chính đảng cộng sản VN vừa là cơ quan làm luật vừa là cơ quan thực thi pháp pháp luật và cũng là cơ quan giám sát thực thi pháp luật bởi đảng CSVN lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội theo điều 4 Hiến pháp.

Triết gia Montesquieu(1689-1755) đã nói:“Nếu cơ quan cầm quyền vừa là kẻ thi hành pháp luật vừa tự mình là kẻ lập pháp, thì họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý nghĩ sai lầm. Nếu họ còn có thể nắm luôn cả quyền xét xử nữa thì họ có thể đè nát mọi công dân theo ý muốn của mình“.

Thứ hai là không ai được đứng trên pháp luật. Các quan chức và các cơ quan đảng CSVN từ trung ương tới địa phương không nằm trong hệ thống các cơ quan hành chính hay tư pháp. Nhưng họ có thể trực tiếp, dùng điện thoại hay thậm chí là văn bản để can thiệp vào hoạt động của các cơ quan hành chính hay tư pháp. Người dân Việt Nam ai cũng biết câu“ Việt Nam có một rừng luật, nhưng toàn sài luật rừng“. Điều này cho thấy sự coi thường và đứng trên pháp luật của cả hệ thống chính trị CSVN.

Một khẳng định của luật gia danh tiếng Dicey: “không một ai vượt trên được luật pháp, mỗi người dù ở bất cứ cấp bậc hay địa vị nào đều phải tuân theo luật pháp của quốc gia và phải phục tùng quyền tài phán của các tòa án. Bất kể là một quân nhân hay giáo sĩ, nếu có được miễn những nghĩa vụ pháp lý thông thường nhờ địa vị của họ, thì họ vẫn không thể trốn tránh những nghĩa vụ của một công dân bình thường”. 

Thứ ba là bình đẳng trước pháp luật. Nhà cầm quyền CSVN đã chà đạp lên quyền bình đẳng giữa các công dân Việt Nam với nhau khi họ tước đoạt quyền tự do hoạt động, tham gia và thành lập các tổ chức đảng phái chính trị của gần 90 triệu công dân Việt Nam. Bốn triệu công dân Việt Nam là đảng viên đảng CSVN thì có quyền làm báo, có quyền tự do hoạt động chính trị, có quyền và cơ hội để lãnh đạo đất nước. Còn gần 90 triệu công dân còn lại thì bị tước đoạt những quyền này. Mỗi năm, có gần một triệu thanh niên Việt Nam đủ 18 tuổi là có đầy đủ các quyền công dân, nhưng họ đã bị tước đoạt các quyền tự do hoạt động chính trị của mình. Trong chế độ cộng sản tại Việt Nam không bao giờ có quyền bình đẳng.

Như vậy có thể kết luận: “Nhà cầm quyền cộng sản VN không bao giờ biết thượng tôn pháp luật. Và những người biết thượng tôn pháp luật không bao giờ là những quan chức cộng sản“.

Tại sao nhà cầm quyền cộng sản không thượng tôn pháp luật do chính họ làm ra?

Nhà cầm quyền cộng sản VN không bao giờ có thể thượng tôn pháp luật bởi bản chất của một chế độ độc đảng chuyên chế là tuyệt đối hoá quyền cai trị của nó. Muốn tuyệt đối hoá quyền cai trị của mình thì nhà cầm quyền CSVN phải chà đạp và tước đoạt quyền tự do, dân chủ của Nhân dân. Mà chà đạp hay tước đoạt các quyền con người là sự phỉ báng pháp luật.

Đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ có thể đứng vững và tồn tại trong một nền chính trị tự do có đa nguyên, đa đảng.

Bởi vậy, nhà cầm quyền CSVN mà thượng tôn pháp luật là tự hủy diệt chính họ.

Đấu tranh để yêu cầu nhà cầm quyền CSVN thượng tôn pháp luật là một việc làm vô nghĩa. Thay vào đó, chúng ta phải đấu tranh để xoá bỏ chế độ cộng sản VN chuyên chế và phản động. Xây dựng một chế độ mới do Nhân dân làm chủ thực sự thông qua các tổ chức, đảng phái chính trị do chính Nhân dân thành lập lên.

Ngày 20 tháng 9 năm 2018

Luật sư Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội AEDC