You are here

Luật biểu tình – một cái bánh vẽ không thể thành hình

Biểu tình vì cái gì?

Và biển Việt Nam chết tự bao giờ?

Câu trả lời là biển Việt Nam chết từ khi tâm hồn người Việt không còn và không thể bao dung và rộng lượng được nữa, từ khi các phe nhóm lợi ích nổi lên từ địa phương đến trung ương. Và tình trạng các nhóm lợi ích cấp cao hơn phủ che xuống nhóm lợi ích địa phương tạo ra những bức xúc tuyến tính nhưng lại dễ tạo ra hiệu ứng bàng quang ở số đông người Việt. Và câu trả lời thứ hai sẽ giúp đi đến câu trả lời thứ nhất.

Tôi muốn nhấn mạnh, tình trạng biểu tình kêu gọi chống luật đặc khu nhanh chóng chết đi không chỉ vì bị đàn áp mà vì một nguyên nhân khác sâu xa hơn: Người Việt Nam cảm thấy mình bị gạt khỏi những giá trị dân tộc và chủ quyền quốc gia.

Ở khía cạnh thứ nhất, người dân cảm thấy mình bị gạt ra khỏi những giá trị dân tộc, chuyện này không phải mới đây, đặc biệt là vấn đề về biển, bờ biển. Bỏ qua hàng loạt những thiệt thòi của người dân về tài nguyên, giá trị dân tộc và nhiều thứ liên đới trong suốt chiều dài nhiều thập kỉ, kể từ khi chủ nghĩa Cộng sản phủ màu lên Việt Nam, chỉ xin nói qua về quyền lợi của người dân với bờ biển, tài sản do thiên nhiên ban tặng.

Không phải mới đây, mà đã rất lâu, từ khi kĩ nghệ du lịch giúp cho nhiều gia đình hái ra tiền thì hầu hết bờ biển Việt Nam đều lọt vào tay các nhóm lợi ích địa phương. Các bờ biển tự nhiên, thơ mộng nhanh chóng bị phân lô và các tay quan chức chính quyền địa phương đã chia thịt bờ biển. Các chủ quán ven biển đều là những kẻ có thế lực dây mơ rễ má với giới chức địa phương. Và các chủ quán ven biển này tự cho phép họ cái quyền cấm biển đối với người dân.

Trước đây, người nông dân các vùng trung du hay miền núi, thậm chí đồng bằng nghèo khổ có thể thỏa ước mơ đi tắm biển, thăm biển hay ngắm biển bằng cách đạp xe, đi xe máy hoặc đi xe buýt tìm đến bờ biển, trải một tấm bạt cùng ngồi với nhau... Nhưng đó là câu chuyện đã xưa, hiện tại, và chuyện này cũng không phải mới xảy ra, các chủ quán ven biển tự cho họ cái quyền cấm được trải bạt, cấm được ngồi nghỉ ngơi trên bãi biển trong các vị trí ngay trước quán của họ, mặc dù sát mép nước. Và những cái ghế tắm nắng được bày ra khắp các bờ biển, các hàng quán bày ra khắp nơi với giá chặt chém không thương tiếc. Điều này làm cho đại bộ phận người dân cảm thấy họ bị đẩy ra khỏi các quyền lợi dân tộc một cách rất tự nhiên.

Và nhìn lại lần nhiễm độc tại các bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, những người được đền bù thiệt hại cũng chỉ xoay quanh các chủ hàng quán, những gia đình giới chức có nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản hoặc khai khống để nhận đền bù... Quyền lợi của đại bộ phận nhân dân không được nhắc đến. Và với đại bộ phận nhân dân, việc chuyển tư hữu các phần bờ biển từ tay người Việt Nam sang người Trung Quốc cũng không có ý nghĩa gì mấy đối với họ. Bởi cho dù nó nằm trong tay người Việt hay nằm trong tay người Trung Quốc, điều đó cũng chẳng mang lại lợi ích nào hay chút lân mẫn nào cho những người nghèo khổ như họ. Tâm lý dửng dưng của người dân bắt nguồn từ việc nhận biết các quyền lợi dân tộc bị cắt xén bởi các nhóm lợi ích địa phương.

Và đâu đó, khi có những cuộc biểu tình nhỏ lẻ hoặc biểu tình rầm rộ ở các địa phương để phản đối các tập đoàn... Điều này không hoặc rất hiếm xuất phát từ tâm thức bảo vệ dân tộc mà nó đã có bàn tay lèo lái từ các nhóm lợi ích địa phương hoặc các nhóm chính trị từ bên ngoài, đây là khả năng khó chối bỏ. Rất hiếm hoi những cuộc chống đối, nổi dậy bởi ý thức nội tại và tinh thần dân tộc. Bởi điều đó quá xa vời đối với người dân. Và nếu có một động cơ chung để biểu tình, nổi dậy hay cách mạng, có vẻ như động cơ không phải và khó có thể là Chống Bành Trướng Trung Quốc.

Cái động cơ Chống Bành Trướng Trung Quốc chỉ gần và có trong những người trí thức, những người quan tâm dến vận mệnh dân tộc và, vẫn có trong huyết quản đại bộ phận nhân dân. Nhưng khi phân tích và mổ xẻ về chuyện được/mất giữa bành trướng Trung Quốc với bành trướng lợi ích nhóm địa phương, lợi ích nhóm Trung ương trước các đợt bố ráp, khủng bố tinh thần... Thì người dân xem việc bành trướng Trung Quốc hay bành trướng lợi ích nhóm đều độc hại như nhau, thậm chí chẳng có thằng nào tốt hơn thằng nào!

Chính vì vậy mà hầu hết các cuộc biểu tình, bày tỏ thái độ của người dân đều nhanh chóng và dễ dàng bị bẻ lái sang biểu tình kêu gọi lật đổ chế độ hoặc nhẹ nhất cũng là biểu tình kêu gọi bãi nhiệm hay giải giáp quyền lực của một nhóm quyền lực địa phương nào đó. Điều này không do bất kỳ động cơ chính trị có tính khởi nguyên nào mà do những tác động nhỏ trong quá trình biểu tình. Nhưng động lực lớn mạnh nhất vẫn là sự bất mãn đến tận chân tơ, kẽ tóc của người dân trước sự vô cảm, giả dối và tham lam của các nhóm lợi ích, của chính quyền từ địa phương đến trung ương.

Nghĩa là, biển, đất liền, tài nguyên và các giá trị dân tộc đã bị xẻ thịt, bị chia phần bởi các nhóm lợi ích từ rất lâu, người dân không có phần trong các giá trị đó và động cơ để đấu tranh giữ lấy các giá trị này trước ngoại bang của đại bộ phận nhân dân là rất thấp. Và vì sao các cuộc biểu tình luôn manh nha bạo động lật đổ chính quyền, luôn là mối nguy, nỗi lo của nhà cầm quyền và họ buộc phải ra tay gắt gao, sắc máu? Bởi vì họ nhìn thấy trách nhiệm, bổn phận trả lại các giá trị dân tộc chỉ nằm trong tay bành trướng Trung Quốc chưa tới 20% mà nằm trong tay đảng lãnh đạo đến hơn 80%.

Một khi người dân biểu tình hay nổi dậy đòi lại các giá trị dân tộc, thì không ai ngoài đảng Cộng sản phải là kẻ đầu tiên có trách nhiệm trả lại. Và khi đảng Cộng sản trả lại giá trị dân tộc thì những gì thuộc về xâm lược ngoại bang sẽ giải quyết một cách dễ dàng, nhanh chóng. Và đây là đầu mối, nguyên nhân mà hầu hết các cuộc biểu tình ở Việt Nam bị đàn áp thô bạo, gắt máu và luật biểu tình luôn là cái bánh vẽ chưa bao giờ thành hình tại Việt Nam.