You are here

Sự khốn nạn là kim chỉ nam của chế độ?

Vì sao phải nói rằng sự khốn nạn là kim chỉ nam của chế độ? Có lẽ phải quay trở lại câu chuyện của hai người đàn ông gặp xui xẻo trong tuần qua, mặc dù đây không hẳn là câu chuyện điển hình về tính khốn nạn nhưng nó mới nhất và cũng là ví dụ sinh động về điều nay.

Câu chuyện thứ nhất: Ông Nguyễn Văn Tấn phải nộp phạt 17 triệu đồng vì chưa kịp trình giấy phép kinh doanh của quán Xin Chào mà chỉ mới trình giấy hẹn cấp phép kinh doanh. Và sau khi có đầy đủ giấy tờ kinh doanh thì ông bị công an và viện kiểm sát huyện Bình Chánh, Sài Gòn truy tố hình sự về an toàn thực phẩm trong lúc quán Xin Chào chưa có khách hàng nào bị ngộ độc thực phẩm hay bị ảnh hưởng sức khỏe vì ăn uống ở đây.

Và vụ thứ hai: Ông Nguyễn Văn Bỉ, một nông dân nghèo, đang sống trong căn nhà cấp bốn xây theo diện nhà tình nghĩa cất chòi nuôi vịt và cũng bị công an, viện kiểm sát Bình Chánh khởi tố hình sự vì đã cất chòi nuôi vịt không có phép và ông có thể bị ghép tội xây dựng nhà trái phép. Mặc dù việc xây dựng nhà trái phép cũng không phải là tội hình sự.

Ở các hai câu chuyện của ông Tấn và ông Bỉ có những điểm chung: Quyết định khởi tố do ông Nguyễn Văn Quý – Trưởng công an Bình Chánh ký và hoàn tất hồ sơ khởi tố bởi Viện kiểm sát huyện Bình Chánh; Cả hai ông đều bị khởi tố hình sự trong lúc mọi tình tiết vi phạm (nếu có) của hai ông đều không thể đi đến khởi tố hình sự; Cả hai ông đều là người lao động chân chính và bị hại bởi công an, viện kiểm sát.

Thử đặt ngược vấn đề: Tại sao gần đây, bất kỳ vụ việc gì cũng có thể bị hình sự hóa? Và những vụ hình sự hóa trên đây nói lên điều gì?

Ở câu hỏi thứ nhất, hỏi mà cũng là trả lời, chắc chắn sắp tới đây, ngành công an sẽ bằng mọi giá hình sự hóa tất cả mọi chuyện. Vì hơn bao giờ hết, lòng dân đã hoàn toàn trống rỗng với chế độ Cộng sản. Và đây là mối nguy lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam. Người dân đã thấy rõ ruột gan của nhà cầm quyền, thậm chí họ hiểu rõ tâm tính của kẻ cai trị họ.

Ông Tấn, chủ quán Xin Chào dù có mù mờ cũng thừa hiểu rằng ông đang sống trong chế độ mà công an có thể viện bất kì lý do nào đó để hù dọa ông, mục đích hù dọa là để kiếm phong bì, mè nheo, vòi vĩnh. Nhưng ông đã chơi quá cứng, đã làm đúng theo những gì pháp luật qui định nên bọn họ không xơ múi được gì, chuyển qua chơi bẩn với ông. Chuyện này không lạ!

Còn ông Bỉ, chuyện này chắc chắn là ông bị hình sự hóa rồi. Vì kinh nghiệm những vụ như Đoàn Văn Vươn đã cho thấy người dân sẵn sàng cho nổ tung bình gas để bày tỏ chính kiến trước những bất công do nhà cầm quyền mang lại. Người dân sẵn sàng để cho bình gas và bom xăng nói thay cho nỗi uất ức, bất công mà họ đã gánh chịu.

Chính vì người dân không còn tin tưởng vào nhà cầm quyền, vào đảng lãnh đạo nên nỗi sợ hãi của đảng Cộng sản đang ngày càng lớn dần. Dùng thủ đoạn hay dùng những đòn bẩn để hại dân nếu nói đơn giản thì đó là biểu hiện của tính tiểu nhân, của kẻ hèn hạ nhưng nếu nói rộng ra trên một đất nước thì đó là nỗi sợ hãi và mặc cảm đã thành hình. Càng sợ hãi mất chế độ thì đảng cầm quyền càng trở nên hung tợn và càng mặc cảm nhân dân hết tin vào mình thì đảng Cộng sản càng trở nên đê hèn trong các thủ đoạn.

Và người ta càng dùng thủ đoạn bao nhiêu, càng dữ tợn bao nhiêu càng cho thấy có quá nhiều thứ lỗi tương đương đang được che giấu, bọc kín bấy nhiêu. Ví dụ như khi so sánh câu chuyện giữa quán Xin Chào và tập đoàn Tân Hiệp Phát, mặc dù khác nhau về cấp độ và nhiều vấn đề khác nhưng có chung một vấn đề là cung cấp thực phẩm và nước uống, đều liên quan đến chuyện ăn uống.

Chủ quán Xin Chào bị đẩy vào tình tiết hình sự mặc dù chưa có bất kì thức ăn hay thức uống nào của ông Tấn cung cấp cho khách hàng bị hỏng. Trong khi đó, Tân Hiệp Phát đăng ký kinh doanh hàng sản xuất từ nguyên liệu thuần Việt nhưng lại dùng hương liệu và nguyên liệu của Trung Quốc, tung ra thị trường hàng trăm sản phẩm lỗi, có nguy cơ xấu cho sức khỏe. Nhưng những ai tố Tân Hiệp Phát đều phải vào tù. Ở đây, chỉ có một vấn đề duy nhất là ông Tấn của quán Xin Chào không có cái dù che chở, còn Tân Hiệp Phát thì khác!

Kế đến, vụ ông Bỉ, giả sử ông Bỉ cố tình làm nhà ở trên diện tích đất che chòi vịt, thì tương đương vụ ông Bỉ có đến cả trăm vụ xây dựng nhà, biệt thự trong rừng cấm, trong khu bảo tồn quốc gia, trong khu quân sự từ Ba Vì cho đến Hải Vân. Và chắc chắn những biệt thự xây dựng trong Ba Vì hay Hải Vân không có giấy phép xây dựng.

Nhưng chủ của những căn nhà ở Ba Vì hay Hải Vân có bị gì đâu?! Thậm chí bắt họ dở nhà chưa chắc họ đã dở. Trong khi đó, một người nghèo đang sống trong căn nhà tình nghĩa, muốn che một cái chòi trên mảnh đất hoang, không phải là rừng cấm, cũng không phải là khu vực quân sự để nuôi vịt thì bị ghép tội hình sự để mang ra tố tụng.

Giả sử ông Bỉ đang là chủ tịch huyện Bình Chánh mà che một cái chòi nuôi vịt thì không chừng ông đã thành anh hùng lao động, thành tấm gương thanh liêm và cao quí của một đảng viên Cộng sản và được ca ngợi không hết lời. Rất tiếc ông Bỉ là một người nghèo, đến đất nuôi vịt cũng không thuê nổi nên mới sinh sự ra vậy. Giả sử nếu ông có một cái phong bì dày cộm bỏ vào túi những kẻ nhũng nhiễu ông thì cớ sự không đến nỗi như vậy!

Hay ví dụ như ông Bỉ là ông Bríu Liếc, ông đang làm Bí thư huyện ủy giống ông Liếc thì ông có đào hầm miên mang dưới cái trại vịt cũng chẳng đến nỗi gì, nếu báo chí phát hiện thì ông Bỉ sẽ nói rằng ông thật là buồn cười cho xã hội, ông đào hầm để chưng cất rượu và Viện kiểm sát Bình Chánh hay Chủ tịch huyện, Trưởng Công an huyện sẽ nói rằng chưa bao giờ nghe nói đến cái hầm nào dưới chuồng vịt và hình như cái chuồng vịt dã chiến đó mới mọc cách nay mấy ngày thôi, không có vấn đề gì!

Vì sao lại có chuyện tréo ngoe như vậy? Bởi vì sự khốn nạn đã thấm vào từng chân tơ kẽ tóc, đã luân chuyển trong huyết quản của chế độ. Những kẻ tuy ngồi ghế quyền lực, tuy làm nhiệm vụ phục vụ xã hội thông qua bộ máy nhà nước và làm cho xã hội tốt đẹp hơn lại chính là những kẻ tội lỗi, thậm chí là những kẻ khốn nạn, lưu manh ra mặt và sẵn sàng đạp dân đen xuống hố để vừa lòng cấp trên hoặc để trả thù vì người ta đã không biết điều với y, đã không cho y thứ y muốn, không đút lót, hối lộ với y.

Và vì sao lại có quá nhiều lẻ khốn nạn trong chế độ Cộng sản? Bởi đơn giản, chế độ Cộng sản hình thành và phát triển trên nền tảng của sự khốn nạn. Sự khốn nạn vốn dĩ là kim chỉ nam của chế độ. Khi cả một hệ thống trưởng thành nhờ vào sự khốn nạn thì sự khốn nạn càng phát triển, chế độ càng tồn tại lâu dài. Ngược lại, giả sử đất nước Việt Nam bỗng dưng trở nên tử tế trong vòng mười ngày, nửa tháng, điều đó sẽ kéo theo hệ quả là chế độ Cộng sản không còn dấu vết nào trên đất nước này!