You are here

Nguy cơ bầy đàn từ cơ chế bầy đàn

Một thời đại bầy đàn sẽ sinh ra những thế hệ, thông qua cơ chế lãnh đạo, những lớp người mang tâm lý bầy đàn và bản năng, dục vọng sẽ lên tiếng thay thế tiếng nói của đạo đức, phẩm hạnh hay tình người. Đó là cái giá phải trả của bất kỳ cộng đồng, dân tộc nào sống dưới cơ chế bầy đàn.

Hình ảnh người ta chen chúc nhau, hú hét và đạp rào chắn để tranh chỗ dâng lễ trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương vào Mồng Mười tháng Ba âm lịch năm nay tại Phú Thọ như một trái phá đánh thẳng vào những ai ngây ngô với niềm tin rằng người Việt Nam rồi đây sẽ tốt đẹp hơn trong chế độ xã hội chủ nghĩa đích thực. Bởi các đời Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ quan điểm: “Chúng ta đang trong giai đoạn quá độ lên xã hội chủ nghĩa, khi mà kinh tế chúng ta đủ mạnh, đủ bền thì chúng ta sẽ là một thiên đường xã hội chủ nghĩa…”.

Đó là một loại lý lẽ mị tính, chẳng có gì để bàn. Vấn đề cần bàn ở đây chính ở chỗ ngay cả trong lòng miền Bắc, trước năm 1975, hầu như không có kiểu xô bồ như hiện tại. Và tại miền Nam Việt Nam, trước 1975 sạch sẽ, văn minh bao nhiêu thì sau 1975, mọi thứ trở nên xô bồ, hỗn độn bấy nhiêu. Điều này cho thấy vấn đề gì? Và đâu là nguyên nhân?

Trước nhất, hình ảnh người ta chen lấn nhau để chờ ăn sushi miễn phí hay xô dẩy, giẫm đạp nhau để nhận quà, đạp nhau để tranh phết cầu may, chen chúc, hú hét, giẫm đạp lên nhau để đội lễ lên đền Hùng… Tất cả đều khái quát tính bầy đàn và man rợ mà những đám đông này có được.

Điều này có phải do nguyên nhân từ chỗ xếp hàng chầu chực miếng thiếu ăn, sợ đói khổ và sợ cắt mất phần ăn ở thời kinh tế tập trung bao cấp để lại? Phải, nhưng đó chỉ là một phần của nguyên nhân. Thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kéo qua đất nước này đã ngót nghét 30 năm, kể từ 1986 đến 2016. Ba mươi năm đủ để người ta thay đổi cho hợp thời đại và hợp với phông văn hóa chung. Hơn nữa suốt 30 năm không có xếp hàng chầu chực miếng ăn, không đến nỗi đói khổ, không đến nỗi quá lo lắng về miếng ăn, cái mặc nhưng tại sao người ta vẫn cứ hành xử mông muội, bầy đàn?

Điều này bắt buộc phải coi lại chế độ cầm quyền, bởi đó là thứ qui luật đương nhiên, một chế độ cầm quyền tử tế sẽ cho ra những sách lược tử tế và có những chính sách xã hội tử tế để cuối cùng là một xã hội tử tế hình thành dưới chế độ cầm quyền đó. Ngược lại, một chế độ cầm quyền bầy đàn và mông muội sẽ sinh ra những sách lược bầy đàn, mông muội để cuối cùng là kéo theo cả một dân tộc bầy đàn, mông muội dưới bàn tay cai trị của chế độ đó.

Điều này buộc phải coi lại cơ chế cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam! Tuy rằng cơ chế kinh tế đã chuyển đổi theo hướng thị trường nhưng cách hành xử, sách lược và chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đậm đặc tính bầy đàn, mông muội.

Tính bầy đàn, mông muội từ Hiến Pháp và trên cả Hiến Pháp, một chuyện chỉ có trong chế độ Cộng sản. Điều 4 Hiến Pháp đã qui định đảng Cộng sản là đảng lãnh đạo duy nhất, như vậy, tính độc tài đã được pháp chế hóa, bên cạnh đó, luận cương và điều lệ đảng luôn đặt cao hơn  Hiến Pháp, điều này cho thấy tính bầy đàn của đảng Cộng sản cao hơn bao giờ hết. Bởi nếu không đặt nặng quyền lợi cũng như không coi trọng tính bảo thủ, tính bầy đàn thì người ta không thể đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của dân tộc.

Một khi đã đặt lợi ích dân tộc bên dưới để đặt lợi ích của đảng Cộng sản lên cao hơn thì cơ chế lãnh đạo và cai trị của nó sẽ đậm tính bầy đàn. Tính bầy đàn nhen nhóm từ chỗ lợi ích nhóm, từ chỗ muốn yên thân hay muốn vinh thân phì gia thì phải có tính đảng, phải theo đảng và phải là đảng viên, phải nằm trong hệ thống của đảng. Điều này vô hình trung đẩy xã hội vào tâm lý bầy đàn, muốn có sức mạnh thì phải có bầy đàn, muốn tiến thân thì phải có đảng.

Cái tâm lý bầy đàn này nhen nhóm, hình thành và phát triển kể từ khi trẻ em bắt đầu tham gia Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh cho đến lúc tham gia Thanh Niên Đoàn để rồi cố gắng, nỗ lực học điều lệ đảng và để được nhắm đối tượng đảng, được kết nạp đảng. Vô hình trung, đảng trở thành bầy đàn ưu tú, bầy đàn mạnh nhất giữa những bầy đàn bị xô ra khỏi chuồng có nhiều thức ăn và (ngoại trừ những thành phần trí thức, hiểu biết và có phản biện xã hội, có tư duy độc lập, dân chủ) những thành phần không được vào đảng, không được kết nạp vào bầy đàn ưu tú, bầy đàn mạnh nhất thì sẽ tìm cách tồn tại giữa một rừng bất an vì không có chỗ chống lưng.

Và một khi sống giữa rừng bất an, phải đối mặt với hàng trăm thứ bất công, trong đó chủ yếu là bất công do bầy đàn mạnh nhất mang lại, bản năng sinh tồn của người ta phải trỗi dậy như một cơ chế đề kháng tự nhiên. Trong khi đó, tiến trình phát triển tâm lý bầy đàn trong xã hội lại là thứ cần thiết nhất của bầy đàn mạnh nhất, cụ thể ở đây là đảng Cộng sản. Bởi tính bầy đàn nổi dậy càng mạnh thì tính tĩnh lặng, sự minh triết càng mất đi tỉ lệ. Khi cả đất nước thành một đám đông hò hét thì bầy đàn mạnh nhất, hung hăng nhất sẽ dễ dàng lãnh đạo cái đám đông hò hét, hầm hố và bầy đàn còn lại.

Trong khi đó, ngược lại, với một đất nước mà giá trị suy tư, giá trị tư lự và chiêm nghiệm đã thấm nhuần trong mỗi cá thể công dân, người ta nghĩ đến phẩm hạnh và đạo đức thì chắc chắc người ta phải coi trọng giá trị con người, coi trọng tính sáng tạo và tính độc lập, coi trọng tự do… Và để có những điều đó, người ta buộc phải đấu tranh, phải tìm và phải hy sinh, thậm chí phải sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro trước sức mạnh bầy đàn thủ lĩnh. Và đây là điều mà nhà cầm quyền bầy đàn không bao giờ mong xảy ra, họ phải triệt tiêu bằng mọi giá.

Những động thái triệt tiêu không phải ngày một ngày hai mà được. Ngay từ đầu thống nhất hai miền bằng màu cờ Cộng sản, người Cộng sản đã thực hiện chính sách Độc Thần của họ bằng cách tôn thờ Hồ Chí Minh, ướp xác của ông và thờ phụng trong lăng trang nghiêm, dành cơ hội đi thăm lăng ông cho những thành phần ưu tú trong xã hội. Tiếp đó là đập phá đền đài, miếu mạo, đạp đổ thần linh trong nhân dân. Một khi thần linh trở thành mối đe dọa trong nhân dân, sự tôn thờ và kính ngưỡng có thể trở thành mối nguy cho tính mạng thì người ta hoặc là bỏ trốn đi nơi khác hoặc là chấp nhận mình vô thần để được yên thân.

Và trong cái sinh quyển vô thần của nhân dân, có một ông thần Hồ Chí Minh luôn ngự trị, ông trở thành thần hộ mệnh cho bất kì ai dưới triều đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Và đến khi ông thần Hồ Chí Minh đã chính thức được phong thần, đã được chính mồm mép của các ông sư bà ni hay cha đạo đội nón cối xác quyết là bố tát, là thánh… Thì việc còn lại của đảngđộc tài và độc thần là phải tạo ra những bộ đệm thần linh. Chính những bộ đệm thần linh này sẽ đảm bảo tính lâu dài của chủ nghĩa Độc Tài và Độc Thần. Vì sao?

Bởi hiện tại, một khi chủ nghĩa vô thần đã trở nên nhảm nhí trong nhân dân và toan tính độc thần cũng bị lung lay bởi những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền, bởi những tương tác trong thế giới phẵng thời đại internet và bởi những bí mật xấu của lãnh tụ bị bạch hóa thông qua thế giới mạng, thông qua những trang mạng xã hội, hình ảnh của ông thần Hồ Chí Minh trở nên méo mó và không còn đảm bảo tính linh thiêng của nó nữa.

Lúc này, nhu cầu xây dựng một lớp đệm thần linh sẽ cao hơn bao giờ hết, tái xây dựng, phục chế và thậm chí xây mới đền đài miếu mạo, lăng tẩm, điện… Và tổ chức các hoạt động nhảy ốp đồng hay cầu cơ, các sinh hoạt tâm linh giả cầy được phép hoạt động hết công suất dưới sự bảo trợ của đảng cầm quyền. Và đương nhiên, một phần mê tín dị đoan và một phần tâm linh thuần nhiên trong nhân dân được đánh thức. Lúc đó, nhà cầm quyền nghiễm nhiên lồng ghép, đan xen hoạt động tâm linh với hoạt động chính trị.

Không cần tinh ý người ta cũng dễ dàng nhận thấy bất kì ngôi chùa quốc doanh hay đền miếu quốc doanh nào cũng có tượng Hồ Chí Minh. Trong khi đó, chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ quốc doanh chiếm số lượng cao và hoạt động rất mạnh.

Khi người ta qùi mọp lạy khấn thần linh là lúc mọi niềm tin ký thác vào hành vi vái lạy. Và khi người ta ngước lên thấy Hồ Chí Minh đứng trên cả thần linh cũng là lúc người ta buộc phải treo niềm tin trên sợi dây huyễn hoặc của tâm hồn mình. Một thế giới bầy đàn ra đời trong một nhà nước bầy đàn và những hoạt động xã hội ngày càng bầy đàn hơn để đảm bảo cho bầy đàn lãnh đạo được yên vị. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể nhìn thấy ngày hôm nay và đừng hỏi vì sao ngày càng đông người Việt Nam hành xử bầy đàn mà chỉ cần hỏi cơ chế lãnh đạo của  đảng Cộng sản có phải là cơ chế bầy đàn hay không là đủ!