You are here

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không (IX)?

Tạm kết thúc loạt bài này bằng cách tóm tắt lại một số ý sau đây :

Xét về đòi hỏi của thực tiễn, xét về yêu cầu bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước cũng như gìn giữ văn hóa và các giá trị đạo đức, các giá trị nhân văn của xã hội, cải cách phải trở thành một tất yếu, phát triển nội lực phải trở thành một tất yếu. Tình thế đòi hỏi phải cải cách. Trong tình trạng của Việt Nam hiện nay, không thể không cải cách, không thể không phát triển nội lực.

Tuy nhiên, xét trên thực tế lịch sử của Việt Nam trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, đã nhiều lần những người cầm quyền để cho nội lực của đất nước suy yếu, ngủ quên trong say sưa chiến thắng, mất cảnh giác, dẫn đến mất nước. Bi kịch lịch sử này hoàn toàn có thể lặp lại, nếu những người đang cầm quyền hiện nay không đủ sáng suốt và không đủ năng lực để tiến hành các biện pháp cần thiết và thực hiện một chương trình cải cách sâu, rộng và triệt để. Dĩ nhiên, trong bối cảnh hiện tại, có thể không lặp lại hình thức mất nước như trước đây, trong lịch sử, nhưng Việt Nam có thể trở thành một phiên thuộc kiểu mới của Trung Quốc, nhiều người cho rằng trên thực tế đã là như vậy.

Ở thời điểm này, các phân tích cho thấy, hai khả năng trên đây đều có thể xảy ra. Nhiều dấu hiệu chứng tỏ bộ máy lãnh đạo có mong muốn cải cách, có thể do không muốn bị xem là phải chịu trách nhiệm trong việc không bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Nhưng cũng có vô số dấu hiệu chứng tỏ rằng các mong muốn cải cách chỉ là nửa vời, chỉ mang tính đối phó. Lợi ích cục bộ của đảng cầm quyền, và lợi ích cá nhân của các cán bộ lãnh đạo vẫn đang là ưu tiên số một, được đặt trên lợi ích quốc gia.

Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân kìm hãm cải cách là : nhận thức của những người lãnh đạo không bắt kịp với trình độ phát triển của thế giới hiện nay, hoặc nói cách khác là nhận thức của họ dừng lại ở một trình độ rất lạc hậu, nhưng họ không tự biết. Điều quan trọng chính là ở chỗ họ không tự nhận biết thực tế này. Họ vẫn rất tự hào, như nửa thế kỷ trước đây họ đã tự hào rằng mình đứng ở đỉnh cao của nhân loại (tâm lý này Tố Hữu phản ánh trong câu thơ : « Chào 61 đỉnh cao muôn trượng). Chính là sự tự tin thái quá (hay đúng hơn là sự kiêu căng) này kìm hãm các khả năng cải cách, bởi nó khiến cho dàn lãnh đạo Việt Nam không có tinh thần học hỏi thực sự, không tiếp thu được các tiến bộ của nhân loại.

 Một lý do nữa cũng cần phải nhấn mạnh : năng lực lãnh đạo của toàn thể bộ máy cầm quyền bị hạn chế do phương thức tuyển dụng nhân sự đặt ưu tiên vào sự trung thành với đảng cầm quyền, coi đó như là phẩm chất hàng đầu. Chính ưu tiên này sẽ là nguyên nhân khiến cho những người có thực tài không thể đứng vào hàng ngũ lãnh đạo, nếu họ không chấp nhận lối sống hai mặt, và không chấp nhận tha hóa về nhân cách.

Đồng thời, do không ngăn chặn được việc tuyển dụng bị biến thành một hình thức mua bán chức vụ (hiện tượng này đặc biệt phát triển trong khoảng mười năm nay, dưới sự điều hành của chính phủ đương nhiệm) nên bộ máy lãnh đạo sẽ chỉ tuyển được những người đã tha hóa hoặc chấp nhận tha hóa về đạo đức. Hơn nữa nếu nhờ bỏ tiền ra hoặc nhờ quan hệ gia đình, họ hàng mà mua được vị trí lãnh đạo, thì dĩ nhiên, cách tuyển dụng này không dựa trên năng lực thực sự, và động lực làm việc của những người bỏ tiền mua ghế sẽ chỉ là làm sao thu lại được số tiền đã bỏ ra, và làm sao để có thật nhiều tiền cho bản thân mình. Nghĩa là trong đầu chỉ còn có lợi ích của bản thân mà thôi. Lô-gic này đã được phân tích nhiều, nhưng cho đến hiện nay chưa hề có các biện pháp để hạn chế hay loại bỏ việc này. Lý do có thể là vì đấy chính là chủ trương của những người điều hành chính phủ,là cách thức để họ tạo vây cánh. Với những cán bộ lãnh đạo thuộc loại này thì không thể hy vọng có cải cách, bởi vì cải cách đồng nghĩa với việc tự loại bỏ chính họ.

Xét trong bối cảnh tha hóa cùng cực về nhân cách, trong xã hội tham nhũng và mọi thứ đều có thể mua và bán, ở Việt Nam hiện nay, việc một người như ông Nguyễn Phú Trọng được chọn làm người đứng đầu hệ thống lãnh đạo phải chăng nên được xem là có những khía cạnh tích cực nhất định ? Bởi muốn chống tham nhũng, muốn chống lại các nhóm lợi ích, cần phải có một người lãnh đạo không tham nhũng và đứng ngoài các nhóm lợi ích.

Tuy nhiên, Tổng bí thư đang bị đặt trước nhiều hoài nghi. Và những hoài nghi đó không phải là không có cơ sở. Thậm chí hoàn toàn không sai khi nói rằng có rất nhiều căn cứ cho những hoài nghi của dân chúng. Đa số cho rằng ông cầm đầu phái thân Trung, ông quá sợ Trung Quốc và lệ thuộc Trung Quốc về mặt tư tưởng. Và những người này lo sợ rằng dưới sự cầm quyền của ông, Việt Nam sẽ rơi thẳng vào tay Trung Quốc. Nhiều người nhìn cuộc chiến quyền lực vừa qua của ông như là biểu hiện của sự tham nhũng quyền lực, và cho rằng tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn là tham nhũng tiền bạc. Thêm vào đó, các phát ngôn của ông thường gây thất vọng, ngay sau đại hội XII một số phát ngôn của ông đã gặp phải phản ứng mạnh của dư luận. Và sau đại hội, dù chưa thấy có thêm bắt bớ, nhưng đàn áp vẫn tiếp diễn, công nhân, dân oan và trí thức phản biện vẫn đang tiếp tục là nạn nhân của một chính quyền công an trị.

Chỉ có một số rất ít người nhìn vào sự liêm khiết về tiền bạc của ông mà đặt một hy vọng mong manh rằng ông có thể thực hiện các cải cách cần thiết. Trong số rất ít này có tôi, người viết bài này.

Cơ sở cho sự hy vọng của tôi đặt trên lập luận này : một người không tham nhũng, nghĩa là không bán mình vì tiền, người đó còn có tự trọng cá nhân ; một người còn tự trọng cá nhân sẽ còn ý thức về tự tôn dân tộc ; và vì cả hai lý do này, vì để giữ tự trọng cá nhân và tự tôn dân tộc mà sẽ sẵn sàng thay đổi nhận thức, và cải cách chính là kết quả của thay đổi nhận thức. Nếu không có sự thay đổi nhận thức ở tầng lớp lãnh đạo thì sẽ không có cải cách.

 Bản thân chữ « cải cách » bao hàm trong nó nét nghĩa « thay đổi ». Để có thể xây dựng các chính sách cải cách thì điều kiện tiên quyết là phải có sự thay đổi trong đầu, tức là trong tư duy của những người làm chính sách, những người lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ý thức rằng suy luận từ góc độ tâm lý học này của tôi, như mọi suy luận thuộc dạng khác, có thể sụp đổ trước thực tế.

Muốn có cải cách, điều kiện tiên quyết là TBT và hệ thống lãnh đạo phải thay đổi nhận thức và thay đổi quan điểm. Nếu không có sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo, sẽ không có cải cách. Một lần nữa tôi nhấn mạnh điểm này.

Tổng bí thư sẽ sử dụng vị trí quyền lực mà ông đang có vào việc gì ? Vào việc củng cố quyền lực của đảng, và của cá nhân ông, bất chấp các thiệt hại mà quốc gia và dân tộc phải chịu ? Hay ông sẽ sử dụng khoảng thời gian quý giá ít ỏi còn lại cho một người làm chính trị ở tuổi ông để tiến hành một chương trình cải cách sâu rộng và triệt để nhằm mang lại những lợi ích to lớn cho cả cộng đồng chung ?

Ông đã có những bước đi mang tính lịch sử : là TBT đầu tiên của đảng cộng sản Việt Nam hội đàm với Tổng thống Mỹ. Đối với tôi, hành động này chứng tỏ một cách thuyết phục rằng TBT có khả năng thay đổi : từ chỗ lo sợ và lên án diễn biến hòa bình (vốn bị đảng xem là nằm trong âm mưu và kế hoạch của Mỹ), ông Trọng đã thực hiện một cách ngoạn mục một hành vi tự diễn biến táo bạo, ông đã tự diễn biến hòa bình một cách sâu sắc. Và điều này, trái với nỗi lo sợ lâu nay của giới bảo thủ trong đảng, đã và sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho bản thân ông và cho cả dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề là : khả năng thay đổi của TBT chỉ dừng lại ở đó, hay ông còn có những hành động táo bạo khác ?

Ông TBT, cho đến lúc này, đã và đang ghi tên mình vào lịch sử như một kẻ độc tài. Danh hiệu này dù ông có muốn hay không thì tổ chức Phóng viên không biên giới cũng đã dành cho ông, tên ông và chân dung của ông đã được đặt bên cạnh những kẻ độc tài tàn bạo nhất của thế giới đương đại, và họ có đầy đủ bằng chứng để làm như vậy. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với vị trí đang có, ông cũng hoàn toàn có thể làm rạng danh tên tuổi của ông bằng cách đóng góp cho nhân dân thông qua các cải cách thể chế, các cải cách chính trị, nhằm đưa đất nước và dân tộc thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc và phát triển một cách xứng đáng. Nếu ông làm được như vậy, người dân Việt Nam sẽ đánh giá đúng công lao của ông, như người dân Nga đã đánh giá công lao của Gorbatchev.

 Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chọn điều gì ?

Ở thời điểm này, tất cả chỉ đều đang là câu hỏi.

Nhưng câu trả lời sẽ đến nhanh thôi. Và chẳng ai trả lời thay TBT được. Chính TBT sẽ cho chúng ta biết ông quyết định lựa chọn điều gì.

Cải cách chính trị ở Việt Nam có thực hiện được hay không, một phần phụ thuộc vào sự lựa chọn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp ông có thực quyền.

Trong trường hợp TBT không nắm thực quyền, cải cách chính trị ở Việt Nam sẽ phụ thuộc một phần quan trọng vào Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất tác động tới sự chuyển động của cơ chế chính trị để dẫn tới các cải cách căn bản, đó là : áp lực từ bên dưới của dân chúng, áp lực đòi cải cách của xã hội. Từ « xã hội » ở đây có nghĩa là : các cá nhân trong xã hội, nghĩa là tất cả mọi người. Nếu thiếu áp lực này, hoặc nếu áp lực này không đủ mạnh, thì bộ máy lãnh đạo hiện tại (vốn đã quá trì trệ, quá ì ạch, quá tham nhũng, với hệ hình tư duy lạc hậu, đồng thời lại quá tự mãn về những thắng lợi trong quá khứ, mất cảnh giác, thiếu khả năng đối diện với thực tế, với sự thật) sẽ không có đủ động lực để cải cách. Nếu mỗi người (cũng có nghĩa là mọi người) còn có lý do để chấp nhận cơ chế chính trị này, thì nó vẫn sẽ tồn tại, và đảng sẽ không có nhu cầu cải cách. Dĩ nhiên, vấn đề này cần được bàn kỹ hơn và thấu đáo hơn.

Paris, 29/2/2016

Nguyễn Thị Từ Huy