You are here

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không (VI)?

Giờ đây chúng ta đã có đủ thời gian và đủ cứ liệu thực tế để thấy rằng trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam, không tồn tại một cách tách bạch phe cải cách và phe bảo thủ, cũng không tồn tại một cách rõ ràng phe thân Tàu và phe thân Mỹ, như một số người nào đó cố tình ra sức làm cho chúng ta nhầm tưởng (cần phân biệt giữa một số - có thể là rất ít - những người cố tình tạo ra sự hiểu nhầm này, và số đông những người vô tình hiểu nhầm do thiếu thông tin).

Có lẽ sẽ dễ chấp nhận hơn nếu chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo cao cấp được nhìn từ góc độ : phe chính phủ và phe đảng (dựa trên cuộc đối đầu công khai một cách bí mật giữa người đứng đầu chính phủ và người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam), hoặc nếu dựa vào một tiêu chí khác thì có thể nói rằng có hai phe : phe ủng hộ tham nhũng và phe chống tham nhũng.

Sau đây là một vài dẫn chứng để chứng minh nhận định trên.

Xét trên tiêu chí « thân Trung », ta sẽ thấy : nếu phe đảng lệ thuộc vào Trung Quốc về phương diện tư tưởng, thì phe chính phủ lệ thuộc vào Trung Quốc về phương diện kinh tế. Sự lệ thuộc nào nguy hiểm hơn còn tùy vào quan điểm và đánh giá của mỗi người, dựa trên các phân tích và sự thừa nhận hay hình dung về hậu quả đã có và sẽ có.

Xét trên tiêu chí « thân Mỹ », ta sẽ thấy : phe chính phủ thân Mỹ bằng cách gả con cái cho người Mỹ gốc Việt. Ví dụ này được đưa ra dựa trên việc dư luận từng hết lời ca ngợi cuộc hôn nhân của con gái thủ tướng với một người Mỹ gốc Việt, như một phản ứng chống lại sự cáo buộc lẩm cẩm của ba vị giáo sư xã hội chủ nghĩa, đảng viên gộc ; phản ứng này mạnh đến mức khiến người ta quên mất rằng điều quan trọng nhất trong bức thư thanh minh của con gái thủ tướng là việc bà khẳng định rằng mình là đảng viên, với một thông điệp rõ ràng : bà là đảng viên nên sẽ không bao giờ phản bội đảng, các giáo sư và đảng cứ yên tâm mà tin tưởng ở bà. Ngoài ra còn có thể lấy những ví dụ khác : phe chính phủ đặt hàng cho các học giả Hoa Kỳ làm các nghiên cứu (tôi có thể đưa ví dụ trong lĩnh vực giáo dục) hay nhờ Tony Blair làm tư vấn. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu hay các tư vấn dường như không được áp dụng vào việc điều hành chính phủ, có thể vì thế mà khiến cho chính phủ đương nhiệm trở thành chính phủ bê bối nhất từ trước đến nay, và có thể khiến cho người ta nghĩ rằng, việc nhờ tư vấn hay đặt hàng nghiên cứu cũng chẳng qua chỉ là một cái cớ để kiếm chác, như mọi dự án ở Việt Nam. Về phía phe đảng, cũng có sự xúc tiến những bước tiếp cận với chính quyền Mỹ (Tổng bí thư công du Hoa Kỳ, vận động để quân đội và hải quân Việt Nam có thể mua vũ khí của Mỹ. Chúng ta cũng đừng quên rằng TBT là Bí thư Quân ủy Trung ương).

Xét trên tiêu chí « cải cách » thì có thể thấy : phe chính phủ của thủ tướng đương nhiệm gần như đã hủy hoại hết mọi thành tựu cải cách của các đời thủ tướng trước đó. Kinh tế Việt Nam trước đây có sự cân bằng trong hợp tác với Phương Tây và Trung Quốc. Và chính là nhờ hợp tác với Phương Tây, mà trong thời kỳ Đổi Mới, đã có lúc giới quan sát Phương Tây hy vọng rằng Việt Nam sẽ hóa rồng như Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Mười năm qua, rồng đã hoàn toàn bị làm cho gãy cánh. Dưới sự điều hành của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, kinh tế Việt Nam bị đẩy hẳn vào vòng kìm kẹp của Trung Quốc, tiềm ẩn vô số rủi ro và nguy cơ, do tham nhũng bị đẩy lên thành quốc nạn, và do các tiêu chí minh bạch về kinh tế không những bị vi phạm mà những khuất tất về tài chính còn bị biến thành bí mật quốc gia, nghĩa là các vi phạm tài chính sẽ được bảo vệ như là bí mật quốc gia. Kèm theo đó là nợ công chồng chất. Xin xem thêm bài báo của Phạm Chí Dũng, « Nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng vọt: Những quan chức nào ‘làm thuê’ cho Bắc Kinh? », để thấy rằng con số nhập siêu từ Trung Quốc năm 2015 tăng gấp 300 lần so với năm 2002.

Phe đảng cũng nỗ lực « cải cách chính trị » trong những năm qua bằng các thành tích đưa xã hội trở lại thời Nhân văn Giai phẩm với các vụ thanh trừng một cách có hệ thống, ở giới đại học (Nhã Thuyên), giới báo chí (Đỗ Hùng), giới luật sư (Nguyễn Đăng Trừng…). Ngoài ra dường như phe đảng còn định thiết lập lại cả hình thức tòa án nhân dân thời cải cách ruộng đất, đại diện là nhân vật nổi tiếng trong giới dư luận viên giang hồ : Trần Nhật Quang.

Vậy nên, sẽ không chính xác khi cho rằng có sự phân biệt tách bạch, rõ ràng giữa hai phe « thân Mỹ » và « thân Tàu », hoặc « cải cách » và « bảo thủ ». Tuy nhiên, cũng sẽ không chính xác nếu dựa vào việc TBT không tham nhũng và chủ trương chống tham nhũng để chia bộ máy lãnh đạo thành hai phe : chống tham nhũng và ủng hộ tham nhũng. Thực tế cho chúng ta thấy rằng nếu ngày hôm qua đa số lãnh đạo cao cấp ở Trung Ương đã ủng hộ người đứng đầu một chính phủ tham nhũng, thì cũng chính những lãnh đạo đó, trong một khoảng thời gian ngắn, có thể quay lưng lại với người mà mình đã từng ủng hộ. Như vậy, việc họ lựa chọn ủng hộ hay không ủng hộ một cá nhân nào đó trong bộ máy tham nhũng, không có nghĩa là họ muốn chống lại tham nhũng. (Nhân tiện xin mở một ngoặc đơn để nhắc lại rằng, nếu ở đại hội XII vừa rồi, họ lựa chọn ủng hộ Tổng bí thư, thì điều đó không đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục ủng hộ TBT một cách chung thủy. TBT và tất cả mọi người còn nhớ rằng đầu năm 2015, chính Thủ tướng mới là người được tín nhiệm gần như tuyệt đối. Chỉ trong vòng một năm thôi mọi thứ đều bị lật ngược. Hoặc cũng có thể nói, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ Hội nghị 13 đến Hội nghị 14, mọi thứ đã bị lật ngược. Do đó, điều khó hiểu trên sân khấu chính trị Việt Nam là : dân chúng không biết được các tiêu chí nào khiến cho các lãnh đạo được chọn, được tín nhiệm, và không biết được tiêu chí nào khiến cho các lãnh đạo bị loại bỏ). Vì thế, cho đến lúc này ở Việt Nam không tồn tại cái gọi là « phe chống tham nhũng ». Còn về sau như thế nào, thì chúng ta không thể nói trước được.

Thực ra, cũng không chính xác khi nhìn nhận rằng có phe đảng và phe chính phủ. Bởi vì tất cả những người giữ các vị trí cấp cao của chính phủ hiện nay đều phải là đảng viên, tức đều là người của đảng. Như vậy cái gọi là "phe" thực sự rất không có cơ sở.

Những phân tích trên đây nhằm đặt lại vấn đề về khái niệm « phe » trong hệ thống lãnh đạo Việt Nam. Cần thận trọng khi dùng từ «phe », bởi nó có thể không trùng hợp với thực tế. Có lẽ « nhóm lợi ích » là cụm từ chính xác hơn. « Phe » thường dùng để chỉ những liên kết mang tính ổn định, tương đối lâu dài. « Nhóm lợi ích » hình thành trong những điều kiện lợi ích nhất định, nên lỏng lẻo hơn, và có thể tan rã bất cứ lúc nào.

Bàn đến vấn đề « phe », bởi nó liên quan đến câu hỏi : Việt Nam có thể cải cách chính trị hay không ?

Nếu như đã không tồn tại phe cải cách và phe bảo thủ, không tồn tại phe thân Tàu và phe thân Mỹ…, thì công cuộc cải cách ở Việt Nam sẽ không phụ thuộc quá lớn vào việc nhân sự nào ra đi, nhân sự nào ở lại.

(Còn tiếp)

Paris, 18/2/2016

Nguyễn Thị Từ Huy