You are here

Thiết chế hội văn học trong thể chế toàn trị

Một vài trong số những câu hỏi mà tôi đang tìm cách trả lời là : Chế độ chính trị ở Việt Nam có phải là một chế độ toàn trị ? Nếu nó đúng là một thể chế toàn trị thì nó đang ở giai đoạn nào, so với những thể chế toàn trị đã được xem là cổ điển như nước Đức quốc xã thời Hitler và nước Nga thời Staline, hay thậm chí như chính Việt Nam thời cải cách ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm ?

Đại hội HNVVN khóa IX vừa qua đã cung cấp cho tôi các yếu tố cần thiết để nhận diện, và củng cố các giả thiết, mà tôi đang có, về hình thái xã hội của chúng ta. Đây chưa phải là lúc làm công việc lý thuyết hóa, nên tôi tạm bằng lòng dừng lại ở trạng thái mô tả và một vài nhận định bước đầu.

Một dấu hiệu đáng mừng là nhiều báo chính thống không che giấu sự thất vọng và giọng điệu chế giễu của họ đối với Đại hội nhà văn IX, một số tờ còn đăng những bài tương đối thẳng thắn như Tiền Phong, Petrotimes…

Tôi tổng hợp các thông tin trên báo chính thống, và một số thông tin được công bố trên các blog. Chỉ cần như vậy cũng đã có thể chỉ ra những gì có thể nhìn thấy. Sau đây là một số lưu ý về các thông tin đã được đăng tải :

-Trước khi diễn ra Đại hội Nhà văn IX, chiều 08/07/2015 diễn ra Hội nghị Đảng viên Hội Nhà văn Việt Nam, tại Hà Nội.

-Buổi sáng ngày 08/07/2015, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII đã tổ chức lễ dâng hương viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

-Hai ngày đầu tiên Đại hội họp kín, cấm chỉ tuyệt đối báo chí không được tham gia.

-Số hội viên được phép tham dự : 539. Số hội viên được giới thiệu vào Ban chấp hành : 404. Chọn 38 người để bầu 15 người. Kết quả : 6 người quá bán và được bầu làm Ban chấp hành mới của HNVVN. Hữu Thỉnh tiếp tục giữ chức Chủ tịch. 5 người còn lại trong BCH đều thuộc về ngành công an và quân đội, hoặc xuất thân từ công an và quân đội. Tất cả đều ở Hà Nội.

-Điều lệ mới bổ sung : hội viên không tham gia các tổ chức chưa được nhà nước cấp phép hoạt động.

- Ngày 11/7/2015, Đại hội bế mạc công khai với sự tham dự của Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;  Trần Đức Lương - nguyên UV BCT, Nguyên chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Lê Xuân Tùng - nguyên UV BCT, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đinh Thế Huynh- UV BCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo các đại hội toàn quốc và đại diện lãnh đạo cấp cao của các Ban, Bộ trung ương.

Miễn bình luận cụ thể các chi tiết trên. Ở đây tôi chỉ nói một điểm, liên quan đến HNVVN trong tư cách là một thiết chế.

Theo những gì được tường thuật thì Đại hội HNVVN rất ít bàn về văn học, nhưng chủ yếu dành thời gian cho việc bầu bán các «ghế ». Điều đó chẳng có gì khó hiểu, vì thực chất HNVVN là một thiết chế kép : nó vừa là một thiết chế công cụ vừa là một thiết chế quyền lực. Vì thế việc bầu bán là vấn đề trung tâm của Đại hội. Văn học là thứ sẽ bị chỉ đạo, bị kìm kẹp, bị uốn nắn đến nơi đến chốn, như những gì mà nhóm Mở Miệng và Nhã Thuyên đã phải trải qua.

Một mặt HNVVN là công cụ của đảng. Dĩ nhiên, điều này được Đại hội IX tái khẳng định bởi các nghi thức chính trị được tiến hành trước Đại hội (Hội nghị đảng viên, viếng lăng chủ tịch Hồ Chí Minh…) ; đồng thời được khẳng định bởi sự có mặt của các cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, của Bí thư Trung Ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương, Trưởng ban chỉ đạo các đại hội toàn quốc. Kết quả bầu bán dĩ nhiên không thể nào nằm ngoài chỉ đạo của Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Trung Ương. Hoàn toàn tương tự như việc gạch tên 9 nhà văn tham gia Văn đoàn độc lập là kết quả không thể nằm ngoài chỉ đạo của Hữu Thỉnh. Danh sách BCH khóa IX phải được Ban Tuyên giáo Trung Ương ưng thuận, không thể trái ý BTG được. Những người dám trái ý đảng, như Nguyên Ngọc, đã phải rời khỏi chức vụ từ lâu. Về bản chất, HNVVN hoạt động theo chỉ đạo của đảng, nghĩa là nó hoạt động với tư cách là công cụ của đảng.

Mặt khác HNVVN là một thiết chế quyền lực, nó có quyền sinh quyền sát đối với văn học và những người làm văn học. Và dĩ nhiên, những người đứng ở vị trí lãnh đạo Hội nắm trọn quyền lực này, đồng thời quyền lực cũng được phân chia tới các lãnh đạo hội địa phương.

Tuy nhiên, kết quả bầu Ban Chấp hành của Đại hội IX lần này cho thấy đảng đã quyết định rằng, từ nay quyền lực của Hội nhà văn Việt Nam sẽ được tập trung vào tay công an và quân đội, và sẽ tập trung ở đầu não thủ đô Hà Nội. Ban chấp hành HNVVN khóa IX tuyệt đại bộ phận là các hội viên ở Hà Nội, và tuyệt đại bộ phận là các hội viên đã và đang làm việc trong ngành công an và quân đội

Điều này có nghĩa gì ? Có nghĩa là dạng thức tập trung hóa quyền lực ở HNVVN phản ánh quá trình tập trung hóa quyền lực của thiết chế chính trị Việt Nam thời kỳ này, đồng thời phản ánh quá trình tăng cường quyền lực cho bộ máy công an và quân đội. Vai trò của công an trong bộ máy toàn trị đã được đề cập đến nhiều. Có lẽ yếu tố mới ở Việt Nam là vai trò của quân đội.

Chúng ta vẫn còn chưa quên việc Quốc hội cương quyết đưa vào Hiến pháp 2013 quy định mới rằng quân đội phải phục vụ Đảng, điều chưa hề tồn tại trong bất kỳ Hiến pháp nào trước đó của Việt Nam. Logic là : vì quân đội phải phục vụ đảng nên phải tăng quyền lực cho quân đội, và đồng thời, vì quân đội phục vụ đảng nên quân đội sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát, dĩ nhiên, như ta thấy, mở rộng kiểm soát ra đến cả lĩnh vực văn học.

Vì thế, quan sát Đại hội Nhà văn IX sẽ có thể nhìn thấy được phần nào Đại hội Đảng năm 2016.

Điều cần phải nghiên cứu cẩn thận là : tại sao trong một không khí bưng bít, bóp nghẹt như vậy, kết quả bầu bán hài lòng đảng như vậy, đúng chủ trương đường lối như vậy, mà các hội viên HNVVN vẫn cảm thấy mình tự do và cảm thấy đại hội diễn ra một cách dân chủ, ít ra thì đó là nội dung của những phát ngôn công khai của họ ?

Ở đây có thể đưa ra hai giả thiết : 1/ Trong hai ngày đầu tiên họp kín của Đại hội (báo chí bị tuyệt đối cấm chỉ), các hội viên đã được chỉ đạo cần phải phát ngôn ra ngoài như thế nào cho hợp ý đảng và lòng Ban Tuyên giáo. 2/ Đối với các hội viên HNVVN, dân chủ và tự do chính là những gì đã diễn ra trong thực tế của Đại hội, nghĩa là cung cách thực thi quyền lực của thiết chế HNVVN phù hợp với quan niệm của họ về tự do và dân chủ, và kết quả bầu bán đúng với sự lựa chọn của họ, nghĩa là sự lựa chọn của họ phù hợp với sự lựa chọn của đảng và chính quyền ?

Dù là giả thiết nào đi nữa, thì thái độ, phản ứng và hành xử của các hội viên HNVVN có mặt trong Đại hội IX cũng cho thấy tình trạng toàn trị của xã hội Việt Nam đã đi đến một giai đoạn đặc thù, mà tôi sẽ phân tích cụ thể vào một dịp khác.

Paris, 19/7/2015

Nguyễn Thị Từ Huy

 

Bài bình luận

Bản chất việc sáng tạo văn hoc là do đông lực và tài năng cá nhân. Vấn đề đặt ra là các nhà văn cần các thứ "Hôi" để làm gì, cho dù đó là Hội quốc doanh hay hội tự do? Nếu Hôi đúng nghĩa chỉ để một vài năm được gặp nhau giao lưu... thì chẳng noi làm gi. Nếu bản chất HNV VN là công cụ kiểm soát tư tưởng& kiểm duyệt sản phẩm tư tưởng của các nhà văn thì sao các nhà văn cứ tự nguyện (và vất vả phấn đấu để được) gia nhập? Thời bao cấp thì có thể hiểu được, còn ngày nay khi mà nhà văn không cần quota in thì tác phẩm vẫn được xuất bản qua mạng, thì động lực gia nhập hay còn duy trì là thành viên HNV là điều cần xem xét. Nếu gia nhập một Hội chỉ vì cái danh hay cái lơi hay cả danh-lơi trọn đôi bề, thì cái lòng tham là động lực. Khi đã vào hội đấy rồi thì mỗi hôi viên ấy sẽ vì lợi ích cá nhân mà canh tranh theo lưc hấp dẫn của quyền lực. Những kẻ ấy, dù có chút năng lực sử dụng ngôn từ, khả năng quan sát và trí tưởng tượng (nhưng chưa chắc đã dám phản ánh chân thực hiện thực), khi đã để lòng tham dẫn dắt hành động thì đó còn là nhà văn đúng nghĩa? Và trong một tập thể người cùng như thế thì viêc họ bỏ phiếu có chỉ đạo là chuyện chẳng có gì để ngạc nhiên. Và như vậy thì cái hội như thế chỉ là tập hợp của những suy đồi/biến thái tư tưởng mà thôi. http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoc-lam-ky-vong-nhieu-that-vong-20150720224313291.htm