You are here

Chiếc bình phù thủy.

Ảnh của canhco

Có rất nhiều người ghét cá nhân ông Phùng Quang Thanh, Đại tướng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Ghét khi thấy ông ngày càng rơi sâu vào vòng tay Trung Quốc. Ông Phùng tỏ ra không muốn che dấu lòng trung thành của mình đối với phương Bắc và lòng trung thành ấy cứ có dịp là khoe ra như sợ để trong lòng sẽ bị ức chế mà sinh bệnh.

Nhưng tôi lại cố lắng lòng để tìm ra một hướng khác, khả dĩ có thể biện minh cho những cáo buộc mà dư luận luôn ném vào ông với những lời lẽ nặng nề nhất. Dù gì thì ông cũng là một Bộ trưởng Quốc phòng, nơi từng đào tạo, chỉ huy, và chiến đấu với cả ba lực lượng hùng hậu của thế giới: hết Tây tới Mỹ và cả Tàu nữa.

Tôi cố hình dung cho bằng được hình ảnh tiều tụy của ông sau mỗi lần nhận trách nhiệm của Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương, gặp và trao đổi, ký kết gì đấy với Trung Quốc. Ông suy sụp, hay ít ra ông sẽ tìm cách nói những lời chung chung như phụ tá của ông là tướng Nguyễn Chí Vịnh, người cũng song hành từng bước gặp Tàu với ông nhưng lời lẽ tuyên bố khác xa ông. Ông Vịnh khôn khéo đến quỷ quyệt, không ai có thể bắt nọn và nhất là bẻ câu chữ của ông ta vào con đường mà Bắc Kinh vẽ ra.

Ông có vẻ vô tư hơn ông Vịnh nên mọi tuyên bố của ông gặp ngay phản ứng, mà phản ứng lớn chứ không nhỏ từ dư luận. Vấp mồm hay chủ đích đều dại dột. Tôi nghĩ ông dại dột chứ không đến nỗi nào phản quốc một cách lộ liễu đến như thế.

Tại hội nghị của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết, ngày 29 tháng 12 năm 2014 trong tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng ông đã tâm tình rằng: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”.

Như hàng triệu người khác, ban đầu tôi ngạc nhiên, sau đó là nổi giận, khinh bỉ lẫn tuyệt vọng cho cái quân đội mang tiếng của nhân dân này. Vài tháng sau mới lắng lòng xuống, một mình âm thầm tự phân tích tại sao ông nói câu nói ấy giữa lúc Trung Quốc không một chút ngại ngần lấn chiếm từng phần đất của tổ quốc.

Ban đầu tôi cho là ông sợ chiến tranh. Chiến tranh tang tóc và nguy hại cho đất nước như Việt Nam từng kinh qua trong ngần ấy năm đã làm kiệt quệ con người lẫn tài nguyên không dễ gì tái tạo. Ông phát biểu trong suy nghĩ ấy, suy nghĩ của một người dân bình thường, của một công dân từng bị chiến tranh tàn phá và từ đó nghe tới chiến tranh là sợ hãi như chim sợ cành cong. Con người trong ông đã nói thật và tôi thông cảm trăm phần cho cái tính người bình thường ấy.

Nhưng khổ, tôi lại khó chống cự lại ý tưởng rằng ngoài một con người bình thường ra ông là một người lính, mà không phải một người lính bình thường. Lính hơn cả lính. Ông có quyền ra lệnh xử bắn bất cứ anh lính nào vì cái bản ngã của con người để khi xung trận lại thụt lui trước kẻ thù. Dưới tay ông không biết bao nhiêu tướng tá ông cần làm gương để chỉ huy. Ông không thể nói với họ rằng quân đội ta yếu nên phải hy sinh, phải thụt lui để giữ hòa bình cho đất nước.

Hòa bình không thể có khi quân đội cúi đầu trước ngoại bang, nhất là khi quân đội nước ấy được người lãnh đạo cao nhất quỵ lụy bằng thứ ngôn ngữ của kẻ bại trận.

Tôi lại theo một hướng khác suy cùng nghĩ cạn cho ông. Hay là ông đang đóng vai Hàn Tín luồn trôn giữa chợ cho một kế sách nào đó mà Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu ông phải đóng tròn vai của một người em đối với thằng anh to xác?

Lại nghĩ, không đâu, làm sao buộc được ông vào cái vai quá khó này. Ông không thể là thánh để chịu nhục cho hàng trăm kẻ đang ngồi trong Bộ chính trị hưởng lợi. Làm sao, người nào có khả năng giải thích trước lịch sử về cái mà ông đang làm và lời mà ông đang nói? Họ chỉ có thể đẩy ông thêm vào ô nhục nếu có biến động xảy ra mà thôi. Với tư thế lớn nhất trong quân đội như vậy không lẽ tâm thức ông không đủ trưởng thành để biết rằng lời nói ấy là biểu hiện sự yếu đuối đến thảm hại. Không những yếu đuối nó còn gửi một thông điệp cho Trung Quốc biết rằng: Hãy an lòng tấn công, chúng tôi sẽ không phản ứng.

Tôi thấy có gì đấy giống giống như Trọng Thủy.

Mà ngày nay thì Trọng Thủy không thiếu tại Việt Nam. Chúng tôi tập sống chung với chúng như sống chung với lũ. Chúng cười nói xênh xang trong các hội nghị. Chúng ẩn mình thật sâu trong những cung điện được che chắn bằng các cụm từ đẹp đẽ. Lịch sử đang lập lại và người Việt chờ xem số phận đất nước sẽ bi đát tới đâu. Chúng tôi chờ Trong Thủy lộ mặt như chờ sự thật đắng cay đang bao trùm đất nước này. Và không lẽ gã họ Trọng lớn nhất lại là ông?

Tôi cũng không tin vào sự diễn giải này. Ông không đủ khả năng và tư cách để làm một TrongThủy vì dù sao thì Trọng Thũy cũng từng một lúc yêu Mỵ Châu thật tình. Còn ông, ông có yêu ai ở cái cung đình này không thưa ông?

Trung Quốc vẫn sừng sững ở Biển Đông. Vẫn sừng sững và uy nghi kéo dàn khoan vào Việt Nam. Vẫn hùng dũng rượt đuổi ngư dân Việt Nam chạy dài ra khỏi vùng biển mà Việt Nam từng có thời làm chủ. Trung Quốc vẫn lẫm liệt tuyên bố cấm đánh bắt cá như hàng năm họ vẫn làm và đổi lại những hùng dũng, những sừng sững, những uy nghi lẫm liệt ấy là một chiếc bình con con mang tặng cho ông Bộ trưởng Quốc Phòng trong ngày hai nước bắt tay nhau đậm tình đồng chí tại biên giới phía Bắc vào ngày 15 tháng 5 vừa rồi.

Tính chất phủ thủy không thiếu trong chiếc bình con con này bởi nó chứa trọn cả Biển Đông trong đấy.

Ông ôm chiếc bình trong tay với đôi mắt rưng rưng xúc cảm. Tôi cố nghĩ rằng ông xúc cảm không vì chiếc bình mà xúc cảm cho thân phận của mình. Sự hy sinh to lớn của một người lính trước táo tợn của quân thù làm sao không xúc cảm cho được. Có khi báo chí không chụp được những giọt nước mắt mà ông cố nuốt vào trong cũng như những điều đang xảy ra chắc gì mọi người biết hết?

Nhưng khổ nỗi tôi lại nhớ tới câu ông từng nói trước đây: “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng”.

Theo dõi kỹ những phát biểu của ông không phải vì thù ghét nhưng muốn tìm cho ra chân lý tại sao một Bộ trưởng Quốc phòng lại có những ý tưởng của loài bò sát như vậy. Va chạm căng thẳng kiểu gì mà giặc ngoài biển lộng hành còn tướng trong đất liền thì ôm hôn kẻ gây hấn một cách thắm thiết hơn cả Trọng Thủy hôn Mỵ Châu trước khi ăn cắp nỏ thần?

Rồi tôi lại cố nghĩ theo hướng khác: nào phải mình ông ủng hộ tất cả những chính sách mà Đảng đang theo. Hầu hết Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương đều cách này hay cách khác có cùng nguyện vọng như ông nhưng họ khôn ngoan hơn ông nên không lộ liễu quá. Do kém thông minh ông trở thành ngọn giáo, tự nguyện tìm cách cắm sâu vào yết hầu đất nước.

Khi người dân hèn với chính quyền thì tự do, công lý của họ sẽ mất.  Khi chính quyền hèn với giặc thì chắc chắn nước sẽ mất mà nhà cũng tan theo.

Và chắc gì chức Tổng bí thư sắp tới ông nắm được lâu khi bàn cờ Biển Đông vừa được kẻ thù cũ của ông xóa đi đánh lại với người tình Trung Quốc?

Bài bình luận

Nghĩ cũng thương cho Đại tướng Thanh chỉ vì có bộ mặt nọng như heo nên ai cũng nghĩ bác ăn phải cám của tàu. Nhưng ngài cũng hy sinh cho đảng và đất nước đấy chứ. Trong bộ chính trị có ai mà ngửi đít tàu mà dám nói là thối đâu. Cái nghề luồn trôn ngửi đít cũng muôn vàn khổ nhục đấy chứ. Phải làm được như vậy thì các đồng chí lãnh đạo mới vào bộ chính trị được chứ. Chứ dễ làm thì cả nước vào bộ chính trị hết còn gì. Thành ra tuy bề ngoài mập mạp như Đại Tướng nhưng bên trong thì chắc cũng gầy héo vì đất nước đấy. Nghĩ cũng thương Đại Tướng.. Nhân dân